Mùa Xuân năm 1999, lần đầu tiên đặt chân tới Hà Nội, tôi đã bị thành phố này “mê hoặc” ngay. Hà Nội khác biệt với những thành phố châu Á khác mà tôi đã từng đặt chân qua. Hà Nội của các bạn vẫn bảo tồn được khá nhiều đường nét của một thành phố châu Á cổ truyền, trong khi ở nơi này nơi khác những “dấu tích” đó đã ít nhiều mất đi. Có hai khía cạnh về văn hóa Hà Nội. Đó là kiến trúc/di sản lịch sử của các đình chùa và các công trình công cộng, hàng trăm những căn nhà cổ. Hiện nay, tôi biết rằng, người dân sống ở những căn nhà cổ này không dễ dàng gì vì hiện trạng nhiều ngôi nhà đã xuống cấp. Nhưng, tôi hy vọng khi nhà cổ được đầu tư sửa chữa thích đáng, tình hình sẽ thay đổi. Khía cạnh thứ 2 của văn hóa Hà Nội chính là “đời sống” của Hà Nội. Hà Nội rất độc đáo với các quán cà phê nhà hàng, bia hơi, quầy hàng thương mại… nằm ở phía trước của các căn nhà ống. Và những gánh hàng rong – quầy “thương mại di động” cũng ra nét riêng có của Hà Nội…
Ảnh minh họa |
Những nét đặc sắc của Hà Nội cùng với bề dày lịch sử phía sau đã làm nên nguồn cảm hứng kỳ diệu giúp tôi viết nên cuốn đầu tay “Độc đáo Hà Nội”. Và rồi, biết rằng một thế kỷ mới đang tới với Hà Nội, tôi lại bắt tay ngay vào viết cuốn sách thứ 2. Nói vậy để các bạn hiểu rằng, tôi yêu Hà Nội nhiều đến mức nào.
Cái Tết đầu tiên của tôi ở Hà Nội là vào mùa đông năm 2004. Cái cảm giác được nhìn ngắm những cửa hàng trên phố hàng Lược, hàng Mã cho tới khi chúng được đóng cửa vào buổi chiều cuối cùng của năm cũ thật thú vị. Tôi đã đi loanh quanh qua nhiều phố phường, và rồi về lại khách sạn, leo lên tầng cao để ngắm pháo hoa. Tất nhiên, với một người nước ngoài, vào thời khắc đó cũng ít nhiều cảm thấy cô đơn. Bởi vì xung quanh tôi, mọi người hầu như đã trở về với gia đình của mình….
Hà Nội những ngày Tết làm tôi thực sự thích thú bởi sự “sụt giảm” đáng kể của lưu lượng xe cộ, các đám đông cũng không còn ngoại trừ ở hồ Hoàn Kiếm và những khu vực đền, chùa lớn như Đền Ngọc Sơn, Đền Quán Thánh, chùa Quán Sứ… Tôi cũng đã có những phút giây vời khi được xem các tiết mục xiếc và biểu diễn văn hóa xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Mùng 5 Tết, tôi đi thưởng hội ở gò Đống Đa và sau đó thì phiêu bạt sang Cổ Loa. Từ các Tết đầu tiên, những năm gần đây, tôi đã trở lại Hà Nội để ăn Tết, lần nữa và lại… lần nữa. Điều tôi thích nhất khi ăn Tết ở Hà Nội chính là không khí và tinh thần của người Việt. Mọi người đều hạnh phúc và tràn ngập những ý nghĩ tích cực và lạc quan về một năm mới phía trước. Tết ở Việt Nam là một sự kiện “phức tạp” và “đa nghĩa” hơn là dịp đón năm mới ở phương Tây. Tết Việt Nam có nhiều ngày hơn, có nhiều sự kiện, nhiều phong tục truyền thống hơn. Giá trị của Tết không phải là ở “mâm cao cỗ đầy” mà chính là ở sự làm mới chính mình. Dịp Tết mọi người cùng “làm mới” quan hệ trong gia đình, họ hàng, bạn bè, giữa con người với thần linh, tiên tổ.
Bởi vì Tết thực sự là sự kiện của mỗi gia đình, và theo phong tục của Việt Nam, mỗi khi các gia đình có sự kiện thì người phụ nữ luôn giữ vai trò chính. Do đó, người phụ nữ Việt Nam, theo tôi cũng giữ một vai trò rất quan trọng trong dịp lễ Tết. Họ chính là những người đi chợ, nấu những món ăn đầy hương vị Tết với bánh chưng, chân giò, lợn, gà, giò, hành muối… Cũng chính họ là người đến chùa xin hóa giải những gì không may mắn của năm cũ và cầu chúc may mắn sẽ đến với gia đình, cộng đồng của mình trong năm mới. Bạn có thể thấy bóng dáng những người đàn ông “ghé” vào bếp hay hộ tống chị em đi chùa, dù có như vậy thì trong trường hợp này, anh em cũng chỉ là… nhân vật phụ, làm theo “mệnh lệnh” của những người phụ nữ mà thôi.
Mảnh đất mà người Hà Nội đang sống là mảnh đất giàu văn hóa Việt. Nền văn hóa này vẫn sẽ luôn tồn tại cho dù những thứ khác có thể bị mất, bị lãng quên, bị phá hủy… Tết còn là lễ hội của quốc gia được làm nên bởi chính những con người Việt Nam, giữa từng cá nhân và dân tộc của họ.