Đáp: Hãy ứng dụng Thiền vào cuộc sống!
Trong bài viết này, tôi không muốn định nghĩa thêm về Thiền bởi vì Thiền vốn đã quá quen thuộc với chúng ta qua kinh sách. Điều mà tôi muốn nói ở đây, tâm mới chính là phần quan trọng nhất. Như vậy, cốt tủy của Thiền là chỉ thẳng vào tâm, nếu chúng ta biết chế phục tâm không để vương phải việc đúng sai, thương ghét, vui buồn … Được vậy, tâm luôn tỏa sáng và lặng lẽ, bồng bềnh như mây nổi, tự tại đến đi mà chẳng chút ưu phiền.
Thông thường chúng ta hay quan niệm rằng cuộc sống gia đình, công sở, cửa hàng, thành thị, phố xá đông vui, người qua kẻ lại bụi bặm ồn ào, đã làm cho ta cảm thấy khó chịu và mọi thứ bỗng trở nên ngột ngạt khó thở. Thế là, ta chạy bay vào chùa hay tìm đến một cánh đồng yên tĩnh nào đó ở ngoại ô thành phố. Điều ấy thật thú vị, nhưng nó chỉ có tính giải quyết tạm thời, đôi khi sự yên tĩnh ấy sẽ tạo nên một ốc đảo cho mình, để rồi thờ ơ cả việc làm ở công sở, gia đình. Thế là ông chủ công ty bực tức vì sự bê trễ của mình, cô vợ ở nhà lại cằn nhằn, con cái sẽ lo sợ tránh né bởi vì sự mẫu mực nghiêm khắc của bố, những người hàng xóm tốt bụng ngày nào giờ đây chẳng còn mấy thiện cảm khi thấy mình bỗng dưng ít nói, ít cười. Đưa đến hệ quả là nhà cửa ưu buồn, mọi người xa lánh. Tu như vậy là sai với giáo lý Phật dạy.
Thiền trong cuộc sống đời thường là thế nào? Là khi chúng ta làm một việc gì, thì ta chỉ biết có việc đó mà thôi, và trong suốt quá trình thực hiện công việc ấy, ta chẳng để bất cứ một niệm nhỏ nào khác xen vào. Tập trung vào một việc sẽ cho ta sự sáng suốt và khi đã định hướng rõ ràng công việc cần làm, ta thực hiện bằng một thái độ dứt khoát, chắc chắn sẽ mang đến sự chính xác, thao tác nhuần nhuyễn, đưa đến kết quả tốt đẹp.
Nga Sơn là học trò giỏi cuối đời của Thiền sư Bạch Ẩn. Diệu dụng cao vút, chấn hưng mạnh mẽ tông phong của thầy mình. Sau này tuổi về già, một hôm Thiền sư ra sân đóng sửa lại chiếc giường cũ của mình. Có vị Phật tử viếng chùa lấy làm lạ hỏi: Thiền sư có nhiều đệ tử đến thế, việc lặt vặt này vì sao phải đích thân sửa chữa? Thiền sư Nga Sơn nói: Việc lặt vặt người già không làm thì muốn làm cái gì? Phật tử thưa: Người già nên tu hành. Thiền sư Nga Sơn hỏi ngược lại: Ông cho xử lý việc vặt vãnh như thế là không tu hành sao? Đức Phật còn xỏ kim, nấu thuốc cho đệ tử, ông nghĩ sao? Cuối cùng người ta mới hiểu rõ Thiền là trong mọi sinh hoạt.
Thông thường người ta hay đem việc bái sám, tọa thiền và công việc lao tác phân đôi. Tu thì không làm, mà làm việc thì bận rộn còn thời gian đâu nữa để tu. Nhà thiền dạy, phải tu ngay khi đang làm việc. Như đã nói, tu Thiền là sáng suốt lặng lẽ không để niệm tưởng xen vào, Phật khi xưa đã thành Chánh giác mà vẫn làm những công việc bình thường như bao người. Cho nên, quét nhà, bửa củi, nấu ăn,châm trà, uống nước… mà lúc nào cũng tỉnh giác. Như thế, ta làm được vô số công việc mà vẫn an ổn tu hành. Khi xưa, Thiền sư Hoàng Bá thường hay khai ruộng gieo lúa. Thiền sư Quy Sơn thì làm tương hái trà. Thiền sư Thạch Sương ra công xay lúa sàng gạo. Thiền sư Lâm Tế thì trồng tùng cuốc đất…
Điều đó, cho thấy chư tôn thiền đức xưa vẫn ứng dụng và dạy bảo mọi người nên hàm dưỡng công phu trong khi lao động hàng ngày. Như đã nói ta tu trong mọi sinh hoạt, với công việc cần làm, thì làm ngay. Lúc ấy sẽ không bảo rằng: Giờ này dành để cho công phu bái sám, tọa thiền… Một khi đã không lầm giả chân hư ngụy, sống rực rỡ trong trí tuệ Bát nhã thì hành giả ấy đã tinh tấn bái sám rồi vậy. Có khi vì tùy duyên mà quý ngài luôn bận rộn với công việc nên chẳng thấy tu hành gì. Điều ấy, nếu chấp trên sự tướng, mọi người sẽ lầm lẫn lớn khi nhận định về một người tu chơn chánh.
Thiền sư Nguyệt Thiền được mệnh danh là thần họa, khi đứng trước tác phẩm của ngài, mọi người đều ngẩn ngơ như lạc vào thế giới nghệ thuật đầy chất liệu thiền vị. Hôm ấy, có một kỹ nữ nghe đồn rằng thiền sư là một kỳ tài trong ngành hội họa, và một điều đã làm cho cô cảm thấy khó chịu, vì tiền thù lao cho một tác phẩm với giá rất cao. Như có ý muốn làm nhục Thiền sư họa sĩ, cô kỹ nữ này đã đặt Thiền sư vẽ trên một chiếc củng của phụ nữ. Thiền sư đồng ý với giá thỏa thuận. Rồi sau đó bình thản di chuyển nét cọ để thực hiện một tuyệt tác. Cô kỹ nữ trả tiền nhưng không ngớt lời miệt thị. Thiền sư vẫn lặng yên trước những lời thóa mạ mà chẳng chút nao lòng.
Năm ấy, thiên tai bão lụt tàn phá xóm làng, mọi người đói lạnh, các nhà hào phú lại lơ là trong việc cứu trợ, tử thần như đe dọa mạng sống mọi người trong làng. Gặp lúc hoạn nạn, thiền sư đem tiền vẽ đã được tích lũy bấy lâu ra mua gạo cứu đói cho dân. Qua sự việc trên ta thấy được công phu tu hành đã đạt đến tự tại của một hành giả, với những lời miệt thị đã không làm bận lòng, tiền tài không thể nhơ tánh giác và khi cần thì ngài sẵn sàng bố thí tất cả. Đó là ngài đã thực hành Thiền một cách trọn vẹn rồi vậy.
Thiền được ứng dụng trong tất cả, cho nên ở mọi giới, mọi ngành đều có thể dung nạp được Thiền. Chúng ta đã từng thưởng thức những pha tranh tài ngoạn mục của các vận động viên thể thao như: múa kiếm, bắn cung, đô vật… Trong thi đấu họ đã tập trung đến cao độ, những cử động có khi thật nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng một khi đã xuất chiêu thì nhanh như làn chớp giật, vũ bão và mạnh mẽ như một trận cuồng phong. Họ đã biết ứng dụng Thiền.
Có một vị học Tăng đến tham vấn với Thiền sư Thiết Chu và yêu cầu Thiền sư giảng Lâm Tế ngữ lục. Thiền sư Thiết Chu nói: Ông đã chọn lầm người, theo tôi nghĩ nếu muốn nghe Lâm Tế ngữ lục, tốt nhất ông nên tìm đến Thiền sư Hồng Xuyên chùa Viên Giác.
Học Tăng thưa: Không, con đã nghe qua sự giảng thuật của Thiền sư Hồng Xuyên rồi nhưng con không có duyên lãnh hội, con nghe nói thầy là đệ tử chân truyền của Thiền sư Trích Thủy, chùa Thiên Long. Con thật sự muốn nghe thầy giảng dạy. Thiền sư Thiết Chu đôi ba phen từ chối mà chẳng được, đành dẫn ông Tăng này đến sân tập võ, rồi cùng nhau luyện võ. Tập cho đến lúc hai người mồ hôi ra nhễ nhại như mưa mới dừng. Sau đó, Thiền sư Thiết Chu liền dẫn học
Tăng trở về pháp đường như trước, vừa lau mồ hôi vừa mỉm cười nói:
Thế nào, ta giảng Lâm Tế ngữ lục có hay không?
Học Tăng kinh ngạc hỏi: Thầy chỉ một bề luyện võ đâu từng giảng qua Lâm Tế ngữ lục? Bây giờ thầy hỏi câu này, con không biết trả lời thế nào mới phải.
Thiền sư Thiết Chu nói: Ta đã chẳng giảng Lâm Tế ngữ lục đó sao?
Học Tăng hỏi: Thiền sư! Lâm Tế ngữ lục của thầy chẳng lẽ là mấy bộ kiếm phổ đó sao? Thiền sư Thiết Chu nói: Ta là kiếm khách, cho nên ta chỉ một bề đề xướng Kiếm đạo, tuy ta theo Thiền sư học Thiền nhưng không muốn học hành vi của thiền giả thông thường. Trước hết phải biết Lâm Tế ngữ lục chẳng phải để bàn suông trên giấy, lại không phải từ ngôn ngữ miệng lưỡi mà có thể hiểu được. Ngay cả sự giảng dạy của Thiền sư Trích Thủy thầy ta, còn không theo học, vì ta không muốn làm ống truyền thanh. Học Tăng không đồng ý nói: Theo cách nói của Thiền sư thì lịch đại Tổ sư truyền pháp truyền tâm là ống truyền thanh hết sao?
Thiền sư Thiết Chu nói: Truyền pháp truyền tâm là truyền pháp truyền tâm, còn ống truyền thanh là ống truyền thanh.
Qua giai thoại trên, cho thấy chúng ta tu là y cứ nơi tâm, gạn sạch những cấu nhiễm, tâm đã thanh tịnh không nhiễm ô, thì tất cả hành động đều được lưu xuất từ sự thanh tịnh ấy. Nếu đặt nặng trên danh từ chữ nghĩa, Thiền sư nói sao, ta nói như vậy mà không chịu chiêm nghiệm để thực hành. Công việc ấy xem tưởng chừng rất đúng, nhưng xét lại có khác nào chiếc máy cassette hay loa phóng thanh. Thiền là thực hành trong công việc, là chỉ thẳng vào tâm, nên không thông qua văn tự chữ nghĩa, cũng vì việc ấy mà đôi khi người ta xem Thiền như cái gì đó khó nắm bắt.
Một hôm ngài Vương Thường Thị đến hỏi ngài Lâm Tế:
– Cả Tăng đường có xem kinh chăng?
Lâm Tế đáp: Chẳng xem kinh.
Hỏi: Có học Thiền chăng?
Đáp: Chẳng học Thiền.
Hỏi: Không xem kinh cũng chẳng học Thiền, cuối cùng làm việc gì?
Đáp: Thảy dạy họ làm Phật làm Tổ.
Tất cả chúng ta đều bị vọng tưởng bao đời che lấp, thế nên chư Phật và lịch đại Tổ sư đã từ bi dẫn dụ ra nhiều phương cách. Nào là phải học Thiền, rồi lại bái sám, xem kinh… nhằm giúp cho chúng ta tìm lại sự an tĩnh thân tâm, nhận lại tánh giác sẵn có nơi mình.
Giờ đây, trong mọi sinh hoạt đời sống mà tâm của ta luôn yên tĩnh, sáng suốt. Không còn hệ lụy trước bao thăng trầm, thuận nghịch của cuộc đời. Sáu căn tinh anh tiếp xúc với sáu trần lúc nào cũng tỉnh sáng, chẳng để vọng thức che mờ. Thử hỏi, công phu ấy có cần chữ nghĩa gì không? Có cần thưa hỏi với ai không? Ta tự tại tu hành mà không bị hình tướng trói buộc, việc chính yếu vẫn là gạn lọc những cấu nhiễm nơi tâm. Đứng trước một hoàn cảnh thuận lợi hay có khi gặp phải điều trái ý nghịch lòng, mà ta lúc nào cũng tùy thuận, tùy duyên. Điều quan trọng nhất vẫn là việc làm chủ lấy mình, không tự đánh mất chính mình. Đó là, ta đã hàm dưỡng công phu tu hành trong đời sống thường nhật của một Phật tử tại gia một cách tinh tấn rồi vậy.