Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Một Cột – dấu ấn văn hóa Phật giáo độc đáo...

Chùa Một Cột – dấu ấn văn hóa Phật giáo độc đáo đất Thăng Long

2713

Chùa Một Cột còn có tên là Diên Hựu hay Liên Hoa đài. Xưa kia, chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây Hoàng thành Thăng Long thời Lý, nay thuộc phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội.


Hiện tại, có khá nhiều nguồn sử liệu khác nhau về thời điểm khởi dựng chùa. Chính sử ghi, chùa Một Cột được Vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông tháng mười (âm lịch) năm Kỷ Sửu 1049, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ nhất. Vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho các quần thần nghe. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua dựng một ngôi chùa trên cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu mang dáng bông sen nở nên gọi là “Liên Hoa đài”, trong chùa tạc pho tượng Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen như nhà vua đã gặp trong mộng. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa tụng kinh, niệm Phật cầu chúc cho vua sống lâu nên gọi là chùa Diên Hựu.

 

Tuy nhiên, theo cuốn “Hà Nội-di tích lịch sử và danh thắng”, nhóm các nhà sử học Đinh Xuân Lâm, Doãn Đoan Trinh, Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân, Nguyễn Thanh Mai, Đàm Tái Hưng tiến hành nghiên cứu văn bia dựng tại chùa năm Cảnh Trị thứ ba (1665) đời vua Lê Huyền Tông do Tỳ khưu Lê Tất Đạt khắc ghi, thì thấy rằng: tại vị trí chùa Một Cột ngày nay, vào thời nhà Đường (năm Hàm Thống thứ nhất) một cột đá trên có ngôi lầu ngọc (với tượng Phật Quan Âm ở trong) đã được dựng giữa một hồ nước vuông. Vua Lý Thái Tông thường đến cầu nguyện, khi sinh được hoàng tử nối dõi liền tu sửa lại thành chùa, xây thêm một ngôi chùa bên cạnh chùa Một Cột (cách 10m về phía Tây Nam) và đặt tên cả quần thể chùa này là Diên Hựu tự, với nghĩa là “phúc lành dài lâu”.

Văn bia tháp “Sùng Thiện Diên Linh” chùa Long Đọi (Nam Hà) năm 1121, cung cấp hình ảnh chân thực nhất về ngôi chùa Một Cột thời Lý: “Do lòng sùng kính đức Phật và dốc lòng mộ đạo nhân quả (đạo Phật) nên hướng về vườn Tây Cấm nổi danh (ngôi vườn ở phía tây cấm thành Thăng Long đời Lý) mà xây ngôi chùa sáng Diên Hựu theo dấu vết cũ, cùng với ý mưu mới của nhà vua (ý nói: theo dấu vết lề lối xây dựng chùa đời Lý Thánh Tông, có thêm ý mới của Lý Nhân Tông mà chữa lại chùa đẹp hơn trước)”.

Kế tiếp triều đại nhà Lý là nhà Trần ngôi chùa vẫn mang tên Diên Hựu và chùa cũng đã qua nhiều đợt tu sửa, đợt sửa chữa lớn vào năm Thiền Ứng Chính Bình 18 (1249) gần như phải làm lại toàn bộ. Như sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi năm 1249 “mùa xuân tháng Giêng sửa lại chùa Diên Hựu xuống chiếu vẫn dựng chùa ở nền cũ”.

Thời Lê, triều đình nhiều lần cho tu sửa, thu nhỏ kích thước đài sen và cột đá. Năm 1838, Tổng đốc Hà Ninh Đặng Văn Hòa tổ chức quyên góp thập phương sửa chữa điện đường, hành lang tả hữu, gác chuông và tam quan. Năm 1802, bố chính Tôn Thất Giao xin đúc chuông mới. Năm 1864, Tổng đốc Tôn Thất Hàm hưng công trùng tu làm sàn gỗ hình bát giác để đỡ tòa sen, chạm trổ thêm công phu tráng lệ. Năm 1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, thực dân Pháp đã đặt mìn phá đổ chùa.

Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Bộ Văn hóa đã cho phục dựng chùa theo đúng kiến trúc từ thời Nguyễn. So với quy mô và hình thức thời Lý – Trần chùa Một Cột hiện nay đã thay đổi khá nhiều, tuy nhiên, lối kiến trúc nhất trụ vẫn là kiến trúc cơ bản. Chùa Một Cột hiện nay bao gồm đài Liên Hoa hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3m, mái cong, dựng trên cột cao 4m (không kể phần chìm dưới đất), đường kính 1,2m có cột đá là 2 khúc chồng lên nhau thành một khối. Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên. Đài Liên Hoa có mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có Lưỡng long chầu nguyệt.

Trong quan niệm người Việt, rồng luôn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh. Và hình ảnh “Lưỡng long chầu nguyệt” trên các mái đình đền, chùa chiền không chỉ biểu tượng cho sức mạnh thần thánh mà còn ẩn trong đó những giá trị nhân văn, phản chiếu trí tuệ, ước vọng của con người và nền văn minh cổ xưa.

Ngày nay không có những cánh sen trên cột đá như đã nói đến trong bia văn thời nhà Lý, nhưng ngôi chùa dựng trên cột vươn lên khỏi mặt nước vẫn là kiến trúc độc đáo, gợi hình tượng một bông sen vươn lên khỏi ao. Ao được bao bọc bởi hàng lan can làm bằng những viên gạch sành tráng men xanh. Kiến trúc chùa xây dựng gần với kiến trúc nhà Hậu Lê. Trên chùa có lối nhỏ dẫn vào chính điện bằng một cầu thang 10 bậc, gạch chỉ, hai bên có thành tường xây gạch. Nhìn tổng thể ngôi chùa như một bông sen lớn vươn thẳng lên giữa hồ nước chính là sự thanh cao thoát tục của nhà Phật.

Tháng 4-1962, chùa Một Cột được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đợt đầu tiên.

Ngày 4-5-2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa là “Kỷ lục Việt Nam” và đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á. Sau thời gian thẩm định để xác lập, ngày 10-10-2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á: “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” cho chùa Một Cột.


AN NINH THỦ ĐÔ