PTVN – Nhân ngày Tiếp nối lần thứ 94 của Sư Ông Làng Mai (11.10.2020), nhiều thiền sinh Tây phương đã gửi đến Sư Ông mà các bạn quen gọi là “Thầy” lòng biết ơn và những chuyển hóa của mình như một món quà dâng lên người Thầy mà họ vô cùng thương kính.
Dưới đây là một số chia sẻ mà BBT đã chuyển ngữ:
Thầy kính thương,
Mừng Ngày Tiếp nối của Thầy! Con không biết nói sao cho hết lòng biết ơn của con đối với Thầy và những lời dạy của Thầy.
Con đã sống một cuộc đời đầy khổ đau vì nghiện ngập. Không hiểu sao cuộc đời lại cho con được gặp Thầy, khi một ngày nọ con vô tình nhìn thấy bức chân dung của Thầy do một người bạn vẽ. Nhờ đó, con đã tìm đường đến với tăng thân trẻ thực tập theo pháp môn của Thầy tại Luân Đôn. Từ giây phút ấy, cuộc đời con cũng như của gia đình con hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng tích cực. Con đã đến Làng Mai ở Pháp để thọ Năm Giới trước sự chứng minh của cả tăng thân, đó là một điều rất đặc biệt đối với con.
Cho tới bây giờ, con vẫn còn rất xa so với hình ảnh lý tưởng mà con mong muốn trở thành, nhưng con vẫn không ngừng thực tập với sự yểm trợ của tăng thân. Con hơi buồn vì con chưa bao giờ được gặp Thầy trực tiếp, nhưng con biết Thầy luôn ở trong trái tim con và xung quanh con.
Sen búp dâng Thầy,
Paul
Thầy kính thương,
Năm 2012, con quyết định đến Làng để thực tập trong ba tháng. Khi ấy, con chỉ nghĩ rằng con thực tập để chăm sóc hạnh phúc và khổ đau của riêng mình mà thôi. Nhưng trong ba tháng ở Làng, tình trạng khó khăn trong gia đình cứ đi lên trong tâm trí con. Nhờ được thực tập cùng tăng thân trong ba tháng ấy, con đã có thể tha thứ được cho những người thân trong gia đình mình. Bây giờ, mọi chuyện vẫn chưa hẳn là đã êm thấm, nhưng thái độ của con đã giúp cho những thành viên khác trong gia đình mở lòng hơn và bao dung, chấp nhận những gì đã xảy ra. Quá trình thực tập ấy đã giúp cho con mạnh mẽ hơn và tự tin hơn để đối diện với những khó khăn đến với con. Và khi mẹ của con sắp qua đời, con đã tập cho mẹ hát bài “Không đến, không đi” (No coming – No going) và hai mẹ con cùng hát với nhau. Mẹ con rất hạnh phúc trong giây phút ấy và con cũng vậy. Con biết ơn Thầy thật nhiều, vì những lời dạy quý báu của Thầy!
Nina
Thầy kính thương,
Con muốn kể cho Thầy nghe về cuộc đời của con. Hiện giờ, nhìn chung con là một người hạnh phúc, may mắn. Cuộc sống của con khá tươi đẹp. Nhưng không ai biết rằng con đã từng có một tuổi thơ đầy tăm tối và sợ hãi.
Con đã từng chịu những vết thương rất sâu trên cơ thể và tâm hồn do cha con gây ra. Con chưa từng biết đôi mắt của cha con như thế nào, vì ông chưa bao giờ nhìn thẳng vào mắt con hay nói với con một lời thương yêu. Khi cha ở nhà, năng lượng tươi vui của ngôi nhà dường như tan biến.
Anh chị em con cứ như vậy mà lớn lên, trong cảnh nghèo khổ và một ngôi nhà đầy khói thuốc và ẩm mốc. Khi đến tuổi vào đại học, cha mẹ của con tìm mọi cách có thể để ngăn không cho chúng con tiếp tục đi học. Chị gái của con từng là học sinh giỏi ở trung học và được học bổng National Merit Scholar. Nhưng chị bị buộc phải lấy một người đàn ông chuyên bán ma túy và rồi trở thành một con nghiện.
Khi con mười tám tuổi, cha bỏ nhà ra đi và ông không muốn dính dáng gì đến đàn con của mình. Nhưng những vết thương mà ông gây ra cho các con thì vẫn luôn còn đó. Đến bây giờ, mỗi khi đi chụp X-quang, bác sĩ hỏi con vì sao mà cái xương này hay cái xương kia của con lại bị tổn thương nặng như vậy và nó hẳn phải xảy ra khi con còn rất nhỏ. Con nói con không biết, nhưng anh trai con thì biết rất rõ vì sao.
Năm 1987, con tình cờ đọc được cuốn sách “Muốn an được an” (“Being Peace”) của Thầy. Và kể từ đó, con mua hết tất cả những cuốn sách nói (audio book) của Thầy và nghe gần như mỗi đêm trước khi ngủ. Qua những lời dạy đó, con bắt đầu với một sự thực tập nhỏ. Mỗi sáng thức dậy, con thực tập từ bi quán. Như lời Thầy dạy, con quán tưởng cha con là một cậu bé năm tuổi. Con có một tấm hình của cha đang ngồi trên lưng một chú ngựa con lúc năm tuổi. Ban đầu sự thực tập không hề dễ dàng và con cảm thấy niềm đau trong con vẫn còn rất lớn. Nhưng sau một vài năm, sự thực tập trở thành quen thuộc như một người bạn thân. Dần dần con trải tình thương ra đối với chồng, với con trai và những học trò của mình.
Con trai của con khi sinh ra trông nhỏ hơn những đứa trẻ khác, vì bị sinh non. Khi ấy con cũng hơi lớn tuổi. Con cứ chần chừ chưa muốn làm mẹ, vì con sợ con lại giống như cha mẹ của mình. Khi đưa con trai từ bệnh viện về nhà, con cẩn thận làm theo những chỉ dẫn của bác sĩ. Nhưng không hiểu sao, con trai của con cứ khóc suốt và bắt đầu sụt ký. Bác sĩ nói là con cần đưa con trai vào viện ngay ngày hôm sau để bác sĩ truyền dịch. Con không muốn như vậy chút nào. Tối hôm đó, trong lúc vừa buồn vừa mệt mỏi vì thiếu ngủ, tự nhiên con nhớ Thầy từng nói là chúng ta có thể hiểu và truyền thông được với trẻ sơ sinh nếu ta thực sự chú tâm.
Thế là con thử nhìn vào mắt con trai và hỏi: “con muốn mẹ làm gì cho con?”. Con khám phá ra ý nghĩa của hai tiếng mà con trai hay phát ra, đó là “ma” và “oohee oohee”. “Ma” nghĩa là “con đói”, và “oohee oohee” nghĩa là “con buồn ngủ”. Giờ thì con đã hiểu con trai mình cần gì, không phải là cho bú mỗi hai tiếng như bác sĩ dặn, mà là mỗi 20 phút, ít nhất là trong vài tuần đầu. Chỉ một thời gian ngắn là con nhận thấy bé lên cân liền. Con cũng biết khi nào bé buồn ngủ và làm theo những gì bé thích để giúp bé ngủ ngon. Sau một vài ngày trực tiếp hỏi bé về những gì bé cần, con nhận thấy bé có một âm mới là “Hnngáh”, nghĩa là “con thương mẹ”. Con trai con hiện giờ đã 15 tuổi, rất dễ thương và giàu tình cảm.
Còn con thì đã 58 tuổi. Cha của con đã không quan tâm đến con cái của mình trong bốn mươi năm qua. Ông sống không xa nơi con ở, chỉ khoảng 20 phút lái xe. Trong nhiều năm, ông cứ lái xe ngang nhà con nhưng chỉ liếc qua mà không dừng lại. Điều này làm con lo sợ. Con sợ cha sẽ bắt cóc con trai của con, như cách ông nội đã làm với cha và biến cha thành một con người đáng sợ như vậy. Con cẩn thận báo với trường học để không cho ông gần con trai của con hoặc đón nó sau giờ tan học.
Cha của con hiện đã 91 tuổi. Gần đây có một phụ nữ liên lạc với con và nhờ con đến giúp cha. Suốt sáu tháng, ý nghĩ đến gặp cha làm cho kinh hãi và suy sụp tinh thần. Dù đã thực tập từ bi quán, nhưng tận sâu trong lòng mình, con vẫn còn rất sợ cha. May mắn là có một người bạn đã khuyên con nên gặp cha, vì có thể có một cái gì đó đã biến đổi trong cha. Vì rất tin tưởng người bạn ấy nên con đã làm theo.
Anh trai của con cùng đi với con hôm ấy. Khi đến nơi, chúng con được biết cha bị bệnh mất trí nhớ (dementia). Cha không nhận ra con là ai. Cha nhìn thẳng vào mắt con. Lần đầu tiên con thấy đôi mắt của cha thật xanh và trong – đôi mắt của một đứa trẻ. Mỗi tuần con đều mang thức ăn đến cho cha. Ông rất vui khi nhìn thấy con. Ông tỏ ra rất ân cần và biết ơn sự có mặt của con. Giờ đây, cha của con giống như một cậu bé năm tuổi, cởi mở và rất dễ thương. Cha thương con và con cũng thương cha.
Con trông ngóng đến ngày được đến thăm cha và cảm thấy vui khi có thể làm được một điều đó để giúp ông. Lần nào con đến, ông cũng đón con với một nụ cười thật rạng rỡ, tràn đầy niềm vui.
Lúc này đây, con có thể nói rằng con thực sự thương cha của mình, một điều mà con chưa bao giờ nghĩ là mình có thể làm được. Con vô cùng biết ơn Thầy vì đã chỉ cho con sự thực tập từ bi quán. Thầy đã giúp con tha thứ cho cha của mình theo một cách mà chính con không cảm thấy là mình đang tha thứ, con chỉ cảm nhận một tình thương thật sâu sắc dành cho cha mà thôi.
Thầy ơi, con muốn Thầy biết là Thầy đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời của riêng con, của cả gia đình con và cả những học sinh mà con đang có cơ hội dạy dỗ.
Với lòng biết ơn sâu sắc nhất của con,
Melinda