PTVN – Chiều 08/10/2020 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (p.An Tây, Huế); GS.TS Lê Mạnh Thát đã thuyết trình, chia sẻ đến Tăng Ni sinh viên các khóa đề tài “Một số vấn đề về lịch sử Phật giáo Việt Nam”.
Cùng tham dự có HT.Thích Hải Ấn – UVTT HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Học viện PGVN tại Huế; TT.TS Thích Nguyên Thành – UV HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban GDPG TƯ, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng Phòng Đào tạo Học viện; TT.TS Thích Nguyên Đạt – UV HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban GDPG TƯ, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng phòng Sau đại học Học viện; ĐĐ.TS Thích Quang Tư – Phó Viện trưởng kiêm Trưởng phòng Thông tin Thư viện Học viện; TT.TS Thích Đồng Thành – UV HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện, Hiệu trưởng Trường TCPH tỉnh Bình Định; TT.TS Thích Không Nhiên – Phó Viện trưởng Học viện; ĐĐ.TS Thích Hương Yên – Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Học viện; chư Tôn đức Hội đồng Điều hành Học viện; chư Tôn đức Giáo thọ sư, các vị giảng sư và giảng viên Học viện.
Tại buổi thuyết trình chia sẻ, GS.TS Lê Mạnh Thát đã nhấn mạnh về vai trò lịch sử nhất định của Phật giáo trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nên việc nghiên cứu lịch sử dân tộc không thể không nghiên cứu lịch sử Phật giáo và lịch sử Phật giáo Việt Nam đã trở thành một bộ môn của lịch sử dân tộc.
Theo Giáo sư, lịch sử Phật giáo Việt Nam được phân chia thành 05 thời kỳ tương xứng đó là thời kỳ Phật giáo quyền năng, thời kỳ Phật giáo vận động độc lập, thời kỳ Phật giáo thế sự, thời kỳ Phật giáo cư trần lạc đạo và thời kỳ Phật giáo quần chúng; mỗi thời kỳ có một nét đặc trưng nổi bật riêng.
GS.TS Lê Mạnh Thát sinh năm 1944 tại xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, được biết đến với pháp tự là Thích Trí Siêu, từng học tại Trường Quốc Học (Huế), Viện Đại học Đà Lạt và Viện Đại học Wisconsin – Madison (Hoa Kỳ), thông thạo hơn 15 thứ tiếng. Giáo sư Lê Mạnh Thát nổi tiếng vì những công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử Việt Nam. Một số tác phẩm nổi bật của Giáo sư như: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguồn của dân tộc ta, Tự điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam…
Một số hình ảnh ghi nhận được:
HVPGVN tại Huế