Trưởng lão Hoà thượng Tịnh Giác – Visuddhasāramahāthero sinh năm 1941 tại Sài Gòn có cha là Ngô Văn Đối, mẹ là Đặng Thị Giá.
MỘT CUỘC ĐỜI, MỘT LÝ TƯỞNG HAY…
Xưa kia có một cậu bé sớm mồ côi mẹ khi mới lên 8 tuổi. Cha thì đã mất từ khi cậu bé còn nằm trong bụng mẹ. Cậu bé được Bà Cô cưu mang nuôi dưỡng. Bà Cô của cậu vốn là Phật tử thuần thành, thường xuyên đi chùa Giác Quang lễ Phật, cúng dường chư Tăng. Mỗi lần đi chùa, cậu được dẫn đi cùng Bà Cô, phụ Bà mang giỏ rau quả trái cây cúng chùa.
Rồi từng ngày lớn lên trong niềm vui dưới mái chùa như một cơ duyên chín muồi đã biến cậu bé ấy trở thành ngài hòa thượng Tịnh Giác hôm nay. Sự “trở thành” đó được diễn ra thật thầm lặng thanh cao y như tính cách nhẹ nhàng từ tốn của ngài hòa thượng.
Điểm mốc lịch sử ngày xưa là đêm đầu-đà rằm tháng 4 năm 1956, ngài thức suốt đêm học đạo nghe kinh tại chùa Giác Quang, khi sáng ra đảnh lễ Hòa thượng Giác Quang ra về.
Lúc đó, Hòa thượng Giác Quang cũng là vị trụ trì chùa Giác Quang. Tự dưng ngài Giác Quang hỏi: “Có muốn đi tu như hai vị sư này không?” Ngài Tịnh Giác lúc đó đang là cậu bé 15 tuổi, ngài ngước nhìn hai vị sa-di đứng hầu hai bên ngài Hòa thượng Giác Quang. Không chút đắn đo, ngài Tịnh Giác liền đáp ngay: “dạ muốn”.
Thế là bước ngoặt mới cuộc đời mở ra biến ngài từ một cậu bé 15 tuổi trở thành chú giới tử ngay hôm đó.
Đến ngày rằm tháng 10 là tròn sáu tháng tập sự, chú giới tử được thọ giới sa-di thành bậc xuất gia trong tăng chúng vào ngày 22 tháng 10 năm 1956.
Sau khi thành bậc xuất gia, ngài chuyên tâm học đạo cũng như các môn học về Việt ngữ, Khmer ngữ, Anh ngữ do Hòa thượng Giác Quang nhờ chư tăng – những vị có trình độ đến hướng dẫn.
Thời gian sau, Hòa thượng Giác Quang gửi vị sa-di ấy tức là ngài Tịnh Giác sang Phật học đường Pháp Quang (nay là chùa Pháp Quang, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Lúc đó, cơ sở Phật học này mới thành lập được dựng lên bằng mái tranh, vách lá do chính Hòa thượng Hộ Giác và Hòa thượng Thiện Luật. Ngài Tịnh Giác lúc ấy là vị tăng sinh đầu tiên của cơ sở Phật học này. Nơi đây, ngài Tịnh Giác học đạo chừng khoảng hai năm thì được nhận một suất học bổng du học Thái Lan.
Thế là một bước ngoặt thứ 2 sang trang vở mới cho cuộc đời ngài, đó chính là ngày 19 tháng 8 năm 1961, ngài Tịnh Giác chính thức được du học sang Thái Lan. Ngôi chùa Samphraya tại Băng Cốc là nơi nuôi lớn tâm hồn ngài từ những ngày đầu tiên mới đặt chân lên đất Thái. Đây cũng chính là chùa Hoàng gia do nhà vua Thái Lan xây cất cúng dường chư Tăng.
Một năm sau, ngài được thọ đại giới, xuất gia Tỳ-kheo vào ngày 23 tháng 6 năm 1962, do ngài Samdech Phra Buddhaghosajharn Jutindharamahāthero, phó Tăng thống Phật giáo Thái Lan làm thầy tế độ. Rồi từ đó, ngài đã sống trọn vẹn cuộc đời tu sĩ như một nhà sư Thái Lan, cứ mỗi sáng sớm là mang bát đi khất thực, rồi về vùi mình trong các thời khóa tu học của chùa và chương trình Phật học trường chuyên Pali.
Ngài đã sống như thế trên xứ Phật giáo Thái Lan xuyên suốt một chặng đường dài tu học. Ngài đã hoàn thành các lớp giáo lý, và cũng đã học hết chương trình Pali gồm 9 lớp, đã đạt danh hiệu Pali Pra-dột-bẹt (Pali VIII).
Trong suốt thời gian tu học trên xứ Thái, ngài cũng từng là thành viên của đội ngũ giảng viên, Ban Giám khảo trong các kì thi Pali, Phật học của năm. Đây là những chức vụ chính thức được Ban Giáo dục Phật giáo Hoàng gia Thái Lan tấn phong. Với chức vụ đó, ngài đảm nhiệm vai trò chấm thi trong Hội đồng thi chương trình Pali – Phật học cấp quốc gia tại thủ đô Băng Cốc. Nơi ấy, mọi người thường gọi ngài là “Phra Ajharn”, nghĩa là bậc sư thầy. Có thể nói tính đến hôm nay, ngài Tịnh Giác là vị tăng sĩ Việt Nam duy nhất đỗ đạt trình độ Phật học Pali ở đỉnh cao này.
Bên cạnh đó, ngài còn có hạnh rất đặc thù khác nữa là chỉ ở duy nhất một chùa đó, ngay chính cốc sàn mà ngày đầu tiên đến Thái Lan, ngài được chùa chỉ định cho ở và ngài đã trú ngụ suốt 55 năm trời tại một trú xứ như vậy.
Đây là một chuyện hy hữu, một hạnh tu thiểu dục tri túc hài lòng với trú xứ đang có của bậc sa-môn khả kính như ngài. Chỉ có tâm hồn bình yên an lành chấp nhận cuộc sống hiện tại mới chọn một lối sống như thế.
Bởi tuổi trẻ nào cũng thích bôn ba đó đây cho thỏa niềm vui với cảnh vật mới nhưng ngài Tịnh Giác thì không. Ngài đã đi trọn vẹn con đường của vị tỳ khưu trì bình khất thực và miệt mài đèn sách, học hiểu tường tận kinh điển Pali, một nguồn kinh được xem là giáo lý nguyên thủy nhất hiện nay.
Đến năm 2017 là thời khắc đủ duyên, ngài hồi hương trở về ngôi Tổ đình mà trước đây Hòa thượng Giác Quang cho ngài xuất gia, đó là chùa Giác Quang, tọa lạc số 47 Lương Văn Can, phường 15, quận 8, TP. HCM.
Nơi đây, ngài bắt đầu dịch kinh điển Pali ra Việt ngữ. Vì biết rõ sức khỏe luôn đồng hành ngược chiều với tuổi tác nên khó có thể hoàn thành như tâm nguyện nên ngài Tịnh Giác đã chọn từng bài kinh quan trọng để dịch ra theo yêu cầu mong muốn của Phật tử. Ngài đã hoàn thành và xuất bản những bài kinh như sau:
1-Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta)
2-Kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇasuttaṃ)
3-Kinh Phạm Võng (Brahmajālasutta)
4-Kinh Quả Báu Sa Môn (Sāmaññaphalasutta)
5-Kinh Ambaṭṭha
6-Kinh Soṇadaṇḍa
7-Kinh Lễ Bái Chư Phật Quá Khứ (Sambuddhapaṇāmagāthā)
8-Kinh Hạnh Phúc (Maṅgalasuttaṃ)
9-Kinh Tam Bảo (Ratanasuttaṃ)
10-Kinh Từ Bi (Karaṇīyamettasuttaṃ)
11-Kinh Khandhaparittaṃ
12-Kinh Moraparitta
13-Kinh Vaṭṭakaparitta
14-Kinh Chaddantaparitta
15-Kinh Aṅgulimālaparitta
16-Kinh Bojjhaṅgaparitta
17-Kinh Dhāraṇaparitta
Những bài kinh này đã được dịch sang Việt ngữ qua nhiều ngòi bút. Tuy nhiên nếu ai đó có hiểu cổ ngữ Pali, có đọc các bản dịch của ngài, thì độc giả sẽ không khỏi nghiêng mình cúi đầu trước bản dịch của ngài.
Với bàn tay hiền từ mát mẻ hòa quyện với trí tuệ am hiểu sâu rộng ngữ nghĩa kinh văn Pali, ngài đã cho ra một bản dịch tiếng Việt thật nhẹ nhàng, đơn giản, chính xác từng câu từ, ngữ nghĩa Pali. Từng dấu chấm phết, cách ngắt câu cẩn thận, tỉ mỉ chu đáo cho từng ý nghĩa của mỗi câu văn đã làm nổi bậc lên sự thâm thúy của giáo pháp. Tất cả đã tạo nên một tác phẩm cực chất, một bậc dịch giả thật đẳng cấp.
Có tiếp xúc trò chuyện cùng ngài, có đọc các tác phẩm dịch thuật của ngài, chúng ta sẽ cảm nhận ngay thế nào là đặc tính bậc Sappurisa (chân nhân), bậc Pandita (hiền trí). Đúng là:
“Lúa chín cúi đầu,
sông sâu tĩnh lặng”
Từ cử chỉ khiêm cung từ tốn, nhã nhặn hiền hòa nhưng trong lời nói tràn đầy tâm huyết, cuồn cuộn sức mạnh nội lực của một bậc viễn ly, sống lấy pháp làm trọng (dhammapateyya).
Chỉ có sự thẩm thấu giáo pháp mới có niềm tin đỉnh điểm với Tam bảo, chỉ có một tâm hồn thanh khiết mới đủ đức khiêm nhường, lặng thinh trước sự phán xét đúng sai của thế gian.
Bởi bậc hiền trí thì không bao giờ chấp nhặt lỗi lầm người khác; không tán đồng người làm sai nhưng cũng không lên án phê phán chỉ trích; nếu cần thì chỉ dùng chánh ngữ để giải quyết sự cố. Những thái độ ấy đã hiện hữu hoàn hảo trong ngài.
Ôi ! “Một cuộc đời một lý tưởng hay”…
Không cần nói nhiều, không cần làm nhiều, mà vẫn toát lên thần thái đỉnh đạt của bậc học giả đẳng cấp, đỉnh cao của một bậc trưởng lão am tường cả học và hành giáo pháp.
Tất cả chúng con là những học trò của ngài xin viết lên đôi dòng bày tỏ niềm kính trọng, lòng biết ơn đến ngài Tịnh Giác.
Chúng con thật sự hạnh phúc được gặp ngài, được tận hưởng pháp bảo lan tỏa qua cung cách hiền từ mát mẻ của ngài.
Kính tri ân ngài đã đến cuộc đời này cho chúng con cảm nhận đâu đây vẫn còn những bậc tu sĩ hiền tài khả kính.
Chùa Diệu Quang, 10.06.2020
Nhóm học trò của Ngài
TN.Mỹ Thúy
Thêm một vài ảnh tư liệu: