Trang chủ Văn hóa Du lịch Hành trình nhận diện những giá trị nổi bật toàn cầu của...

Hành trình nhận diện những giá trị nổi bật toàn cầu của Yên Tử

126

Từ ý tưởng ban đầu đến giờ, di tích và danh thắng Yên Tử đã trải qua chặng đường 7 năm để làm hồ sơ di sản thế giới. Điều đó vừa thể hiện sự khó khăn của việc làm hồ sơ cũng như nỗ lực bền bỉ của các ngành, các địa phương để xây dựng danh hiệu cho Yên Tử.

Theo đó, tháng 12/2013, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho phép xây dựng hồ sơ, với phạm vi chỉ gồm 2 tỉnh quảng Ninh và Bắc Giang. Gần 1 năm sau đó, Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan đã làm thủ tục giới thiệu đưa Yên Tử vào danh sách hồ sơ dự kiến đề cử.

Tháng 8/2015, đoàn tư vấn ICOMOS trong chuyến khảo sát của mình đã đề nghị bổ sung thêm 2 di tích bãi cọc Bạch Đằng và Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) vào hồ sơ. Ngay sau đó, Bộ VHTT&DL đã có công văn gửi 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đề nghị triển khai theo khuyến nghị của ICOMOS. Sang năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng lại báo cáo tóm tắt hồ sơ dự kiến. Các tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đã cơ bản đồng ý với các nội dung được xây dựng. Tuy nhiên, sau đó, bản chỉnh sửa để trình UNESCO vẫn chưa được hoàn thành.

Để tái khởi động việc xây dựng hồ sơ, trong tháng 5/2020, Quảng Ninh liên tiếp tổ chức 2 hội nghị, mời các chuyên gia các nhà khoa học đầu ngành tìm hướng đi cho hồ sơ. Tháng 7/2020, ngành văn hóa của 3 tỉnh đã họp tại Hải Dương để thống nhất một số nội dung. Sở Văn hóa – Thể thao Quảng Ninh là đơn vị được phân công chủ trì đã chủ động liên hệ làm việc với Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL), Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Hội Khảo cổ học, Công ty Xây dựng Xuân Trường, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm và một số viện nghiên cứu có liên quan để tham vấn các bước hướng dẫn về quy trình, kinh nghiệm xây dựng hồ sơ và lựa chọn tư vấn trong nước, quốc tế.

Đồng diễn yoga tại Yên Tử.
Đồng diễn yoga tại Yên Tử.

Tại Quảng Ninh cũng đã diễn ra hội thảo khoa học với 39 bài tham luận của các chuyên gia, trong đó có 30 ý kiến đề xuất lựa chọn loại hình vật thể, 8 ý kiến đề xuất lựa chọn loại hình phi vật thể và 1 bài viết của Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO. Sau đó, lãnh đạo ngành văn hóa của 3 tỉnh đã họp tại Bắc Giang để thống nhất một số nội dung chuẩn bị tài liệu và báo cáo tại hội nghị của UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương.

Gần đây nhất, tại TP Uông Bí, UBND các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang đã phối hợp tổ chức hội nghị thống nhất một số nội dung triển khai lập hồ sơ quần thể di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Tại hội nghị, các đại biểu đã đề nghị UBND 3 tỉnh quan tâm chỉ đạo tập trung nguồn lực, thời gian và phối hợp chặt chẽ để triển khai công tác xây dựng hồ sơ một cách thống nhất, bài bản và hiệu quả.

Hội nghị cũng thống nhất đề nghị Bộ VHTT&DL sớm ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác xây dựng hồ sơ và họp triển khai các bước xây dựng hồ sơ, phân công cụ thể công việc cho từng thành viên. Mục tiêu từ nay đến tháng 9/2021 hoàn thiện, trình hồ sơ bằng tiếng Anh đến UNESCO và thực hiện nội dung theo các chương trình của UNESCO.

Việc lập hồ sơ khoa học và kế hoạch quản lý di sản nhằm giới thiệu, quảng bá tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về các giá trị di sản; nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng địa phương tích cực tham gia vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, đồng chủ trì hội nghị, đề nghị tên hồ sơ là “Quần thể di tích danh thắng Yên Tử”, đề xuất làm hồ sơ căn cứ 3 tiêu chí 3, 5 và 6 theo Công ước của UNESCO; đề nghị 3 địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa cùng với các nhà khoa học, các chuyên gia và nhà quản lý văn hóa, Ủy ban UNESCO Việt Nam trong việc làm hồ sơ, đảm bảo chất lượng của hồ sơ.

Hiện nay, 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang đã thống nhất chủ trương, ý chí hành động, quyết tâm xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Các tỉnh đang thống nhất nội dung để báo cáo Bộ VHTT&DL. Về tiêu chí loại hình và tên gọi do đơn vị tư vấn lựa chọn trên cơ sở đồng thuận của Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao. Về cơ chế phối hợp, Quảng Ninh là tỉnh chủ trì cùng phối hợp chặt chẽ với 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương thực hiện để chọn đơn vị tư vấn là các nhà khoa học có kinh nghiệm.


Huỳnh Đăng/Quảng Ninh