Mặt trời đội biển, bình minh vừa chớm, tiếng chuông chùa trên đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) vang lên khoan thai, thánh thót, át tiếng sóng biển ầm ào, làm cho biển-bờ như thêm gần lại. Trong khoảnh khắc thiêng liêng, sâu thẳm ấy, chúng tôi cảm nhận được hồn dân tộc ở Trường Sa trong tiết xuân yên bình, ấm áp.
Chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca.
Vừa nghe tiếng chuông chùa, nhà báo Trịnh Huỳnh Thanh (Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Dương) ngồi bật dậy nhìn qua ô cửa con tàu, reo lên: “Tới đảo rồi, đảo đẹp lắm! Tiếng chuông chùa vang vọng thật xa!”. Cả phòng B8 tàu Trường Sa 571 cũng xôn xao, bởi gần như tất cả đều lần đầu đến với Trường Sa. Như hiểu được tâm trạng của chúng tôi, Đại đức Thích Nguyên Hòa, trụ trì chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca, vừa hết kỳ “nghỉ phép” trở lại đảo, giải thích: Chùa Sơn Linh có tiền sảnh hướng ra biển. Hàng trăm năm trước, trong quá trình mưu sinh giữa trùng khơi, ngư dân Việt thường gặp những rủi ro, dông bão bất thường. Vào được đảo tránh trú, họ rất biết ơn sự phù hộ của các vị thần, Phật nên chuyến đi biển sau, họ mang theo gạch, đá dựng thành những chiếc am, miếu nhỏ trên đảo để cầu trời, khấn Phật phù hộ cho những chuyến đi biển bình yên. Vì thế, trên các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có nhiều am, miếu thờ. Các am, miếu đó cứ lớn dần theo năm tháng nhờ lòng thành tâm của ngư dân.
Một đặc điểm chung là các ngôi chùa ở Trường Sa đều hướng về Thủ đô Hà Nội, kiến trúc mang dáng dấp của những ngôi chùa gốc Việt từ xa xưa. Theo lời giải thích của Đại đức Thích Nguyên Hòa, điều này mang ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc, trái tim của cả nước; đồng thời cũng là lời tri ân của quân, dân huyện đảo Trường Sa đối với đồng bào mọi miền Tổ quốc. Những ngôi chùa ở Trường Sa vừa là điểm đến văn hóa tâm linh của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo, vừa là những cột mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Quân dân đảo Sơn Ca trồng cây xanh bên ngôi chùa trên đảo.
Lên đảo, dâng hương, chiêm bái ngôi chùa, ai cũng trào dâng niềm xúc động, tôn kính, thiêng liêng, bởi hiện hữu giữa đại dương mênh mông có rặng tre đằng ngà vươn mình trong nắng gió, có tiếng gà gáy gọi ánh ban mai, có nhịp chuông chùa khoan thai ngân vọng, mang hồn dân tộc. Tôi còn nhớ, trong chuyến thăm Trường Sa giữa tháng 4-2019, Giáo sư Caroline Kiều Linh, Việt kiều Mỹ, khi nghe tiếng chuông chùa Sơn Linh thánh thót, bà đã nghẹn ngào thốt lên: “Tổ quốc là đây, làng quê là đây, đâu có gì xa!”. Nghe tiếng chuông chùa, chợt thấm thía “Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển”, như nhắc nhở con Lạc, cháu Hồng hướng về cội nguồn dân tộc. Thêm hiểu, Trường Sa máu thịt thật gần!
Cuộc sống thanh bình nơi mênh mang sóng nước có tiếng chuông chùa ngân vang, làm lòng người tịnh tâm, thanh thản, giúp cán bộ, chiến sĩ thêm yêu đảo, chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Thượng tá Phạm Văn Thọ, Chính trị viên đảo Sơn Ca tâm sự: “Xuân trên đảo thường đến sớm khi các tàu chở hàng Tết ra đảo. Đêm Giao thừa, sớm Mồng Một Tết, bộ đội và nhân dân trên đảo đều tới chùa thắp hương lễ Phật, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, cầu cho năm mới may mắn, an khang. Những lúc ấy, tiếng chuông chùa ngân vang trong không gian tĩnh lặng, nhân lên niềm tự hào của người lính canh giữ đảo xa. Thời khắc đó, tất cả chúng tôi đều đồng vọng lời thề giữ biển”…
Trong nắng sớm, sắc xuân đã ngập tràn trên biển, đảo Trường Sa, theo những bước chân tuần tra của người chiến sĩ. Bỗng nhiên, tôi nhớ tới những câu thơ trên báo tường của bộ đội đảo: “Mái chùa lộng gió biển khơi/ Tiếng chuông vọng một góc trời nước non/ Đảo xa đã có chúng con/Giữ cho đất Mẹ vẹn tròn mãi Xuân”.
Bài và ảnh: YẾN LONG/QĐNNVN