Chuyến đi 12 ngày về vùng đất Phật ở Ấn Độ và Nepal, đã cho chúng tôi những cảm giác bồng bềnh như thế.
Một phật tử thành tâm nơi Đức Phật từng tu luyện |
Trước ngày lên đường, anh trưởng đoàn, chuyên thực hiện tour đến vùng đất Phật đã dặn dò kỹ lưỡng: phải có lương khô để chống với hương vị cà ri của người Ấn, phải có tiền lẻ để còn giải quyết nạn ăn xin, cúng dường… và đây là một chuyến hành hương về vùng đất Phật chứ không phải là một tour du lịch bình thường nên mọi sự vất vả đang chờ phía trước.
Sau gần một ngày trời rời khỏi ga xe lửa, một chuyến xe đò với loại xe như được sản xuất từ thời cổ đại đưa chúng tôi về thành phố Sravasti, nơi được mệnh danh là kinh đô của Vương Quốc Kiều Tát La do đức vua Ba Tư Nặc trị vì vào những năm trước công nguyên.
Tiếng là Vương quốc nhưng nơi đây hiện lên như một vùng ngoại ô nào đó của… Phan Rang, và đi được hết nơi này phải mất hơn 8 giờ đường bộ, bởi ở Ấn Độ đường nhỏ hẹp, phố đầy bụi bặm, nạn kẹt xe, ăn xin và nhất là nạn… ổ voi khiến xe không thể đi nhanh hơn.
Tượng phật cao 25m ở Ấn Độ được xem là lớn nhất Châu Á |
Đến Ấn Độ mà không nhắc đến các món ăn quả là thiếu sót. Các món ăn ở đây được làm ra từ lúa mạch nên chất bột được xem là chủ lực, còn dầu mỡ được dùng rất "hào phóng", nhưng thú vị nhất là hương vị của cà ri luôn gắn liền trong đời sống người dân Ấn.
Chùa Việt Nam trên vùng đất Nepal, nơi được mệnh danh là vùng đất Phật |
Đặt chân được đến Kỳ Viên Tịnh Xá, chúng tôi được biết nơi được tương truyền rằng cách đây 2.600 năm ngài Cấp Cô Độc, một đại gia giàu có của kinh thành Xá Vệ, vì muốn Đức Phật có nơi thiền định và thuyết giảng tốt nhất, đã bất chấp lời thách thức của Thái Tử Kỳ Đà. Lời thách thức đó là: "Hãy lót vàng phủ kín khu vườn Kỳ Viên (rộng 2 hecta) này, lúc đó ta sẽ tính”. Cứ tưởng như một lời nói đùa, vậy mà sau đó, người hầu vào bẩm báo: “Thưa Thái Tử, ngài Cấp Cô Độc đã cho ngừơi phủ vàng khắp nơi…”. Ngạc nhiên và mến mộ cái tâm của ngài Cấp Cô Độc, Thái Tử chấp nhận thực hiện lời nói chơi của mình, và nơi đây Đức Phật đã lưu trú suốt 24 mùa an cư kiết hạ.
Tâm điểm của sự chú ý là cây Bồ Đề, do ngài Anan chiết từ cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, là nơi phật nhập định 49 ngày để thành chánh quả, đem về trồng ở nơi đây. Chưa biết cội Bồ Đề linh thiêng như thế nào, sống thọ bao nhiêu năm, chỉ biết rằng hàng năm cuốn hút hàng vạn phật tử từ khắp nơi trên thế giới, không phân biệt tuổi tác, giới tính giàu nghèo.
Hôm chúng tôi đến là dịp may hiếm có, bởi hàng ngàn ngọn nến được sắp xếp dài cả cây số phủ quanh cả vườn Kỳ Viên, hàng trăm phật tử nối nhau đi theo hàng một đi vòng quanh và cuối cùng tập trung tại nơi xưa kia là hương thất của Đức Phật mà bây giờ chỉ còn là những nên gạch hoang sơ để tụng kinh.
Nơi hỏa thiêu Đức Phật |
Đến đền Bát Đại Niết Bàn, nơi có tượng phật dài gần 20m, chúng tôi được chứng kiến lễ Dâng Y Đức Phật Bên ngoài đền có cây Sa La Song Thọ rất nổi tiếng, bởi đây chính là nơi Đức Phật đã từng nghỉ ngơi trước khi nhập Niết bàn. Cây mọc thẳng đứng giữa một bầu trơi xanh lồng lộng, khiến cho du khách như lạc vào một chốn thiên thai.
Rời Ấn Độ, chúng tôi đến Vườn Lâm Tỳ Ni ở Nepal, một vùng đất hiền hoà thanh tịnh chỉ cách biên giới Ấn Độ khoảng 30 cây số. Ở bên này cửa khẩu là không khí nóng hừng hực, vậy mà đến được vùng đất Lâm Tỳ Ni thì lại là một không khí hoàn toàn khác hẳn, khiến nhiều người phải thốt lên: "Đúng là vùng đất Phật". Đây chính là nơi Đức Phật đản sanh, hiện vẫn còn di tích dấu chân và cây cột đá do vua A Dục dựng lên để đánh dấu ngày Hoàng hậu Maya lâm bồn hạ sinh Thái Tử Tất Đa Đa (tức Đức Phật Thích Ca sau này).
Cảnh vật nơi đây thanh bình, người dân rất hiếu khách, các đoàn du lịch kéo nhau đến cúng bái rất đông, hàng trăm em học sinh cấp 2 được các thầy giáo đứng dưới hàng cây thuyết giảng về sự ra đời của Đức Phật, từng đoàn phật tử nối đuôi nhau vào tham quan, cũng có đoàn tập trung dưới gốc Bồ Đề cạnh ngay bồn nước của Hoàng Hậu năm xưa đã hạ sanh Hoàng Thái Tử để thuyết pháp. Trước đền Lâm Tỳ Ni, các sạp hàng bán lưu niệm khá phong phú. Nạn nói thách ở đây quả là số một, họ nói 10 chỉ mua khoảng 4 – 5, tuy nhiên không có cảnh chèo kéo hay bắt nạt khách hàng, ai cũng từ tốn và hiền hoà, thậm chí có gian hàng không có chủ, họ không sợ mất đồ.
Đến Lâm Tỳ Ni mà không ghé thăm Việt Nam Phật Quốc Tự, do thầy Thích Huyền Diệu trụ trì quả là một điều thiếu sót vì đây được là mệnh danh của vùng Đất Thánh, một trong tứ động tâm của vùng đất Phật nên xung quanh đây có rất nhiều ngôi chùa của các nước.
Mỗi nước có một kiến trúc độc đáo riêng biệt, mà phần đông là được xây đựng theo kinh phí của nhà nước. Riêng ngôi chùa Việt Nam của thầy Huyền Diệu có khác hơn với mọi nơi, chùa không lộng lẫy nhưng như cao hẳn hơn với dãy núi Everest, một nền xi măng được thiết kế theo bản đồ Việt Nam với các con chữ của 64 tỉnh thành và một ngôi chùa một cột đang xây cất dở dang. Thầy tâm sự: “Năm 1969, tôi đến đây chỉ là một vùng đất hoang sơ, rắn rít muỗi mòng vô số kể, đã vậy quanh di tích nơi Đức Phật Đản Sanh người dân đập phá, phóng uế bừa bãi. Quá đau lòng với cảnh tượng trên, tôi đã cầu xin Đức Phật nếu có thiêng hãy phù hộ tôi xây chùa để phật tử các nơi đổ về mà thành tâm cúng vái. Và ngày nay nơi đây đã khang trang, các phật tử về đây được được nhìn ngắm Hồng Hạc, một loại chim quý ung dung đi lại trong vườn, được uống nguồn nước mát lạnh của thiên nhiên… và tức nhiên là ai cũng thành tâm cúng bái”.
Làm lễ dâng y cho Đức Phật |
Các phật tử rất thành tâm dưới cội bồ đề nơi Đức Phật từng thuyết giảng |
Tháp Đại giác nơi Đức Phật tu thành chánh quả, và bình minh trên sông Hằng của vùng đất Ấn |
Dòng sông Hằng đã trở thành huyền thoại của người dân Ấn, nơi họ thường thiêu xác người thân và rãi tro xuống dòng sông này |
Người dân Ấn vẫn còn những cảnh nghèo |
Nạn ăn xin ở đây rất khốc liệt |
Ngoài đường phố và một sạp bán hàng lưu niệm thường thấy ở vùng đất Phật |