Trang chủ Bài nổi bật Không gian trà đạo tĩnh lặng với cổ vật Phật giáo giữa...

Không gian trà đạo tĩnh lặng với cổ vật Phật giáo giữa Sài Gòn

4543
Những hiện vật cổ tại phòng trưng bày. Ảnh: PNT

Bước chân vào không gian trà Phạm Nghiêm Trai – Tea Lounge & Coffee (199 Nguyễn Trãi, Quân 1, TP.HCM), khách tham quan như quên hết lo toan, phiền muộn của cuộc sống thường ngày, để tận hưởng những khoảnh khắc yên bình, nhẹ nhàng trong không gian thiền định, hướng thiện.

Khu vực thưởng trà được trang trí nhẹ nhàng, thoáng đãng. Ảnh: PNT

Với tiêu chí hướng đến một không gian tĩnh để thưởng thức trà, Phạm Nghiêm Trai – Tea Lounge & Coffee không tập trung vào số lượng mà nơi thưởng trà được bày biện thoáng đãng, nhẹ nhàng với vài chiếc bàn trà mang phong cách Nhật trộn lẫn với không gian văn hoá Phật giáo Đại thừa.

Khách thưởng trà đạo có được không gian tĩnh tâm, sống châm. Ảnh: PNT

Khách thưởng trà không chỉ ngồi thư giãn, pha từng tách trà sen, trà lài… thơm ngát được ướp tinh tế trong những búp hoa còn đọng sương, mà còn có thể bình tâm chiêm bái những bức tượng Phật trang nghiêm có tuổi đời hàng trăm năm được đặt trang trọng ở những vị trí tôn nghiêm.

Khách thưởng trà đến dịp cuối tuần có dịp thưởng thức đêm cổ cầm. Ảnh: PNT

Anh Nguyễn Ngọc  Minh Trí – chủ quán, thuộc thế hệ 9x, tốt nghiệp đại học ngành ngoại thương tại Mỹ. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng đã dành nhiều tâm huyết cho hệ thống Tea Lounge & Coffee Phạm Nghiêm Trai, chia sẻ: “Trong cuộc sống, con người có nhiều nhu cầu về tinh thần, những thú vui tiêu dao, thưởng thức,… nhưng cái mà qua đó người ta có thể nâng tầm lên thành nghi thức, mất nhiều giấy mực ngợi ca, cái mà để lòng người thăng hoa thành thi phẩm đó là trà”.

Thưởng trà được thiết kế như một phong cách độc đáo. Ảnh: PNT

“Trà là một loại thảo dược độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho con người, từ đó trở thành sự sáng tạo văn hóa và nguồn cảm hứng không thể thiếu của các thi nhân, ẩn sĩ. Uống trà với người Việt là cái đạo đối nhân xử thế, là cái tình giữa người với người, là sự bình đẳng giữa chủ và khách, ngoài ra uống trà còn là đạo dưỡng sinh”.

Lối vào không gian Phạm Nghiêm Trai. Ảnh: PNT

“Ở Việt Nam, trà là thứ không thể thiếu từ xưa trong mỗi nếp nhà. Uống trà cùng bằng hữu bên mái hiên thì không gì sánh bằng, trà còn dùng trong việc ngoại giao,… Trà là hình ảnh quen thuộc không thể thiếu trong sinh hoạt, trở thành nếp sống văn hóa, đã đi vào lòng dân tộc Việt”.

Thưởng thức tách trà sống chậm giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt. Ảnh: PNT

Không chỉ dành không gian cho khách thưởng trà, với đam mê và tâm niệm hướng về những giá trị lịch sử và cổ vật Phật giáo, sau 7 năm sưu tầm và lưu giữ, anh Trí cho ra đời phòng trưng bày cổ vật Phật giáo với hơn 500 mẫu hiện vật có giá trị lịch sử hàng trăm năm của nhiều quốc gia.

Uống trà với người Việt là cái đạo đối nhân xử thế. Ảnh: PNT

Phòng trưng bày hiện vật cổ vật Phật giáo nằm phía sau khu trà đạo, tạo thành chuỗi không gian khép kín để khách thưởng trà có thể lắng lòng mình sau những bon chen, nhìn ngắm những giá trị văn hoá mà các nghệ nhân đã hướng đến trong từng cổ vật.

Đêm cổ cầm tại Phạm Nghiêm Trai. Ảnh: PNT

Bước vào cánh cửa phòng trưng bày với tiêu đề “ Phạm Nghiêm Trai” được khăc bằng chữ Hán, phòng trưng bày mở ra với khu vực tượng Phật Quan âm của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… chế tác từ thế kỷ 17, 18, 19 đến các hiện vật thời hiện đại.

Những hiện vật cổ tại phòng trưng bày. Ảnh: PNT

Tại mỗi khu vực, đối diện với các hiện vật, các bức tượng, pháp khí Phật giáo các nước, chủ nhân cũng sắp xếp các tác phẩm Việt Nam được các nghệ nhân Việt chế tác sắc sảo từ cách đây hàng trăm năm.

Các cổ vật của nhiều nước được sưu tầm và gìn giữ. Ảnh: PNT

Khách muốn tham quan phòng hiện vật sẽ được hướng dẫn viên tiếp đón và giới thiệu từ lịch sử niên đại, ý nghĩa, cũng như giá trị chế tác các tác phẩm với vé 120 nghìn đồng/ vé.

“Ngay từ khi còn bé, được sự giáo dục của gia đình, tôi luôn mến mộ Phật giáo và được giáo dục nương theo giáo lý Phật giáo hướng đến sự an lạc và bình an. Sau khi du học, được theo học các khoá về văn hoá, cổ vật Phật giáo, tôi càng cảm nhận sâu sắc và muốn sau khi ra trường trở về nước xây dựng một không gian trà đạo cũng như nơi trưng bày những cổ vật để các bạn trẻ có điều kiện đến tĩnh tâm, sống chậm lại một ngày, và có dịp chiêm ngưỡng lại các tôn tượng quý.

Trong không gian này, tôi còn dành thêm một khu vực để cung cấp các mẫu trang phục dành cho phật tử, áo cà sa cũng như các pháp khí cho các thầy, các nhà sư hành lễ”, anh Minh Trí chia sẻ.

Hướng dẫn viên sẽ giới thiệu giá trị của từng hiện vật cho du khách. Ảnh: PNT

Hiện tại, khách đến Phạm Nghiêm Trai thưởng trà và tham quan sẽ được các nhân viên hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 bằng đo nhiệt độ, rửa tay, giãn cách số lượng không quá 20 người. Khu vực thưởng trà cũng hạn chế số lượng khách để bảo đảm sự an toàn và giữ tĩnh lặng cho không gia trà đạo Việt.


CẨM LỆ / Thế giới tiếp thị