Trang chủ Đời sống Tin thêm về người ngã vực sâu Yên Tử thoát chết thần...

Tin thêm về người ngã vực sâu Yên Tử thoát chết thần kỳ

77

Câu chuyện bắt đầu khi sáng 13-12, Nguyễn Tài Quyền mang theo máy ảnh, ra khỏi nhà nghỉ ở khu vực bến xe Giải Oan để lên núi Yên Tử. Anh đã ăn trưa trên núi và nói chuyện với sư thầy. Khoảng 16g, Quyền leo ra khỏi rào chắn để chụp ảnh, dây máy ảnh móc vào rào, Quyền kéo dây ra thì trượt tay rơi luôn xuống vách đá (theo người dân Yên Tử thì vách đá cao hơn 10m).

Ngày 16-12, đang được điều trị tại khoa phẫu thuật cột sống Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng một bên mắt thâm tím vì mắt kính đâm vào, má trái có nhiều vết xây xát lớn, vỡ một đốt sống và chấn thương ở bả vai nhưng Quyền vẫn rất tỉnh táo kể: “Trong tích tắc trượt tay rơi xuống vực, tự dưng tôi không thấy sợ mà chỉ thấy đầu óc trống rỗng. Tôi đã rơi vào một lùm cây rậm rạp dưới vực và cảm thấy đau nhói. Tôi vẫn tỉnh, muốn gọi điện thoại báo cho người thân nhưng thấy sim điện thoại đã bị gãy”.

Trên núi trời tối nhanh, một lúc sau khi Quyền rơi thì trời tối. Trời lạnh và Quyền chỉ mặc áo khoác mỏng do trước đó leo núi thấy nóng. Anh bắt đầu muốn đi tìm cái gì đốt sưởi. Chân không nhấc lên được, Quyền cố sức trườn. Xung quanh khu vực đó toàn vách đá, Quyền đã trườn vào một mép đá và tiếp tục rơi xuống lần thứ hai. Vẫn tỉnh, mắt kính va vào mắt đau điếng, bả vai, lưng, bụng đều rất đau. Không thể trườn được nữa và thêm nỗi sợ tiếp tục bị rơi, Quyền nằm im trong đêm tối.

Theo anh Vũ Ngọc Hương – đội trưởng đội quản lý di tích thuộc Trung tâm quản lý di tích danh thắng Yên Tử, vách đá thứ hai này cao khoảng 70m. Từ vị trí mỏm đá nơi Quyền trượt chân đến vị trí anh bị rơi lần hai khoảng 80m. Từ thời điểm anh bị rơi đến lúc Quyền được cứu là 24 giờ và 30 phút.

“Rất đau và lạnh, tôi muốn kêu nhưng không đủ sức. Cái đau át cả nỗi sợ hãi, chỉ cảm thấy khát nước, rất khát. Rồi trời sáng, tôi nghe tiếng chim, rồi tiếng chó sủa. Khi sáng rõ thì thấy tiếng người lao xao. Tôi muốn kêu to lên là tôi ở đây, nhưng cố mãi cũng không kêu được. Đến chiều, khi tôi đã bắt đầu tuyệt vọng thì tiếng người gần hơn. Tôi cố sức mình kêu: Em đang ở đây. Và được cứu. Khi lên núi, sim điện thoại bị gãy nhưng lắp vào điện thoại vẫn tìm được số bố tôi, bố mẹ tôi đã thuê xe đi Quảng Ninh và đưa tôi về Bệnh viện Việt Đức luôn trong đêm 14-12”- Quyền nói trong tình trạng rất mệt, đau, đôi khi phải lấy tay chặn vào ngực vì nghẹn.

Theo anh Vũ Ngọc Hương, sáng 14-12, một ngày sau khi thấy khách trọ không về, chủ nhà trọ nơi Quyền ở đã báo Trung tâm quản lý di tích danh thắng Yên Tử. Trung tâm đã huy động khoảng 40 người, ban đầu đi tìm từ các quán nước, các chùa xung quanh, từ thông tin của những chủ quán dọc đường lên chùa Đồng dọn hàng muộn nhất, nhóm tìm kiếm có một thông tin quý giá là Quyền chưa xuống núi. Thêm một thông tin quý nữa là người dẫn đường cho Quyền nói Quyền có máy ảnh và muốn chụp những tấm ảnh đẹp ở khu vực chùa Đồng. Từ đó, nhóm tìm kiếm xác định Quyền có thể bị rơi xuống mỏm núi.

Từ nhận định này, nhóm tìm kiếm đã huy động cả chó săn của các gia đình người dân trong khu vực để tìm xung quanh các vách đá có thể Quyền đã đứng bên trên để chụp ảnh. Khoảng 15g, các anh tìm thấy cành cây gãy và vết máu nên đã theo đường mòn của người dân đi lấy thuốc tìm xuống. Ở bậc 1 không thấy người, tìm xuống thêm thì có tiếng người rất nhỏ kêu cứu. Nhóm tìm kiếm đã lấy một chiếc vỏ chăn buộc vào một cành cây to làm võng, người khiêng người kéo đưa Quyền lên lại theo đường mòn.

Bác sĩ Đinh Mạnh Hải – khoa phẫu thuật cột sống Bệnh viện Việt Đức – cho hay do ngã cao, đụng giập nhiều cơ quan nội tạng nên Quyền bị suy thận độ 1, men gan tăng cao. Ngoài ra, Quyền bị nứt vỡ đốt sống và gãy xương đòn. Các bác sĩ sẽ điều trị ổn định chức năng gan, thận trước khi mổ cố định cột sống vào ngày 19-12.