Trang chủ Tu học Phổ thông Bồ Tát Phổ Hiền

Bồ Tát Phổ Hiền

81

Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca. 


Phổ Hiền, tiếng Phạn Sàmantabhadra, dịch âm là Tam mạn đà bạt đà la, hoặc Tam mạn đà bạt đà. Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng giác Bồ tát, Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ.


Căn cứ vào tranh tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng hầu bên trái, còn Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử hầu bên phải Đức Phật Tỳ Lô Giá Na.  Bồ tát Phổ Hiền biểu thị Đại hạnh, Bồ tát Văn Thù biểu thị Đại trí, hai vị dùng trí tuệ và hạnh nguyện đồng trợ hóa cùng Đức Tỳ Lô Giá Na hóa độ chúng sanh. 


Bồ tát ngồi trên lưng voi trắng sáu ngà, biểu thị hạnh nguyện rộng lớn. Voi là loài có sức mạnh, kham nhẫn, có thể chuyên chở người và vật từ chỗ này sang chỗ khác. Bồ tát Phổ Hiền cũng thế, dùng Đại hạnh hóa độ chúng sanh, đưa họ từ bờ mê sang bến giác. Voi trắng biểu thị Bồ tát tuy lăn lộn trong trần thế hóa độ chúng sanh nhưng Ngài không vướng nhiễm bụi trần, tâm hoàn toàn trong sạch. Sáu ngà trượng trưng cho Lục độ, sáu công hạnh tu tập của chư vị Bồ tát. Hình ảnh Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà mang ý nghĩa Ngài là vị Bồ tát với tâm Bồ đề vững mạnh, hoàn toàn thanh tịnh, khéo vận dụng Lục độ làm phương tiện giáo hóa độ sanh.


Theo kinh Bi Hoa, tiền thân của Bồ tát Phổ Hiền là thái tử con vua Vô Tránh Niệm. Nhờ phụ vương khuyên bảo, thái tử đã phát tâm cúng dường Đức Phật Bảo Tạng và chư Tăng trong ba tháng an cư, đồng thời đối trước Phật và đại chúng phát đại nguyện độ sanh. Sau khi thấy sự phát nguyện rộng lớn và kiên cố của thái tử, Đức Phật Bảo Tạng vô cùng hoan hỷ và thọ ký cho Ngài về sau thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai.


Trong các pháp hội Đức Phật Thích Ca thuyết pháp, Bồ tát Phổ Hiền đóng vai trò quan trọng, đại diện chúng Bồ tát khuyến thỉnh và phát nguyện khuyến phát đạo tâm, trợ duyên tu tập, dẹp trừ ma chướng cho hành giả trên bước đường hành Bồ tát đạo. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Hiền khuyến phát, Bồ tát sau khi hỏi Phật về các điều kiện cần yếu của hành giả khi thọ trì kinh Pháp Hoa xong, liền đối trước Phật phát nguyện đời mạt pháp, nếu có người nào phát tâm trì tụng kinh này, Ngài sẽ cưỡi voi trắng sáu ngà cùng chư Đại Bồ tát hiện ra trước mặt cùng đọc tụng và hộ trì người đó. Kinh Lăng Nghiêm, chương Đại Thế Chí viên thông, Bồ tát sau khi trình bày về pháp môn tu tập của mình, liền đối trước Phật phát nguyện sau này người nào tu hạnh Phổ Hiền, khi gặp ma chướng, Ngài sẽ hiện thân đến để xoa đầu, an ủi ủng hộ, khiến các ma sự sớm tiêu trừ không thể phá hoại được.


Kinh Địa Tạng, phẩm Địa ngục danh hiệu thứ năm, Bồ tát vì muốn chúng sanh trong cõi Ta bà không tạo ác nghiệp mà thỉnh cầu Bồ tát Địa Tạng nói về những danh hiệu và tội báo trong địa ngục, nhằm giúp chúng sanh đời sau nghe được mà bỏ ác làm lành để khỏi đọa vào địa ngục chịu nhiều nỗi khổ đau.


Phổ Hiền là hạnh nguyện rộng lớn. Hạnh ở đây nói theo nghĩa rộng là nhiếp tất cả hạnh, tất cả các công hạnh lợi tha dù lớn hay nhỏ cũng không ngoài chữ hạnh này. Nói theo nghĩa hẹp, hạnh là bao gồm mười hạnh nguyện Phổ Hiền. Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện có nêu lên mười hạnh nguyện của Bồ tát và dạy rằng đây là mười hạnh nguyện tối viên mãn của Đẳng giác Bồ tát; trong chúng Bồ tát, vị nào tu tập được mười hạnh nguyện này thì đều được gọi là Phổ Hiền Bồ tát.


Trên bước đường hành Bồ tát đạo, muốn thành tựu quả vị Phật cần phải thực hành mười công hạnh này. Mười công hạnh Phổ Hiền là thường lễ kính các Đức Phật; xưng tụng công đức của Như Lai; thờ phụng và cúng dường tất cả chư Phật; sám hối các nghiệp chướng từ vô thỉ đến nay và tuân giữ tịnh giới; thường tùy hỷ công đức của tất cả chư Phật, Bồ tát; lễ thỉnh tất cả chư Phật giảng nói giáo pháp; thỉnh cầu Phật, Bồ tát chớ nhập Niết bàn mà trụ thế để nói pháp; thường theo Phật Tỳ Lô Giá Na học giáo pháp; ứng theo sự khác biệt của các loài chúng sanh mà làm các việc cúng dường; và cuối cùng là hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh để thành tựu Phật quả. Đây là mười pháp tối thắng, hay nói cách khác là Đại hạnh, nhiếp tất cả muôn hạnh thế gian và xuất thế gian của ba đời mười phương chư Phật.