Trang chủ Thời đại Xã hội Quyền lực ngân hàng dưới 1 góc nhìn Phật giáo

Quyền lực ngân hàng dưới 1 góc nhìn Phật giáo

206

Đây là đề tài nói về tiềm lực của ngân hàng trong việc định hướng doanh nghiệp đi lên.

Tham dự buổi nói chuyện có: HT.Thích Trí Viên – Phó Ban Trị Sự Phật giáo – kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp tỉnh khánh Hòa; TT.Thích Quảng Tâm – Trụ trì chùa Linh Thứu (Nha Trang) cùng chư Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang.
 
Về phía chính quyền có: ông Bùi Hữu Thành – Phó Giám đốc Sở Nội Vụ – Trưởng Ban Tôn Giáo tỉnh Khánh Hòa; bà Nguyễn Thị Thu Hằng – nguyên Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
 
QUYỀN LỰC CỦA NGÂN HÀNG là chủ đề rất rộng lớn nhưng Thượng tọa chỉ xoáy quanh lãnh vực kinh doanh, hạnh phúc gia đình theo cái nhìn của đạo lý để bổ sung cho người trong Ngành có thêm kinh nghiệm trong cách sống cũng như ý tưởng kinh doanh, giao dịch và phương thức đưa đến sự thành công lâu dài của một doanh nghiệp.
 
Mở đầu bài nói chuyện, Thượng tọa nêu những ví dụ xác thực trong cuộc sống để thấy giá trị của đồng tiền từ thưở xa xưa khác với bây giờ là thế nào?Và khi bước vào trong lĩnh vực ngân hàng thì chúng ta có mối tương quan ra sao? Trong đó Thượng tọa phân tích ngành tài chính các nước tại sao sụp đổ, để giúp mọi người định hướng lại ngành nghề cho mình mai sau được tốt đẹp hơn? Vì ngân hàng hoạt động ổn định, nghĩa là xã hội yên ổn, mọi điều tốt đẹp, ai cũng có việc làm, nhưng nếu ngành ngân hàng phá sản sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy.
 
Theo quan điểm của Thượng tọa, trong hệ thống hoạt động ngân hàng người thẩm định cho vay là người dẫn dắt ngân hàng. Nếu người có thẩm quyền quyết định cho vay lầm – cứ hết người này đến người kia không trả nổi –  cuối cùng kéo theo cả kinh tế, cả quốc gia cũng rối rắm theo. Còn nếu ta quyết định cho vay đúng thì ngân hàng tiếp tục phát triển, ta không tạo thành gánh nặng quốc gia, đồng thời còn đóng góp cho ngân sách quốc gia, hỗ trợ kinh tế quốc dân, v.v…
 
Tiếp theo, Thượng tọa đặt vấn đề, tại sao ngân hàng hoạt động kém hiệu quả? Và dựa vào đâu để đánh giá người vay sẽ trả vốn lại được hoặc không trả được? Thượng tọa muốn góp ý vào khía cạnh này vì đây là chìa khóa sống chết của ngành ngân hàng. Ta nhìn bằng con mắt đạo để nhìn ra cái cốt lõi, chìa khóa quyết định cho ai vay? vay bao nhiêu?.
 
Để hiểu rõ hơn vấn đề, Thượng tọa phân tích người vay không trả nổi đối với người cấp thấp là thế nào? đối với người cấp cao hơn là sao? Qua đó, Thượng tọa chỉ điểm những ngành nghề đầu tư tuy thấy có lợi nhuận nhưng không tạo công ăn việc làm cho ai, không có cống hiến được điều gì tốt đẹp cho xã hội.
 
Họ không có làm việc mà canh người khác cố gắng công sức để họ lấy lời. Đó là sự bóc lột, mà nếu ngân hàng hỗ trợ cho những người đó vay vốn, tức là đã tiếp tay, tạo thành chênh lệch xã hội. Có những việc làm thấy thì có lợi đó nhưng rất tai hại, nó tạo ra những trục trặc kéo dài – dây chuyền (Ví dụ như ngành đầu tư bất động sản, ngành đầu tư chứng khoán, người mượn tiền ngân hàng để mua chứng khoán – người đó chết thì ngân hàng cũng chết). Và nói theo đạo Phật “Nhân xấu thì quả xấu”, đó là tiền đề! Thượng tọa chỉ rõ những nguy cơ sụp đổ của ngân hàng mà người hoạt động ngân hàng cần phải chiêm nghiệm lại.
 
Qua đó đánh giá, đạo đức của kinh doanh ngành nghề, đạo đức của người chủ, đạo đức của người vay, điều rất quan trọng. Nghĩa là khi anh vay tiền đó, nó bảo đảm là hoạt động tốt, có nhiều người được hưởng lợi và tạo ra phước. Cái phước của doanh nghiệp đó giúp cho công ty phát triển ổn định bền vững thì ta lấy lại được vốn thu hồi. Còn nếu công ty hoạt động không có phước, họ sẽ sụp đổ và kéo ngân hàng rớt theo luôn. Đây gọi là triết lý của những người hoạt động. Vì vậy, người ngân hàng phải có con mắt đạo chứ không phải chỉ là con mắt của mình. Vì sao vậy? bởi vì con mắt đạo biết nhìn về tội phước – nhân quả. Ở đây, người mà nắm tín dụng ngân hàng, không còn là một người đơn thuần chỉ là cho vay lấy lãi nữa, mà chính là người định hướng phát triển kinh tế. Do đó, khi mà ngành ngân hàng chọn người để cho vay, ta phải coi hoạt động của người đó.
 
Thêm một yếu tố nữa trong việc quyết định cho vay, là không phải anh hoạt động hiệu quả hay không hiệu quả mà cốt tủy việc làm đó có “Đức” hay không. Chính vì ngân hàng có quyền cho vay để người khác được hoạt động hay không nên vô tình ta trở thành người có quyền và ta phải dùng quyền lực này để định hướng xã hội lại. Ta không ghét ai nhưng mà bằng cái vị trí, cái tâm đức, bằng cái triết học của mình, ngoài cái việc là người cho vay lấy lãi, bỗng nhiên ngân hàng trở thành một nhà tư vấn kinh doanh, để định hướng lại cho cái hoạt động kinh doanh của xã hội.
 
Đây là một quan điểm mới trong kinh doanh “Khi ngân hàng cho ai vay phải nhận định rằng: Cái doanh nghiệp trong hoạt động đó, yếu tố phục vụ xã hội là bao nhiêu? yếu tố của lợi nhuận là bao nhiêu? Nếu mà cái yếu tố phục vụ xã hội lớn hơn yếu tố lợi nhuận thì doanh nghiệp này lãi không nhiều nhưng sẽ phát triển được, giống như Google. Bây giờ cũng có nhiều mạng truy tìm cạnh tranh với Google nhưng vẫn không ai qua mặt được Google, chỉ vì thế giới có ân nghĩa đối với Google lớn quá.
 
Đầu tiên trên thế giới mạng, Google hỗ trợ truy tìm dữ liệu hoàn toàn miễn phí, tức là phục vụ xã hội thôi, mà cả thế giới đều dùng tới nó, nên phước vượt lên từng ngày, đưa đến hiệu quả rất lớn. Giờ đây Google hoạt động rất rộng và bao trùm thế giới này. Còn như yếu tố phục vụ ít quá mà số lợi nhuận rất lớn, lúc đó cái người làm ngân hàng phải tư vấn cho doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh, tức là cái cách kinh doanh của anh như vậy, yếu tố phục vụ ít quá, anh suy nghĩ lại dùm tôi. Ta phải dùng yếu tố tâm linh để nói chuyện thẳng với doanh nghiệp. Tuy yếu tố tâm linh là yếu tố mờ nhưng nó quyết định rất lớn cho sự thành bại của doanh nghiệp và sự thành bại của doanh nghiệp chính là sự thành bại của ngân hàng.
 
Và như vậy, khi bất cứ một doanh nghiệp nào đến với ta, họ được giáo dục đạo đức trong kinh doanh, hiệu quả trong kinh doanh, yếu tố phụng sự trong kinh doanh thì họ là con người khác sau khi rời phòng Giám đốc. Do đó ta đừng quên, người của ngân hàng có trách nhiệm xây dựng lại con người, xây dựng lại doanh nhân, định hướng lại cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển xã hội đi theo chiều hướng đạo đức tốt đẹp.
 
Lại nữa, Thượng tọa cũng đề cập đến thái độ, cái quan điểm của người làm công tác tài chính ngân hàng đối với đồng tiền. Người nhân viên làm ngân hàng là quanh năm suốt tháng lúc nào cũng tiếp xúc với tiền, mắt thấy tiền, tai nghe tiền, chữ viết tiền, tính toán cũng tiền, đi ra đi vô tiền nhưng mà lòng phải băng giá. Phải nhớ rằng “Tiền” không phải của mình mà của người ta, đó là “Máu, là mồ hôi nước mắt”. Cái ý thức này phải nhắc đi nhắc lại, để nó trở thành cốt tủy, trở thành lương tâm của người làm trong ngành ngân hàng. Làm thế nào khi ta sống với tiền mà không hại, đó là hạnh phúc. Còn nếu mỗi ngày ta động tâm một lần thôi với đồng tiền thì lòng tham khởi lên, dẫn đến những hành động tiêu cực, rồi khổ đau sẽ theo sau.
 
Thượng tọa cũng nói qua cái triết lý về đồng tiền và nhấn mạnh “Tiền để nuôi dưỡng cuộc sống của ta, tiền để giúp người, tiền để xây dựng làm những điều đạo đức tốt đẹp cho thế giới này. Tiền không phải để cất, tiền không phải để phí, không phải để cho người không đáng cho. Đối với “Tiền” ta không được phí phạm nhưng không được hà tiện. Do đó, tiền càng nhiều thì đòi hỏi trí tuệ càng lớn để biết cách mà sử dụng. Nói về triết lý của đồng tiền thì tiền là gánh nặng, tiền là trách nhiệm đối với người có đạo đức, tiền là niềm vui đối với người thiếu trí.
 
Đề cao trách nhiệm đối với xã hội và trách nhiệm đối với gia đình cũng là một phần nội dung trong bài nói chuyện này. Thượng tọa nhắc nhở “Khi ta đi làm trong ngành ngân hàng là trách nhiệm đối với xã hội nhưng mà có một cái mảng rất lớn chi phối cuộc đời ta đó là gia đình”. Có một số ngành nghề mà cái trách nhiệm đối với xã hội và trách nhiệm đối với gia đình cực kỳ mâu thuẫn không thể hòa hợp, thậm chí nhiều người đành phải xem nhẹ gia đình để gánh trách nhiệm đối với xã hội, hoặc ngược lại…
 
Để giải quyết mâu thuẩn này, một vài giải pháp được đặt ra, đó là: ta tìm sự thông cảm của gia đình. Phải hiểu rằng, trách nhiệm đối với xã hội là tốt, một khi xã hội tiến lên, đất nước tiến lên thì cũng có phần gia đình ta no ấm và hạnh phúc. Chỉ có những người lợi dụng trách nhiệm với xã hội mà bỏ bê trách nhiệm với gia đình mới là đáng trách.
 
Mặt khác, trong quan hệ xã hội còn có “Tình đồng nghiệp”, nếu không khéo ta sẽ vượt qua giới hạn, bởi vì nó cùng trách nhiệm, cho nên cái tính cảm thông thương mến lâu ngày thành đậm đà.
 
Trước khi kết thúc buổi nói chuyện, TT.Thích Chân Quang hướng dẫn phương pháp thực hành Thiền định và một số động tác khí công nhằm giúp tăng cường sức khỏe, giảm stress hằng ngày cho tất cả nhân viên tại đây. Khi mà cuộc sống đầy căng thẳng thì nó là cái áp lực trong tâm lý của con người. Vì vậy ta phải có cách bảo vệ bộ não, bảo vệ tâm hồn của mình. Cách bảo vệ mà cốt lõi nhất là Thiền Định.
 
Bài nói chuyện kết thúc trong tinh thần hoan hỷ, bởi phong cách nói chuyện của Thượng tọa mạch lạc, chuyển tải thông tin đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, nâng cao sự chú ý, quan tâm của người nghe. Họ rất tâm đắc với đề tài của buổi nói chuyện hôm nay, những điều chia sẽ, gợi ý của Thượng tọa đã giúp cho họ vỡ ra nhiều thú vị và có lợi ích trong nghề nghiệp.