Trang chủ Thời đại Xã hội Chùa và việc kinh doanh bất động sản

Chùa và việc kinh doanh bất động sản

87

Hiện nay, đọc trên mục quảng cáo các bất động sản dân cư trên các báo (cao ốc, chung cư, nhà phố, biệt thư…), chúng ta thường nhắc đến những yếu tố góp phần tạo nên giá trị nâng cao của bất động sản như gần chợ, gần trường học, gần bệnh viện hay gần các khu trung tâm…, cũng như trong khu dân cư có thảm cỏ, vườn cây, diện tích mặt nước tự nhiên (gần sông, hồ), diện tích mặt nước nhân tạo (hồ, kênh đào), trung tâm mua sắm, khu ăn uống, khu tập thể dục, nhà giữ trẻ…

Hầu như chưa thấy một sản phẩm bất động sản dân cư nào được chào bán với quảng cáo “gần chùa”, hay đáng nói hơn, “có chùa” bên trong khu dân cư.

Đây là điều thiệt thòi chung cho nhiều bên: khách hàng mua bất động sản, Phật giáo và cả chủ sở hữu bất động sản kinh doanh.

Khu Phú Mỹ Hưng, một khu dân cư rộng lớn mới xây dựng ở TPHCM, dường như không có một ngôi chùa nào được xây dựng bên trong. Người dân mua những căn hộ trong đó được đáp ứng đủ mọi thứ, siêu thị, trường học, bệnh viện, nhà trẻ…, trừ sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh. Muốn đi chùa, thì chỉ có thể đến một số ngôi chùa nhỏ ngoài khu dân cư, xa hơn trong những khu vực hình thành đã lâu trong quận 7.

Các khu cao ốc, chung cư hay biệtt thự khác mới xây dựng ở TPHCM nói chung đều như thế cả.

Xây một ngôi chùa tư, trong lòng một khu dân cư vài trăm hộ, và xác định ngôi chùa là một trong những yếu tố tạo nên giá trị của khu dân cư, là điều không khó. Hình thức chùa tư do công ty tự xây dựng, thờ Phật trang nghiêm, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của khách hàng của công ty, chúng ta đã thấy ở một số mô hình thử nghiệm, như chùa trong khu du lịch Suối Tiên, chùa trong khu du lịch Đại Nam…

Những ngôi chùa này đã góp phần làm nên vẻ đẹp của khu du lịch, thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng, lễ bái.

Công ty tư nhân xây chùa trong khu du lịch và đã rất thành công, đem lại lợi ích cho nhiều phía: người viếng chùa, khu du lịch, Phật giáo nói chung. Chùa trong khu du lịch Suối Tiên ngày càng được hoàn thiện hơn nhiều so với mẫu thiết kế ban đầu, được công ty sở hữu đầu tư nhiều hơn vào việc trang trí, nâng cấp, đã nói lên điều đó.

Chùa đẹp hơn trở lại thu hút đông đảo hơn khách thập phương viếng thăm, nhất là trong những dịp lễ tết.

Công ty sở hữu khu du lịch đầu tư xây chùa vì lợi ích nhiều phía, thì tại sao nhà đầu tư kinh doanh bất động sản không xây chùa, phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng các khách hàng của mình?

Có chùa, dù công, của chung, giáo hội quản lý, hay tư, của riêng, do công ty sở hữu, như chùa trong các khu du lịch, nếu thờ Phật trang nghiêm, thì đều đáng quý cả.

Người mua bất động sản cư trú ở đó có nơi thăm viếng lễ bái vào ngày rằm, mùng một, ngày tết, tạo thành một điểm di dưỡng tinh thần. Chùa kết hợp với cảnh quan vườn cây hay sông nước lại càng có tác dụng nâng cao giá trị của cảnh quan, tức là nâng cao giá trị của bất động sản, cũng là nâng cao phẩm chất đời sống tinh thần của cư dân.

Vậy nên, mong rằng các công ty kinh doanh bất động sản, kinh doanh nhà ở các dạng cao ốc, chung cư, nhà phố, biệt thự… lưu ý đến điểm này, trong bối cảnh đời sống xã hội ngày càng nâng cao, khách hàng ngày càng có yêu cầu nhiều hơn về không gian sống tinh thần. Đầu tư xây chùa trong các khu sản phẩm bất động sản nhà ở mới xây dựng chính là tạo thêm cơ hội kinh doanh cho các công ty bất động sản.

Bên cạnh đó, quý vị Phật tử khi đi mua nhà ở các khu dân cư mới, hãy nêu câu hỏi “có gần chùa không?” đối với những công ty kinh doanh bất động sản, để lưu ý họ một trong những nhu cầu quan trọng của khách hàng cần phải thỏa mãn, đó là nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh.

MT