Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Bốn hạng thuyết trình

Bốn hạng thuyết trình

77

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ kheo:


Này các Tỷ kheo, có bốn hạng thuyết trình này. Thế nào là bốn?


Có bốn hạng thuyết trình, này các Tỷ kheo, đi đến ngõ bí về nghĩa, không về văn; có hạng thuyết trình này, này các Tỷ kheo, đi đến ngõ bí về văn nhưng không về nghĩa; có hạng người này, này các Tỷ kheo, đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn; có hạng người, này các Tỷ kheo, không đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn.


Này các Tỷ kheo, có bốn hạng người thuyết trình này.


Không có trường hợp này, này các Tỷ kheo, không có cơ hội này, là một người đã thành tựu Bốn vô ngại giải, lại đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn.


(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm loài người,


VNCPHVN ấn hành 1996, tr.78)


Lời bàn:


Trong phận sự của mỗi người con Phật, ngoài việc tu tập để đạt an lạc, giải thoát cho tự thân thì tuyên thuyết, trao truyền và xiển dương giáo pháp nhằm giáo hoá chúng sanh hướng về Tam bảo là nhiệm vụ quan trọng. Muốn hành trì và thuyết giảng đúng Chánh pháp thì trước phải học tập, nghiên cứu để am tường giáo pháp.


Con đường để nhận thức toàn diện giáo pháp là Văn-Tư-Tu; nghe, đọc, học hỏi, nghiên tầm rồi suy tư, chiêm nghiệm nghĩa lý và nhất là sự thẩm thấu, thể nghiệm giáo pháp thông qua nội chứng. Kiện toàn được những yếu tố này, thì dù chưa đạt đến biện tài vô ngại song cũng đủ tư lương để xiển dương Chánh pháp.


Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, muốn diễn đạt, tuyên thuyết, trình bày một vấn đề trước hội chúng có sức thuyết phục cần thông suốt văn và nghĩa. Văn bản, kinh sách, tầm chương trích cú phải thông thuộc, đúng gốc, rõ ràng, đồng thời nghĩa lý, ý tứ của kinh văn phải hiểu rõ để diễn đạt mạch lạc, chính xác. Và dĩ nhiên, những ai chưa thông suốt cả văn lẫn nghĩa hoặc thạo về văn nhưng chưa thông về nghĩa thì tốt nhất là “im lặng như Chánh pháp”, cần rèn luyện và trau giồi hơn nữa. Trường hợp liễu triệt về nghĩa nhưng bị giới hạn về văn, muốn có phương tiện hoằng hoá cũng cần bổ túc thêm cho đến khi hiểu biết trọn vẹn cả văn lẫn nghĩa.


Dự vào Thánh vị, thành tựu Bốn vô ngại giải (giáo pháp, nghĩa lý, ngôn từ, biện giải vô ngại), là điều kiện lý tưởng để tuyên thuyết giáo pháp. Khi chưa thành tựu Bốn vô ngại giải hay liễu tri văn nghĩa, không vì thế mà không nỗ lực tuyên dương giáo pháp, song cần phải tự biết mình để kiện toàn. Ngày nay, không ít người thuyết pháp vì không hiểu được tinh nghĩa Đại thừa nên vội vàng quy kết là phi Phật pháp. Trừ những ai chứng đạt Bốn vô ngại giải, còn hàng phàm phu thì nên cẩn trọng thiết nghĩ đó cũng là vấn đề cần lưu tâm của mỗi người con Phật, trong bối cảnh hoằng pháp hiện nay.