Trang chủ PGVN Nhân vật Những người con Phật nhớ mãi “Đóa sen vàng”

Những người con Phật nhớ mãi “Đóa sen vàng”

152

 Thiện duyên đến ở nhà Phật

Năm lên 3 tuổi, Hòa thượng với thế danh là Trần Văn Long mồ côi mẹ. Thầy cùng cha là ông Trần Văn Đáo, hằng ngày lên chùa làng làm công vừa tích phước vừa có miếng ăn qua ngày, nhờ đó Thầy sớm có thiện duyên với Phật giáo. 

 

Khi được 6 tuổi, Ni sư Thích Đàm Ân trụ trì chùa Nho Lâm (Hưng Yên) nhận về nuôi dạy. Sau này Thầy được Hòa thượng Thích Thanh Hồ, trụ trì chùa Đống Long (Hưng Yên) thụ giới khi bước vào tuổi 12.

Trải qua quá trình tu tập, nhờ đạo hạnh và trí tuệ thông minh bẩm sinh, năm 13 tuổi, Thầy thọ giới Sa Di và chính thức trở thành một vị Tỳ kheo của Phật giáo khi được 21 tuổi.

Sống trong cảnh thực dân phong kiến đô hộ, Thầy nhận thức được “Nước mất nhà tan thì đạo suy”. Với mong muốn đạo gắn liền đời, Hòa thượng đã tích cực tham gia cách mạng, dấn thân vào cuộc đời, lúc làm tu sĩ, lúc làm dân thường, lúc là người chiến sĩ với bầu nhiệt huyết ưu đời mẫn thế.

Trong suốt thời gian hoạt động Người tu sĩ này đã từng nhiều lần bị bắt, mặc dù bị tra tấn tàn bạo nhưng không điều gì làm lung lay ý chí của một người vừa là chiến sĩ vừa là tu sĩ, chí sĩ, đại sĩ…

Không khuất phục được, cuối cùng thực dân Pháp phải trả lại tự do và Thầy tiếp tục tham gia cách mạng cho đến ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Về sau vị tăng già Thích Thanh Tứ dành trọn đời cho hoạt động của Phật giáo nước nhà. 

Người thầy áo lam tôn kính

Nhắc về Hòa thượng, cụ Nguyễn Thị Huyền (84 tuổi) trú tại Phương Mai (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) rưng rưng nước mắt kể: Thầy sống rất điềm đạm và gần gũi với những Phật tử chúng tôi. Những lúc khó khăn, vướng mắc cứ hễ gặp Thầy là vượt qua tất cả. Nghe tin Hòa thượng mất, tôi rất bất ngờ liền vội vàng lên chùa.

“Khi làm lễ nhập Kim Quan tôi không thể chen vào nhìn Thầy lần cuối được. Đứng bên ngoài tôi đã khóc rất nhiều, trong lòng tôi đau đớn và thương tiếc Thầy vô cùng. Sáng nay tôi mua được ba cái di ảnh của Hòa thượng ở hiệu sách bên cạnh chùa Quán Sứ. Tôi mang di ảnh về nhà thờ một cái còn hai cái tôi đưa cho hai đứa con tôi để cho chúng nó thờ Hòa thượng” – tay ôm di ảnh Hòa thượng Thích Thanh Tứ, cụ Huyền tâm sự.

Cụ Phạm Hồng Điểm (87 tuổi, hoạt động trong lĩnh vực Y tế của Phật giáo), người có cơ duyên chăm sóc sức khỏe cho Hòa thượng Thích Thanh Tứ mấy chục năm nay cũng có khá nhiều kỷ niệm bên Thầy.

“Khoảng 10h sáng 26/11, nghe tin Hòa thượng mất tôi rất ngạc nhiên. Lúc sáng hôm trước, tôi vẫn còn gửi sữa và thuốc lên, thấy Thầy còn rất khỏe. Thầy đã ra đi, để lại sự tiếc thương cho biết bao người. Mọi năm còn nhận được thư chúc Khánh tuế ngày mùng 1 Tết của Thầy, giờ mãi mãi không còn được nhận nữa…” – cụ Điểm nói trong nước mắt.

Cụ Điểm chia sẻ tiếp: Lúc Hòa thượng Thích Thanh Tứ còn sống, Thầy hay đùa với tôi là “Tôi còn thua cụ nhiều. Cụ phải sống thêm ba cái năm mươi để còn làm phật pháp như bây giờ” – Nói đến đây, cụ Điểm tay run run vén vạt áo lau nước mắt.

Có rất rất nhiều kỷ niệm của Hòa thượng còn đọng lại trong long các thế hệ sau. Giờ đây trước Giác linh của Thầy mọi người chỉ cầu mong Hòa thượng sớm cao đăng phật quốc, về tây phương cực lạc.

Bùi Hiền

( Theo bee.net.vn)