Trang chủ PGVN Nhân vật HT Thích Thanh Tứ: Cầu nối giữa đạo với đời

HT Thích Thanh Tứ: Cầu nối giữa đạo với đời

108

Thiện duyên với cửa Phật

Hoà Thượng Thích Thanh Tứ thế danh là Trần Văn Long, thân phụ là Trần Văn Đáo và thân mẫu là Nguyễn Thị Trỏ. Ngài sinh năm 1927 tại thôn Miếu Nha, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nông dân nghèo, năm lên 3 tuổi thì mồ côi mẹ. Hàng ngày cha con lên chùa làng để làm công quả tích phúc tạo duyên, nhờ đó mà Ngài sớm có thiện duyên với Phật giáo. Năm lên 6 tuổi được Ni sư Thích Đàm Ân trụ trì chùa Nho Lâm – Kim Động – Hưng Yên nhận về nuôi dạy. Năm 12 tuổi, Ngài đến thụ giáo với Hòa thượng Thích Thanh Hồ, trụ trì chùa Đống Long – xã Hùng An – Kim Động – Hưng Yên. Với đạo hạnh và trí tuệ thông minh bẩm sinh, năm 1939 Ngài thụ giới Sa Đi – năm 1947 Ngài được thụ đại giới Tỳ Khiêu trở thành một bậc Sa môn làm pháp khí Phật giáo.

Sống trong cảnh thực dân phong kiến đô hộ, nhân dân lầm than, Ngài nhận thức được “Nước mất nhà tan thì đạo suy”, thấm nhuần tư tưởng Phật pháp không lìa xa thế gian. Vì vậy, Ngài sớm giác ngộ tích cực tham gia cách mạng, dấn thân vào cuộc đời, lúc làm tu sĩ, lúc làm dân thường, lúc là người chiến sĩ với bầu nhiệt huyết ưu đời mẫn thế. Tháng 3-1945, Ngài cùng với nhân dân đấu tranh giành chính quyền tham gia phong trào phụng đạo yêu nước. Năm 1947 – 1949 Ngài được suy cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Hưng Yên và thành viên của Hội Liên Việt (nay là MTTQ Việt Nam).

Ngài tích cực tham gia các phong trào lao động và kháng chiến. Từ 10-1951 đến 4-1953 Ngài bị bắt giam và tra tấn qua nhiều trại giam nhà tù bốt La Tiến; bốt Lực Điền – Hưng Yên, Nhà thờ Kẻ Sặt; nhà giam Hải Dương; Nha Công an; nhà tù Hỏa Lò, trại giam Thanh Liệt – Hà Đông. Mặc dù bị tra tấn nhưng với tinh thần Bi – Trí – Dũng đã không làm phai mờ bản lĩnh của người chiến sĩ – tu sĩ – chí sĩ – đại sĩ của Ngài. Đức hy sinh chịu đựng, vị tha quên mình đã giúp Ngài vượt qua tất cả. Cuối cùng thực dân Pháp phải trả lại tự do cho Ngài. Sau đó Ngài tiếp tục tham gia cách mạng cho đến ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

– 1955 – 1957: Ngài chăm lo Phật sự chùa Đống Long; chùa Nho Lâm, chùa Phó Nham – huyện Kim Động – Hưng Yên.
– 1958 – 1973: Ngài làm Chánh thư ký tỉnh Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tỉnh Hải Dương.
– 1974 – 1980: Ngài làm Ủy viên BCH kiêm Chánh Văn phòng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam.
– 1981 – 1997: làm Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam .
– 1997 – 2002: Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, Ngài được suy cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự.
– 2002 – 2007: Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ V, Ngài được suy cử Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Viện trưởng Học viện Phật giáo tại Hà Nội.
– 2007 – 2012: Đại hội VI được suy tôn thành viên Hội đồng chứng minh và suy cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Tấm gương người tu sĩ – chiến sĩ

Trải qua bao cuộc thăng trầm của dân tộc, thịnh suy của đạo pháp, Hòa thượng Thích Thanh Tứ luôn là tấm gương của người tu sỹ – chiến sỹ, hình ảnh Ngài hiền hòa, từ bi, khuôn mặt và nụ cười khả kính rất gần gũi với mọi người. Ngài đã có nhiều đóng góp to lớn với đạo pháp – phục hồi hoạt động Phật sự, kiện toàn tổ chức nhân sự giáo hội tại các địa phương, thiết lập các hoạt động Phật sự đúng chính pháp tại mỗi cơ sở tự viện. Kêu gọi công đức trùng tu tôn tạo vào chùa chiền xuống cấp; động viên tăng ni phật tử yên tâm hành đạo ổn định đời sống tu hành, độ người phật tử xuất gia và tại gia; xây dựng tình đời thắm thiết. Luôn luôn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo mọi điều kiện để xương minh Phật pháp, hoằng dương chính đạo, lợi lạc quần sinh. Nếu gặp khó khăn Ngài trực tiếp đảm trách bước đầu, luôn đem thân mình làm nơi nương tựa cho phật tử các giới. Ngài còn trao truyền giới châu tuệ mệnh trong các đại giới đàn tăng ni và hàng vạn phật tử tại gia.

Suốt cuộc đời hy sinh cho dân tộc, cống hiến cho đạo pháp, Ngài đã trở thành cầu nối giữa đạo với đời, giữa Phật giáo 3 miền Bắc – Trung – Nam, là thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết dân tộc, Ngài được tín nhiệm tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn tôn giáo.

Với tinh thần phụng sự chúng sinh là thiết thực cùng đường chư phật, đức từ bi, bao dung, Ngài thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, bị chất độc da cam, các gia đình chính sách khó khăn, người nghèo không nơi nương tựa. Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, tham gia hoạt động xoá đói giảm nghèo. Ngài còn trực tiếp tham gia Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Hội Người cao tuổi Việt Nam cùng góp ý kiến tham mưu xây dựng chính sách xã hội ngày một hiệu quả hơn.

Với những đóng góp to lớn với đạo pháp – dân tộc, Ngài luôn được tăng ni và nhân dân gửi niềm tin tưởng; Ngài được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam công cử làm đại diện giới tăng ni phật tử tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XI và XII là Ủy viên Ban Các vấn đề xã hội. Tuy là một đại biểu lớn tuổi nhất, Ngài đóng góp ý kiến tâm huyết, được Quốc hội và cử tri đánh giá cao.

Với đóng góp và công lao to lớn đối với đạo pháp và dân tộc, ngày 23-10-2011 Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ được vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Đảng, Nhà nước trao tặng tại Học viện Phật giáo Việt Nam – Sóc Sơn – Hà Nội.

Vẫn biết rằng, cuộc đời là vô thường – Sinh lão bệnh tử. Sự ra đi của Ngài là tất yếu của kiếp nhân sinh. Nhưng sự ra đi ấy sẽ đi vào trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam đầy vinh quang và tự hào lịch sử dân tộc Việt Nam, danh tăng Việt Nam nhân dân và tín đồ phật tử Việt Nam sẽ ghi nhớ công lao to lớn ấy!
Thành kính dâng nén tâm hương tiễn đưa Hòa thượng vào ngôi bất thoái chuyển.