Bộ tiểu thuyết kinh điển rồi bộ phim Tây du ký nổi tiếng của Trung Quốc từng khiến bao người Việt Nam say mê, hồi hộp dõi theo bước chân thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng. Song ít ai biết rằng ở Việt Nam cũng từng có một “Đường Tam tạng” đã qua Tây Tạng, được quốc vương Nepal đặt pháp danh, được vinh dự thỉnh Xá lợi Phật về cho Việt Nam. Người đó là vị thiền sư Minh Tịnh, còn gọi là hòa thượng Nhẫn Tế, trụ trì đời thứ nhất của chùa Tây Tạng (Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Chuyến hành trình qua đất Phật đó được hòa thượng Nhẫn Tế ghi chép lại trong cuốn “Nhật ký tham bái Ấn Độ, Tây Tạng”. Gần đây, cuốn nhật ký đã được các môn đồ của ông in thành sách với tựa đề Sự tích Tây du Phật quốc.
Tìm tới đất Phật
Cuốn sách ghi lại hành trình hơn hai năm (từ năm 1935-1937) qua đất Phật của thiền sư Minh Tịnh. Thời kỳ đó, ở nước ta, phong trào chấn hưng Phật giáo đang dấy lên mạnh mẽ. Bối cảnh đó đã thôi thúc thiền sư Minh Tịnh tìm đến xứ Phật. Ông cho rằng muốn chấn hưng Phật giáo phải biết cội nguồn của Phật pháp. Với ý nghĩ đó, một ngày tháng 4-1935, thiền sư đến Bến Nhà Rồng (Sài Gòn) lên tàu qua xứ Phật.
Hơn 400 trang, “Nhật ký tham bái Ấn Độ, Tây Tạng” được viết bằng nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Hoa và Việt), ghi chép khá chi tiết, cụ thể và sinh động khoảng thời gian từ khi thiền sư Minh Tịnh xin giấy phép xuất dương qua Ấn Độ, thời gian hơn hai năm sinh sống trên đất Ấn Độ rồi trở về. Trải qua 15 ngày đêm đi tàu, vào ngày 31-4-1935, thiền sư Minh Tịnh tới Ấn Độ. Điểm đặt chân đầu tiên của ông là cảng Madras, một khu phố sầm uất của Ấn Độ thời bấy giờ. Sau khi rời Madras, thiền sư tới thành Ba La Nại (Béranés). Tại đây, ông ghé thăm vườn Lộc Giã (Sarnath) xin tu tập 10 tháng. Sau đó, ông tới Boudhagaya (nơi đức Phật thành đạo) để chiêm bái và suy nghiệm về sự tu chứng của đức Phật. Từ Boudhagaya, ông tới Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn), thuộc địa phận Nepal, là nơi thái tử Sĩ Đạt Ta (còn gọi Tất Đạt Đa, tức đức Phật) ra đời. Vùng núi Himalaya mùa đông là một vùng băng tuyết, ít ai chịu được cái giá lạnh nơi đây. Bằng ý chí và quyết tâm, thiền sư Minh Tịnh đã thành công khi đặt chân tới nơi đức Phật ra đời. Sau đó ông đến Lubini, nơi đức Phật giáng sinh, đến cung Ca Tỳ La Vệ, hoàng cung trước kia của thái tử Sĩ Đạt Ta.
Chùa Tây Tạng. Ảnh: NGUYỄN THỊNH
Quốc vương Nepal ban tặng pháp danh
Trong chuyến đi tới Nepal, ông đã được chiêm bái ba ngôi đại tháp thờ Xá lợi Phật lớn nhất ở Nepal: Simb-Nath, Boudha-Nath, Nammo-Boudha. Hầu hết Xá lợi Phật đều được đưa về Himalaya để thờ. Trong cuộc chiến tranh Anh xâm lược Ấn Độ, một số di tích Phật giáo đã bị tàn phá. Vì thế để bảo tồn Xá lợi, giới lãnh đạo Phật giáo thời bấy giờ quyết định đưa chúng qua Nepal.
Khi tới Nepal, thiền sư Minh Tịnh sắm lễ vật và xin vị thượng tọa Lama, người cai quản tháp được đảnh lễ Xá lợi Phật, thỉnh Xá lợi về Việt Nam. Sau nhiều lần đảnh lễ, cảm phục trước đức độ và lòng hiếu đạo của thiền sư, vị thượng tọa quản tháp quyết định dâng Xá lợi Phật cho thiền sư mang về Việt Nam. Thiền sư Minh Tịnh hết sức xúc động. Ông ghi lại trong nhật ký của mình: “Xá lợi có hào quang ngời chói, màu hồng bạch tốt tươi, dầu cho ngọc dồi cũng không tày. Vật vô giá quý thay!…”. Vào những năm 1930-1940, ở miền Nam Việt Nam, lần đầu tiên Xá lợi Phật được thỉnh từ Tây Thiên do thiền sư Minh Tịnh thỉnh về.
Sau 12 ngày ở Nepal, ông quyết định qua Tây Tạng. Cùng đi với ông có vị Lama Gav Sandhen và ba đồ đệ.
Ngày 27-2-1936, họ khởi hành bằng tàu hỏa, sau đó bằng ngựa và đi bộ. Sau ba tháng ròng rã, họ tới Lhasa, kinh đô của Tây Tạng. Đó là một chuyến đi gian nan, vất vả, cực khổ. Mùa đông băng tuyết, giá lạnh thấu xương. Mùa hè nóng khô da, cháy thịt! Đi tới đâu ông cũng học cách sống và tìm hiểu phong tục của nơi đó. Mỗi khi rảnh, ông học tiếng Tây Tạng…
Chân dung thiền sư Minh Tịnh. (Ảnh tư liệu)
Thủ bút của thiền sư Minh Tịnh trong chuyến Tây du. (Ảnh tư liệu)
Ở Tây Tạng, quốc vương cũng là một vị Lama (Lạt ma). Tại đây, thiền sư Minh Tịnh viếng quốc tự của Tây Tạng, một ngôi chùa to lớn được làm toàn bằng vàng với hàng chục nóc nhà uy nghi, tráng lệ. Sau đó, ông đến viếng quốc vương và dâng lễ vật theo đúng tục lệ, nghi thức của Tây Tạng. Sau ba lần dâng lễ, thiền sư được quốc vương khen ngợi là bậc chân tu và có tinh thần cầu đạo.
Ngày 4-10-1936, ông được quốc vương ban pháp danh Thubten – Osall Lama. Thubten là tên của Lama thái thượng hoàng, cha quốc vương. Thubten cũng có nghĩa là viên kim cương. Osall có nghĩa là mặt trời, cũng là tên của quốc vương. Vì thế, pháp danh Thubten – Osall Lama mang nhiều ý nghĩa. Thiền sư Minh Tịnh là một trong những vị thiền sư hiếm hoi vinh dự được quốc vương Nepal ban đặt pháp danh.
Ngày 30-6-1937, ông trở về Việt Nam, kết thúc cuộc hành trình đến đất Phật.
Sau khi từ Tây Tạng trở về, nghe danh thiền sư Minh Tịnh, ông hương cả Trượng (ở làng Phú Cường, nay thuộc thị xã Thủ Dầu Một, người tạo lập ngôi chùa Bửu Hương Tự – tên cũ của chùa Tây Tạng) thỉnh thầy Minh Tịnh về trụ trì chùa này. Hòa thượng Minh Tịnh cũng là người đã tạo lập dòng giáo phái Phật giáo Mật tông ở Việt Nam.
Ngày 17-5-1951, thiền sư viên tịch.
Vị “Đường Tam tạng” của Việt Nam ít được biết tới và có lẽ công trạng còn khiêm tốn nhưng với ý chí và hành trình gian truân tìm tới đất Phật, thiền sư cũng đã để lại niềm tự hào cho người Việt Nam.
Đôi nét về thiền sư Minh Tịnh Thiền sư Minh Tịnh tên thật là Nguyễn Tấn Tạo, sinh năm 1888, tại thôn An Thạnh (Thủ Dầu Một), vốn là một công chức ngành y tế thời Pháp, rất am hiểu về văn hóa Đông và Tây học. Năm 16 tuổi, ông nghiên cứu về Phật giáo. Sau đó xuất gia với hòa thượng Ấn Thành – Từ Thiện và lấy pháp danh là Chơn Phổ – Nhẫn Tế thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 40. Theo cuốn Lịch sử Bình Dương, thiền sư Minh Tịnh là người yêu nước và có nhiều cống hiến cho cách mạng. Năm 1945, ông được cử làm chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc Thủ Dầu Một. Tháng 6-1946, ông là thành viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Thủ Dầu Một tại khu Thuận An Hòa. Chùa Tây Tạng Chùa Tây Tạng có lối kiến trúc đặc biệt, chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Mật tông, tọa lạc trên một ngọn đồi tại đường Thích Quảng Đức (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương). Chùa trước đây có tên là Bửu Hương tự, được xây dựng vào khoảng năm 1930, do ông Cao Minh và ông huyện Trương vận động nhân dân dựng nên. Chùa ban đầu thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Vào năm 1940, thiền sư Minh Tịnh đã đổi tên thành Tây Tạng tự để ghi nhớ kỷ niệm chuyến du hành qua đất Phật. Đồng thời, thiền sư cũng quyết định trùng tu lại chùa theo lối kiến trúc kết tâm. Năm 1992, ngôi chùa lại được trùng tu lần nữa theo lối kiến trúc chịu ảnh hưởng của Phật giáo Mật tông.
|