Trang chủ Thời đại Xã hội Tinh thần doanh nhân thế kỷ 21

Tinh thần doanh nhân thế kỷ 21

86

Điều đơn giản nhất thể hiện ở những cuốn sách bán chạy và thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo như “Cống hiến trường cửu”, “Phụng sự để dẫn đầu”, ‘Trí óc, trái tim và khí phách”, “Năng đoạn kim cương”, “Tác nhân thu hút”,… đều là hướng dẫn cách áp dụng triết lý đạo Phật vào quản trị kinh doanh và lãnh đạo doanh nghiệp vậy.

Điều này có phải là tình cờ hay là xu thế tất yêu của nhân loại. Các tác giả của những cuốn sách nổi tiếng kia không là phật tử nhưng liệu họ có nghiên cứu triết lý và kinh điển Phật giáo. Nếu là không thì những lời Phật dạy cách đây 25 thế kỷ nay đã được áp dụng rộng rãi trên trái đất này, nhất là cho các doanh nhân, mà trước hết là ở các nước phát triển.

Lãnh đạo của thế kỷ 21 là những người có trí tuệ và tâm đức, là người biết cống hiến và hy sinh, là người có đam mê và phụng sự xã hội. Quan sát và chúng ta thấy những người giàu có nhất thế giới làm việc cật lực ngày đêm không vì tiền. Họ làm việc để cống hiến và phụng sự, họ làm việc vì sự tiến bộ của nhân loại và sự phát triển của cộng đồng. Doanh nhân thời nay là người biết làm ra lợi nhuận và mang của cải của mình kiếm được đến những nơi cần. Không phải ngẫu nhiên mà tỷ phú Bill Gates không chỉ mang tiền của mình kiếm được ra làm từ thiện mà đã kêu gọi được hàng trăm tỷ phú khác bỏ ra cả phân nửa tài sản của họ giúp xã hội.

Tôi nhớ đến câu chuyện ngày xưa trên đất Ấn Độ khi một gia đình nọ làm ăn thất bát nên làm lễ cúng trời. Họ thành tâm ngày đêm lễ bái. Suốt 2 năm trời chí tâm đảnh lễ và quả nhiên họ nhận được cảm ứng của đất trời, của chư thiên. Ngày nọ nghe thấy bước chân vào cổng, họ ra nghinh đón thì phát hiện ra đó chính là Công Đức Thiên, người mang may mắn và tiền của đến. Cả gia đình cung kính, lễ bái, đón tiếp rất long trọng. Đây là một cô gái vô cùng xinh đẹp, hiền hòa, và có tâm cao thượng. Cô đến, đúng như ước nguyện của gia đình, để ban của cải.

Tuy nhiên theo sau lại là 1 cô gái rất xấu xí, đen đủi, khó ưa. Người nhà ngay lập tức ra ngăn cản. Tuy nhiên cô gái đi sau cho biết, cô là Hắc Nữ, là chị em ruột của Công Đức Thiên và 2 chị em không bao giờ xa nhau nửa bước. Dù chủ nhà không mời nhưng nhất định Hắc Nữ phải vào. Đơn giản bởi người chị Công Đức Thiên mang tiền của đến bố thí còn Hắc Nữ đến để làm cho tiền mất đi. Có ai tích chứa tiền của mà không tiêu tán!

Làm ra của cải, ắt phải tiêu tán. Kiếm được nhiều tiền, ắt phải sẻ chia. Chỉ có vấn vấn đề là ta tự nguyện sẻ chia hay lại phải để Hắc Nữ đến để làm cho tiêu tan gia sản. Cuộc sống là vô thường. Của cải cũng vậy. Của cải ta có được tưởng là của ta nhưng thực ra là của thế gian. Chúng ta, phần lớn đều có được tiền bạc của của một cách rất khó khăn. Tuy nhiên ta thường mất chúng một cách rất dễ dàng và nhanh chóng, thậm chí rất bất ngờ.

Đức Phật đã dạy rằng tài sản chúng ta có thể bị hao tổn bởi 4 con đường khác nhau. Đó có thể là lửa cháy hay nước trôi, có thể là vua quan chính quyền cướp bóc hay con cái phá hoại. Dù ta có giữ tốt đến mấy nhưng khi gặp phải những hoàn cảnh ta không kiểm soát được thì gia sản tiêu tan trong chốc lát. Thật nhanh.

Doanh nhân Phật tử chúng ta thường biết cách tiêu tiền, xử lý tiền của mình có được một cách hợp lý nhất. Để dùng đồng tiền hiệu quả nhất. Đức Phật cũng đã dạy chúng ta biết chi tiêu vừa phải, hợp lý. Nếu chúng ta tiêu xài quá mức, phung phí tiền của sẽ gây khó khăn cho sau này. Hơn nữa, những khoản tiền hoang phí đó có thể giúp đỡ được rất nhiều người khác. Học cách sống “Thiểu dục tri túc” luôn làm cuộc sống ta được bình an và ung dung tư tại. Mọi lúc. Mọi nơi.

Những doanh nhân Phật tử hiểu biết Phật pháp luôn áp dụng tốt những lời dạy của Đức Phật vào cuộc sống. Tiền của kiếm được luôn biết phân chia ra các phần khác nhau như tiêu dùng cá nhân, để dành phòng khi gặp khó khăn; đầu tư cho sản xuất kinh doanh và bố thí làm phước.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến một phong trào đang phát triển mạnh mẽ trong giới doanh nhân chúng ta là làm từ thiện. Hầu như các doanh nghiệp mà tôi biết đều trích một phần lợi nhuận của mình để làm giúp đỡ người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn hay ủng hộ việc xây chùa. Đáng mừng hơn nữa là có những doanh nhân ngày đêm âm thầm làm từ thiện, không cần đưa tên lên báo đài, không cần ai biết đến. Họ là những người con Phật nên hiểu rõ trách nhiệm của mình, hiểu biết con đường đúng là nên dùng một phần lãi trong sản xuất kinh doanh để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những người kém may mắn hơn chúng ta hay làm việc phước đức.

Doanh nhân Phật tử là những người hiểu rõ luật nhân quả. Chúng ta biết rằng gieo gì gặt đó, tạo gì sẽ nhận đó. Chúng ta biết rằng cách duy nhất để giàu có và giàu có bền vững là phải bố thí, là làm từ thiện. Đó là việc làm tốt, tích phước cho chính mình và những người xung quanh. Chính việc âm thầm làm việc thiện, giúp người, giúp đời làm cho việc sản xuất kinh doanh của chúng ta ngày càng phát triển bền vững.

Hiện nay tại một số nơi đã hình thành các câu lạc bộ Doanh nhân Phật tử. Tuy nhiên việc làm này vẫn chưa mang tính tổ chức thật tốt, chưa phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, chưa tạo ra một hệ thống thông suốt trên toàn quốc. Doanh nhân là những người nắm vị trí rất quan trọng trong xã hội, tạo ra lượng lớn của cải vật chất. Chúng ta lại có tâm Phật, đi theo con đường mà đức Phật chỉ ra. Chúng ta biết cách kiếm tiền chính đáng, biết cách phân phối tài sản kiếm được một cách hợp lý. Điều đó hình như vẫn chưa đủ. Khối doanh nhân Phật tử chúng ta cần liên kết chặt chẽ hơn nữa với nhau để giúp cho xã hội và cộng đồng, giúp cho chánh pháp trường tồn.

Cách đây mười năm tôi đã suy nghĩ rất lâu việc tại sao tại các chùa phía bắc đều thờ đức Chúa Ông và đức Thánh Hiền. Đức Thánh Hiền bao giờ cũng được thờ ở bên phải còn đức Chúa Ông ở bên trái. Sau này tìm hiểu ra mới biết đức Thánh Hiền là ngài Anan – 1 trong 10 đại đệ tử của Đức Phật, người có trí nhớ bậc nhất, còn đức Chúa Ông là ngài Cấp Cô Độc – người đã giúp đỡ biết bao người nghèo khó, cô đơn, khó khăn và là thí chủ chính giúp tăng đoàn của Đức Phật tồn tại và hoằng pháp cách đây 2.600 năm. Rõ ràng Chánh pháp muốn duy trì, đạo Phật muốn trường tồn, cần có cả những người xuất gia và những cư sĩ tại gia, nhất là những doanh nhân có tâm Phật.

Nhân dịp diễn ra hội thảo “Doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử trong thời hội nhập” tôi thiết tha mong muốn và nguyện cầu cho Phật pháp trường tồn và mong mỗi doanh nhân làm ăn phát đạt hơn nữa để góp phần ngày càng lớn hơn cho đạo Phật. Hôm nay và mãi mãi mai sau. Tôi cũng hy vọng, sau hội thảo quan trọng này các doanh nhân, doanh nghiệp cả nước sẽ thành một khối thống nhất.