Cụ tên là Nguyễn Hữu Kha, sinh 1902 và mất rạng sáng ngày 16 tháng sáu Giáp Ngọ (1954). Trong Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ 20 (T.1) cụ được đánh giá như “Một phật tử xứng đáng tiêu biểu cho hàng cư sĩ trong đạo Phật, có công lớn trong lịch sử chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc và hơn nữa xứng đáng là gương mẫu tiêu biểu cho sự trọng thị một nhân cách khiêm ái từ hòa của người con Phật”.
Cụ Vũ Tuấn Sán một nhà nghiên cứu Hán học cao niên đã viết:
“Lòng yêu nước kết hợp với quyết tâm “hoằng pháp lợi sinh” đã khiến cư sĩ Thiều Chửu có một cuộc đời kiên nghị và thanh cao hiếm thấy: một nhà trí thức uyên bác chưa từng ngồi trên ghế nhà trường, hoàn toàn do công phu tự học, một nhà hoạt động xã hội không mệt mỏi cứu giúp đồngbào trong cơn hoạn nạn hiểm nghèo bậc nhất (dân bị lụt, bị nạn đói, trẻ em mồ côi) người có óc tổ chức, duy trì sự sinh sống và hoạt động có nền nếp của một cộng đồng luôn di chuyển, chạy giặc… người chỉ huy có sức thuyết phục bằng cuộc sống gương mẫu, bằng tình thương yêu khoan hồng chân thành. Bận rộn trăm công nghìn việc vẫn giành thời gian học tập, tu dưỡng dịch thuật trước tác phục vụ lý tưởng của mình. Có thể coi, cư sĩ Thiều Chửu là một hiện tượng khá đặc biệt trong giới trí thức ở thế kỷ này”.
Từ điển văn học (Bộ mới) nhận định: “Cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha đã có những đóng góp quan trọng làm phong phú thêm cho kho tàng thư tịch Phật giáo và nền văn hóa dân tộc”.
Giới trí thức nước ta biết đến tên Thiều Chửu qua quyển Tự điển Hán – Việt do cụ biên tập. Tự điển Hán Việt Thiều Chửu công dụng và phổ biến như Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh. Giới Tăng ni và những Phật tử biết tới Thiều Chửu như một vị chân tu hoằng dương Phật pháp, nhà dịch thuật kinh sách Phật học, như một nhà trước tác về Phật học. Ngoài việc biên dịch 15 bộ kinh nền tảng của Phật học, cụ còn sáng tác nhiều tác phẩm đặc biệt là tác phẩm Sự tích Đức Phật diễn ca và Con đường học Phật ở thế kỷ 20. Có thể coi tác phẩm này là một công trình nghiên cứu, giới thiệu Phật giáo với rất nhiều quan điểm nhân văn, tiến bộ và hiện đại. Sách có giá trị nhằm phục vụ cho công cuộc chấn hưng Phật giáo, kiểm điểm hiện trạng Phật giáo nêu những thiếu sót trầm trọng làm biến tướng đạo Phật chân chính và vạch ra cách cứu chữa. Ngay ở trang đầu sách cụ ghi: “Phải tận hiếu với nhân dân, nhân dân là cha mẹ bao kiếp, là chư Phật vị lai”. Đó có thể coi là sự kết hợp tinh thần “Đại từ đại bi” của Đạo Phật là lý tưởng nhân văn tiến bộ của thời đại.
Những năm 40 thế kỷ trước cụ từng được Giáo hội Phật giáo Bắc Kỳ giao phụ trách tổ báo Đuốc Tuệ. Cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc Kỳ.
Thiều Chửu còn là một nhà thơ. “Thơ ca của Thiều Chửu gắn liền với cuộc sống thế tục với sự việc và con người cụ thể với những tình cảm yêu nước và niềm tin ở khả năng, giải thoát của Đạo Phật” (Từ điển văn học – Bộ mới).
Ngoài việc dịch kinh, làm báo Đuốc Tuệ, trước tác, làm tự điển để hoằng dương Phật pháp, góp phần to lớn trong cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20, cụ còn có hai công đức lớn:
Một là: hoạt động nhân đạo từ thiện. Năm 1936 cụ giúp việc cho Hội tế sinh, một hội nhân đạo từ thiện, cứu giúp dân Bắc Ninh, Bắc Giang bị nạn lụt (1937) cùng với Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thúy đem tiền gạo đến trao tận tay cho nạn nhân từng nhà. Tham gia mở cô nhi viện đón 200 con em mồ côi của những gia đình chết trong nạn đói 1945.
Việc thứ hai là hoạt động khuyến học. Năm 1941 cụ được Hội phật giáo cử ra lập trường Phổ Quang (ở quận Thanh Xuân ngày nay) để giảng dạy cho tăng ni. Cụ dạy chữ Hán, giảng kinh điển, chủ trì khóa lễ nhiều học sinh hồi đó nay đã trở thành những vị Thiền sư đạo cao đức trọng.
Năm 1943 được sự hỗ trợ của Hội Phật giáo cụ mở trường ở làng Mọc đón 300 trẻ em nghèo đến học. Năm 1945 sau Cách mạng tháng Tám cụ duy trì lớp học với 30 trẻ em nghèo, xin đất ở làng Phương Liệt dựng lớp thực hiện phương thức vừa học vừa làm đầu tiên ở nước ta. Cụ tậu trâu, sắm cày cùng số em trai trên 15 tuổi vừa thoát nạn đói vừa học vừa trồng khoai cấy lúa. Bấy giờ cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm Bộ trưởng Cứu tế, nhưng cụ đã từ chối. Kháng chiến bùng nổ, cụ đưa lớp học với khoảng 10 tăng ni và 20 em đi sơ tán. Chiến tranh ác liệt, thầy trò nhiều lần phải di chuyển, nhờ nghị lực, nhờ gương mẫu, nhờ tình thương mà từ năm 1946 đến 1953 cái trường lớp kháng chiến đặc biệt ấy vẫn được duy trì. Bên cạnh lớp học tập trung cụ còn tổ chức những lớp bình dân xóa mù chữ, mở lớp huấn luyện bình dân học vụ cho giáo viên, cho tăng ni. Có lớp huấn luyện tăng ni (do Hội Phật giáo cứu nước huyện Kim Anh mở) học 3 nội dung: giáo lý đạo Phật, Lịch sử nước nhà và cuộc kháng chiến và nhiệm vụ trước mắt, cụ đã thực hiện Đạo và Đời kết hợp, văn hóa và kháng chiến kết hợp.
Nhưng một bi kịch lịch sử đã xảy ra. Đó là trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1954 cụ đã bị quy oan là địa chủ, phê phán cụ dùng tôn giáo mê hoặc quần chúng. Cụ đành tìm đến cái chết để bày tỏ nỗi oan khiên, để cảnh tỉnh cái tội lỗi tả khuynh. Cụ để lại một lá thư tuyệt mệnh gửi Hồ Chủ tịch trong đó có đoạn: “Về phần tôi bố mẹ, anh chị em 7 người chết vì giặc Pháp và phong kiến, năm 1946 tôi đi phát chẩn hơn 100 em chết đói và sốt định kỳ, phục vụ mấy vạn đồng bào bị nạn đói, mà tôi không thực hiện được chí căm thù xông ra tiền tuyến giết giặc để báo cái thù không đội trời chung, chịu sống loanh quanh ở hậu phương phụ trách một số các em, không làm tròn nhiệm vụ, để các em đói rét chết chóc, tội ấy dù chết cũng chưa hết”.
Xuất thân từ một gia đình Nho học, ông nội là cụ Nguyễn Văn Lý, một bậc đại khoa có danh vọng của văn hóa Thăng Long, cha là cụ Cử Cầu, một người tham gia sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo, anh ruột là nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo, một vị thầy của nhiều thế hệ trí thức nước ta. Cụ Thiều Chửu là một tấm gương văn hóa, tấm gương của tinh thần phục hưng dân tộc, tấm gương khuyến học, người sáng kiến ra hình thức vừa học vừa làm thực hiện điều mà sau này được nêu thành nguyên lý giáo dục học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất.
Sinh thời cụ lấy bút hiệu Thiều Chửu. Thiều Chửu là bó chổi bằng lau sậy. Tự ví mình như một vật bé mọn nhưng có ích cho đời. Trong Phật giáo còn có điển tích “bó lau sậy vượt sông”, nói về sự tích Ngài Đạt Ma đã dùng một bó lau đứng lên, dùng thần thông để vượt sông Trường Giang khi về Tây Trúc. Sau này người ta dùng hình tượng bó lau để nói về một phương tiện giúp con người Phật tử vượt sông mê sang bên kia là bờ giác ngộ.
Giúp chúng ta quét sạch mê lầm, tiêu cực, thấp kém, giúp chúng ta phương tiện để hiểu ý nghĩa cuộc sống cao thượng, hiểu lẽ nhiệm màu của Phật pháp đó là Thiều Chửu, một nhà Phật học uyên bác, tinh tấn rất nhân văn và hiện đại, một bậc trí thức nêu cao tinh thần tự học, một nhà giáo nhân ái, khiêm nhường mẫu mực và sáng tạo.
Sẽ sống mãi trong tâm trí chúng ta tấm gương lớn của cụ Thiều Chửu.
Xưa & Nay – Số 271