Quý Phật tử có học Phật pháp đã biết, không việc gì tự nhiên có quả mà không có nhân. Nhân tốt thì thành quả tốt. Nhân không tốt thì thành quả không tốt. Cho nên sách Nho cũng có nói “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”. Nghĩa là “Muốn biết nhân đời trước của mình thì hãy nhìn quả hiện tại. Muốn biết quả tương lai của mình thì cứ nhìn vào hành động hiện tại”.
Hôm nay là mùa an cư. Theo lời Phật dạy mùa an cư là thời gian chư tăng ni phải cấm túc, ở yên một chỗ nỗ lực tu học trong ba tháng mùa mưa. Vì ở Ấn Độ, mùa mưa là mùa cây cỏ sinh trưởng và côn trùng phát triển. Phật vì lòng từ bi, sợ chư tăng đi lại dẫm lên côn trùng, cây cỏ làm tổn thương sinh mạng của chúng sinh, nên cấm chư Tỳ-kheo không được đi lại trong mùa mưa.
Mùa an cư kiết hạ bắt đầu từ rằm tháng tư cho đến rằm tháng bảy. Riêng Thiền viện Thường Chiếu cũng như các Chiếu Ni là nơi chuyên tu, nên tháng nào, ngày nào cũng là ngày kiết giới an cư của chư Tăng Ni. Ngoại trừ những duyên sự đặc biệt như cha mẹ qua đời, Thầy Tổ bệnh hoạn, hay những công việc hành chánh v.v… mới được ra ngoài. Còn thì tất cả đều ở yên trong viện, lo tu học theo chương trình của Hòa thượng Viện trưởng đã ấn định.
Theo truyền thống, cuối mùa an cư là ngày tự tứ, ngày Phật hoan hỉ, các Phật tử đều về chùa, sắm lễ cúng dường mười phương chư Phật cùng hiện tiền chư tăng. Bởi vì sau ba tháng an cư, chư tăng siêng năng tu tập, chứng được thiền định, phát huy được trí tuệ. Nhờ công đức tu hành đó, các ngài hướng tâm chú nguyện cho thân nhân của Phật tử được sanh về cõi lành. Với người hiện tiền thì luôn được sáng suốt, tin kính Tam bảo và lúc nào cũng tu tạo các công đức lành.
Quý Phật tử có học Phật pháp đã biết, không việc gì tự nhiên có quả mà không có nhân. Nhân tốt thì thành quả tốt. Nhân không tốt thì thành quả không tốt. Cho nên sách Nho cũng có nói “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”. Nghĩa là “Muốn biết nhân đời trước của mình thì hãy nhìn quả hiện tại. Muốn biết quả tương lai của mình thì cứ nhìn vào hành động hiện tại”.
Vì vậy, để chuẩn bị cho tương lai của mình, chúng ta phải tu ngay bây giờ. Tu có nghĩa là sửa. Muốn sửa thì phải kiểm nghiệm lại mình, phải tỉnh táo sáng suốt. Tỉnh táo sáng suốt để biết mình nghĩ, mình nói, đúng hay không đúng. Việc nào trái với đạo lý hoặc di hại đến mọi người chung quanh, thì mình không làm. Đó tu ngay nhân, sửa ngay gốc. Nhân tốt thì nhất định không bao giờ bị quả xấu. Chúng sanh thường sợ quả mà không lo tu nhân. Ai cũng cầu nguyện cho mình được sống lâu, giàu có, con cái học hành đỗ đạt, làm ăn phát tài… Nói chung, thứ gì mình cũng muốn tốt, nhưng nhân tốt thì lại lười, không gầy dựng.
Như bây giờ chúng ta muốn được sống lâu. Trong kinh Phật dạy, người muốn sống lâu thì đừng sát sanh hại vật, đừng làm chúng sanh mất mạng sống, mất tuổi thọ, đau khổ v.v… Nhưng mình cứ sát hại, cứ giết chóc chúng sanh, rồi lại cầu nguyện cho mình được sống lâu, thì thật là mâu thuẫn. Chúng ta không cần cầu nguyện, chỉ cần tu ngay từ nhân. Nghĩa là không sát sanh sẽ được sống lâu, mạnh khỏe. Chẳng những không sát sanh mà còn phóng sanh, đó là cách tu chân chính.
Khi chúng ta đã hiểu và tin nhân quả một cách chắc thực thì không bao giờ sợ quả, mà chỉ sợ tác nhân do chính mình gây ra. Quả đến chúng ta phải biết, quả không tốt là vì nhân không tốt, không thể đổ thừa cho ai. Không đổ thừa tức là gan dạ, dám chịu trách nhiệm với những việc mình đã gây tạo từ trước. Nhân đó ta đã gây do ngu si, giờ quả đến ta sẵn sàng chấp nhận. Và ta cũng hứa với Phật rằng, từ đây về sau con không ngu si nữa, con không gây nhân như vậy nữa. Đó là tu. Tu nghĩa là sửa, là không đi theo lối cũ sai trái đã từng đi.
Con người không có ai gọi là hoàn toàn cả. Người tốt lắm cũng có ít phần khuyết. Vì vậy ngoài việc tu sửa nơi bản thân, mình cần phải có sự cảm thông, biết mở lòng tha thứ, đùm bọc và hỗ trợ mọi người trong cuộc sống. Có vậy thì các tương giao hàng ngày, trong mọi sinh hoạt mới có sự hài hòa dễ chịu.
Chẳng hạn có người bạn lỡ nói lời xúc phạm mình. Mình nghĩ rằng người đó hôm nay trong lòng có gì không yên nên mới nói như thế. Mình thông cảm, tha thứ thì không có vấn đề gì xảy ra. Tu là tu từ những việc nhỏ ấy. Ngược lại, bạn mình có gì bức xúc, lỡ lời, mình nổi nóng nói lại gấp hai gấp ba lần. Thử hỏi mình tu ở chỗ nào? Như vậy thành gây lộn rồi. Gây lộn mà không ra lẽ thì đến đánh lộn. Đánh lộn mà không phân thắng bại nữa, thì phải ra tòa. Quí vị thấy, vừa xấu hổ vừa hao tốn lại mất thì giờ và phiền phức.
Là một Phật tử xứng đáng, thì sống ở đâu, sự hiện diện của mình, của gia đình mình cũng là sự hiện diện của lòng tha thứ, của bao dung, của từ bi và trí tuệ. Vì vậy chúng ta thờ Phật là để nhớ đến những đức tánh của Ngài. Vì Ngài là thể hiện của lòng từ bi, nhẫn nhục, hỷ xả, thương người, cứu vật.
Hòa Thượng Thích Nhật Quang (Trích trong : Hương Thiền)