Bờ biển Mỹ Khê, cát trắng nước xanh lặng thinh, buồn bã. Những sảnh khách sạn vừa kịp bừng sáng long lanh đã vội tắt đèn hiu hắt. Những quán xá huyên náo mới tràn căng năng lượng đã im lìm khép nép. Bao cảnh tượng rực rỡ những qua đã vỡ oà khi thành phố thành điểm nóng dịch COVID-19.
Tất cả vừa mới khởi động cho một mùa du lịch đã vội vàng đọng ngưng.
“Đà Nẵng rồi sẽ sao hả cậu? Người dân ấy họ rồi sẽ ra sao?”
Buổi trưa cô bạn đồng nghiệp nhắn tin thảng thốt tôi đã thấy rưng rưng.
Đến chiều thì lòng trĩu nặng khi anh nhân viên buồng phòng nói lời tạm biệt: “Sang năm chị quay lại không biết em còn được làm ở đây không, lần trước cắt giảm người chỉ ai làm quá 10 năm mới được giữ lại. Nếu lần này là 15 năm e chưa đủ…”
Cô bé lễ tân đưa chân gia đình tôi ra xe vẫn không quên dặn: Anh chị nhớ dặn các con đeo khẩu trang cả khi trên máy bay nhé! Nhìn đôi bàn tay của em gái vẫy chào xa dần,xa dần, nỗi tiếc nuối càng trào dâng.
Đôi bàn tay nhỏ bé ấy cùng hàng ngàn những đôi tay cần mẫn khác, những tấm lòng trách nhiệm nhiệt thành đã cùng tạo dựng nên Thành phố du lịch Đà Nẵng. Thành phố tôi luôn muốn trở lại nhiều lần trong đời.
Những thiệt hại khủng khiếp của du lịch Đà Nẵng rồi sẽ sớm có những thống kê bằng những con số biết nói. Những xáo động bất thường trong đời sống xã hội rồi cũng sẽ có các đánh giá cụ thể.
Tôi thì tạm đo lường tác động của Covid trong giọng nói trầm tư của nhà hàng quen thuộc, trong tiếng thở dài của bác tài chở chuyến cuối trước giờ cách ly thành phố. Và trong cả nỗi mệt mỏi bơ phờ, trong điệu chạy hớt hải của từng đoàn du khách rời Đà Nẵng. Dịch bệnh còn nhanh mạnh hơn cả những cơn bão biển.
Nghĩ đến cơn bão biển, tôi chợt nhớ đến cuốn sách vừa đọc xong của tác giả Nguyên Phong. Xuyên suốt cuốn sách, ta có thể nhìn ra sự liên kết ràng buộc chặt chẽ của nhân – quả, mối liên kết giữa con người và vạn vật, giữa ứng xử của con người và quốc gia, sự điều khiển của vũ trụ và số phận con người.
Ngẫm về tình huống dịch covid vừa ập đến Đà Nẵng những ngày qua, tôi càng thấm thía mối liên kết qua lại, nhân quả giữa cá nhân – cộng đồng , vũ trụ – số phận con người.
F0 là ai, F0 từ đâu đến, lỗ hổng nào để lọt F0. Điều này khác chi hiệu ứng cánh bướm khi “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas.”
Tôi ngước mắt nhìn quanh khoang máy bay. Em tiếp viên đang tranh thủ chợp mắt. Hàng chục chuyến bay liên tiếp có thể đã khiến em kiệt sức. Những du khách vẫn chưa khỏi hốt hoảng, lo âu.
Trong phút hoa mắt tôi thấy từng đàn bướm dập dờn, dập dờn.
Có thể lắm chứ, mỗi du khách trở về từ Đà Nẵng đều có thể là những cánh bướm có nguy cơ cao gây ra những cơn bão táp ở nơi hạ cánh. Nhưng tôi lại nhớ ngay tới cách nhìn lạc quan của tác giả Nguyên Phong: …”chúng ta – những cánh bướm bé nhỏ rung động mong manh cũng có thể tạo nên những trận cuồng phong mãnh liệt để thức tỉnh mọi người.”
Máy bay hạ cánh bình an. Không vội vã, những người trẻ trong gia đình chúng tôi tập hợp cả nhà cùng hướng dẫn mọi người khai báo y tế online trước khi rời khỏi sân bay, vận động mọi thành viên trong gia đình tự cách li tại nhà, chủ động theo dõi sức khỏe.
Mỗi việc làm nhỏ bé với hy vọng như như những cái đập cánh mong manh. Mở cửa xe đón đoàn về Hà Nội, chưa kịp chào bác tài tôi đã đứng từ xa hô to:
– Bác tài ơi! Em vừa trở về từ Đà Nẵng, bác đeo ngay khẩu trang vào nhá!!!!
Phóng viên Bích Thuỷ – Phòng Xã Hội (VTC)