Của chùa thì trả nhà chùa
Cách đây vài năm, khi xây được nhà kiên cố, bà Điếm mới dám rước các “ngài” lên. Nằm im dưới đất hơn chục năm mà các “ngài” vẫn bóng loáng như hồi nào. Các con đã lớn, xóm làng đông đúc, xum vầy nên bà không còn sợ bị người lạ quấy quả như trước nữa.
Thêm nữa, chắc do trùng hợp ngẫu nhiên, người ngoài muốn “diện kiến” các “ngài” mà không được các “ngài” ưng thuận thì y rằng ốm đau, hoặc gặp chuyện chẳng lành.
Bà Điếm kể, chừng 3 năm trước, một cán bộ văn hóa đã đến nhà bà và “đè” các “ngài” ra chụp ảnh. Sau đó mấy hôm, bởi về nhà cứ mộng mị rồi lăn ra ốm, sợ hãi, vị cán bộ đó đã phải cho người nhà xuống tận nhà bà thắp hương lễ tạ. Cũng kỳ lạ, chỉ vài ngày sau, vị cán bộ đó lại khỏe mạnh như thường. Bởi sự trùng hợp ngẫu nhiên đó nên từ dạo đó, không ai dám ngang nhiên phạm đến các “ngài” nếu chưa được bà “xin phép” nữa.
Bà Điếm cho biết, đã rất nhiều nhà khảo cổ và những cán bộ làm trong ngành văn hóa đến nhà bà để nghiên cứu về hai pho tượng trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bà vẫn chưa được biết 2 pho tượng mình đang cất giữ thực chất có phải đồng đen hay là được làm từ kim loại nào khác. Tuy nhiên, theo bà thì dù là chất gì đi chăng nữa, dù trị giá có lớn tới đâu thì của nhà chùa bà cũng sẽ trả lại nhà chùa.
Đúng như lời hứa trước đây, bà chỉ giữ hộ nhà Phật. Vài năm nữa, khi chùa Huyền Thiên được tôn tạo lại, bà sẽ lại rước các “ngài” về đó. Bằng chứng là năm 2004, bà đã có cam kết với các cơ quan quản lý văn hóa, di tích Hải Dương về việc trông coi bảo quản 2 pho tượng này. Theo cam kết đó, nếu để mất mát, hư hỏng, bà sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và bà sẽ phải trao lại 2 pho tượng trên khi chùa Huyền Thiên được tôn tạo xong.
Theo ông Nguyễn Văn Sông – Trưởng ban Di tích thị xã Chí Linh (Hải Dương) thì rất có thể 2 pho tượng mà bà Điếm đang bảo quản, cất giữ là đồng hun chứ không phải đồng đen như nhiều người đồn thổi. Tuy nhiên, dù là gì đi chăng nữa thì hai pho tượng trên đúng là báu vật bởi có giá rất cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Theo ông Sông, hai pho tượng này được chế tác từ thời Hậu Lê, chừng 500 tuổi. Bởi thế, nếu chỉ xét riêng dưới góc độ cổ vật thôi thì giá trị đã lớn vô cùng.
Cũng theo ông Sông, vợ chồng bà Vũ Thị Điếm không những có công giữ gìn 2 cổ vật quý giá trên, mà còn xứng đáng được ghi nhận khi suốt mấy chục năm trời bỏ công bỏ sức canh giữ một khu di tích vô cùng có giá trị thuộc Chí Linh bát cổ, đó là chùa Huyền Thiên. Cũng bởi sự trông coi đó mà đến bây giờ, người dân mới có thể hình dung quy mô, tầm cỡ của ngôi chùa cổ này dù thứ để mường tượng chỉ là… khu đất trống với vô vàn những mảnh gạch, ngói còn vương vãi lại.
Phát lộ linh địa
Chùa Huyền Thiên được xây dựng vào thế kỷ thứ XI thời nhà Lý. Thế kỷ XIII, nhà Trần tiếp tục tôn tạo, mở rộng với quy mô hàng trăm gian và Huyền Thiên trở thành một ngôi chùa danh tiếng đương thời. Tương truyền sau chùa có động gọi là Vân Tiên rộng mấy chục trượng, vách động có muôn vàn thạch nhũ. Nhiều vị danh sĩ nổi tiếng như Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từng đến thăm và ẩn cư trong động này. Huyền Thiên cũng chính là nơi ba vị Trúc Lâm Tam Tổ tu hành thuyết pháp cho hàng nghìn tăng ni. Trải qua hàng trăm năm, do chiến tranh và thiên nhiên, ngôi chùa bề thế xưa nay chỉ còn là phế tích. Động cổ Vân Tiên cũng không còn dấu tích.
Sự huyền bí của đồng đen chính là do con người đồn thổi. Đồng đen sử dụng trong đúc tượng rất tốt, nhiệt độ nóng chảy thấp (trong khi nhiệt độ nóng chảy của đồng nguyên chất lên tới trên 1.200 độ C), dễ đầy khuôn nên người xưa có thể nấu và đúc tượng được bằng phương tiện thủ công, thậm chí dùng củi lửa để nấu đồng.
Theo ông Sông, trước đây, bà Điếm đã bỏ tiền túi của mình xây đường đi, phát quanh, tôn tạo tháp cổ ở khu phế tích này. Bởi sự bảo quản, giữ gìn của gia đình bà Điếm sẽ giúp cho việc phục dựng lại ngôi chùa trên được thuận lợi hơn.
Mới đây, năm 2010, UBND thị xã Chí Linh đã có tờ trình với UBND tỉnh Hải Dương xin được phục dựng di tích Huyền Thiên cổ tự, xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tam Tổ và trùng tu đền thờ Bà chúa Sao Sa, quy hoạch nơi đây thành trung tâm Phật giáo và khu du lịch sinh thái với diện tích khoảng 50ha. Trong đó, chùa Huyền Thiên sẽ phục dựng lại nguyên mẫu các hạng mục vốn có trên nền cũ.
Báu vật mà bà Điếm đang giữ thực chất là gì vẫn còn là một bí ẩn với ngay cả chủ nhân tạm thời là người đàn bà dáng vẻ lam lũ đó. Tuy nhiên, với tất cả những việc bà Điếm đã và đang làm thì quả là đáng trân trọng. Tấm lòng của bà với di tích, với “tài sản của người xưa” để lại cũng chẳng khác nào báu vật ở đời.