Hòa thượng họ Nguyễn, thế danh Trọng Khải sinh ngày 16 tháng 3 năm Bính Tý (ngày 10.04.1876) tại làng Háo Đức, phủ An Nhơn, nay là thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
A. THÂN THẾ
Hòa thượng họ Nguyễn, thế danh Trọng Khải sinh ngày 16 tháng 3 năm Bính Tý (ngày 10.04.1876) tại làng Háo Đức, phủ An Nhơn, nay là thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Thân phụ Hòa thượng là cụ Tú tài Nguyễn Tự, thân mẫu là bà Lâm Thị Hòa Nghị. Ngài sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu, có truyền thống Nho giáo. Từ nhỏ Ngài đã bắt đầu học chữ Hán với thân phụ, rồi lần lượt theo học với các bậc túc Nho trong tỉnh lúc bấy giờ.
Sau hai khoa thi Hương vào năm 1907 và 1910 chỉ đậu Tú tài, cảm thấy không thuận duyên trên đường khoa bảng, Hòa thượng ở nhà mở trường dạy học, vui cùng bạn bè và bà con trong thôn xóm. Giai đoạn nầy Hòa thượng lấy hiệu là Thận Thần Thị và Mai Đình.
B.THỜI KỲ XUẤT GIA HỌC ĐẠO.
Năm Ngài 41 tuổi (Đinh Tỵ – 1917) tình cờ một hôm có người đánh cá đem cho Ngài một tượng bằng sứ trắng, nhưng chỉ có từ cổ xuống tòa sen. Vài tháng sau lại có ngư phủ khác vớt được phần đầu của một pho tượng cũng bằng sứ, đem tặng Ngài. Ngài ráp hai phần lại thì khít với nhau, thành một pho tượng Quán Thế Âm nguyên vẹn. Qua năm sau (1918) lại có một nhà sư đem cho Ngài hai quyển Long Thơ Tịnh Độ là bộ sách nói về pháp môn Tịnh Độ để cầu sanh về cõi Tây phương Cực Lạc. Với sở học Hán Nôm vốn có, sau khi lãnh hội tinh yếu của bộ sách này, Hòa thượng đã chuyên tâm nghiên cứu, học hỏi thêm nhiều kinh luận của đạo Phật.
Động lực quan trọng khiến cho Hòa thượng đến với đạo Phật nhanh chóng qua con đường tri thức chính là nhân duyên hội ngộ với Quốc sư Phước Huệ tại tổ đình Thập Tháp. Đạo lực và trí tuệ của Quốc sư đã cảm hóa được một nhà trí thức và từ đó đã hun đúc chí nguyện thoát tục trong tâm trí của Ngài.
Vì thế, sau khi sắp xếp chu toàn công việc gia đình, không còn việc gì ràng buộc, năm 1919 (năm 43 tuổi), Ngài đến chùa Thạch Sơn ở Quảng Ngãi thọ giáo với Hòa thượng Hoằng Thạc, được ban pháp danh Chơn Giám, tự là Đạo Quang, hiệu là Trí Hải, thuộc đời thứ 40 dòng Thiền Lâm Tế chánh tông và đời thứ 7 dòng Thiền Minh Hải Pháp Bảo.
Từ 1919 đến 1921, Hòa thượng đã lãnh hội được tất cả yếu lý của Phật Pháp qua sự truyền dạy của Bổn sư, điều này càng làm cho Bổn sư thêm quý mến và kỳ vọng vào tương lai của người đệ tử trí thức trung niên. Nhờ vốn Hán học sẵn có, với tác phong nghiêm cẩn của một nhà Nho chân chính, với đạo hạnh mẫu mực và sự uyên thâm Phật pháp, Ngài luôn nhận được tôn kính của mọi người với tôn xưng là Hòa thượng Bích Liên.
C. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
- Chủ Bút tạp chí Từ Bi Âm
Năm 1927, Tổ Như Trí Khánh Hòa, trụ trì chùa Tuyên Linh ở Bến Tre, ra làm Pháp sư tại trường Hương tổ đình Long Khánh ở thành phố Quy Nhơn, đã gặp gỡ và mến phục tài đức của Hòa thượng, bèn cùng nhau kết làm pháp hữu, rồi mời Ngài vào Nam tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo.
Năm 1931, Tổ Khánh Hòa cùng các pháp hữu thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, trụ sở của Hội đặt tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn. Sau khi thành lập, Hội quyết định xuất bản tạp chí Từ Bi Âm, để tuyên dương Chánh pháp và làm cơ quan vận động, cổ xúy cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Để cho việc xuất bản đạt kết quả khả quan, Tổ Khánh Hòa liền ra Bình Định mời Hòa thượng Bích Liên vào đảm nhận trọng trách Chánh chủ bút. Sau gần 05 tháng chuẩn bị, số báo Từ Bi Âm đầu tiên phát hành ngày 24.11 năm Tân Mùi (01.01.1932). Từ Bi Âm phát hành được ba số, thì Hòa thượng lại trở về Bình Định mời thêm được Hòa thượng Liên Tôn, một bậc Tú tài Nho học, vào trợ giúp Hòa thượng trong trách nhiệm Phó chủ bút.
Từ Bi Âm hoạt động trong điều kiện khá thuận lợi: Về nội dung bài vở, tạp chí là nơi quy tụ nhiều cây bút lỗi lạc trong Sơn môn Tăng già như các vị Pháp sư Giác Nhật, Thiên Dụng, Huyền Ý. Về phía cư sĩ: Hòa thượng lại mời được Thầy giáo Lê Kim Ba (sau này là Pháp sư Trí Độ, giỏi cả Hán văn và Pháp văn, là một nhà nghiên cứu Phật học uyên thâm vào cộng tác.
Dưới sự điều hành xuất sắc của Hòa thượng, tạp chí Từ Bi Âm đã phát hành liên tục suốt 7 năm, từ năm 1932 đến năm 1938, không chỉ đóng góp tích cực vào công cuộc chấn hưng Phật giáo, mà còn làm rạng rỡ cho nền văn hóa Phật giáo và Dân tộc bằng Quốc ngữ, không chỉ đem lại những thành tựu khả quan cho Phật giáo miền Nam mà còn làm động lực quan trọng cho các tạp chí Phật giáo miền Trung và miền Bắc ra đời sau đó.
2. Chủ Bút tạp chí Tam Bảo
Năm Kỷ Sửu, 1937, Đà Thành Phật Học Hội thành lập và cho xuất bản tạp chí Tam Bảo. Trụ sở của Hội đặt tại chùa Phổ Đà, thành phố Đà Nẵng. Hội cử người vào chùa Bích Liên ở Bình Định cung thỉnh Hòa thượng ra làm Chủ nhiệm tạp chí này.
Tam Bảo là tạp chí Phật học thứ hai xuất bản tại miền Trung, sau tạp chí Viên Âm của An Nam Phật học hội, xuất bản tại Huế từ cuối năm Quý Dậu, 1933. Tạp chí này thường đề cập đến nhu cầu thống nhất các đoàn thể Phật giáo trong xứ thành một hội “Phật Giáo Liên Hiệp”.
Tạp chí Tam Bảo ra đời đã khuyến khích được phong trào học Phật tại Đà Thành và cũng đã tích cực góp phần vào công cuộc chấn hưng, nhưng rất tiếc Tam Bảo chỉ xuất bản hơn một năm thì phải đình bản, vì không đủ tài chánh.
3. Hoạt động hoằng pháp
Năm Giáp Tuất, 1934, Hòa thượng trở về sinh quán ở Bình Định một thời gian để kiến tạo Bích Liên Tự. Cũng từ năm này trở đi, Hòa thượng mới thu nhận đệ tử.
Năm 1935, Hòa thượng Thị Chí Phúc Hộ trú trì chùa Từ Quang, Phú Yên mời Hòa thượng hợp lực tổ chức và khai giảng Thích học đường tại chùa Tây Thiên, Phú Yên để đào tạo Tăng tài. Tuy chung sức mở trường, nhưng vì bận công việc ở Tòa soạn Từ Bi Âm nên thỉnh thoảng Hòa thượng mới về giảng dạy ở Phật học đường nầy.
Năm 1939, Hòa thượng Trừng Chấn Chánh Nhơn, trú trì Tổ đình Long Khánh thành phố Quy Nhơn, thành lập Phật học đường Long Khánh. Hòa thượng Chánh Nhơn đã mời Hòa thượng về làm Chủ giảng cho Phật học đường nầy suốt hai năm học, từ năm 1939 đến năm 1941. Đây là lớp học mà Hòa thượng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và tình cảm cao quý nhất cho các thế hệ Tăng Ni sinh của tỉnh Bình Định lúc bấy giờ. Tất cả chư vị Tăng Ni thời ấy đều ghi đậm thâm ân và hết lòng cung kính với niềm tự hào khi được ngồi học ở Phật học đường Long Khánh, dưới sự giáo dưỡng tận tụy và chan hòa tình thương của Hòa thượng. Giữa năm Tân Tỵ, 1941 Hòa thượng lại trở về chùa Bích Liên rồi dành hết thì giờ cho công cuộc trước tác và dịch thuật.
4. Nhiếp hóa đồ chúng:
Trong sự nghiệp hoằng hóa và nhiếp hóa đồ chúng, Hòa thượng đã khai sơn chùa Bích Liên để kiến lập trú xứ truyền dạy chánh pháp và thu nhận nhiều đệ tử xuất gia lẫn tại gia. Đệ tử xuất gia của Hòa thượng có trên 30 vị, đối với hàng đệ tử xuất gia Hòa thượng luôn luôn chăm sóc và tận tụy giáo dưỡng, với kỳ vọng đào tạo nên những bậc Tỳ kheo thực học, thực tu, đủ sức và vững vàng bước đi trên con đường hoằng hóa. Tiếp nối trí tuệ, đạo hạnh, và chí nguyện của Hòa thượng, nhiều vị đệ tử xuất gia và cầu pháp của Ngài đã thành tựu được những sự nghiệp lớn lao cho Phật giáo, tiêu biểu như quý Hòa thượng Liên Tôn, Trí Độ, Huyền Quang, Huyền Dung, Huyền Ấn, Giải An, Ngọc Lộ, Sư bà Thích Nữ Tịnh Viên,v.v…
Hòa thượng là vị Bổn sư đầy đủ trí tuệ, đức độ và tài năng, là tấm gương sáng chói không riêng cho hàng đệ tử noi theo, mà còn chung cho các thế hệ Tăng Ni và Phật tử thừa hưởng.
5. Trước tác và dịch thuật:
Là một bậc học giả uyên thâm Phật pháp, tinh thông Hán học, giỏi về văn Nôm, nên các trước tác và dịch thuật của Hòa thượng đã có những đóng góp rất giá trị cho nền văn hóa Phật giáo và Dân tộc, không chỉ có giá trị về mặt tư tưởng, mà còn về cả mặt ngôn ngữ, thi ca.
Trước khi tham gia Từ Bi Âm, Hòa thượng đã sáng tác rất nhiều tác phẩm bằng Hán Nôm và được ngài Chí Tâm sao chép lại.
Các trước tác của Ngài trên Từ Bi Âm trong giai đoạn đầu chủ yếu là những kinh sám phổ thông được diễn ra quốc âm, đặc biệt là văn vần. Về sau ngài cho đăng tải những bài nghiên cứu mang tính luận giải và các bản dịch và chú các kinh luật quy mô hơn.
Ngoài ra, Ngài sáng tác rất nhiều liễn đối rất đặc biệt cho nhiều tổ đình và ngôi chùa tại Bình Định. Mỗi cặp đối của Ngài là một tác phẩm tư tưởng Phật học uyên thâm và có giá trị nghệ thuật thư pháp kiệt xuất.
Thư tịch của Hòa thượng tính đến thời điểm hiện nay gồm có:
Tác phẩm chữ Hán
- Liên Tôn yếu lãm toàn tập
- Tịnh độ huyền cảnh
- Tây song ký
- Tích lạc văn
- Tọa thiền chỉ quán hợp biên
- Trùng tu Thập Tháp tự
Tác phẩm chữ Nôm
- Mông sơn thí thực khoa diễn quốcâm
- Tịnh độ văn diễn âm/Tịnh nghiệp văn diễn âm
- Kinh văn diễn âm toàn tập
- Huệ Hương am, Vĩnh Khánh ca vịnh tập
- Trì tụng nghi thức
- Đại thừa duy thức luận tập
- Tiên Phật vấn đáp
- Cổ thi từ văn diễn âm
- Nguyên nhân thế giới bất bình tập
- Thăng tòa thuyết pháp tiên thân pháp ngữ quốc âm văn
Tác phẩm chữ Quốc Ngữ
- Chứng đạo ca diễn âm
- Pháp trường kỳ thọ giới
- Bàn về lý Tịnh độ
- Luận duy thức
- Kinh Thủ lăng nghiêm
- Luật sa di diễn nghĩa
- Phật giáo nước Tàu, Phật giáo Tây Tạng
- Tu hành sự lý vấn đáp/Phật học vấn đáp
- Nguyên nhân bất bình của hiện tượng thế giới
- Tam bảo ca
Các bài viết khác trên báo
- Tiểu thuyết sám hối sanh về thiên đường
- Phê bình
- Pháp tịnh độ nay có hiện chứng
- Tân thinh diễn tích Phật
- Phật có pháp dễ tu dễ thành
- Luận về sự đăng luật
- Giải đáp hai điều khuyết nghi của ông Tâm Trai
- Phúc biện cái hồn
- Tại sao phải ăn chay
- Luận mười hai pháp nhơn duyên.
C. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Sau nhiều năm chung vai cùng chư Sơn hai miền Trung và Nam đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo, luôn tận lực miệt mài biên soạn, trước tác, dịch thuật các tác phẩm Phật học để góp phần xây dựng và xiển dương nền Phật học đương thời, đến giữa năm Tân Tỵ, 1941, Hòa thượng đã trở về hành đạo tại quê nhà.
Suốt thời gian gần 10 năm sau khi trở về chùa Bích Liên, Hòa thượng đều dành hết thời gian vào việc trước tác, dịch thuật và chăm nom giáo dưỡng chúng Tăng.
Đến giữa mùa An Cư kiết hạ, năm Phật lịch 2513, ngày 03.06 năm Canh Dần (07.7.1950) Hòa thượng an nhiên thị tịch tại Sắc tứ Tổ đình Bích Liên.
Hòa thượng đã trở về cõi tịch tĩnh an nhiên, nhưng đạo nghiệp to lớn của Ngài vẫn còn khắc sâu tâm khảm nhiều thế hệ Tăng Ni và Phật tử Việt Nam. Ngài có để lại kệ truyền thừa:
Chơn ngọc hồng sơn chiếu
Trừng châu bích hải viên
Lý minh tri tánh diệu
Trí mật ngộ tâm huyền
Tịch duyên hoài túy liễu
Lạc quốc ngự kim liên
Thánh cảnh quy lai nhật
Tông phong chấn cổ truyền.
Quả thực Hòa thượng là một vị Cao Tăng thời hiện đại, một bậc Long Tượng mô phạm đã tích cực đóng góp nhiều công sức cho phong trào chấn hưng Phật giáo trên phương diện học thuật và văn hóa vào nửa đầu thế kỷ XX. Ngài đã làm rạng rỡ Tông môn, tiếp nối xứng đáng mạng mạch truyền thừa của lịch đại Tổ sư Phật giáo Việt Nam.
Nguồn : BAN KIẾN ĐÀN – ĐẠI GIỚI ĐÀN TRÍ HẢI – BÍCH LIÊN
Hình ảnh : Thư Viện Huệ Quang cung cấp