HT nguyên là UV HĐTƯ, trưởng BTS PG tỉnh ĐăkLăk, trụ trì chùa Sắc Tứ Khải Đoan. Hòa Thượng là một trong những vị cao Tăng có thời gian hoằng hóa ở vùng Tây Nguyên này lâu nhất.
Suốt hơn 30 năm gắn bó với Phật giáo ĐăkLăk, HT đã được toàn thể chư Tăng, Ni cùng Phật tử thương kính và tưởng nhớ vì hạnh nguyện vị tha của Ngài. HT luôn dốc hết sức lực để phát triển PG tỉnh nhà.
Nhớ mãi ngày 3 tháng 10
Mùa Đông Cao Nguyên
Qúy Dậu cuối niên
Thầy về cõi Tịnh độ…
Hòa thượng thế danh Đinh văn Hương, húy thượng Tâm hạ Trung, tự Hưng Quang thuộc dòng Lâm tế thứ 43.
Hòa thượng sinh năm 1932 tại làng Vĩnh Xương (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa) trong một gia đình nhiều đời theo đạo Phật.
Năm lên 12 tuổi (1944), sau khi thi đỗ yếu lược, được song thân gởi cho Hòa thượng chùa Kim Quang (Khánh hòa) và được Hòa thượng thế phát quy y.
Năm 13 tuổi (1945), mặc dù rất khó khăn thiếu thốn mọi bề (chiến tranh bùng nổ, Bổn sư lại viên tịch) nhưng Hoà thượng vẫn giữ được ý chí xuất trần, đến chùa Kim Sơn (Nha Trang) nhận Hòa thượng Giác Hải làm ân sư.
Năm 22 tuổi thọ Sa di giới tại giới đàn chùa Thiên Phước (Nha Trang). Bốn năm sau, Hòa thượng xin lên núi Trà Cú học Mật tông, vì còn quá trẻ nên chưa được theo học, Ngài trở lại Khánh Hòa.
Cũng năm ấy, Hòa thượng thọ Tỳ kheo tại giới đàn Thiên Bửu do Hòa thượng Phước Huệ làm đàn đầu, sau đó ra Phú Yên cầu Hòa thượng Hưng Từ làm Y chỉ sư.
Sau khi học hết chương trình Phật học trung cấp, Hòa thượng trở về chùa tổ, thừa lệnh Bổn sư làm trụ trì chùa xưa.
Năm 1963, Hòa thượng được công cử về trụ trì chùa Sắc tứ Khải Đoan – trụ sở Phật giáo Daklak cho đến ngày viên tịch.
Và kể từ đây, bước chân của Hòa thượng đã in dấu trên khắp miền Cao nguyên Trung phần. Hòa thượng đã từng tham gia nhiều hoạt động đạo cũng như đời để bảo vệ Đạo pháp và dân tộc trong phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963.
Năm 1966, nội bộ Phật giáo phân hóa trầm trọng nên Hòa thượng trao trả nhiệm vụ Tuyên úy Tiểu khu Daklak, lui về chăm lo Phật sự và giúp đỡ đồng bào trong cuộc sống vất vả. Hình bóng của Ngài đã khắc sâu trong tâm khảm đồng bào cao Nguyên bằng nguyện lực và lòng bao dung đầy đạo hạnh của Hòa thượng .
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng – đất nước thống nhất, một mình một bóng Hòa thượng đã đem hết công sức lãnh đạo Phật giáo tỉnh nhà, vượt qua sóng gió trong những năm tháng khó khăn vất vả của buổi đầu đất nước mới đi vào ổn định.
Năm 1985, mặc dù điều kiện còn khó khăn nhiều mặt, Hòa thượng đã cùng Tăng ni – Phật tử tỉnh nhà vận động mở Đại hội đại biểu Phật giáo, thành lập Ban Trị sự tỉnh nhà và Hòa thượng được Đại hội tín nhiệm suốt hai nhiệm kỳ ở cương vị Trưởng ban Trị sự.
Từ đó cho đến khi trút bỏ huyễn thân, Hòa thượng tích cực hoạt động Phật sự, kiến nghị với Chính quyền các cấp, hợp thức hóa các cơ sở Giáo hội, thành lập cơ sở mới, đưa vào hoạt động trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thật xúc động khi thấy hình bóng của Hòa thượng đã hiện diện nơi miền xa xôi hẻo lánh, tại các trại cùi nghèo nàn – xơ xác. Chính trong thời gian nầy Hòa thượng đã nhuốm bịnh. Trải qua gần 10 tháng, mặc dù được Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh, Chính quyền các cấp, các ngành Y học tận tâm chăm sóc chửa trị, nhưng do cơn bịnh hiểm nghèo, thân tứ đại đến hồi tan rã và Hòa thượng đã thuận thế vô thường, trút bỏ báo thân.
Đến phút sắp giã từ cuộc đời giả huyễn, Hòa thượng luôn nhắc nhở tứ chúng đệ tử: “Nên giữ nên giữ một tinh thần đoàn kết hòa hợp sau lưng Giáo hội để duy trì mạng mạch đạo pháp, nên tập một nếp sống thanh tịnh ôn hòa”, Hòa thượng còn mong mỏi các cơ sở của Giáo hội sẽ được nhà nước quan tâm trao trả,û xin giúp đỡ cho những vùng kinh tế mới có những mái ấm tinh thần dù mái tranh vách lá để Phật tử có nơi lễ bái cầu nguyện.
Đúng 17h10 ngày 16/11/1993 (nhằm ngày 03/10/ Quý Dậu) Hòa thượng đã an nhiên tịch, hưởng thọ 61 tuổi đời, 40 năm tuổi đạo. Trên 30 năm gắn bó với Phật giáo và đồng bào Daklak.
Mặc dù thân sư tử đã rời chốn rừng thiền, nhưng pháp âm kia, hình ảnh đó vẫn còn mãi trong tâm trí và tình cảm của Tăng tín đồ Daklak.