Giáo sư Nguyễn Đăng Thục là một trí thức lớn về khoa học xã hội và nhân văn ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục tham gia nghiên cứu và thuyết giảng dưới nhiều hình thức, gồm cả việc góp sức cùng với những cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn từ miền Bắc và chiến khu trong những hoạt động nghiên cứu khoa học cuối thập niên 1970 trước khi ông qua đời.
Trong những hoạt động nghiên cứu như vậy, ông luôn xuất hiện với vai trò trước hết là nhà nghiên cứu Phật học.
Sách của Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, nhất là bộ Lịch sử Triết học Đông Phương, đã được tái bản nhiều lần, và hiện nay, ấn bản mới nhất vẫn còn bày bán ở các nhà sách.
Tuy nhiên, các bài báo của ông, dường như, ít được nhắc đến, so với sách ông biên soạn, mặc dù có nhiều bài báo rất giá trị.
Nhận thấy khiếm khuyết đó, chúng tôi chọn đánh máy và giới thiệu lại những bài viết của ông.
Trong lần này, xin tự giới thiệu bài “Phật giáo Việt Nam với quốc giáo”, in trong Tạp chí Tư tưởng, cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh, số 6, năm thứ tư, tháng 8 năm 1971.
Việc hiểu bài viết cũng như một số từ ngữ nên được đặt vào bối cảnh đăng tải bài viết lần đầu tiên.
Chân thành cảm ơn quý đại đức đã giúp chúng tôi có được bản sao của Tạp chí Tư tưởng có bài viết này.
Rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của quý bạn đọc để chúng tôi có được nhiều hơn, sách, báo tạp chí cũ để phục vụ cho chương trình giới thiệu lại các bài báo Phật giáo giá trị. Xin liên hệ: Nguyễn Thanh Phong – 153/1 Võ Văn Tần P6 Q3 TPHCM. ĐT: (08)39330174 – 0908283577.
Minh Thạnh (giới thiệu) – Nguyễn Thanh Phong (đánh máy). |
Tự cổ lai, ở Đông cũng như ở Tây, vấn đề giáo dục vẫn được các phần tử ưu thời mẫn thế lấy làm trọng tâm xây dựng một xã hội lành mạnh, một nhân loại hạnh phúc.
Nhưng không bao giờ như ngày nay, trên khắp thế giới vấn đề giáo dục lại được giới trí thức đặt lên hàng đầu trong các vấn đề nan giải khó khăn của thế giới. Từ trận Thế chiến Thứ hai, đã có biết bao ý kiến về một nền giáo dục hoàn hảo nhằm mục đích giải quyết hay trị liệu bệnh hoạn khủng hoảng của xã hội nhân loại đứng trước kỹ thuật khoa học tiến bộ quá mau lẹ, đi đôi với sự nổi dậy mãnh liệt các bản năng cầm thú của con người.
Bởi thế mà các tư tưởng gia trứ danh thế giới đã cố tìm môn thuốc để trị liệu con người, ngõ hầu xây dựng một xã hội tương lai lành mạnh. Môn thuốc ấy là văn hóa giáo dục hay là giáo hóa như danh từ Hán Việt thường dùng.
Nhà triết gia và giáo hóa có tiếng thế giới hiện đại là Alfred North Whitehead mở đầu tác phẩm “The Aims of Education” “Những mục tiêu của giáo dục” đã viết:
“Culture is activity of thought, and receptiveness to “beauty and human feeling”. Scraps of information have “nothing to do with it. A merely well informed man is “the most useless bore on God’s earth. What we should “aim at producing is men who possess both culture and “expert knowledge in some special direction. Their expert “knowledge will give them them the ground to start from”, and “their culture will lead them as deep as philososophy and as “high as art”.
"Văn hóa là hoạt động của tư tưởng và là sự thâu hóa “mỹ cảm và tình cảm nhân loại”. Những mảnh vụn “trí thức kiến văn không quan hệ chi đến văn hóa. Một “người chỉ rất thông thạo kiến thức là một mối bận tâm “thậm chí vô ích trên mặt đất thiêng liêng này. Điều chúng ta "nhằm đào tạo là hạng người đầy đủ cả văn hóa lẫn “trí thức chuyên nghiệp về một khuynh hướng đặc biệt. “Trí thức chuyên môn của chúng sẽ đem lại cho chúng “đất đứng để dùng làm khởi điểm” và “trình độ văn hóa của chúng sẽ dẫn chúng đi sâu vào triết lý và vươn cao lên “đến nghệ thuật””.
Hai chữ Văn hóa (culture) trên đây của tác giả ngụ có giáo dục bên trong, như tác giả đã viết là: “mục tiêu của giáo dục là thích khởi và hướng dẫn sinh viên tự mở mang, khai hóa” (the purpose of education is to stimulate and guide their self development).
Bởi vì theo nghĩa đen của chữ văn hóa ở Hán Việt là biến hóa nên văn vẻ tốt đẹp cũng như chữ Pháp là Cultiver: vun trồng làm cho nẩy nở. Vậy thì giáo dục theo triết gia và giáo dục gia Whitehead là giáo hóa, tức là một nền giáo dục hoàn hảo lành mạnh phải thức tỉnh ở thanh niên cái khả năng vừa tri thức lẫn đạo đức và nghệ thuật, làm sao cho mỗi thanh niên tự nó khai phóng bản tính toàn diện tiềm tàng bên trong, chứ không phải chỉ đem lại những mẫu kiến thức chuyên môn để rồi bị bóp méo vì nghề nghiệp.
Bởi thế mà bác sĩ Charles Provost ở nước Pháp mới đây cũng phê bình về cái học manh mún chuyên môn như sau:
“Tự mãn nguyện với mảnh bằng thi cử, dù sự thi cử ấy có khó khăn đến mấy đi nữa, thì sự thực là một sự sai lầm tai hại, một sự thất vọng phải trả với một giá đắt. Ngoài cái học rộng biết nhiều, còn có cái gì cần cho quốc gia hơn nữa, ấy là một nhân cách, một bản lĩnh”.
Và gần đây, trong một cuộc hội thảo về các phương diện của “xã hội khai phóng” (Opened Socicty). Bác sĩ Alan Willard Brown cũng đề nghị về nền “Giáo dục trong một xã hội khai phóng”. (Education in an Open Society).
“Personal freedom is one of the chief characteristics of open societies. What is the meaning of this freedom? It means primarity the inner freedom – freedom of conscience, freedom of thought, freedom of speech…
Our faith in history is a faith in what man may become.
… Education is regarded by all who respect human dignity as a most powerful instrument for the realisation of individual free and the surest guarantor of an open society”.
“Tự do cá nhân là một trong những đặc trưng chính của xã hội khai phóng. Ý nghĩa của tự do ấy là gì? Nó có nghĩa trước hết là tự do nội tâm – tự do tâm hồn, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận…
Tin tưởng của chúng ta vào lịch sử là một tin tưởng vào người; tin tưởng vào giáo dục là một tin tưởng vào sự thành tựu con người…
Giáo dục đối với tất cả ai tôn trọng nhân phẩm thì được coi như là một công cụ hữu hiệu nhất để thực hiện tự do cá nhân và như là bảo đảm chắc chắn nhất cho một xã hội khai phóng”.
(Xã hội khai phóng – Jemes Allen)
Lịch sử triết học giáo dục Âu tây nguyên lai từ thời cổ điển Hy lạp với Socrate, Platon, và Aristote. Cả ba triết gia tìm đối phó với trào lưu tư tưởng đương thời hoành hành trong xã hội, ấy là trào lưu ngụy biện (Sophisme), nó đề cao chủ nghĩa hoài nghi cực đoan với khẩu hiệu “Người ta mực thước cho tất cả sự vật” (L’homme est la mesure de toutes choses). Do đấy mà Socrate đầu tiên tìm cứu vãn tệ đoan đương thời bằng cách gọi về chân lý nhân sinh cộng đồng với danh ngôn “Tri ngã tự thân” (Connais toi toi même).
Nhưng phương pháp giáo dục của Socrate cũng còn tiếp tục phương pháp của phái ngụy biện. Kịp đến đệ tử trứ danh là Platon mới xây dựng cả một lý thuyết về giáo dục cho một “Lý tưởng quốc” (La Republique) trong đó một chế độ giáo dục được thi hành đem mỗi đứa trẻ thoạt mới sinh ra phải giao cho đoàn thể quốc gia, đoạn tuyệt hẳn với liên hệ gia đình cha mẹ để cho cơ quan công cộng huấn luyện thành một công dân lý tưởng của quốc gia theo kiểu “Cộng hòa” (Republique của Platon).
Nước “Cộng hòa” lý tưởng của Platon đem người dân phân biệt thiên tính khác nhau từ tuổi thanh thiếu niên qua sự trắc nghiệm và khảo thí của nhà nước, để xếp vào hạng chuyên môn như triết học gia, quân nhân, thương nhân, nông dân v.v… Vai trò lãnh đạo chính trị cái nước Cộng hòa ấy dành riêng cho triết gia vì “triết học gia chân chính luôn luôn ngắm nhìn vào những nguyên lý bất biến, sẽ uốn nắn quốc gia theo hình ảnh thiên đường”.
Đấy là một nước thực hiện lý tưởng của triết học. Tất cả chính sách giáo dục của Platon là phối hợp với cái lý tưởng triết học ấy.
Người thừa kế tư tưởng giáo dục của Platon là triết gia Aristote với chủ thuyết trứ danh: “Nhân loại là một động vật chính trị” vì nhân loại khác với động vật khác ở điểm hiểu biết chính trị, cần tham gia chính trị cho nên giáo dục của một nước nên phối hợp với chính thể quốc gia của nước ấy.
Đấy là đại khái tinh thần giáo dục của ba đại gia tư tưởng cổ điển Tây phương rất có ảnh hưởng về sau ở Âu Tây: Socrate với chủ trương giáo dục “đào tạo công dân cho nước Cộng hòa lý tưởng” và Aristote với chủ trương phối hợp giáo dục với chính thể quốc gia.
Cả ba nhà muốn lấy giáo dục để cứu vãn cái thời bệnh đương thời của Hy lạp là tư trào ngụy biện và chủ nghĩa cá nhân cực đoan.
Sau này, vào thời Trung cổ, giáo dục Tây phương hoàn toàn trong tay Giáo hội Cơ đốc đặt lý tưởng vào nước Thiên đường ngoài trần gian thế tục. Kịp đến thời Cận đại, các quốc gia thành lập bấy giờ mới bắt đầu nổi lên phong trào quốc dân giáo dục, các chính phủ quốc gia cướp lấy quyền giáo dục quốc dân trong tay Giáo hội. Giáo dục chuyên lấy quốc gia làm tiền đề, mỗi chính phủ quốc gia Cận đại xác định chế độ giáo dục để nuôi thành quốc dân của mình quyết định lấy phương châm hữu hiệu, đấy lại là một thứ giáo dục đòi thực hiện đường lối của Hy lạp theo Lý tưởng của Platon và Aristote vậy.
Giáo dục của Tây phương ngoài giáo dục của Giáo hội và Quốc gia trên đây, sớm còn có một loại giáo dục cá nhân tự do và thế học, đấy là mục tiêu của giáo dục đại học chuyên truyền bá trí thức, tìm tòi chân lý để rồi đi đến mục tiêu kỹ thuật và chức nghiệp.
Tự do trí thức và chức nghiệp chuyên môn đưa đến sự phân ly giữa người với người, bởi vì người ta sinh ra vốn không tự do và bình đẳng ở tại bản tính, mà chuyên môn tính cũng lại không tự do. Bởi thế mà giáo dục tự do cá nhân đưa đến tự do cạnh tranh, từ tự do cạnh tranh đưa đến oán hận cho đa số thất bại. Xã hội oán hận biến thành tâm lý đố kỵ, kẻ thất bại đả đảo kẻ thành công. Bởi thế mà tự do cá nhân là một tiền đề sai lầm, nếu không có giới hạn cho sự tự do.
Nhưng ở Tây phương ngoài giáo dục tự do cá nhân còn có giáo dục tôn giáo và giáo dục quốc gia nữa. Nhờ cái phong khí tín ngưỡng, cái tâm lý tập quán di truyền mà dù khoa học phát triển cực độ nhân dân cũng không xa lìa hẳn được tôn giáo để thời trước hình ảnh Thượng đế người với người không phân biệt sang hèn, thành bại, trí ngu, để thông cảm với nhau trên bình diện nhân loại.
Do đấy mà nền giáo dục Tây phương ngày nay phân ra ba loại lớn: giáo dục tôn giáo, giáo dục quốc gia, giáo dục tự do cá nhân hay là trí thức chuyên nghiệp, ba loại phối hợp mới có được công hiệu.
Bỏ giáo dục tôn giáo tín ngưỡng đi, như ở các nước theo chế độ thế học hoàn toàn, người ta sẽ thấy như xã hội hoàn toàn thành xã hội đóng cửa, bế quan vậy.
Dân tộc Việt nam sinh trưởng trên đất Giao chỉ, nơi gặp gỡ các trào lưu văn hóa phức tạp khác nhau cho nên sớm đã ý thức một triết lý giáo dục nhân bản khai phóng ở “Nam giao học tổ” nghĩa là ông tổ giáo học đất giao lưu phương Nam là Sĩ Nhiếp vào thế kỷ II C.N. có hiệu là “Sĩ Vương Tiên”. Sĩ Nhiếp tuy gốc tích nước Lỗ bên Tàu, nhưng đã sáu đời sinh trưởng ở đất Giao chỉ nên là người Giao chỉ, cho nên tinh thần giáo dục của ông phản chiếu hoàn cảnh bản xứ, nơi giao lưu của các dân tộc và văn minh (Cross road of peoples and civilization – O.Janse – France – Asie N% 165 – Janv.Fev 1961).
Lời chiếu của Vua Hán Hiếu đế phong ông làm Thái thú Giao Châu rằng:
“Giao Châu là đất văn hiến, núi sông hun đúc, trân “bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất”
Và Thượng thư Lệnh Tuân Úc đương thời ca tụng:
“Sĩ Phủ Quân ở Giao Châu, học vấn uyên bác lại thạo về chính trị… oai trọng tột vời. Ra vào chuông khánh vang lừng, đủ cả uy nghi, kèn sáo trống phách, xe ngựa rợp đường, các Sư Hồ đi bên xe đốt trầm.
Đời sau ca tụng tinh thần giáo hóa của Sĩ Nhiếp bằng bốn chữ treo ở đền thờ “Nam giao Học tổ” và câu đối:
"Sóc điện văn tông Tứ thù hậu
Nam giao Học tổ Lạc Mân tiên
“Dòng văn học phương Bắc sau nước Lỗ
Tổ giáo hóa Giao châu phương Nam, trước đất Lạc và đất Mân”.
Cái tinh thần giáo học ấy là:
“Vua Sĩ vương học tập trào lưu phong tục nước Lỗ học thức rộng mở nhún nhường quên mình đối với kẻ sĩ, biến hóa phong tục của nước bằng tinh thần Thi, Thư, lấy tinh thần Lễ, Nhạc để làm cho lòng người thuần thục, cai trị nước hơn bốn mươi năm, trong nước không xẩy ra việc rối loạn."
(Việt giám thông khảo tổng luận).
Vua Sĩ phủ Giao chỉ đã cao rộng về đường học vấn, lại đạt về đường chính trị, ở vào thời loạn mà bảo toàn được một quận hơn hai mươi năm, khiến cho biên giới không có việc biến loạn, nhân dân không thất nghiệp, những người lánh nạn lưu vong được hưởng ân huệ, dù đến Đậu Dung giữ Hà Tây cũng không hơn được.
Khi việc nước được chút rảnh, ông ta liền học tập sách Thư, sách Truyện, sách Xuân Thu Tả truyện càng phân tích tinh vi. Tôi nhiều lần từng đem các điều còn ngờ trong truyện để hỏi han, thì đều được giải thích dạy bảo, ý tứ, rất thâm thúy.
Lại về sách Thượng thư thì ông kiêm thông cả nghĩa cổ văn và kim văn, hiểu rõ nghĩa lớn chính trị vương đạo. Ông thấy ở kinh đô nhà Hán bấy giờ sự học vấn về kim văn, cổ văn đang tranh biện phải trái rối bời, ông muốn điều chỉnh lại sách Tả truyện, Thượng thư lấy ý nghĩa lớn sở trường để nêu ra”.
(Tam Quốc chí q.49 Ngô Chí 4. Sĩ Nhiếp truyện).
Đấy là tinh thần Nho học khai phóng và thực hiện của ông Tổ giáo học đất Nam giao “Nam giao Học tổ”, với cái học “bác hiệp” như sử gia Tàu gần đây nhận định: “Sĩ Nhiếp tìm kết nạp với trí thức có tiếng, vốn không giới hạn vào trong giới trí thức Nho học”.
Bởi thế nên mới có các nhà sư Phật Ấn độ được đón trịnh trọng như thể mỗi khi ra vào, và nhất là cái danh hiệu Sĩ Vương Tiên đời sau nhân dân Việt Nam truy tặng phụng thờ. Chứng tỏ cái tinh thần giáo học của dung hợp cả con người xã hội do chữ Vương đại diện và con người thiên nhiên do chữ Tiên đại diện.
Đáng chú ý hơn nữa là cái tư tưởng khai phóng ấy đã được chứng minh bằng cái tinh thần hợp tác bổ túc hỗ tương giữa hai truyền thống tư tưởng tôn giáo mâu thuẫn với nhau như Nho giáo và Phật giáo, một đàng chuyên chú vào con người xã hội luân lý, một đàng chuyên chú vào con người tâm linh giải thoát.
Hai truyền thống ấy hợp nhất trên đất Giao chỉ, nơi Kinh đô đầu tiên của nước Việt là Bắc Ninh ngày nay. Chính là để đáp ứng nguyện vọng của dân tộc nông nghiệp, do điều kiện địa lý và lịch sử đã tạo nên và quyết định trong sổ trời như Lý Thường Kiệt đã tuyên bố:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Nhưng đây cũng là do ý muốn của người đòi hỏi…. đời sống có lý tưởng của một nhân bản đầy đủ cả vật…., có nhân cách của một người dân trong một nước độc lập, tự chủ. Cái lý tưởng ấy chỉ phải tìm trong cái giáo lý hợp nhất giữa Phật và Nho, vì Nho học là cái học về tổ chức đời sống quốc gia xã hội thực tế, còn Phật học đem lại cho đức tin vào giá trị vĩnh cửu của con người lâm linh không thể thiếu được. Bởi thế Thiền sư nhà Lý là Cửu Chỉ mới nói:
“Khổng học và Mặc học giữ thuyết thế gian có thật. Trang học và Lão học lại thuyết là không có. Cả hai đều là kinh điển thuộc về tục thế, không phải là phương pháp giải thoát. Chỉ có Phật giáo, không chấp vào có và không có, mới giải quyết được vấn đề sống chết. Song cách trì phải tinh tiến, cầu bậc hiền trí ấn chứng cho mới được."
(Thiền Uyển Truyền đăng tập)
Vấn đề sống chết không ai không nghĩ đến, để chỉ biết sống có đời sống thực tế trước mắt mà được. Gạt vấn đề sống chết ra ngoài học hỏi như Khổng tử đã đáp câu hỏi của đệ tử rằng “Chưa biết sống thì hỏi đến sự chết làm gì!”. Tuy là thực tế nhưng không thể làm cho người đời thỏa mãn được, nhất là đại chúng nông dân vốn tín ngưỡng vào linh hồn bất diệt, và sùng bái Tổ tiên.
Bởi những lý do trên mà dân chúng đã tự động suy tôn người con Phật họ Lý là Lý Phật tử để lãnh đạo cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ (thế kỷ thứ VI). Và vua Lý Phật Tử đã giữ được nước độc lập lần đầu tiên suốt sáu mươi năm. Đấy là triều Tiền Lý.
Đến triều Hậu Lý sau này, Vua Lý Thánh Tông cũng đã kết hợp ngành tín ngưỡng sùng bái của nông dân với ngành tín ngưỡng của trí thức lãnh đạo thành một tôn giáo Thảo Đường, tin thờ Phật Quan Âm ở chùa Một Cột. Đồng thời cũng xây Văn miếu để thờ Thánh hiền, Không Nho Chu công, Khổng phu Tử.
Đấy là bắt đầu Tam giáo trở nên ý thức hệ dân tộc của nước Đại Việt và giáo dục quốc gia cũng lấy triết lý Tam giáo làm kim chỉ nam đào tạo nhân tài hữu dụng cho xã hội.
Gọi là Tam giáo nhưng trọng tâm là nhờ có tâm linh của Phật mới siêu việt mà bao hàm được cả hai khuynh hướng mâu thuẫn mâu thuẫn chống đối tự cỗ lai trong tư tưởng nhân loại. Chỉ có tâm linh Phật mới giải quyết được viên mãn cuộc xung đột giữa xã hội và thiên nhiên, luân lý và tự do, mà ở Á Đông Nho giáo và Lão giáo đại biểu như Cửu Chỉ đã nói:
Cái giáo lý hợp sáng Phật, Lão, Nho ấy chính là triết lý giáo dục quốc gia của Trần Thái Tông, tôn trọng cả Văn lẫn Võ như Sử gia viết:
“Vua lập ra nhà học, tôn trọng nghề văn dựng lên nhà giảng tập việc võ. Cả văn lẫn võ có vẻ rực rỡ lắm, cho nên có các ông Hán Siêu, Trung Ngạn, Nhật Duật, Ngũ Lão nối nhau xuất hiện. Văn Trinh và Hưng Đạo là bậc danh Nho, danh Tướng lừng lẫy thời bấy giờ, ấy là kết quả của sự tôn chuộng cả văn lẫn võ vậy”.
(Việt sử Tiêu án – Ngô Thời Sĩ)
“Văn võ kim bị”, “tinh thần và vật chất đầy đủ” đấy là nhân cách lý tưởng kiểu mẫu của nền giáo dục quốc học thời Trần nhằm mục đích đào tạo nên những nhân vật đáng làm gương mẫu không những cho dân tộc mà còn cho cả nhân loại muôn đời như Chu Văn An, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, vị Tổ Thiền tông Trúc Lâm An tử. Cái hệ thống giáo dục ấy căn cứ vào cái triết lý có thể gọi là “hòa hảo” vì nó hòa hợp các tôn giáo mâu thuẫn nhau như Khổng, Lão, Phật, nghĩa là cái học thế gian và cái học siêu thế gian.
Cái học thế gian hiện nay trên thế giới là khoa học kỹ thuật vật chất hoàn toàn căn cứ vào phương pháp lý trí và thực nghiệm giác quan, còn cái học siêu thế gian thì thuộc về tín ngưỡng siêu hình và tâm linh vượt giới hạn của trí thức danh lý.
Lý trí với tín ngưỡng của thế giới cận đại là hai thù địch không đội trời chung cũng như khoa học với tôn giáo, thiên nhiên với nhân văn.
Bởi thế mà ở giáo dục ngành khoa học với ngành văn học thường đi ra hai ngã cách biệt không thể gặp nhau được. Đấy là một khuyết điểm tai hại cho hạnh phúc của con người chỉ tìm thấy ở trong tâm hồn quân binh hay là nói theo nhà Phật khi nào con người có được tâm hồn viên mãn, an lạc. Tâm hồn viên mãn là khi nào các khả năng của nhân tính hay là bản tính nhân loại được phát triển đồng đều, tình cảm với lý trí được khai phóng đồng đều cái nọ không lấn át mất cái kia.
Ngoài thì là lý song trong là tình
(Nguyễn Du)
Con người không phải chỉ sống bằng lý trí bằng khoa học vạn năng bằng kỹ thuật tinh xảo để giải quyết các vấn đề thực tiễn của đời sống thế gian, nó còn sống với tình cảm và tín ngưỡng vào siêu nhiên như Linh mục Léopold Cadiere đã nhận thấy ở dân Việt tuy không có quan niệm Thượng đế như ở Âu tây nhưng họ sống rất tín ngưỡng, sống trong bầu không khí siêu nhiên thần linh. Bởi thế mà ở mỗi tổ chức xã thôn bên cạnh Đình làng thờ Thần còn có Chùa làng thờ Phật. Hai chữ Đình Chùa là hình ảnh gắn liền nhau trong tâm hồn người Việt : Tiền Thần hậu Phật.
Lâm dâm khấn vái Phật Trời
Xin cho cha mẹ ở đời nuôi con.
Hay là:
Nghiêng vai ngửa vái Phật Trời
Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân.
Đủ thấy trong tín ngưỡng bình dân Trời với Phật không rời nhau, Trời thuộc về Nho giáo thế gian Phật siêu thế gian. Bởi thế mà mở đầu quyển Kinh bình dân nhan đề là Phật Bà Quan Âm chúng ta thấy tình nhân ái giới hạn vào nhân quần xã hội của Khổng tử đã được lòng bác ái từ bi của đức Phật mở rộng bao quát tất cả chúng sinh muôn loài. Và chữ hiếu trong luân lý gia đình con cái phải hết lòng thờ cha kính mẹ đã được tinh thần bình đẳng chân như nhiệm mầu của Phật giáo cho phép người con đi tu đắc đạo có thể độ được cho cha mẹ:
Chân như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ Hiếu niệm đầu chữ Nhân
Hiếu là độ được đấng thân
Nhân là vớt khỏi trầm luân muôn loài
Tinh thông nghìn mắt nghìn tay
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra
Xem trong biển nước Nam ta
Phổ môn có Đức Phật Bà Quan Âm
Niệm Ngài thường niệm tại tâm
Và pho tượng Phật “thiên thủ thiên nhỡn” ở một ngôi chùa cổ tích Bắc ninh đã sớm cụ thể hóa cái tinh thần “đồng qui nhi thù đồ” của văn hóa Đông Nam Á, nơi gặp gỡ Đông tây ngày nay vậy.
Vua Trần Thái Tông, mở đầu triều đại oanh của lịch sử dân tộc, hẳn ý thức sâu xa ý nguyện của nhân dân mình lãnh đạo nên đã tuyên bố cái ý thức hệ hợp sáng Nho Thích như sau:
“Phật không có phương Nam phương Bắc, đều có thể tu tỉnh để cầu tìm. Người ta sinh ra có kẻ khôn kẻ ngu, nhưng cùng tư bẩm tính giác ngộ. Thế nên lấy phương tiện để dạy bảo quần chúng mê lầm, soi tỏ đường tắt về sự sống chết, ấy là giáo lý của Đức Phật ta.
Đặt cân mực cho đời sau, làm khuôn phép cho tương lai, ấy là trọng trách của bậc Thánh Nho. Cho nên Lục Tổ nói: Tiên Thánh Nho với Đại sư Phật không khác nhau! Như thế đủ biết giáo lý của đức Phật ta lại mượn Tiên thánh để truyền ra đời.
Vậy thì Trẫm nay làm sao có thể không lấy trách nhiệm của Tiên Thánh làm trách nhiệm của mình, giáo lý của đức Phật ta làm giáo lý của mình được!”.
(Thiền tông Chỉ nam Tự)
Cái tinh thần hợp nhất đạo và đời, siêu thế gian với thế gian, trí thức với đạo đức, Vũ trụ với xã hội ấy, vốn là quốc học thời Lý thời Trần, bước sang thời Lê thì Tống Nho độc tôn giáo dục khiến cho Nam Bắc phân tranh, để đến cuối thời Lê, một nhà danh Nho như Lê Quý Đôn phải ôn lại bài học lịch sử giáo dục của một triều đại mà ông tổng kết rằng:
“Hồi quốc sơ (tức Lê Thái Tổ) sau thời nhiễu nhương, “bọn nhà Nho còn thưa thớt. Những người làm đến chức “Thị, Tụng như các ông Thiên Tích, Cầm Hồ đã rực rỡ khi “phách anh hào, lại sẵn nếp can đảm dám nói thực. Những “người mến thú lâm tuyền như Lý Tử Cấu, Nguyễn Thì “Trung đều một niềm giữ lấy tiết tháo trong sạch, không “chút lòng mơ tưởng phú quí giàu sang. Đấy là một thời.
Trong khoảng thời Hồng Đức (1470-1497) mở rộng “đường khoa học thành long trọng để kén nhân tài. Học trò bèn đua nhau thiên về văn hay, cốt thêu trạm lời phú vần thơ cho đẹp, hầu mong lấy bảng cao chức trọng, còn phần khí tiết khẳng khái thì đã thấy tan tác hư suy. Nhưng vì đường sủng vinh rộng mở, cách khoa lệ cũng nghiêm, ai điềm tĩnh thì tự nhiên được cất nhắc; kẻ chạy chọt cầu cạnh thì bị cách phạt. Bởi vậy người làm quan bấy giờ ít thói bon chen mà thiên hạ còn biết quý danh nghĩa. Đấy lại là một thời.
Từ thời Đoan Khánh (1505) về sau, lối thanh nghị suy đồi, thói luồn cúi ngày càng thịnh. Kẻ quyền thế ít có ai giữ được liêm sỉ nhún nhường. Nơi triều đình ít thấy lời can ngăn kích thiết. Gặp việc khó để chịu hèn để khỏi bận, thấy cơ nguy thì bán nước cầu an. Cả đến bậc gọi là danh Nho cũng cam lòng nhận lấy cái vinh sủng bất nghĩa mà vẫn cứ thi ca thù tặng, khoe hay khoe đẹp với nhau. Phong thái sĩ phu thật là hỏng nát không bao giờ bằng thời này. Sự tệ hại thời biến chuyển này không thể nói hết. Tìm trong khoảng trên dưới một trăm năm quốc sử, để lấy những bậc gọi là kẻ Sĩ, chỉ được có vài người như Lý Tử Cấu, thật đáng ngán cho bậc phong tiết như thế ít thấy quá vậy.”
(Lê Quí Đôn – Kiến văn Tiểu lục)
Sau khi thấy giáo dục quốc gia độc tôn một hệ thống Nho giáo đem lại kết quả tai hại như thế vì bỏ mất cái gốc tín ngưỡng tâm linh của truyền thống Tam giáo thời Lý Trần, Lế Quí Đôn mới gọi nhà Nho phản tỉnh:
“Phép dạy đời của Thánh hiền lấy đạo Trung dung làm gốc. Những điều cương thường luân lý, Lễ, Nhạc, Hình, Chính đều tự Trời đất lập nên, và Vua thánh Chúa hiền làm sáng tỏ. Theo tình tính tự nhiên để sửa sang đạo lý dạy đời, ấy là mục đích cùng tột xưa nay. Các bậc Thánh nhân giảng học để làm sáng tỏ đạo Trời, để làm ngay thẳng lòng người. Còn như tìm việc mới lạ bàn về quỉ quái thì không phải là công việc thông thường của các Ngài, nên các Ngài chỉ bàn đến những lẽ phổ thông để không làm cho người đời thêm nghi hoặc.
Giáo lý của Phật, Lão chuộng sự thanh đạm, thoảng không mọi sự, siêu việt ra ngoài thế tục, tịch diệt hết mọi trần duyên, không để sự vật bên ngoài làm bận thâm tâm. Đó cũng là cách độc thiện kỳ thân của các bậc cao minh, và là những lời siêu việt về đạo đức, những lý sâu rộng về hình thần, đều có ý nghĩa sâu xa huyền diệu. Bọn nhà Nho chúng ta nếu cứ giữ cái định kiến phân ra đạo nọ đạo kia, mà điều gì cũng biện bác chê bai, thì sao nên?
Chỉ mới ở trong cõi chín châu này mà thổ nghi cùng dân tình đã mỗi nơi một khác. Huống chi trên thì Trời cao vòi vọi, giữa thì Đất rộng bao la. Những sự biến hóa ở đây, lớn lao, mới lạ, huyền ảo, kỳ quái còn biết có giới hạn nào? Lấy tấm thân nhỏ bé của người ta, thì dầu có tài ba ăn nói dọc ngang suốt tám cực, hút thở được cửu hoàn, nhưng kiến thức cũng chưa đủ rộng hết. Đã thế mà đối với những sự biến hóa ly kỳ của quỉ thần, và của các loài động thực vật chép trong sách xưa, cùng những hình dạng ở các nước xa xôi, những vật tượng ở cỏi thiêng liêng, đều nhất thiết không tin. Quá lắm lại còn có kẻ dám bỉ báng cả Tiên với Phật, sao mà ngu tối tự đắc thế nhỉ”.
(Lê Quý Đôn – Kiến văn Tiểu lục)
Và nhà Nho Hà Sách Vinh vịnh Bà Tiết phụ họ Đoàn cũng phải than về Sĩ khi thời Lê mạt:
Thương thay nước cũ hai trăm lẻ
Giữ vững cương thường một phu nhân
Tại sao Sĩ khí đã suy đồi đến thế? Phải chăng vì cái học vong bản, chuyên về hình thức mà bỏ mất ý nghĩa tinh thần như Phan Châu Trinh đã than về cái học mất nước thời nhà Nguyễn:
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương túy mộng trung
Nghĩa là dân tộc bị nô lệ của quyền lực ngoại lai dầy xéo, mà giới trí thức vẫn say mê trong cái mộng từ chương tám vế của người Tàu.
Nhưng chỉ so sánh tinh thần quốc giáo của hai giai đoạn lịch sử dân tộc, quốc giáo Lý Trần với quốc giáo Lê Nguyễn chúng ta thấy được cái lý do trụy lạc của sĩ phu. Một đằng tôn trọng tâm linh Phật giáo với luân lý Nho giáo đồng thời với tâm lý nghệ thuật Đạo giáo, dung hòa các tôn giáo cho nên giáo dục có tinh thần khai phóng sáng tạo.
Còn một đằng thì độc tôn Nho giáo cho nên giáo dục trở nên bế tỏa mất tín ngưỡng tâm linh.Tín ngưỡng truyền thống của dân tộc chỉ con thấy ở đám bình dân, còn giới trí thức lãnh đạo mải mê vọng ngoại, như lời Phan Châu Trinh :
Ngóng hơi thở của quan trường để làm văn sách .
Chích có thể phải mà Thuấn có thể sai.
Nhặt dãi thừa của người Tàu để làm phú
Biền thì phải tứ,ngẫu thì phải lục
Tíu tít những phường danh lợi, chợ Tề chực đánh cắp vàng
Lơ thơ bao kẻ hiền tài ,sân Sở luống buồn dâng ngọc
(Phú Lương Ngọc Danh Sơn)
Đây là tiếng nói của nho sĩ cách mạng thời “Đông Kinh Nghĩa Thục” muốn cải cách tinh thần giáo dục quốc gia để lấy người phục quốc.
Nhưng thực dân lo sợ đã bóp chết cái mầm quốc học ngay trong trứng bằng sự đàn áp dã man giết hầu hết các lãnh tụ hay phát vãng.
Thế là cuộc vận động Quốc học đầu tiên thời Pháp đô hộ đã bị thất bại tan tành.
Cho tới 1945, ở miền cực nam Việt Nam này lại được nghe tiếng hiệu triệu “Đồ nho và nhà sư” của Huỳnh Giáo Chủ với tinh thần Phật nho Hòa Hảo :
“Các cụ đồ nho! Từ trước đến nay, luôn luôn các cụ vẫn hoài bão một nhiệt vọng cho sự độc lập của nước Việt Nam, luôn luôn các cụ vẫn nuôi nấng một tinh thần Quốc gia càng ngày càng mạnh mẽ. Cái ngày mà các cụ mong mỏi thiết tha đã đến và ngày giờ này các cụ rất khoan khoai khoái được thấy cái nguồn sinh lực của nước Việt nam tái phát. Bao nhiêu tiết tháo của thời xưa vẫn còn in sâu vào tâm não, bao nhiêu thành tích vẻ vang hùng tráng của thời xưa đã chép ra mà nét chữ vẫn chưa mờ, còn lưu lại nơi trí óc các cụ những kỷ niệm liệt oanh rực rỡ…
Các bậc Tăng sư, Thiền đức! Các cụ có nhớ chăng? Trên lịch sử Việt Nam thời xưa nhà Đại đức Khuông Việt dầu khoác áo cà sa rời miền tục lụy, thế mà khi quốc gia hữu sự cũng ra tay gánh vác non sông”.
(Saigon tháng 3 dương lịch 1945).
Đấy là tiếng gọi xa xăm của Lý Phật Tử, của Lý Thường Kiệt, của Trần Thái Tông đã vọng lại ngày nay bảo chúng ta mau trở về tinh thần truyền thống của dân tộc Tam giáo đồng nguyên, “Nho Phật Hòa Hảo” là giáo lý đại đồng Tri hành hợp nhất, tâm vật không hai của các Thiền sư thời Lý thời Trần, rất thích hợp cho xã hội mở cửa, với tinh thần văn hóa “Đồng quy nhi thù đồ” của khu vực Đông Nam Á trong thế giới “Năm châu một chợ, bốn bể một nhà” ngày nay.
Và cái giáo lý hòa hảo ấy chính là cái Hồn của đại học hòa hảo, để phục hưng lại trong chương trình giáo khoa các đại truyền thống văn hóa Á Châu bên cạnh khoa học Âu Tây như lời Thánh Gandhi đã tuyên bố buổi khánh thành Đại học Gujerat ngày 17 tháng 11 năm 1920:
“Đại học Quốc Gia ngày nay lập nên để phản đối sự bất công của thực dân, và để bảo vệ quốc thể chúng ta. Nhưng Đại học Quốc Gia sẽ còn tồn tại mãi. Nó lấy những lý tưởng dân tộc của một Ấn độ thống nhất làm nguồn khích động. Nó đại diện cho một tôn giáo là Pháp (Dharma) của tín đồ Ấn độ giáo, và Islam của tín đồ Hồi giáo. Nó muốn cứu vãn các tiếng mẹ đẻ bị bỏ rơi một cách không chính đáng. Và lấy làm nguồn sinh lực phục sinh dân tộc và văn hóa Ấn Độ. Nó quan niệm sự nghiện cứu có hệ thống các nền văn hóa Á châu cũng cốt yếu như sự nghiên cứu khoa học Âu Tây. Nó sẽ phải tìm trong kho tàng vĩ đại của tiếng Sanscrit, tiếng Arabe, tiếng Persan, tiếng Pali và Magahdi để khám phá đâu là nguồn sinh lực dân tộc. Nó không chỉ nhằm nuôi dưỡng tính tình bằng những văn hóa cổ xưa, hay tìm mô phỏng, mà nó còn mong sáng tạo nên một nền văn hóa mới, căn cứ vào những truyền thống và tăng tiến về kinh nghiệm các thời gần đây. Nó đại biểu sự hợp sáng các nền văn hóa khác nhau đã du nhập vào đất Ấn, từng ảnh hưởng vào đời sống Ấn và từng thích ứng với tinh thần bản xứ Ấn”.
(Jeune Inde)
Lời tuyên bố này, đến nay vẫn còn là toát yếu những điểm căn bản cho một nền giáo dục Quốc gia của các dân tộc kém mở mang như Việt Nam đang còn tranh đấu để sống lại và trưởng thành một dân tộc tự do độc lập vậy.