1. Lịch sử
Trong tiến trình thống nhất Phật giáo Việt Nam, một tiến trình diễn ra liên tục, từ hơn nữa thế kỷ trước, đạt được kết quả rực rỡ vào tháng 11 năm 1981, và hiện nay đang trong giai đoạn củng cố, hoàn thiện sự thống nhất đã có, Phật giáo Nam tông người Kinh, sau đây xin được gọi tắt là hệ phái Theravada, đã đóng một vai trò quan trọng, cả trong bản chất lẫn diện mạo của quá trình thống nhất.
Trong sự kiện thống nhất Phật giáo lần thứ nhất, năm 1951, thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, hệ phái Theravada không có mặt, vì cho đến lúc đó, Phật giáo Theravada đang trong giai đoạn hình thành, số tăng ni Phật tử, chùa chiền chưa nhiều, để tạo nên yêu cầu khách quan cho việc hiện diện trong tiến trình thống nhất Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.
Hơn mười năm sau, với sự nỗ lực của chư vị lãnh đạo Phật giáo Theravada lúc bấy giờ, như các vị Hòa thượng Thiện Luật, Hòa thượng Hộ Tông…, và nhiều vị cư sĩ nhiệt tâm, các tổ chức Phật giáo Theravada ra đời, trong đó, giữ vai trò chủ chốt là Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, cũng như sự gia tăng đáng kể chư tăng, Phật tử, chùa chiền, khiến Phật giáo Theravada trở thành một thành phần quan trọng của Phật giáo Việt Nam, kể cả trong vai trò cấu thành cũng như trong diện mạo (hình thức thể hiện).
Tuy đến lúc này, Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam chưa tham gia vào tổ chức Phật giáo thống nhất Phật giáo, nhưng những biểu hiện của sự thống nhất đã được thể hiện. Thích Ca Phật Đài do Phật giáo Theravada xây dựng tại Vũng Tàu thể hiện sự lớn mạnh của hệ phái và lễ khánh thành được đặt dưới sự chủ trì của chư tôn đức lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã bước đầu thể hiện sự thống nhất mà Phật giáo Theravada luôn hướng đến.
Trong sự thống nhất, chỉ mới đạt ở mức độ tinh thần, nhưng Phật giáo Theravada Việt Nam đã cùng chịu đựng với Phật giáo Việt Nam sự bách hại, cũng như tham gia với các tông phái, tổ chức Phật giáo tại Việt Nam trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo để cùng đấu tranh cho sự sinh tồn của Phật giáo.
Điều đó, thể hiện sự thống nhất của hệ phái Phật giáo Theravada đối với Phật giáo Việt Nam trong lịch sử là một vấn đề thuộc về bản chất, không phải là vấn đề hình thức.
Nếu lần thống nhất Phật giáo vào năm 1951 là sự thống nhất ở tầm vóc quốc nội, với các tổ chức Phật giáo ở ba miền Nam Trung Bắc, thì lần thống nhất Phật giáo vào năm 1964 đã mang tính quốc tế, vì Theravada là một hệ phái mang tính chất quốc tế, là tông phái của đạo Phật quốc giáo ở nhiều quốc gia Đông Nam Á và Nam Á. Cuộc thống nhất năm 1964 được thể hiện chủ yếu như một cuộc thống nhất Bắc – Nam tông, tiếp nối lần thống nhất các địa phương trước đó.
Do đó, Hiến chương của Giáo hội Phật giáo tại miền Nam được thành lập từ năm 1964 yêu cầu Đức Phó Tăng thống phải là vị tôn đức có hệ phái khác với Đức Tăng Thống (được hiểu một cách chi tiết là nếu Đức Tăng Thống là một vị tôn đức Bắc tông thì Đức Phó Tăng thống phải là Nam tông, để thể hiện sự thống nhất Bắc – Nam tông, và trong thực tế Hòa thượng Thích Thiện Luật thuộc Phật giáo Theravada đã giữ ngôi vị Phó Tăng thống trong một thời gian dài ).
Tính chất Bắc – Nam Tông còn được thể hiện ở một vị Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo (tương đương Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự hiện nay) luôn là một vị tôn đức Nam tông.
Hình ảnh thống nhất Phật giáo Việt Nam Bắc Nam tông trước hết tại TPHCM vẫn tiếp tục ở thời điểm sau năm 1975, với tổ chức Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước. Trước khi đi đến một sự thống nhất toàn diện, triệt để, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước cũng là một tổ chức Phật giáo thể hiện đầy đủ tính chất thống nhất Bắc – Nam tông.
Phật sự quan trọng mà hệ phái Theravada đóng góp trong giai đoạn này là hoạt động truyền giới lại cho chư tăng Phật giáo Campuchia, mà tất cả đã bị hoàn tục trong những năm chế độ diệt chủng Pôn Phốt chiếm chính quyền. Việc hồi sinh Phật giáo Campuchia, do Phật giáo Theravada Việt Nam đóng góp, trong tư cách sự trợ giúp của Phật giáo Việt Nam nói chung dành cho Phật giáo Campuchia, đã có một vị trí quan trọng trong trong việc hồi sinh của cả dân tộc Campuchia, là một Phật sự công đức lớn lao. Nó cũng thể hiện diện mạo Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam tông trong mọi hoàn cảnh, dù trong hoàn cảnh chưa đủ nhân duyên hình thành một tổ chức thống nhất hoàn toàn và triệt để.
2. Góp phần xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sự kiện trọng đại đã đến vào tháng 11 năm 1981, với sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có sự tham gia của Giáo hội Tăng Già Nguyên thủy Việt Nam (Phật giáo Nam tông kinh). Từ đó đến nay, Phật giáo Nam tông Kinh, vẫn thường gọi là hệ phái Theravada, luôn gắn bó trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dù vẫn giữ gìn nghiêm túc truyền thống tu tập biệt truyền của mình. Sự đóng góp của hệ phái Nam tông Kinh thể hiện ở đủ các mặt trong sinh hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ hoằng pháp, giáo dục Tăng ni, đến tăng sự, văn hóa, giao lưu quốc tế…
Hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với cộng đồng Phật giáo thế giới luôn là hình ảnh một Giáo hội Phật giáo đặc biệt gồm cả Bắc Nam tông. Tầm vóc thống nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tầm vóc thống nhất có tính quốc tế nâng cao. Điều đó, thể hiện Phật giáo Việt Nam là sự dung nạp độc đáo hai hướng truyền bá chính của Phật giáo thế giới tại châu Á.
3. Đề xuất hướng tới sự phát triển chung.
Để thể hiện sâu sắc hơn nữa, trọn vẹn hơn nữa tính chất thống nhất toàn diện Bắc – Nam tông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần thúc đẩy hoạt động đối ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng là đồng thời thúc đẩy hoạt động ngoại giao nhân dân của nước ta đối với các nước theo Phật giáo Nam tông ở Đông Nam Á và Nam Á (như Lào, Campuchia, Thái Lan, Sri Lanka…), tông phái Phật giáo Therarada trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần được thể hiện không phải như một tông phái địa phương với địa bàn hoạt động chủ yếu chỉ ở các tỉnh phía Nam, mà là một tông phái toàn quốc, là một phần diện mạo toàn quốc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đây là một điều cần thiết để thúc đẩy ngoại giao nhân dân giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước Đông Nam Á, Nam Á theo Phật giáo Nam tông. Vì lợi ích chung của đất nước và Giáo hội, chúng tôi đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam hỗ trợ tông phái Theravada truyền bá ở các tỉnh phía Bắc, thể hiện một diện mạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Bắc – Nam tông ở phạm vi toàn quốc thật sự.
Trong mục tiêu này, ngoài sự việc trợ giúp thuận duyên từ Giáo hội Trung ương, nỗ lực của chính hệ phái Theravada, cũng còn cần đến sự giúp đỡ từ chính quyền, trước hết trong việc kiến tạo một ngôi chùa Nam tông ở thủ đô.
Ngoài việc phục vụ cho hoạt động tôn giáo mang tính chất thống nhất toàn diện, đa hệ phái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hình thành diện mạo thống nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại thủ đô, ngôi chùa Phật giáo Theravada tại Hà Nội còn là nơi các nhà ngoại giao, kiều dân các quốc gia Phật giáo Nam tông đến lễ bái, tu tập, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của số không nhỏ bạn bè quốc tế trong khối Đông Nam Á.
Hệ phái Theravada luôn hướng đến việc kiến tạo một sự thống nhất tuyệt đối vững chắc, toàn diện, triệt để, có tính chất vĩnh viễn trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sự phát triển của hệ phái Theravada trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự thể hiện sinh động bản chất và diện mạo thống nhất của Phật giáo Việt Nam