Trang chủ Văn hóa Du lịch Bhutan – Đất nước của chuyện cổ tích

Bhutan – Đất nước của chuyện cổ tích

151

Chiếc máy bay nghiêng cánh trên bầu trời Bhutan – một trong những quốc gia biệt lập nhất thế giới – đang nằm ẩn mình trên rặng Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Xuyên qua những đám mây trắng, một vẻ đẹp hùng vĩ trải rộng trước mắt tôi: những dãy núi trùng điệp cao chót vót, những vực sâu thăm thẳm ẩn hiện dòng thác trắng xóa tỏa miên man. Một màu xanh mơn mởn, ngút ngàn làm dịu đi tia nắng mặt trời.

Đến được Bhutan quả không phải dễ dàng. Tận giữa thế kỷ 20, quốc vương bé nhỏ này hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Chỉ đến năm 1974, Bhutan mới mở cửa đón khách du lịch. Để bảo vệ vẻ đẹp hoang sơ của mình và bảo tồn truyền thống văn hóa, hoàng gia Bhutan quyết định hạn chế số lượng du khách đặt chân đến nơi này (năm 2009, tổng số khách du lịch đến Bhutan vẻn vẹn 23.480 người). Mỗi khách du lịch phải đóng ít nhất 200 USD cho mỗi ngày ở Bhutan để thanh toán chi phí tour trọn gói do một công ty du lịch Bhutan thu xếp. Visa và hành trình cho mỗi chuyến công du được kiểm soát nghiêm ngặt.

Để đến được Bhutan, tôi bay sang Bangkok, sau đó dừng chân tại Calculta (Ấn Độ) trước khi đáp xuống sân bay Paro. Chuyến bay từ Bangkok phải khởi hành từ 4 giờ sáng, vì sân bay Paro rất hiểm trở và thời gian đáp xuống an toàn nhất là từ 9-10 giờ sáng. Chỉ có một đội bay gồm tám phi công Bhutan với nhiều năm kinh nghiệm được phép bay đến sân bay Paro. Tất cả các máy bay riêng của các nguyên thủ quốc gia và các tỉ phú đến thăm Bhutan bằng phi cơ riêng, đều nhờ đến tài điều khiển của tám phi công này.

 

Quang cảnh nhìn từ trên cao

Tôi được xếp ngồi bên trái của máy bay, cạnh cửa sổ. Đây là vị trí mà bất cứ khách du lịch nào đến Bhutan cũng phải chọn, vì tại vị trí này, bạn sẽ thấy nóc nhà của thế giới – đỉnh núi Everest phủ tuyết nhô lên trên những tầng mây. Và, kìa, mọc trên những tầng mây là các đỉnh núi trắng lung linh trong nắng. Đỉnh Everest rất gần, tưởng như tôi có thể với tay là chạm được.

Khi máy bay giảm độ cao, chúng tôi bắt đầu lượn lờ giữa trùng trùng điệp điệp các ngọn núi xanh thẳm. Phi công lên tiếng trấn an khi có một vài hành khách tỏ vẻ lo sợ, vì máy bay đang áp sát các ngọn núi. Tiến gần đến thành phố cổ Paro, nơi tọa lạc sân bay quốc tế, Bhutan càng lộng lẫy hơn với tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang đang ngả sang màu vàng ươm của lúa chín. Và, ngự trị trên gập ghềnh đồi núi là những căn nhà gỗ được thiết kế theo kiến trúc truyền thống Bhutan – những ngôi nhà độc lập, đứng lẻ loi như thách thức với đất trời.

Đặt chân xuống Paro, tôi như lạc vào một câu chuyện cổ tích. Đền chùa, nhà cổ nằm san sát nhau. Những ông thầy tu khoác áo cà sa đỏ ngồi chụm vào một góc thầm thì. Những bát hương Bhutan tỏa hương thơm trầm hoặc. Những khung cửa sổ treo đầy ớt chín đỏ. Những người bán hàng đứng dựa cửa, lơ đãng nhìn ra phố. Quá khứ như dừng lại ở đây.

 

Paro yên bình

Nằm cạnh Ấn Độ và Tây Tạng, với số dân khiêm tốn khoảng 700.000 người, Bhutan là địa điểm vàng của những du khách muốn khám phá những miền đất lạ. Theo khảo sát của Đại học Leicester (Anh Quốc), Bhutan là nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất châu Á, và cao thứ 8 trên thế giới. Năm 1972, khi lên ngôi, vua Bhutan Jigme Singye Wangchuck đã đặt ra khái niệm Gross National Happiness (GNH – Tổng Hạnh phúc Quốc gia), để thay thế cho khái niệm GNP (Gross National Product – Tổng Sản lượng Quốc gia) để đo lường sự phát triển của Bhutan. Khái niệm Tổng Hạnh phúc Quốc gia GNH đang thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia và những nhà kinh tế học. Nhiều nước đang nhận ra rằng, họ có Tổng Sản lượng Quốc gia cao, nhưng người dân sống không hạnh phúc, và các quốc gia được cho là thịnh vượng đang phải đối đầu với tình trạng thất nghiệp, tự tử, bạo lực, bất ổn xã hội ngày càng gia tăng.

Đã có nhiều nghiên cứu về các chỉ số hạnh phúc của người dân nơi đây, nhưng tôi muốn được tự mình khám phá về khái niệm “hạnh phúc” trong chuyến đi này. Điều gì, điều gì làm con người hạnh phúc?

Trong vài tiếng ở thành phố Paro (tọa lạc ở độ cao 2.280 m), có lẽ tôi đã bị nhiễm “virus hạnh phúc”, vì  có thể lang thang hàng giờ quanh các ngôi nhà cổ, đền chùa cổ mà không bị bất cứ ai làm phiền. Xung quanh tôi, những người dân Bhutan hiền hòa với nụ cười luôn nở trên môi thong thả thực hiện các công việc thường ngày của họ. Dường như, họ không bị áp lực của cuộc sống công nghiệp đang bao trùm các nước lân cận. Mỗi người trong số họ đều tự hào khoác trên người những bộ quần áo truyền thống dân tộc nhiều màu sắc. Đàn ông nhìn thật khỏe khoắn trong trang phục gho, còn đàn bà thì dịu dàng, nữ tính trong trang phục kira.

 

Nụ cười thân thiện của các thiếu nữ

Theo chân những người trong số họ, tôi bước chân vào một đền thờ cổ mang phong cách Tây Tạng. Và cũng theo chân họ, tôi đã đi quanh các vòng xoay prayer wheels trong đó chứa đựng hàng ngàn lời khấn nguyện. Chỉ cần quay các vòng xoay này, tôi có thể gửi hàng ngàn lời khấn nguyện đó lên trời, đem may mắn đến cho mình và cho người thân. Nhìn thái độ kính cẩn và nghiêm trang của những người có mặt, tôi cảm nhận rằng, người Bhutan có một đức tin sâu sắc vào Phật giáo. Điều đó ảnh hưởng đến tính cách hiền hòa, nhân hậu của họ. Cũng chính vì thế, Bhutan thường được miêu tả là nền văn hóa Phật giáo Himalaya truyền thống duy nhất còn sót lại trên thế giới.

Bước vào một cửa hiệu bán đồ cổ, tôi mê mẩn trước những bức vẽ thanga, những đồng tiền, thổ cẩm truyền thống, đồ trang sức, những bức tượng Phật…Tuy nhiên, gọi mãi chẳng thấy người bán hàng ở đâu. Khi tìm được người chủ cửa hiệu, trả lời câu hỏi của tôi, chị cười và vui vẻ nói rằng từ trước tới giờ, cửa hiệu chưa bao giờ bị kẻ trộm viếng thăm, mặc dù hàng hóa có giá trị rất cao và rất dễ bị lấy cắp. Những người bạn Bhutan của tôi sau này cũng cho biết, thường họ không cần phải khóa cửa nhà khi đi ngủ, vì nạn trộm cắp và bạo lực dường như không có ở Bhutan.

Có lẽ người Bhutan hạnh phúc vì họ được sống trong một thế giới an ninh, nơi niềm tin ngự trị?

Bảo tồn truyền thống văn hóa luôn là tiêu chí cao nhất của người dân Bhutan. Vì thế, khi đến đây, du khách được sống trong những tập tục từ nghìn năm nay. Trên đường từ sân bay về khách sạn, tôi đã được chứng kiến những cuộc chơi bắn cung của các chàng trai. Đích bắn rất xa, thử tài của các xạ thủ. Bất cứ khi nào chàng trai bắn trúng, các cô gái lại hát và múa, rồi sau đó trao cho chàng một dải lụa màu để buộc vào lưng. Nhìn vào đám đông, người bắn giỏi nhất sẽ nổi bật nhất bởi những dải lụa màu sắc trên lưng họ. Bắn cung cũng là môn thể thao quốc gia của Bhutan, với nhiều cuộc thi bắn cung được tổ chức thường xuyên giữa các làng bản, thị trấn…

 

Cuộc thi bắn cung

Những con phố gập gềnh đá đưa chân tôi đến Rinpung

Dzong (còn gọi là Paro Dzong). Đứng trước tu viện được thiết kế như một pháo đài vững chắc này, được xây dựng từ năm 1646 và bị phá hủy nhiều lần bởi hỏa hoạn và động đất, tôi phải gật gù tán thưởng với những ý kiến trên các tạp chí kiến trúc rằng “kiến trúc Dzong là một trong những kiến trúc độc đáo và đẹp nhất châu Á”. Khó có thể tin rằng, kiến trúc đẹp một cách tinh xảo này được xây dựng mà không sử dụng bản vẽ thiết kế hoặc bất cứ một chiếc đinh vít nào. Các tảng gỗ đã được lắp ghép vào nhau rất khéo léo, tạo nên một tòa nhà đẹp kì vĩ, bền chắc, đứng vững với thời gian. Những câu chuyện truyền thuyết thần kỳ và bí ẩn về Bhutan đang dần hiện trước mắt tôi qua những nét trạm trổ tinh tế.

Trong những chuyến hành trình trong nhiều tuần ở Bhutan, tôi đã có cơ hội nghỉ chân ở nhiều Dzong, nhưng Punakha Dzong – còn được mệnh danh là “Cung điện hạnh phúc” – là nơi tôi nhất quyết sẽ quay trở lại. Một chiều xuân khi những nhành hoa tím biếc bay la lả trong nắng chiều, Punakha Dzong đã đón đôi bàn chân rón rén của tôi. Rón rén vì một vẻ đẹp thiên thần mà tôi sợ sẽ biến mất khi chạm vào. Chỉ mới đây thôi, Punakha Dzong đã đón vị vua thứ Năm – Jigme Khesar Namgyel Wangchuck.

 

“Cung điện hạnh phúc” Punakha Dzong

Dzong được sử dụng làm cung điện của Vua, đồng thời là thủ phủ hành chính và tâm điểm của các họat động tôn giáo. Nơi đây, hàng trăm tu sĩ từ độ tuổi lên 3 đến 70-80 tuổi nghiêm trang tu luyện. Khách du lịch sẽ gặp may mắn nếu một tu sĩ tình nguyện làm hướng dẫn viên. Với tôi, cuộc trò chuyện với chú tiểu Namgay thật thú vị. “Em ở đây đã ba năm rồi. Hàng ngày, thức dậy lúc 3h sáng để thiền và học thuộc quyển kinh. Em ít được gặp cha mẹ, nhưng ở đây em học được rất nhiều điều để trở thành người tốt. Em mong ước được trở thành Lama (sư trụ trì). Nếu không, làm một nhà sư bình thường cũng là một vinh dự lớn”. 

 

Những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc

Có lẽ người Bhutan hạnh phúc vì họ có niềm tự hào về truyền thống văn hóa và nghệ thuật lâu đời?

Rời Paro, tôi lên xe đi qua con đường uốn lượn qua các dãy núi để về thủ đô Thimpu. Dừng lại nghỉ chân ở một con sông trong vắt cuộn chảy ven đường, thật ngạc nhiên khi thấy nơi đây có rất nhiều đàn cá tung tăng bơi lội. Người bạn đồng hành cùng tôi giải thích rằng: phần lớn người Bhutan theo đạo Phật. Đạo Phật không chỉ tồn tại trong chùa chiền mà được thể hiện qua lối hành xử của con người ở khắp nơi trên Bhutan. Ví dụ: nguời dân Bhutan không giết bất cứ con vật gì. Các dự án xóa đói giảm nghèo về tơ tằm ở Bhutan đã thất bại vì dân bản xứ không muốn thả các con tằm vào nồi nước đang sôi để lấy tơ. Ở thủ đô Thimphu, cứ đêm đến, hàng nghìn con chó thi nhau sủa, vì không ai giết một con chó nào cả. Người Bhutan cũng không bao giờ câu cá, vì thế các con sông và suối có rất nhiều cá bơi lội. (Cá và thịt bày bán ở Bhutan được nhập từ Ấn độ hoặc được nguời nước ngoài giết mổ).

 

Tác giả bên dòng suối trước Paro Dzong

Có lẽ, người Bhutan hạnh phúc vì họ sống thanh thản, không sát sinh?

Đến thủ đô Thimphu, tôi đã chuẩn bị cho mình một tâm trạng mệt mỏi vì say độ cao (Thimphu có độ cao hơn 2.300 mét trên mực nước biển). Tuy nhiên, không khí trong lành tại đây đã xóa tan tất cả mọi mệt nhọc. Thimphu là thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn tín hiệu giao thông. Đây cũng là một trong những thủ đô hiếm hoi trên thế giới được bao quanh bởi rừng xanh bạt ngàn và thung lũng nối tiếp thung lũng. Tôi nhớ rằng, năm 2006, quốc vương Bhutan đã nhận được phần thưởng danh giá Paul Getty Conservation Leadership Award vì những thành công của đất nước này trong công việc bảo tồn động vật hoang dã và bảo vệ thiên nhiên. Người dân ở đây rất ít dùng (và không biết) đến thuốc trừ sâu và thuốc kích thích tăng trưởng. Vì thế rau quả ở đây hầu hết là rau quả hữu cơ – sạch 100%. Theo kế hoạch, đến năm 2020, ở Bhutan không có sản phẩm nào dung thuốc sâu hoặc chất tăng trưởng.

 

Trẻ em ngồi học bài trên cỏ xanh

Có lẽ, người Bhutan hạnh phúc vì họ biết sống cùng thiên nhiên và biết thưởng thức những món quà thiên nhiên ban tặng?

Trong những ngày làm việc ở Thimphu, tôi may mắn được chiêm ngưỡng vẻ điển trai của vua Bhutan – Jigme Khesar Namgyel Wangchuck (con trai của vua Jigme Singye Wangchuck), khi ông đang rời Thimphu Dzong sau một ngày bận rộn giải quyết các công việc điều hành đất nước.

Lên ngôi năm 2008 ở lứa tuổi 28, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đã qua nhiều khóa học tại Anh, Mỹ, Ấn độ nhưng ông luôn nâng niu và trân trọng các truyền thống tập quán của đất nước mình. Được mệnh danh là “vua của thế kỷ mới”, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đã làm xôn xao chính trường quốc tế khi quyết định thành lập một nhà nước dân chủ, dưới sự điều hành của thủ tướng. Trong khi những hoàng gia khác trên thế giới cố gắng thâu tóm và củng cố quyền lực, vua Jigme Khesar quyết định giao quyền lại cho nhà nước dân chủ, mặc dù dân chúng nhất quyết phản đối vì họ tuyệt đối trung thành với vua. Thật may mắn, tiến trình bầu cử của Bhutan đã diễn ra hết sức êm đẹp trong năm 2008, nhờ vào uy tín của hoàng gia. Bất chấp những khó khăn, vua Jigme Khesar và chính phủ vẫn đang kiên trì theo đuổi tiêu chí Tổng Hạnh phúc Quốc gia của mình: phát triển kinh tế một cách thận trọng để bảo vệ môi trường và gìn giữ nền văn hóa tâm linh độc đáo, đặt giá trị đạo đức làm trọng tâm trong chiến lược kinh tế để bảo đảm nguồn lương thực, nhà ở và sức khỏe người dân. Mặc dù Bhutan có tiềm năng du lịch rất lớn, chính phủ hạn chế phát triển du lịch, nhằm kiểm soát tối đa sự ảnh hưởng của khách du lịch lên văn hóa và môi trường. Cũng theo quan niệm của nhà nước Bhutan, sự phát triển của Bhutan được đo lường bằng phúc lợi thật sự của người dân thay vì chỉ phản ánh sự giàu có về vật chất.

 

Vua cha Jigme Singye Wangchuck trao ngôi báu cho vua Jigme Khesar Wangchuck (nguồn: www.telegraph.co.uk)

Khi được vua cha Jigme Singye Wangchuck trao ngôi báu vào ngày 6/11/2008, vua Jigme Khesar đã tuyên thệ “

Ta sẽ không bao giờ cai trị như một ông Vua. Ta sẽ bảo vệ thần dân như một người cha, chăm sóc thần dân như n hem và phục vụ thần dân như một người con. Chúng ta phải tiến hành dân chủ hóa để đảm bảo sự phát triển của đất nước, để một ngày nào đó có thể tự hào giao lại đất nước của chúng ta cho thế hệ sau

”. Lời nói luôn luôn đi đôi với việc làm, sau khi nhận ngôi, vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đã đi bộ ròng rã 26 ngày trên con đường xuyên núi cam go nhất của Bhutan có tên gọi là Snowman’s Trek. Ông đã đi xuyên qua các đỉnh núi cao nhất đầy tuyết phủ, nơi có các bản làng nghèo nhất sinh sống, để tiếp xúc và trò chuyện với dân chúng. Ngủ trong lều đơn sơ dưới trời bão tuyết, ăn những món ăn đạm bạc, cuộc hành trình của vua Jigme Khesar là cuộc hành trình thử thách nhất mà chỉ có những trái tim quả cảm và sức khỏe phi thường mới có thể thực hiện. Người đồng nghiệp của tôi – Thinley Dorji– đã có lần thử sức trên tuyến đường ấy và phải quay trở lại sau ba ngày, vì đã ốm rất nặng do say độ cao.

Tôi đã có được một phần ngàn trải nghiệm gian khổ của vua Jigme Khesar khi leo núi 3 tiếng để đến được bản làng đầu tiên trên tuyến đường du lịch sinh thái Nabji-Korphu. Đây là con đường du lịch kết hợp xóa đói giảm nghèo do tổ chức phát triển Hà Lan SNV kết hợp với bộ du lịch Bhutan và người dân bản xứ phát triển. Đến với con đường Nabji-Korphu, du khách sẽ đi bộ 5 ngày để qua 5 bản làng rất nghèo đang cư trú ở những đỉnh núi xanh ngút ngàn. Dù chuyến đi bộ là một cuộc thử sức dẻo dai của những đôi chân, tôi hoàn toàn không cảm thấy mệt mỏi vì được khám phá một thiên đường hoang dã: những trái dâu tây đỏ mọng ven đường, những chú vượn trắng đu mình vắt vẻo trên cây, những dòng thác trắng xóa, những cây cổ thụ trăm tuổi tỏa bóng mát, những đàn bướm bay lượn bên các khe suối, những chú chim đủ màu sắc hót líu lo trên cao, và hoa rừng muôn vẻ ngan ngát tỏa hương.

Ngủ trọ một đêm tại một bản làng nơi đỉnh núi, tôi mới thấy thấm thía hạnh phúc bình dị: dưới trời sao lấp lánh, chúng tôi đốt lửa, ngồi uống rượu ngô và trò chuyện với nhau. Tiếng cười vang lên ấm áp trong đêm vắng, để rồi ban mai ríu rít tiếng chim và gió mát trong lành của đồi núi đánh thức tôi dậy. 

 

Nấu rượu ngô tại bản làng trên núi Nabji Korphu

Đặt chân đến những bản làng xa xôi hẻo lánh cách đường nhựa nhiều ngày đi bộ, tôi thật sự ngạc nhiên về sự quan tâm mà hoàng gia dành cho dân chúng. Dân chúng được chu cấp gỗ và vật liệu miễn phí khi xây nhà. Việc khám chữa bệnh, thuốc men cho toàn thể nhân dân Bhutan được nhà nước cung cấp hoàn toàn miễn phí. Trường học (kể cả các bữa ăn cho học sinh nội trú) cũng nhận được sự chu cấp của chính phủ. Các bản làng xa được cung cấp thiết bị tự tạo điện từ năng lượng mặt trời, cùng với hệ thống nước sạch bắt nguồn từ nguồn nước khoáng thiên nhiên.

Dù đã trao quyền cho Thủ tướng, vua Jigme Khesar cũng vẫn còn làm việc miệt mài. Mỗi ngày ở Bhutan, tôi đều có thể chứng kiến vị vua trẻ rời nhiệm sở lúc 5h30 phút chiều. Ngài làm vua không để chơi và hưởng thụ, mà làm việc cho lợi ích của nhân dân. Vua Bhutan được người dân hết sức yêu thương và kính nể, vì ông luôn đi sâu sát vào hoàn cảnh của người dân, bảo vệ quyền lợi của dân và luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.

Có lẽ, người Bhutan hạnh phúc vì họ có một hoàng gia, một chính phủ hết lòng vì dân?

Một buổi chiều đang đắm mình tại Tashichho Dzong (Thimpu Dzong), tôi được chứng kiến cảnh các thầy tu đang tập điệu múa Tsechu trên sân. Những điệu múa khoan thai, uyển chuyển nhưng không kém phần dũng mãnh. Họ đang chuẩn bị cho lễ hội quan trọng Tsechu – diễn ra vào khoảng tháng Mười hàng năm và kéo dài từ ba đến năm ngày.

Vào những ngày lễ Tsechu, các nhà sư và những người nghệ sĩ múa trình diễn những điệu múa truyền thống đủ màu sắc. Những điệu múa Tsechu rất đa dạng, chuyển tải nhiều chủ đề như cuộc sống của Phật tổ, quá trình thánh Guru Rimpoche mang đạo Phật vào Bhutan, hoặc những thông điệp của đạo Phật. Tâm điểm của lễ Tsechu là điệu múa Cham, một điệu múa sống động chỉ do đàn ông trình diễn. Người múa đeo mặt nạ rất ấn tượng và mặc quần áo đính nhiều đồ trang sức, diễn tả các câu chuyện về đạo đức và cuộc sống linh thiêng. Điệu múa Cham được xem là một hình thức thiền và cách để con người giao cảm với thần linh. Lễ hội Tsechu có hàng nghìn người dân tham dự – những người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, đeo trang sức đẹp nhất. Nhiều người đi bộ nhiều ngày trời từ các bản làng xa. Đại diện của mỗi bản làng từ phương xa luôn mang theo một bình rượu ngon nhất, và tất cả sẽ được góp chung trong một thùng rượu lớn được đặt giữa sân. Đó là rượu dâng phật tổ, rượu của lòng thành mà những người tham gia sẽ cùng uống, thể hiện sự đoàn kết và tinh thần dân tộc.

 

Các nhà sư luyện tập điệu Tsechu

Đến với lễ hội Tsechu, mọi người có cơ hội được rửa sạch tội lỗi của mình bằng cách ngắm nhìn thangka – tác phẩm hội họa đặc sắc trên lụa vẽ thánh Guru Rinpoche và các vị thần linh thiêng khác. Thangka chỉ được mở ra cho dân chúng chiêm ngưỡng trong khoảng thời gian từ hoàng hôn đến bình minh. Đợi khi màn đêm buông xuống và ánh trăng sáng tỏ, đám đông quây quần quanh thangka, hát những bài dân ca và niệm phật cùng các ông sư.

Có lẽ, người Bhutan hạnh phúc vì trong họ, nghệ thuật, tôn giáo và văn hóa hòa quyện làm một, tạo nên một bản sắc đồng nhất và một sự an bình tâm tưởng hiếm có?

Để thử sức dẻo dai, tôi đã quyết định chinh phục 2 dãy núi cao để đặt chân đến Thiền viện Taktsang (còn gọi là Tiger’s Nest – Tổ của Hổ). Tương truyền, phật tổ Guru Padmasambhava, khi từ Tây Tạng sang Bhutan truyền đạo, đã cưỡi trên lưng hổ và bay đến đây ngồi thiền. Thiền viện Taktsang tọa lạc trên một vách núi hiểm trở cao 914m so với mặt nước biển, hùng vĩ nguy nga. Để đến được thiền viện này, chúng tôi đã phải trèo trên những con đường núi cheo leo trong gần 3 giờ đồng hồ, thật khó khăn vì ở độ cao gần 3.000 mét, không khí loãng và ít oxy. Vậy mà trên đường đi, tôi còn gặp những phật tử đang hành hương bằng một phương thức rất đặc biệt: họ rạp người vái lạy trên mặt đất về hướng Thiền viện Taktsang sau mỗi một bước đi. Cứ mỗi bước đi lại rạp người vái lạy. Những nhà sư đi cùng tôi cho biết rằng những người này phải mất nhiều ngày mới lên đến thiền viện Taktsang, nhưng chuyến hành hương này là một trong những điều quan trọng nhất của cuộc đời họ.

Hành hương lên thiền viện Taktsang

Bây giờ, mỗi khi nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy hình ảnh lộng lẫy của Thiền viện Taktsang: nhô lên từ cheo leo trên vách núi, bên cạnh những đám mây mỏng mảnh bồng bềnh, trên nền xanh thẳm của núi rừng và những vách đá núi nâu đen. Ngự trị phía trên thung lũng Paro, Thiền viện Taktsang là một trong những địa danh linh thiêng nhất ở Bhutan. Theo nhiều sách hướng dẫn du lịch, đây cũng là thiền viện hoành tráng và kỳ bí nhất thế giới, nơi mà mỗi người Bhutan đều ao ước đặt chân đến đây một lần trong đời. Thật khó tưởng tượng công sức và tài năng mà những nghệ nhân thế kỷ 16 đã đầu tư để kiến tạo lên kiến trúc kỳ vĩ và độc đáo này, vẻ đẹp của nó tôi không đủ sức diễn tả. Chỉ biết rằng khi đặt chân đến thiền viện Taktsang, mọi mệt mỏi đều tan biến vì vẻ đẹp tráng lệ và không khí yên tĩnh, nghiêm trang của nơi này.

Và tại đây, trên nóc nhà Hy mã lạp sơn, những lời thơ chợt đến: “Núi mọc lên mây/Ta/Hymalaya một ngày/Chợt bấm khóa lịch trình hối hả/Thả chìa cho mây/Bay”…