Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Về thăm ngôi già lam Phổ Quang Cổ Tự tại Đồng Nai

Về thăm ngôi già lam Phổ Quang Cổ Tự tại Đồng Nai

665

Phổ Quang cổ tự là một trong ba ngôi chùa cổ của tỉnh Đồng Nai, toạ lạc tại khu II, ấp Bình Thạch, xã Bình Hoà, huyện Vĩnh Cửu. Chùa được xây dựng vào năm 1657, thời chúa Nguyễn Phúc Tần, Do Tổ Đạo Tấn thượng Trí hạ Kiên đời thứ 36 đã đến nơi đây khai sơn tạo tự. Thuở đầu là ngôi cổ tự mái tranh, vách lá đơn sơ, tiếp nối chư Tổ trụ trì, ngôi tam bảo đã tiếp mạch mạng trùng tu tôn tạo vô cùng uy nghi, hoành tráng. Phổ Quang Cổ tự đã được vua Minh Mạng ban tạng bức hoành phi (hiện đang còn lưu giữ tại chùa).

Từ một ngôi tam bảo uy nghi, nhưng những năm sau này, do chiến tranh liên miên thời chống Pháp và Mỹ, chùa bị hư hoại rất nhiều. Sau năm 1975, ngôi chùa cổ chỉ còn lưu dấu với ngang 15m. Mặc dù diện tích nhỏ bé, nhưng ngôi chùa vẫn hiên ngang đứng vững dưới sự quản lý của Hoà thượng Thượng Nhật Hạ Đăng, cho đến năm 1980 thì Hoà thượng viên tịch và bị bỏ hoang 12 năm không có người hương khói, Ngôi chùa muốn sập đổ hoàn toàn.

Cho đến đầu tháng 6 năm 1992, Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Hiện, Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Vĩnh Cửu – lúc đó là trụ trì chùa Hội Phước, ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu đã tiếp nhận lại ngôi chùa từ Ban trị sự Phật giáo tỉnh và đã chuyển giao lại vị trí trụ trì cho đệ tử Thích Thiện Thuận là vị tu sĩ trẻ lúc đó mới 19 tuổi và xuất gia được 6 tháng (xuất gia mùng 2 tháng giêng đến mùng 2 tháng 6 âm lịch năm Nhâm thân).

Được sư phụ tin tưởng giao cho trọng trách cao cả, trông coi và phát triển một ngôi chùa cổ có bề dày thành tích. Mặc dù lúc đó ngôi chùa Thầy đảm nhận rất nghèo, không có phật tử hộ tự, không điện, không nhang đèn, không mùng mền chiếu gối, không cơm áo, gạo tiền v.v lại nằm trong vành đai khu vực 935 sân bay Biên Hoà. Muốn vào chùa thời bấy giờ phải đi qua cây barie của sân bay. Khó khăn trùng trùng là vậy, nhưng khi tiếp nhận ngôi chùa cổ này, Thầy Thích Thiện Thuận cảm thấy trong lòng rất hạnh phúc vì hàng ngày được tự tay mình khai quang và tu sửa. Đầu tiên Thầy đã có những kiến nghị và được Bộ Quốc phòng đồng ý tháo dở barie để trả lại đất cho chùa. Năm 2004, khuôn viên của chùa đã được mở rộng lên gần 1,5ha. Lúc đó, sau mười hai năm tích cóp, cùng với sự trợ duyên của gia đình và các phật tử xa gần, Thầy có trong tay 200 triệu đồng, Thầy bắt đầu lên kế hoạch trùng tu lại ngôi chùa cổ. Ròng rã suốt gần 20 năm kiến tạo, các công trình tâm linh dần dần được hoàn mãn gồm tiền đường rộng lớn, Cổng tam quan, Vườn Lâm tỳ ni, Chánh điện ngang rộng hơn 26 mét và được tôn trí Tam thế Phật: Phật A Di Đà; Phật Thích Ca; Phật Dược Sư, mỗi tôn tượng ngồi cao 5,3m, còn hai bên tả hửu thờ Mẹ Quán Thế Âm và Đức Địa Tạng cùng những bộ tượng Ngủ sám bài, Thập Điện Minh Vương, Long Vương v.v. Đặc biệt là Chánh điện tôn tạo Đại hồng chung trọng lương trên 1 tân 7 và Đại trống sấm. Hậu tổ thờ tôn tượng Đạt Ma Tổ Sư cao hơn 4m đứng giữa, hai bên thờ 17 long vị trụ trì qua các thời kỳ và Tượng Mẹ Chuẩn Đề bằng đồng rất trang nghiêm, bên cạnh Chánh điện còn sừng sửng năm ngôi bảo tháp rất tôn nghiêm, trong đó Bảo tháp vị trụ trì khai sơn xây dựng bằng hợp chất vôi và ô dước cùng với các công trình phụ khác đều được tôn tạo và đạt trình độ mỹ thuật và nghệ thuật cao. Số tịnh tài dùng để trùng tu đến nay trên 15 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền tịnh tài được phật tử cúng dường và nhà chùa tích cóp trong thời gian qua đều được Thầy tập trung cho việc trùng tu tôn tạo lại ngôi tam bảo. Tuy nhiên, bên cạnh việc tu học của người xuất gia trẻ, Thầy không quên nỗi đau của chúng sinh và luôn cảm thương những mảnh đời bất hạnh, khó khăn, cơ nhỡ trong và ngoài địa phương. Hàng năm Thầy đều trích trong khoản tịnh tài của chùa để phối hợp cùng với chính quyền lo cho công tác an sinh, chăm sóc bà con nghèo. Thầy tập trung hỗ trợ vốn chăn nuôi cho những hộ nghèo, đó là trao bò để các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế bền vững, xây nhà tình thương… Bên cạnh đó trong các dịp lễ, tết cổ truyền Thầy đều trao quà cho gia đình chính sách, các hộ nghèo góp phần giúp họ có được cái tết ấm no…

Với phương châm “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật” Thầy Thích Thiện Thuận tập sự: “Nếu chỉ biết thờ tượng to, Phật lớn, khói hương nghi ngút… mà để trong khu vực chùa mình có những mảnh đời bất hạnh như thế là có tội với Phật. Thầy phát nguyện đến 50 tuổi mà thầy còn sốn, lúc đó chùa đã xây xong, những nguồn tịnh tài phật tử cúng dường và bá tánh đóng góp trong các nghi lễ thầy sẽ nguyện chuyển toàn bộ cho công tác an sinh của địa phương. Thầy nghĩ rằng, ngày chỉ dùng 2 bữa cơm đạm bạc, mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn…”

Được biết, Đạo tràng Phật tử Phổ Quang cổ tự hiện có gần 400 thành viên, số phật tử quy y ở chùa là hơn 1.000 người. Các ngày lễ lớn như ngày Vía Quan Âm Phật đản, Vu Lan….có vài nghìn người về lễ Phật và viếng chùa. Du khách từ mọi miền rất thích đến nơi đây vì cảnh quan hữu tình, nhiều người trầm trồ khen ngợi và ví von rằng: Bắc có Bái Đính, Nam có Phổ Quang. Phổ Quang cổ tự được phật tử và bá tánh tán dương là địa chỉ đỏ về hoạt động từ thiện nổi bật của tỉnh Đồng Nai. Trong tương lai sẽ là điểm du lịch hành hương tâm linh thu hút khách mỗi khu về thăm miền đất gạo trắng nước trong.

Gần 30 năm gắn bó với ngôi già lam, Thầy Thích Thiện Thuận hiện đang đảm nhận các trọng trách của Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai. Thầy hiện đang là Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN huyện Vĩnh Cửu; Đại biểu HĐND huyện ; Thành viên UBMTTQ; Đoàn Chủ tịch Đại hội Liên hiệp thanh niên huyện Vĩnh Cửu, Hội khuyến học huyện và xã …

Gần 30 năm cống hiến cho Giáo hội và xã hội, Thầy được Giáo hội Phật giáo tỉnh tặng nhiều Bằng tuyên dương công đức, Lãnh đạo nhà nước trao Bằng khen và kỷ niệm chương của Hội chử thập đỏ, và bằng khen và Kỷ niệm chương của Ủy ban MTTQVN, Gương người tốt việc tốt và rất nhiều Bằng khen – giấy khen của Trung ương đến địa phương trao tặng.

Chúng tôi vô cùng mến phục Thầy Thích Thiện Thuận bởi Thầy đã hành và noi theo công hạnh “Cứu khố, độ sanh” của Bồ tát Quán Thế Âm đối với chúng sanh. Cầu xin Tam bảo gia hộ cho Thầy được phước thọ miên trường để phục sự đạo pháp và làm lợi lạc cho chúng sanh trong vai trò sứ giả Như Lai.

  

Hồ Thủy