Bà, cũng như hơn 30 người lớn tuổi khác đang nương nhờ bóng bồ đề, cũng mong tìm được sự bình yên của tuổi già.
Tuổi của bà, quê quán của bà không ai rõ. Các cụ trong chùa chỉ biết bà tên Oanh. Nghe các cụ kể, cách đây khoảng một năm, người ta thấy một người đàn bà mù ôm bọc quần áo kêu khóc trên đường phố. Chẳng rõ vì lẽ gì, bà bị chồng ruồng rẫy, đuổi khỏi nhà. Thấy bà bơ vơ, trí não lại bất ổn, công an liền đưa bà tới gửi sư thầy chùa Bồ Đề. Cổng chùa mở rộng đón nhận con người bất hạnh ấy.
Có lẽ vì lẩn thẩn, bà không thể tự làm vệ sinh cho mình. “Nhiều khi vẫn đái ỉa cả ra sân chùa lẫn chỗ nằm”, cụ già giường kế bên giường bà Oanh lắc đầu, “kể ra cũng tội nghiệp”. Có lẽ biết chẳng nơi nào bình an bằng cửa Phật, nhiều lần các cụ ướm hỏi bà có muốn tới trung tâm dành cho người khuyết tật không, bà khăng khăng không chịu.
Nhìn bà hấp tấp níu tay cô sinh viên tình nguyện vừa đưa mình đi tiểu tiện và dồn dập hỏi: “Cháu quê ở đâu?”, “Nhà cháu được đông anh chị không?”,… tôi lại nhớ tới lúc bà ngồi lặng lẽ một mình. Cô độc.
Nhưng thoảng nghĩ, bà không phải người cô độc duy nhất nơi đây. Nói đúng hơn, chùa Bồ Đề là bến đỗ của những mảnh đời lẻ loi, những phận người trôi nổi. Ở đây, có bà cụ bị đứa con mình dứt ruột đẻ ra đuổi khỏi nhà. Mỗi lần bà về, người con trai lại giở giọng khinh miệt: “Mẹ hôi thối lắm”.
Có bà già do một lần ngã giữa chợ, bị liệt nửa thân, hằng ngày bất lực nằm một chỗ ngắm người qua lại. Bà than “chồng ác, con bất hiếu” nên xin mọi người đưa vào chùa. “Vào đây, sư Đàm Lan tốt lắm, phúc hậu lắm”, bà Ký (tên bà già bị liệt ấy) cảm động nói.
Còn bà Nghiêm Thị Ấu, quê ở Hà Tây, rơm rớm nước mắt khi kể về đời mình. “Nghĩ lắm lúc cực lắm chị ạ” – trong giọng nói thều thào của bà cụ đã 81 tuổi ấy lẫn cả sự xót xa, uất ức. Bà kể có cô con nuôi bị nhà chồng lừa, lấy hết gia tài của mẹ. Chồng bà, vì ức quá đã thắt cổ tự vẫn. Còn bà phải bỏ quê, sống trôi nổi, vào Nam ra Bắc, nương nhờ các cửa chùa đã hơn hai mươi năm.
Ở chùa Bồ Đề, dù cơm đậu, canh rau đạm bạc , chỗ ngủ chật chội (chỉ có tấm bạt mắc góc sân che gió che mưa), nhưng dẫu sao tuổi già cũng bớt quạnh hiu bởi sự đồng cảm, sẻ chia giữa những người cùng cảnh ngộ. Cuộc sống thanh thản quanh quẩn với công việc quét dọn sân chùa, tụng kinh niệm Phật,…
Không thể tự chăm sóc cho mình, bà Oanh phải nhờ sinh viên tình nguyện giúp đỡ. Ảnh Vũ Dương Quỳnh. |
Người không còn chốn nương thân coi chùa là nơi che chở đã đành, nhưng cả những người có nhà cửa, con cái hẳn hoi cũng xin chùa cho tá túc. Nhà ở Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) nhưng Bà Diệp (74 tuổi) chưa lần nào nhà về từ khi ở chùa. Về đấy, bà lại phải chứng kiến cảnh anh con trai nghiện ngập phá phách đòi tiền. Cũng vì vậy, bà mới đến xin sư thầy cho ở nhờ, để “tâm yên ổn”.
Bà cũng có ba cô con gái đều lấy chồng, có con. Con gái bà vẫn tới chùa thăm mẹ hàng tuần. Anh cháu ngoại con chị cả còn sắm cho bà điện thoại để tiện hỏi thăm sức khỏe. Bà đưa chiếc di động Nokia cho chúng tôi xem, nhờ tìm giúp tên “con Hà” trong danh ba và hướng dẫn bà cách gọi điện. Bà gọi cho con gái, thi thoảng lại cười hiền lành. Hạnh phúc của người già không được sum vầy cùng con cháu lẽ nào chỉ giản đơn như một lời thăm hỏi của con qua điện thoại(?!)
Hàng tuần, bà Nguyễn Thị Hiền vẫn bắt xe buýt từ Mai Động tới chùa Bồ Đề. Con cái sợ bà vất vả, có ý ngăn cản, nhưng bà vẫn cứ đi. Bà nói: “Tôi viếng chùa, niệm Phật vì tâm thích. Có thể nay mai tôi cũng xin sư thầy cho ở chùa”.
Cũng bình dị như thế, giữa sân một ông cụ tóc bạc trắng thơ thẩn cười đùa với em bé chưa đầy một tuổi, vốn không phải ruột thịt của mình. Đứa bé để tóc trái đào, mắt đen lay láy giương tròn nhìn ông cụ, đôi lúc miệng lại bi bô như đáp chuyện ông lão. Trong hạnh phúc được làm nên từ những mảnh khuyết thiếu, chắp vá, có in bóng sự hẩm hiu của những kiếp người.