Một số bạn đọc tiếp tục nêu câu hỏi xung quanh bài “Binh khí trong chùa?”. Theo tinh thần làm việc như đã thưa cùng quý bạn đọc, chúng tôi xin giải đáp những câu hỏi đó, có thể là một phần trong bài viết này, và một phần trong các bài viết về sau.
1. Bi, trí, dũng là 3 yếu tố yêu cầu cần có ở người tu Phật. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, bi là điều đầu tiên, là điều cơ bản. Nói từ bi theo quan điểm của đạo Phật, là trong bi đã có trí và dũng.
Bỏ qua từ bi là không còn đạo Phật. Trí và dũng trong đạo Phật không phải được hiểu theo cái trí, dũng của thế gian. Nếu đồng nhất trí, dũng trong đạo Phật với trí, dũng của thế gian, thì đạo Phật cũng không còn là đạo Phật nữa.
2. Cái dũng của đạo Phật có nền tảng và là hệ quả của bi và trí theo tinh thần của đạo Phật. Không như thế, thì đó là cái dũng của thế gian là võ biền, liều lĩnh, khác biệt về cơ bản của cái dũng nhà Phật. Dũng của nhà Phật trước hết là tinh thần hướng nội, chiến đấu với bản ngã, theo tinh thần: “Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình, tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất” (Kinh Pháp Cú).
Vì vậy, hiểu rằng “Việc trưng binh khí là để nhắc nhở cho tất cả mọi người đạo Phật ngoài từ bi phải có Trí và Dũng” e rằng không phải là tinh thần dũng của đạo Phật.
Dũng ở đạo Phật hoàn toàn khác với bạo lực, chém giết, sát khí, vì vậy, dùng vũ khí để biểu trưng là điều không phù hợp.
3. Nhân bàn luận về việc trưng bày vũ khí để thể hiện tinh thần “dũng”, xin nêu ở đây một số thí dụ về việc trưng bày vũ khí trong nơi thờ tự để nhắc nhở tinh thần, tạm gọi là dũng theo kiểu thế gian.
Chúng tôi thấy hiện tượng như vậy trong nguyện đường tôn giáo tư gia của các trùm Mafia Mexico và trong đám tang của những thành viên Mafia theo nghi lễ tôn giáo.
Bạn đọc có thể tìm thấy những hình ảnh như thế ở nhiều trang web phản ánh hoạt động của Mafia Mexico, mà trang khá tiêu biểu là El Blog del Narco – địa chỉ http://w.w.w.blogdelnarco.com. Ở đó, tìm ngược vào các thông tin đã đăng trước đây, chúng ta sẽ thấy cảm hứng trưng bày vũ khí trong những nhà nguyện để nhắc nhở, đúng hơn là kích thích tinh thần bạo lực liên quan đến tâm linh, và ngược lại dùng tâm linh kích thích bạo lực.
Đó là những nguyện đường trong những biệt điện sang trọng. Chỗ trang trọng nhất, đương nhiên thờ Chúa Jesus hay bà Maria. Còn vũ khí thì được trưng bày theo nhiều dạng: treo trên tường, đặt trên giá, hay trong tủ kính, mà nhìn vào sự sang trọng của việc trưng bày sẽ tạo cảm giác linh thiêng.
Còn loại vũ khí trưng bày trong nhà nguyện thì cũng có nhiều dạng. Có khi chỉ là một khẩu súng cũ, đã qua chiến đấu, tức là đã hạ sát được nhiều người, nói theo cách nói trong tiếng Việt, là “có cô hồn” thể hiện thắng lợi của băng đảng đó, mà họ coi là có “ơn trên” phù trợ.
Có khi là một bộ sưu tập các loại vũ khí, từ dao găm đến súng ngắn, súng trường, được trang trí lại, mạ vàng, chạm trổ, đánh bóng sáng loáng như những bảo vật.
Cũng có khi đó là toàn bộ số vũ khí mà băng đảng đó sử dụng, đem vào nhà nguyện để cầu nguyện sự “mầu nhiệm”, may mắn trong hoạt động bạo lực (như chú nguyện ở ta).
Cũng có khi vũ khí trong nhà nguyện chỉ là biểu tượng súng, thường là AK-47, giống như biểu tượng ở bên phía trên trang chủ website: blogdelnarco.com, nhưng có nhà nguyện dùng màu đỏ máu (như biểu tượng website nói trên), có nhà nguyện dùng màu đen.
Cái tư duy bạo lực – vũ khí tâm linh như thế cũng đã du nhập sang nước ta. Có lẽ, không lạ lắm việc xăm thánh giá cùng một thứ vũ khí thô sơ nào đó, như đao, mã tấu…
Điều đáng lưu ý là theo ảnh đăng báo Người Lao Động trên ngực áo xác của tên cướp Trần Quốc Tuấn (Hố Nai, Đồng Nai), trong vụ bắn chết Công an ở Đồng Nai cách đây vài tháng có đeo huy hiệu bà Maria đội khăn đóng, mặc áo dài bồng chúa hài đồng, xi màu vàng (khi lưu hình và cho đứng hình lên thì sẽ thấy rất rõ).
Tư duy trưng bày binh khí để thể hiện sức mạnh là tư duy vũ lực cực đoan, mà ngày nay, chúng ta vẫn thường thấy trên TV, qua các ngày lễ lớn của nhiều quốc gia. Sức mạnh của đất nước thể hiện qua việc phô trương vũ khí. Chúng tôi nghĩ rằng, tư duy như thế cũng không phải là tư duy của dân tộc ta, huống nữa lại nói là tư duy của đạo Phật (chẳng hạn, trong cuộc diễu binh Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đã không có việc phô trương vũ khí nặng, máy bay chiến đấu) như diễu binh ở các nước Hồi Giáo, hay một số nước khác trên thế giới.
Tâm linh có sự liên hệ với bạo lực, và ngược lại, cũng như bên cạnh đó, sức mạnh tâm linh được biểu hiện qua những biểu trưng bạo lực như vũ khí, dù cổ hay hiện đại, là điều xa lạ với tinh thần đạo Phật. Nếu hạ thấp cái uy dũng của đạo Phật xuống mức biểu trưng bằng những binh khí trong chùa, thì có khác gì tư duy theo kiểu chúng tôi miêu tả ở trên?
4. Có bạn đọc liên hệ sự việc mà chúng ta đang tìm hiểu với tinh thần “Cởi áo cà sa khoác chiến bào”. Theo tôi, để hiểu vấn đề, thì nên đọc kỹ lại câu thơ trên.
Trong chỉ một câu thơ “Cởi áo cà sa khoắc chiến bào” có 2 động tác, được liệt kê theo thứ tự trước sau, mà nhiều dị bản có đặt dấu phẩy ở giữa 2 động tác. Đó là:
1. Cởi áo cà sa
2. Khoác chiến bào
Điều đã rõ ràng như vậy, đúng theo tinh thần đạo Phật như vậy, thì thật lấy làm tiếc, khi chúng ta không nhận ra. Khi cần khoác chiến bào, tức là khi đất nước lâm nguy, cần thực hiện bổn phận công dân, thì người tu hành đương nhiên sẵn sàng. Nhưng lưu ý, điều trước tiên là “Cởi áo cà sa”.
Tinh thần của đạo Phật rạch ròi như thế. Sau khi “cởi áo cà sa”, tức là xả giới, lìa nếp sống tu hành với những quy định của giới luật, thì khi đó, người công dân có thể làm những gì đúng theo bổn phận kể cả việc sát sinh, sử dụng bạo lực. Đạo Phật chấp nhận điều đó.
Điều đó nó cũng giống như là muốn cầm vũ khí, muốn sử dụng vũ khí, dù là chính đáng, thì trước hết nên ra ngoài cửa Phật.
“Cởi áo cà sa khoác chiến bào”, rõ ràng như thế, tức là không phải vừa mặc cà sa vừa mặc chiến bào. Điều này cũng như “binh khí trong chùa”.
Cái cách vừa mặc cà sa vừa mặc chiến bào là cách xuyên tạc đạo Phật một cách thâm độc và thường thấy từ trước đến nay. Bài viết trước đã có nói đến phim chưởng có nhà sư cầm đại đao làm sát thủ hay bồ tát đánh phép chém giết máu me, tức là vừa mặc cà sa, vừa mặc chiến bào, tay cầm vũ khí đó. Cha ông chúng ta “cởi áo cà sa khoác chiến bào” chứ không làm như vậy.
Trong văn học Việt Nam trước 1975 tại miền Nam, có nhà văn xây dựng hình tượng người tu sĩ Phật giáo cầm súng, tức vừa mặc cà sa, vừa mặc chiến bào. Để làm gì? Những người theo đạo Phật có am hiểu về Phật giáo miền Nam Việt Nam từ những năm 1960 đều rất hiểu.
Nhà văn đó là ông Phan Nhật Nam, đại úy Dù quân đội Sài Gòn, viết ký rất hay, đặc biệt là ký về chiến sự, tiêu biểu hơn cả là quyển Mùa hè đỏ lửa.
Tác phẩm xây dựng hình tượng “nhà sư cầm súng” là quyển tiểu thuyết Dựa lưng nỗi chết.
Tôi quý tài viết văn của Phan Nhật Nam, nên chỉ xin được chỉ dẫn lại tác phẩm một cách sơ lược. Nhà văn Phan Nhật Nam, qua các tác phẩm của ông dường như không phải là một Diemist.
Nhưng cách làm của ông bằng hình tượng văn học qua tác phẩm Dựa lưng nỗi chết được các Diemist ngày nay khai thác để bôi bẩn Phật giáo miền Nam Việt Nam trong những năm 1960, 1970.
Các bạn đọc am tường về Phật giáo miền Nam Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này cũng như giọng điệu gần đây của những Diemist trên các trang web chủ yếu ở Mỹ có thể hiểu dễ dàng điều này.
Vì vậy, trở lại vấn đề “Cởi áo cà sa khoác chiến bào”, thì chư vị tổ sư, cha ông chúng ta đã nói rõ ràng hai động tác cần làm, khi nước nhà có ngoại xâm.
Cũng là một điều chắc chắn, là dẫu có trưng bày binh khí trong chùa, nhưng không đến nỗi “…các bậc tổ sư cũng như các bậc cha ông đi trước có thờ binh khí” như có bạn đọc ghi nhận. Chúng ta có bao giờ thấy một thứ binh khí nào được thờ một cách độc lập như một linh vật trong chùa đâu. Việc trưng bày, tàng trữ đã là quá cực đoan rồi.
Nếu có chùa nào đó, thờ binh khí nào đó, thì điều này quả là đi quá xa tinh thần Phật giáo nói chung và tinh thần Phật giáo Việt Nam nói riêng.
5. Sức mạnh, cái dũng, “đại hùng, đại lực, đại từ bi” của Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng không phải cậy vào một gì khác, mà trước hết là vào từ bi, mà có khi, diễn đạt bằng kết quả, là đức. Từ bi tạo nên đức. Đức tạo thành trí và dũng. Xin dẫn lại ở đây lời bài Phú Sông Bạch Đằng (bản dịch) với sự khẳng định rõ ràng thế nào là sức mạnh của đạo Phật và của dân tộc:
“Vua Trần hai vị Thánh Quân
Nước sông rửa sạch mấy lần giáp binh
Nghìn thu ngẫm cuộc thăng bình
Phải đâu đất hiểm, bởi mình đức cao”
Mở đầu, bài Phú Sông Bạch Đằng có nói đến sức mạnh của thế đất và vũ khí, sức mạnh binh lực trong trận Bạch Đằng, nhưng để cuối cùng, phủ nhận tất cả, mà chỉ nêu cao cái đức mà thôi.
Tổ sư Trần Nhân Tông, ngai vàng điện ngọc, quyền lực còn vứt bỏ, nữa là cây kiếm, ngọn đao?
Bỏ những thứ đó, có gì mà tiếc?
MT
Xem thêm: