Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Thiền sư Vạn Hạnh

Thiền sư Vạn Hạnh

169

Nhờ “Túc duyên khánh hạnh”, nhờ “Đại nguyện lợi sinh”, nhờ “Cư trần bất nhiễm”, các vị Tổ sư xưa xuất hiện trong thế gian, tùy theo trình độ giáo hóa chúng sinh, đem đạo vào đời, giúp đời thấm nhuần Đạo pháp.

Một trong các vị Tổ sư đặc sắc nhất phải kể đến Vạn Hạnh thiền sư, một vị Tổ đã làm cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam sáng chói một thời, đồng bào chúng ta không ai có thể quên công ơn trời biển của Ngài được.

Vạn Hạnh thiền sư sinh quán tại làng Cổ Pháp, hiện nay thuộc xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Thiền sư họ Nguyễn, không biết tên thật là gì vì không thấy ghi trong sử sách.

Nhờ truyền thống tổ tiên tu nhân tích đức, nên ông bà, cha mẹ đều quy đầu Phật pháp, từ đời này đến đời khác, gia đường thờ Phật rất trang nghiêm, thanh tịnh. Riêng Ngài, từ lúc còn thơ ấu đã tỏ nên thông minh xuất chúng, tài năng khác thường, lớn lên Ngài học thông tam giáo (Nho, Thích, Đạo) và suy tầm học hỏi ba tạng giáo điển nhà Phật.

Ngài học một hiểu mười “Nhất văn thiên ngộ”. Năm hai mươi tuổi Ngài phát tâm xuất gia hành đạo với Định Huệ thiền sư, một lòng thiết tha tu trì, giữ gìn giới luật tinh nghiêm, oai nghi tế hạnh rất kỹ lưỡng.

Sau đó Ngài theo học với Thiền Ông Đạo Giả, vị này tinh thông vạn pháp, chứng ngộ thiền cơ, người thứ hai được phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi truyền tâm pháp. Đến khi Thiền Ông Đạo Giả viên tịch rồi, Vạn Hạnh thiền sư chuyên luyện tập về các loại thiền, nhất là “Tổng trì tam-ma-địa[1]”.

Lúc chứng ngộ được phần nào, Ngài lưu lộ tướng hảo quang minh, những câu nói lạ thường của Ngài thường được dân chúng trong vùng cho là những lời tiên tri, họ thích ghi nhớ để chiêm nghiệm trong tương lai.

Ngoài ra Ngài rất thông thạo về binh thơ đồ trận, nên lúc sinh tiền vua Lê Đại Hành thường thỉnh Ngài vào triều để hỏi quân sự và chính trị nhằm lo việc giữ gìn bờ cõi.

Thỉnh thoảng có nội loạn, vua nhờ Ngài giảng hòa, đôi khi cũng phải cần đến quân sự để đối trị. Hết nội loạn đến ngoại xâm, Ngài đều rất hay giúp nước.

Trong niên hiệu Thiên Phúc nguyên niên (980 sau Tây lịch), vua Trung Quốc sai tướng Hầu Nhân Bảo, kéo hàng mấy mươi vạn quân sang xâm chiếm nước ta. Trong lúc quân Tàu đang đóng quân tại núi Cương Giáp Lãng, vua Lê Đại Hành viết chiếu chỉ mời Vạn Hạnh thiền sư vào triều vấn kế.

Sau khi nghiên cứu tỉ mỉ về binh thơ đồ trận, Ngài chỉ phương hướng hành quân và tâu với Đức Vua nếu làm đúng theo chiến thuật của Ngài thì ba đến bảy ngày đoàn quân viễn chinh xâm lược sẽ rút lui.

Lời tiên đoán của Ngài quả thật không sai. Quân nước ta chuẩn bị mọi việc như lời Ngài phán quyết, sau năm ngày quân Trung Quốc do tướng Bảo chỉ huy phải rút lui.

Ngoài ra Ngài rất tinh thông về sấm ngữ và toán số, những lời Ngài thốt ra đều đúng sự thật. Vua Lê Đại Hành hết sức thán phục và tỏ lòng kính trọng tối đa, lúc nào cũng sẵn sàng ủng hộ Ngài trong việc hoằng dương Đạo pháp, báo Phật thâm ân.

Nhà Lê xuống, nhường chỗ cho nhà Lý lên. Người gầy dựng sự nghiệp cho nhà Lý và đem lại sự hùng cường cho dân tộc Việt Nam trên hai thế kỷ (1010 – 1225) chính là thiền sư Vạn Hạnh.

Ngài đã chủ trương dời kinh đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long, là nơi trung tâm hệ trọng cho mãi đến tận hiện nay và làm cố vấn mọi việc cho vua Lý Thái Tổ.

Xã hội Việt Nam được văn minh rực rỡ một thời, phần lớn do thiền sư xây dựng. Công đức và tài năng của Ngài tất cả hàng vua quan đại thần và nhân dân ai cũng thán phục và các nhà nghiên cứu lịch sử sau này phải thừa nhận.

Đến lúc tuổi già suy yếu, công lao hoằng đạo giúp đời của Ngài sắp viên mãn. Năm Thuận Thiên thứ 9 (1018 sau Tây lịch), Ngài cho mời tất cả thất chúng[2] đệ tử đến để Ngài phú chúc mọi việc, nhất là việc tu học, thực hành và truyền bá Chính pháp.

Dặn dò mọi việc xong xuôi, Ngài an nhiên thị tịch.

Hoàng đế Lý Thái Tổ và thất chúng đệ tử của Ngài làm lễ hỏa táng và thâu thập Xá-lợi để xây tháp phụng thờ. Trước khi vào cảnh tịch tĩnh Ngài có làm bài kê sau đây:

身 如 電 影 有 還 無
萬 木 春 榮 秋 又 枯
任 運 盛 衰 無 怖 畏
盛 衰 如 露 草 頭 鋪

Dịch:

Thân như bóng chớp có rồi không,
Thu héo xuân tươi vạn cõi lòng.
Sá chi suy thịnh đời là thế,
Thịnh suy như móc phơi bên đồng.

(HT. Huyền Vi)

Các văn nhân, thi sĩ, đại thần tể tướng đều đến dự đám tang của Ngài. Họ có làm nhiều bài phú ý nghĩa sâu xa. Về sau đến đời hoàng đế Lý Nhân Tông (1072 – 1127), vì cảm phục ân đức của Ngài nên làm bài thơ truy điệu:
 
萬 行 融 三 際
真 夫 詁 讖 機
鄉 關 名 古 法
柱 磧 鎮 王 基

Dịch

Thiền sư học rộng bao la
Giữ mình hợp phép sấm ra ngoài lời
Quê hương Cổ Pháp danh ngời
Tháp bia đứng vững muôn đời đế đô.

 (Mật Thể)

Vạn Hạnh thiền sư đã hy sinh trọn đời để lo cho Đạo pháp và phục vụ dân tộc một cách hữu hiệu. Vì thế trên toàn quốc không ai mà không tôn kính, bái phục tài đức của Ngài.

Xin được trích dẫn lời của nhà văn Lê Văn Siêu, khi nghiên cứu về văn minh Việt Nam: “…Sư Vạn Hạnh đã làm quan trong triều đình. Ngài vừa sớm tối không xao nhãng những kinh kệ lại vừa đem tài ra giúp nước yên dân. Ngài là một vị sư đã thoát được mình ra lề thói chấp nê của Đạo Phật (cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa).

Hẳn là Ngài đã thấy rõ cách tế độ chúng sinh hiệu quả nhất là ảnh hưởng đến chính quyền. Ngài không theo gương Khổng Tử xách một túi kinh luôn đi khắp các nước mà chẳng được đâu trọng dụng, cũng không theo gương các Nho sĩ chỉ ngồi trong lều cỏ dạy đạo các môn đồ, lại cũng không theo gương các nhà sư mà ngồi riêng một nơi thiền định…” (Văn minh Việt Nam, trang 77, của Lê Văn Siêu)

“…Cũng Đạo Phật ấy truyền qua Việt Nam thì đã được Sư Vạn Hạnh cắm cửa Ô Kim Liên với đầm sen bảy mẫu vào thực đúng giữa Chánh điện của nhà vua trông ra, khiến vua ngày đêm, hễ mở mắt là thấy ngay biểu tượng của Phật Giáo…” (Văn minh Việt Nam, trang 81 – 82, của Lê Văn Siêu.
________________________________________
[1] Tổng trì tam-ma-địa: Tổng trì gồm các điều thiện không cho mất, giữ gìn các việc ác không cho khởi. Tam-ma-địa xưa dịch là Tam-muội, Tam-ma-đề, Tam-ma-đế, nay dịch là Tam-ma-địa, Tam-muội-địa là thiền định, đẳng trì, chánh định nhứt cảnh tánh, tâm niệm định tĩnh gọi là định, xa lìa lao chao gọi là đẳng, tâm không tán loạn gọi là trì. Tổng trì tam-ma-địa là giữ gìn tu thiền hết sức cẩn thận.
 
[2] Thất chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di.