Trang chủ Đời sống Thở và Cười với Doanh nhân

Thở và Cười với Doanh nhân

135

Chiều 15/3/07, khu du lịch Văn Thánh đã tổ chức cuộc Pháp thoại của sư ông Thích Nhất Hạnh cho các doanh nhân VN, do Văn Hoá Phật Giáo cùng với TTT Corp và BigLink Corp tài trợ và thực hiện; được sực chấp thuận của Trung Ướng GHPGVN; UBND và sở Văn Hóa Thông Tin thành phố Hồ Chí Minh cấp phép ngày 01/3/07.

ơn 12 giờ trưa, tôi đã có mặt tại văn phòng báo Văn Hoá PG để nắm rõ vấn đề sinh hoạt hôm nay, vì  được biết, giới hạn người tham dự, vé vào cửa ba trăm ngàn, qua mạng, ban tổ chức đã bán sạch 500 vé trong thời gian kỷ lục.

Trao đổi ngắn với thầy Tâm Hải, một người năng nổ trong việc tổ chức này, không những trong nội bộ mà còn liên hệ ngoại vi như giao thông, an ninh trật tự, khách mời. Thầy đang lo lắng bãi đậu cho hơn 400 xe hơi và hàng ngàn xe gắn máy… Tôi đi thẳng về  khu du lịch Văn Thánh, vị trí nằm hướng Đông Bắc ngoại vi TP HCM, thuộc quận  Bình Thạnh.

Còn rất sớm nên không ai kiểm tra vé. Vào khỏi cổng, quẹo tay phải gửi xe, vòng qua hồ bơi, vài  người nước ngoài đang phơi nắng dưới bóng dừa sau khi lặn hụp trong hồ sâu nước trong vắt; xuất hiện một hàng ghế bọc vải trắng toát, thiết kế  vòng chữ C bao quanh chỗ ngồi của sư ông. Đèn lồng và ánh sáng được trang trí trên các gốc cột thật trang nhã. “Thiền Đường Hoa Sứ “ là một chái lá hình đa giác, đường kính độ 30m, cao, thoáng, 4 bề trống trải nằm sâu trong khu du lịch. Gọi là du lịch, thật ra chỉ là khu yên tĩnh cho khách mệt mỏi sau những ngày lao động, không như Đầm Sen hay Suối Tiên có trò giải trí, tuy nhiên vẫn tạo cho du khách một không khí thoải mái giữa phố phường nhộn nhịp.

Anh chị em doanh nhân trong BTC nhiệt tình, năng nổ, đang phân công, điều phối công việc một cách tự nguyện. Các anh em đã có mặt trước mấy hôm để bài trí, thiết kế. Đến giờ  sắp khai mạc chương trình Pháp Thoại, anh em vẫn thử lại âm thanh, ánh sáng và độ an toàn về kỹ thuật để bảo đảm rằng không có sự cố trong buổi lễ.

Tôi đến gặp anh  Lê Bá Thông -Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng- Thương mại TTT là trưởng Ban Tổ Chức buổi pháp thoại dành cho Doanh Nhân hôm nay.

– Thưa anh, nghe nói cuộc lễ hôm nay có bán vé, mỗi vé 300 ngàn đồng? có phải áp dụng theo phong cách bán vé nước ngoài?

–  Không ạ, chúng tôi phải thuê mặt bằng, in sách biếu, chụp hình, Buffet tối và mọi dịch vụ khác. Thật ra 300 ngàn là chúnng tôi lỗ sặc gạch. Chúng tôi không kinh doanh.

– Thưa anh, tại sao ta phải hạn chế số người tham dự. Ngoài khách mời, chỉ có 500 vé được bán?

– Đúng, vì đây là buổi nói chuyện dành cho Doanh nghiệp, các nhà Doanh nghiệp họ không muốn có sự hiện diện đông đảo của quần chúng không trong nghề!

Bán Nguyệt San Văn Hoá PG số 29 đã thực hiện cuộc phỏng vấn với các doanh nghiêp như chị Phùng Kim Vi, phó giám đốc khu du lịch Seahorse Resort Mũi Né; Anh Lê Bá Thông, Tổng Giám đốc Công Ty cổ phần Xây Dựng – Thương Mại TTT; anh Lâm Hoàng Lộc, phó chủ tịch Hội Đồng Quản Trị VP Bank, chủ đề: Doanh Nhân với sự Tìm Về Đời Sống Nội Tâm 

Từ hai ngả vào, bên khu dã ngoại, nhà sàn sắc tộc, các chái lá thơ mộng, đông người ngồi đứng rải rác trong khuôn viên. Cô xướng ngôn viên đọc chương trình buổi lễ, thỉnh thoảng đọc vài câu thơ của Thiền sư nhắc nhở mọi người trở về hơi thở với bước đi thảnh thơi, chờ đợi buổi lễ chính thức bắt đầu. Khu dã ngoại, ghế, chõng tre bày  lộ thiên, chư tăng và quý khách có mặt đều ngồi uống nước bằng chén đá; người dẫn chương trình hướng dẫn khách tham dự chụp hình lưu niệm theo mã số thẻ vào cổng.. Trời về chiều, mặt trời còn hơn một sào, hơi nóng vẫn  phủ trùm hoa viên, chả bù khí hậu cao nguyên, giờ nầy đã  nhuốm hơi lạnh. Cao nguyên bóng đêm về sớm hơn thành phố; sinh hoạt phố thị cũng  về khuya hơn vùng cao. Trong thời gian chờ đợi , mọi người nhởn nha thả  bộ; lượng người ngày càng động, hầu hết các doanh nghiệp rất trẻ và thành đạt..

5.30, quan khách lần lượt vào hội trường; ngoài 500 ghế có vé, dành cho doanh nhân, còn lại khách mời và một số ăn theo cũng ngồi, đứng phía vòng ngoài, quanh hồ bơi; chứng tỏ uy tín của sư ông  rất lớn. Một người trong BTC cho biết, nếu không hạn chế, doanh nghiệp sẽ đông hơn thế nữa.

Sư ông và tăng đoàn đã vào hội trường; trên màn hình rộng xuất hiện logo búp sen,  hai chữ : Thở và Cười, phía bên ngoài, 6 bức thư pháp do chính tay sư ông viết, đuợc treo để chốc nữa, cuộc bán đấu giá sẽ hào hứng. Màn hình xuất hiện giòng chữ : Hãy gửi đến người bên cạnh nụ cười ngọt ngào nhất, và xin vổ tay chào đón mọi người. Hội trường vang dội tiếng vỗ tay.

Sư ông bắt dầu buổi nói chuyện :Con người chúng ta, nhất là doanh nhân, luôn luôn lo lắng cho tương lai, họ bị tương lai ám ảnh, họ không biết rằng mình có thể thành công trong tương lai không! Những khó khăn nào, những hiểm nguy nào, những khổ đau nào chờ mình trong tương lai… Vì vậy tương lai thành nhà tù đối với họ. Cũng như tiếc nuối hồi thưởng quá khứ, nó không cho mình cơ hội tiếp xúc với sự sống, mà sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại. Phật dạy, tương lai chưa tới, quá khứ đã qua, sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại. Khi bước đi, chúng ta ý thức được bước đi là chúng ta có mặt trong giây phút hiện tại, vì chúng ta đã có ước hẹn với sự sống, mà sự sống chính là hiện tại và ở đây…

Phần đầu của buổi pháp thoại, nơi đây sư ông không ngồi, mà đi đi lại lại trước hội trường. Sư ông có vẻ phấn chấn vui tươi hơn. Tiếng sư ông nhỏ, bên ngoài không nghe rõ, nhưng cả hội trường đã đón nhận một cách trọn vẹn và thành khẩn. Lần đầu tiên doanh nhân VN đón nhận  thời pháp nhũ của một thiền sư quốc tế.

Sư ông nói tiếp : thiền hành là thiền đi – walking, tập ta trở về giây phút hiện tại, mình sống sâu sắc với hiện tại, và cái bí quyết của sự thành công là mỗi bước chân nó bước vào mãnh đất của giây phút hiện tại…  thiền sư nói : Ăn cơm cũng là phương pháp thực tập, không ăn trong sự suy nghĩ hãy chú tâm trong thức ăn, vì đó là tặng phẩm của đất trời. Ta ăn cà rốt, chú tâm vào ăn cà rốt, ăn đậu hủ biết ăn đậu hủ, không nghĩ đến phiền muộn lo âu, ta thấy miếng ăn có cả đất trời và sự mầu nhiệm của vũ trụ… hãy nhìn người thân trong gia đình mình, đang ngồi với mình bằng nụ cười yêu thương… Hôm nay quý vị nghe cách đi như thế nào, ăn như thế nào để thật sự mình tự do. Quý vị hãy tập đi từng bước chân vững chãi, an lạc, đã về với giây phút hiện tại, tôi đã tới với hiệp ước của sự sống, có nghĩa là đang có mặt trong giây phút hiện tại…

Sau thời pháp, Sư ông hướng dẫn hội chúng thiền hành ra đồi cỏ dã ngoại, sau đó mọi người thoải mái trên bãi cỏ, trên các ghế bàn tre ngoài trời, tự do ăn uống chuyện trò vui vẻ. 

Một giờ sau, chương trình được tiếp tục khởi đầu bằng ca bản “Đầu Nhành Dương” do tăng thân làng Mai hợp xướng. Ba tiếng chuông ngân nhắc nhở hành giả nhiếp tâm theo hơi thở, Thở vào, tôi biết  cha và mẹ tôi có mặt trong từng tế bào… sau đó sư ông kể  những doanh nhân nước ngoài cực kỳ thành đạt nhưng vẫn đau khổ, không có thì giờ sống cho mình và cho gia đình, lúc nào cũng bị cuốn hút vào công việc… lắm khi phải tự tử. Tiền bạc góp phần cho hạnh phúc nhưng không quyết định được hạnh phúc nếu thiếu yếu tố tình thương; có ba yếu tố để tạo hạnh phúc và thành công: đó là Đoạn đức, Trí Đức và Ân đức, nếu hội đủ những yếu tố đó, sẽ biến công ty thành một gia đình, vì mình có tình thương đối với nhân viên như tình gia đình, phải chăm sóc quan tâm cho nhau…

Sau phần pháp thoại, 30 phút để đặt câu hỏi của các doanh nhân, anh Lộc thay mặt doanh nhân, đọc lên câu hỏi : Thưa thầy – con xin dọc câu hỏi của trên 20 câu của anh chị em doanh nhân :

Thưa thầy, sự cạnh tranh gay gắt trong kinh doanh khiến người ta ví thương trường như chiến trường, vậy lòng từ bi đạo Bụt thực hiện như thế nào và doanh nghiệp phải làm gì để bảo đảm đạo lý này mà không phải mạo hiểm và làm sao có thể giữ được tính thiện trong một môi trường kinh doanh, người Phật tử phải làm gì để giữ 5 giới trong môi trường đầy khắc nghiệt này.

– Bạch thầy, khi quản lý một doanh nghiệp, chúng con phải vương tới, phải tham vọng, các đối thủ đều như vậy, nếu con không như thế thì làm sao có thể đi, ăn mà chỉ nghĩ về hiện tại cho được,  đối với doanh nghiêp như thế nào gọi là đủ, thầy có khuyên con làm thật giàu không?

– Thưa thầy ngày nay các doanh nghiệp gọi là xây dựng văn hóa cho công ty, văn hoá đó thể hiện bản chất và sự phát triển của công ty,  với văn hoá  PG sẽ giùp cho văn hoá công ty như thế nào? Thưa thầy, mỗi người sinh ra có một số phận khác nhau, có người sinh ra đã gặp nhiều bất hạnh, bị bỏ rơi, có người sinh ra đã có sự giàu sang, phải chăng do số mạng quyết định, xin thầy cho con lời giải thìch…

Sư ông giải thích một cách trí tuệ và tinh tường.

Các câu hỏi thông minh của giới doanh nghiệp trí thức tiếp tục được nêu, nhưng thời gian không cho phép, BTC xin khép lại chương trình bằng sự giới thiệu ý nghĩa của sáu bức thư pháp do chính tay sư ông viết tặng các doanh nghiệp, để công bình và đem nguồn lợi tức đấu giá và nguồn thu vé vào cổng sẽ ủng hộ  hội Khuyến Học báo Tuổi trẻ, sau khi khấu trừ mọi chi phí. Sư ông cũng tặng ba phần sách cho ba nhà doanh nghiệp tiêu biểu.

BTC đã cảm tạ sư ông và tăng thân Làng Mai, cảm tạ sự tài trợ của các doanh nhân.

Phía ngoài cổng, các bàn trao quà kỷ niệm và ảnh chụp theo thứ tự ABC.. tham dự viên mang thẻ đến nhận trước khi ra về. Mọi người đều có một cảm nhận chung về sự tốt đẹp, hoàn hảo và khoa học của BTC, riêng các anh chị em trong BTC cũng phấn khởi về sự thành công ngoài mong đợi. Sư ông cũng ngạc nhiên về sự tổ chức của quý anh em doanh nghiệp và tạp chí Văn Hóa PG một cách chu tất, nghệ thuật và thiền vị, trong thời gian rất ngắn, có lẽ vì thế mà Sư ông đến sớm hơn dự định để tận mắt chứng kiến tinh thần trách nhiệm đầy hân hoan của các anh chị em.

Mọi người ra về đúng 21 giờ, với lòng hoan hỷ và sự thành công của Sư ông đối với các nhà doanh nghiệp VN tại TP. Hồ Chí Minh trong chuyến hoằng pháp lần thứ hai này.

Nghe pháp thoại dành cho doanh nhân: Phần 1, Phần 2