Bằng sức nặng của tình yêu thương, rất nhiều đứa trẻ đã được sư bác dang rộng vòng tay, cho chúng một mái nhà chung nơi Ðông Trang Tự…
Cho em hồn nhiên
Chùa Yên Ninh (còn gọi là Ðông Trang Tự) nằm khiêm nhường trên cánh đồng rộng lớn của xã Ninh An (Hoa Lư – Ninh Bình). Ít ai nghĩ rằng, ngôi chùa đơn sơ này đã cưu mang, đùm bọc không biết bao nhiêu đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, ốm đau bệnh tật, không biết bao nhiêu mái nhà khốn đốn trong cơn bạo bệnh, đói nghèo.
Sư bác Thích Diệu Nhân dặn trước: "Chỉ có những câu chuyện về các con thôi nhé, tôi phải tránh mặc cảm cho các con từ những việc nhỏ nhất".
Từ ngoài cổng chùa, một nhóm các cháu đeo khăn quàng đỏ nhảy chân sáo tíu tít, cháu nào cũng xinh xẻo, hồn nhiên. Cháu H.A dong dỏng cao, hai má ửng hồng, lớn lên cùng việc chứng kiến bạo hành gia đình. Ông bố ưa bạo lực của cháu chỉ thích nói bằng "nắm đấm". Cháu vào lớp bốn thì bố mẹ chia tay, gia đình ly tán. Mẹ H.A dắt cháu đến chùa Ninh An xin sư bác mở rộng vòng tay. Mười năm sống trong tình yêu thương của sư bác, của các bạn cùng cảnh, ánh mắt sợ hãi, rụt rè năm nào đã không còn, nhưng nhiều đêm trong giấc ngủ cháu vẫn giật mình khóc thét.
Ở xã Ninh Giang, đôi vợ chồng trẻ Lê Văn Ðính và Vũ Thị Hải Yến khấp khởi chờ đứa con trong bụng lớn dần. Nhưng trong bụng chị Yến không phải là một mà đến ba đứa trẻ, sang tháng thứ tám, chị phải nhập viện bởi bác sĩ bảo nếu không mổ nhanh, cả ba đứa trẻ sẽ hỏng. Nuôi ba đứa trẻ vất vả trăm đường, nhưng chưa được bao lâu thì một cháu mắc tim bẩm sinh, một cháu suy dinh dưỡng nặng và một cháu bị ung thư máu. Lương giáo viên mầm non chỉ 1,2 triệu đồng, nhưng sinh con, chị Yến đã phải nghỉ không lương, tất cả mọi khoản trông chờ vào nghề lái lợn của anh Ðính. Và sư bác lại cho người đón cả bốn mẹ con xuống chùa chăm sóc, đến lúc các cháu có da có thịt rồi mới cho về, nhưng đều đặn, tháng nào sư bác cũng cho các con mang sữa lên cho bọn trẻ.
Ông Hoàng Thanh Vân, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hoa Lư đã có nhiều năm theo sư bác đi làm từ thiện, ánh mắt lấp lánh: "Cứ đến ngày 2-9 hằng năm, sư bác lại tổ chức cắm trại, phát học bổng, phát quà cho các cháu chuẩn bị vào năm học mới, nào sách vở, đồ dùng học tập, cháu nào xuất sắc còn được thưởng xe đạp".
Cần có một tấm lòng
Sư bác Thích Diệu Nhân về chùa Ðông Trang được một năm thì bắt đầu nhận nuôi dưỡng những cháu lang thang. Những năm 1995, 1996 đầy khó khăn, chùa còn hoang sơ và thiếu thốn trăm bề. Sư bác đã xin địa phương được thầu những thửa ruộng quanh chùa, kêu gọi người dân trong xã tham gia hội tương thân tương ái. Từ những đóng góp nhỏ bé ban đầu, sư bác cùng các hội viên cấy hái, gieo trồng, chăn nuôi để lấy kinh phí nuôi các cháu ăn học.
Cách làm của nhà chùa cũng rất sáng tạo: hộ nào nghèo thì được hội cấp cho một con lợn con, rồi rau cỏ, cám bã, khi con lợn ấy được xuất chuồng, được bao nhiêu sẽ chia làm ba phần: một cho người nuôi, một trả lại cho hội và một cho hộ khác làm vốn; nếu là lợn nái, số lợn con cũng được chia đều như vậy. Còn các hội viên, mỗi người bỏ ra 1.000 đ/ngày để góp quỹ, ai không có tiền thì mỗi bữa bỏ một nắm gạo như "hũ gạo Bác Hồ" trong thời chiến. Sư bác còn dành riêng một thửa ruộng để trồng những cây thuốc nam được cất công đi lấy ở khắp nơi về trồng, một phần để các cháu dùng lúc ốm đau, bệnh tật, phần còn lại để quyên góp cho Hội Chữ thập đỏ. Sư bác cười: "Khi mình đã có tấm lòng, mọi việc khác đều có thể làm được hết".
Ban đầu sư bác chỉ nhận nuôi những cháu mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Nhưng rồi tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình tự mang con đến xin nương nhờ. Khi chúng tôi đến, người ta mới chuyển cho sư bác một tập hồ sơ những gia đình xin được gửi cháu đến Ðông Trang Tự. Chẳng hiểu có phải do sự sắp đặt của số phận mà những gia đình đã nghèo rồi, lại phải mang trong mình những căn bệnh quái ác. Cháu Lan Anh ở xã Ninh Thắng viết trong đơn xin trợ cấp học tập: "Cháu có hai chị em, bố bỏ đi, mẹ chết sớm, nay hai chị em cháu phải ở với ông ngoại, hoàn cảnh gia đình ông ngoại rất khó khăn, ông đã già, bà và các cậu đều bị bệnh không thể lao động được". Cùng xã Ninh Thắng với cháu Lan Anh, trong đơn xin trợ cấp học tập cho con trai, ông Trương Công Khương viết: "Năm 2007 tôi bị tai nạn lao động, phải nghỉ việc. Sau đó, năm 2010 vợ tôi bị đột tử, các con còn nhỏ. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn".
Sư bác buông tờ đơn xuống: "Nhiều nhà, khi tôi đến xác minh hoàn cảnh thì thấy sự thực còn thảm thương hơn trong đơn rất nhiều. Dịp Tết tôi xuống thăm với suất quà ba trăm nghìn đồng như nhiều hộ khác. Nhưng thấy người chồng bị tai nạn đã sáu năm, chân vẫn còn treo trên xà nhà, vợ thì ung thư giai đoạn cuối, ba đứa con nheo nhóc, thương lắm, con bé Tít mới hơn hai tuổi ra kéo áo khóc mếu: "Bác ơi hôm nay hết gạo ăn rồi"; tôi lại chạy đi đong thêm cho 50 kg gạo, 5 đồng bánh chưng với ba cây giò để ăn Tết. Mình không mang chúng về chùa được, để chúng ở lại còn chăm sóc bố mẹ, và như liều thuốc tinh thần cho họ nữa".
Chặng dài phía trước
Ban đầu, kế hoạch của sư bác Thích Diệu Nhân là nhận nuôi trẻ đến hết năm 2004. Nhưng rồi có quá nhiều hoàn cảnh cần được cưu mang nên kế hoạch ấy kéo dài cho đến mãi năm 2011 này và chưa biết khi nào sẽ kết thúc.
Nhiều đứa trẻ đã trưởng thành, đã được chùa Ðông Trang nâng đôi cánh bay vào cuộc sống. Năm 2008, trại hè thanh thiếu niên tổ chức ở Ðà Nẵng, "thế nào mà con nhà mình được đi đến ba đứa, cháu Huyền Anh vẽ bức tranh rừng ngập mặn bị chặt, được giải nhất". Ban nhạc Ðồng quê của nhà chùa có chín thành viên, năm 2010, khi các cháu đang học lớp 7 thì Học viện Âm nhạc Quốc gia về tuyển được ba cháu. Kỳ tuyển sinh ÐH năm học 2010 – 2011, Ðông Trang có bốn cháu dự thi, ba cháu đỗ ÐH và một cháu đỗ CÐ. Tính đến mùa thi năm nay, Ðông Trang có mười hai cháu học ÐH và cao học. Sư bác nhẩm tính: "Cứ mỗi đầu năm học là phải nộp hơn một trăm triệu đồng tiền học phí cho các con, đấy là chưa tính tiền đồ dùng học tập và các loại quỹ khác". Xuân đang là sinh viên năm thứ hai, vừa rồi cháu là một trong 60 sinh viên được chọn đi Trung Quốc học: "Nếu mà đi thì 5 năm, mỗi năm nộp ba mươi triệu, mình biết lấy đâu ra tiền bây giờ nhỉ? Một thằng học bên Úc đã tốn lắm rồi" – sư bác bần thần.
Năm ngoái, sư bác đưa bốn cháu đi khám thì hai đứa mắc phổi, Quang Anh lao hạch, Thùy Linh thì nặng lắm, nhà chùa đã xin được quỹ trái tim cho em, song hai mươi ngày nữa mới đến lượt Linh mổ. Bố cháu bị tai nạn gãy chân, mẹ bị tim, ông bà cháu cũng đang tai nạn, kiệt quệ lắm rồi; tình trạng của cháu đã nguy kịch lắm, không thể chờ đợi được, sư bác quyết định về đi vay vàng cho cháu mổ, món nợ 35 triệu đồng đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Cũng năm 2010, cơn bão số 5 làm cơ sở vật chất vốn ọp ẹp của nhà chùa hỏng hẳn. Sư bác vận động các đạo hữu cho mượn sổ đỏ để vay vốn ngân hàng xây nhà cho bọn trẻ, ngôi nhà hai tầng rộng rãi, thoáng mát trị giá gần 700 triệu đồng. Lại thêm một gánh rất nặng nữa đặt trên vai nhà chùa, song sư bác Thích Diệu Nhân chưa khi nào hết lạc quan.
Năm học mới lại đến, cô giáo hỏi: "Ðã bao giờ con được mặc quần áo mới?". Các con vẫn hồn nhiên: "Chưa bao giờ cả, chúng con chỉ được mặc quần áo sạch thôi, sư bác làm gì có tiền để mua quần áo mới…".
Chùa Ðông Trang với rất nhiều cháu nhỏ đang được nuôi ăn ở, học hành hoặc được nhận đỡ đầu, nhận tiền ăn học. Khó khăn, thiếu thốn của các cháu, của nhà chùa và các đạo hữu vẫn còn dài phía trước. Rất mong nhận được những tấm lòng hảo tâm khắp mọi miền đất nước! Mọi đóng góp xin gửi về: Chùa Ðông Trang, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.