Nhân loại đang đối phó với một trận dịch bệnh vô cùng nguy hiểm. Những mong manh của đời người hiển lộ ra rõ ràng hơn. Những khổ đau không còn là chuyện nghe nói của ký ức hay chỉ đọc trong sách vở, nhưng là những gì hôm nay chúng ta nhìn thấy ngay ngoài phố, góc chợ và màn hình điện thoại. Giữa các khổ đau trùng trùng của phận người như thế, tôn giáo đã trở thành nơi nương tựa thiết thân cho nhiều người, trong đó các lời cầu nguyện và than khóc được ghi vào âm nhạc và thi ca như các bậc thang hướng về cõi an lành, nơi đó đi song song với khổ đau là hy vọng. Bài này sẽ khảo sát về bốn tôn giáo lớn của nhân loại qua mắt nhìn thi ca về khổ đau và hướng tới hy vọng, sẽ viết theo thứ tự đông tín đồ nhất — Thiên Chúa Giáo nhiều hệ phái (31.5% dân số thế giới), Hồi Giáo (23.2%), Ấn Độ Giáo (15.0%), Phật Giáo (7.1%) — trong đó 3 tôn giáo lớn nhất tin vào Đấng Sáng Tạo, duy chỉ Phật Giáo nói rằng không hề có Thượng Đế nào trên đời này cả.
Các chuyên gia y tế định nghĩa dịch bệnh bằng 3 từ tiếng Anh: outbreak, epidemic, pandemic. Chữ “outbreak” chỉ cho sự bùng phát bất ngờ nhiều trường hợp bệnh dịch, có thể là một cộng đồng dân số nhỏ, hay trong một hay nhiều quốc gia, có thể kéo dài vài ngày và ngay cả vài năm. Như loại dịch cúm (influenza) trở đi trở lại thường niên, được xem là “outbreak” — tức là mức độ nhẹ nhất trong các dịch bệnh. Chữ “epidemic” chỉ mức độ nghiêm trọng hơn, khi dịch bệnh lây nhanh chóng tại một nước hay nhiều nước. Năm 2003, dịch bệnh SARS lây lan nhiều nước, làm chết gần 800 người toàn cầu, được xếp loại là “epidemic.” Nhưng COVID-19 (tên cũ là coronavirus) là “pandemic” — tiếng Việt dịch là “đại dịch” — như đại dịch cúm 1918-1919 làm chết khoảng từ 20 triệu tới 40 triệu người toàn cầu.
Có một điểm cũng nên ghi nhận: trong tháng 4/2020 khi dịch bệnh COVID-19 lên tới cao điểm hay gần cao điểm tại nhiều quốc gia, tháng 4 hàng năm là Tháng Thi Ca Hoa Kỳ (National Poetry Month). Một trùng hợp có vẻ tình cờ, phải chăng thơ là một trong những lời than khóc định mệnh nhất của phận người chúng ta… Tính tới tuần lễ thứ nhì của tháng 4/2020, sau ba tháng dịch bệnh tàn phá, thống kê Liên Hiệp Quốc cho thấy nhân loại có thêm 190 triệu người thất nghiệp, đó là số người làm việc toàn thời gian bị sa thải trong thời gian ba tháng qua. Trong khi đó, 2.7 tỷ người làm việc toàn cầu bị ảnh hưởng vì kinh tế bị thiệt hại vì dịch bệnh. Tại nhiều quốc gia như Việt Nam, có lẽ các con số thống kê không chính xác được, nhưng hiển nhiên là khổ đau đã tới gần trong xương tủy và bao trùm trên mọi hoạt động xã hội.
Từ khổ đau tới giải thoát
Phật Giáo là một tôn giáo độc đáo: nói rằng không có Đấng Sáng Tạo nào trên đời này. Người sáng lập Phật Giáo cũng độc đáo: Đức Phật là vị giáo chủ duy nhất đã làm thơ và làm tới hàng chục ngàn bài thơ. Quan điểm Phật Giáo nhìn về đại dịch COVID-19 rất nhẹ nhàng: nó chỉ là một trận dịch trong vô lượng đợt sóng thần của nhân loại, nơi bị cuốn vào chu kỳ bất tận của sinh lão bệnh tử.
Trong khi các tôn giáo khác nói rằng dịch bệnh là ý Trời, Phật Giáo nói rằng không có Trời nào đâu và rằng tất cả là do nghiệp. Nhưng khi hỏi tận cùng của chuỗi nhân duyên, như trường hợp nhà sư Mālunkyaputta thắc mắc với nhiều câu hỏi, Đức Phật từ chối trả lời, chỉ nói rằng Ngài là bậc Y Vương, giúp nhổ mũi tên tẩm thuốc độc và chữa trị vết thương, chứ không bận tâm kể ra chuyện mũi tên từ đâu bắn tới.
Đức Phật dạy về ba pháp ấn của đời sống: Khổ, Vô Thường, Vô Ngã. Chính trong thời kỳ dịch bệnh, các pháp ấn này được nhận diện rõ ràng. Sinh ra đời là khổ, bệnh là khổ, đại dịch là khổ. Vô Thường cũng được nhìn thấy rõ ràng nơi thân người và nơi các chuyển biến xã hội. Tuần trước còn khỏe mạnh, nhiễm bệnh xong là nằm gục ở bệnh viện nhiều ngày, may thì thoát chết, rủi thì từ trần. Kinh tế đang tưng bừng du khách ở Nha Trang, Đà Nẵng… thế rồi dịch bệnh bùng nổ ở Vũ Hán, bỗng chống bãi biển Nha Trang và Đà Nẵng vắng hoe, nhiều khách sạn, nhà trọ, tiệm ăn đóng cửa thê thảm. Pháp ấn Vô Ngã cũng thấy rõ: không ai chủ động được thân và tâm của họ, thân này chúng ta chia sẻ với hàng triệu hay hàng tỷ vi trùng và vi khuẩn, thế rồi khi coronavirus tới, thân này bị nó chiếm đoạt dễ dàng, may ra thì bác sĩ giành lại được thân này cho khỏi bị Cô Vy bắt đi.
Ghi nhận, Đức Phật cũng là giáo chủ duy nhất trên thế giới làm thơ. Ngay vào thời điểm Thành Đạo, Đức Phật làm bài thơ, về sau được ghi vào 2 bài kệ trong Kinh Pháp Cú. Chữ “nhà” trong thơ này là chỉ “thân và tâm.” Hai bài kệ này như sau:
153. “Lang thang bao kiếp sống / Ta tìm nhưng chẳng gặp, / Người xây dựng nhà này,/ Khổ thay, phải tái sanh.”
154. “Ôi! Người làm nhà kia / Nay ta đã thấy ngươi!/ Ngươi không làm nhà nữa./ Đòn tay ngươi bị gẫy,/ Kèo cột ngươi bị tan / Tâm ta đạt tịch diệt, / Tham ái thảy tiêu vong.” (Bản dịch HT Thich Minh Châu)
Đối với người đã giải thoát, tất cả bệnh hay đại dịch đều trở nên vô nghĩa, vì so với “già và chết” thì đại dịch cũng chỉ là một trận nước lũ, cũng không phải là cái gì ghê gớm.
Ngài Bhalliya có bài kệ trong sách Trưởng Lão với ký số Thag 1.7, bài thơ sẽ viết xuôi như sau:
“Tựa như dòng nước lũ mạnh mẽ cuốn trôi chiếc cầu bằng cây sậy vô cùng yếu ớt, vị nào xua tan đạo binh của Thần Chết, có sự chiến thắng, có sự kinh sợ đã được xa lìa, vị ấy đã được huấn luyện, vì thế đã được hoàn toàn giải thoát, có nội tâm ổn định.” Đại đức trưởng lão Bhalliya đã nói lời kệ như thế.
(Thag 1.7 — Bản Việt dịch của Bhikkhu Indacanda)
Khổ đau cõi trần là vô lượng. Sử Phật Giáo kể lại, rằng nhiều phụ nữ từ khổ đau vì có con nhỏ từ trần đã quyết định xuất gia, tu học tìm đường giải thoát. Như trường hợp bà Ubbiri thương khóc vì đứa con gái sơ sinh chết. Đức Phật đã chỉ cho thiếu phụ này thấy nơi nghĩa trang bà an táng xác con bà, rằng cũng chính vùng đất nghĩa trang đó, bà đã an táng nhiều ngàn đứa con mà bà sinh ra trong nhiều kiếp trước. Nỗi đau đớn cùng cực trong tâm, cùng với vô lượng công đức nhiều đời có sẵn, bà Ubbiri sau khi nghe bài pháp ngắn của Đức Phật đã ngay tức khắc từ một bà mẹ thương tâm đã chứng liền thánh quả A La Hán. Khi bà nhìn thấy vô lượng khổ đau của kiếp người mà bà vừa giải thoát xong, vị Thánh Ubbiri làm một bài thơ, đoạn đầu là lời Đức Phật dạy, hai đoạn sau là thơ của bà Ubbiri:
“Bà khóc lóc ở trong rừng rằng: Ôi Jīvā con ơi! Này bà Ubbirī, hãy trấn tĩnh bản thân. Tất cả tám mươi bốn ngàn cô gái đã được thiêu đốt ở nơi hỏa táng này đều có tên Jīvā, bà buồn rầu cho cô nào trong số đó?”
Quả thật, Ngài đã rút ra mũi tên khó nhìn thấy đã được cắm vào trái tim, là việc khi tôi bị sầu muộn chế ngự, Ngài đã xua đi nỗi sầu muộn về người con gái cho tôi.
Hôm nay, tôi đây, có mũi tên đã được rút ra, không còn cơn đói, đã chứng Niết Bàn. Tôi đi đến nương nhờ đức Phật bậc Hiền Trí, Giáo Pháp, và Hội Chúng.’”
Trưởng lão ni Ubbirī đã nói những lời kệ như thế.
(Thig 51-53 — Bản Việt dịch của Bhikkhu Indacanda)
Một trường hợp đau đớn cũng đã xảy ra cho thiếu phụ giai cấp thượng lưu Patacara: bà chứng kiến cái chết của toàn bộ gia đình, chồng bà và hai đứa con nhỏ, ba mẹ và và anh/em bà trong nhiều sự kiện tai họa xảy tới dồn dập trong vài ngày. Nỗi đau khổ làm cho bà mất trí, lang thang. Gặp Đức Phật trong làng, được Đức Phật dạy về lý vô thường, bà Patacara tức khắc chứng quả Dự Lưu và được nhận vào Ni đoàn. Một thời gian sau, một hôm bà tưới nước rửa bàn chân và nhìn thấy dòng nước chảy xuống — tâm bà ngay lúc đó đột nhiên lìa chấp thủ, được hoàn toàn giải thoát. Thánh Ni Patacara để lại bài kệ như sau:
“Trong khi cày thửa ruộng với những cái cày, trong khi gieo những hạt giống ở đất, trong khi nuôi dưỡng các con và vợ, những người thanh niên tìm kiếm tài sản.
Được đầy đủ giới, là người thực hành lời dạy của bậc Đạo Sư, không biếng nhác, không loạn động, tại sao tôi không chứng đắc Niết Bàn?
Sau khi rửa hai bàn chân, tôi chú ý ở những chỗ nước (đã được đổ xuống), và tôi đã nhìn thấy nước rửa chân từ đất cao đi đến chỗ thấp.
Do đó, tôi đã khiến tâm được định, tựa như (người xa phu điều khiển) con ngựa hiền thiện thuần chủng. Sau đó, tôi đã cầm lấy cây đèn rồi đi vào trú xá.
Sau khi xem xét chỗ nằm, tôi đã ngồi xuống chiếc giường nhỏ. Sau đó, tôi cầm lấy cây kim khều cái tim đèn. Sự giải thoát của tâm đã xảy ra, tựa như sự lụi tàn của cây đèn.”
Trưởng lão ni Paṭācārā đã nói những lời kệ như thế.”
(Thig 112-116 — — Bản Việt dịch của Bhikkhu Indacanda)
Từ khổ đau tới giải thoát… cũng là trường hợp của thiếu phụ Kisa Gotami. Bà ẵm xác đứa con sơ sinh đi lang thang, hỏi xin thuốc cứu mạng con. Đức Phật nói rằng bà hãy đi xin vài hạt cải trong bất kỳ gia đình nào mà chưa từng có ai chết. Hạt cải là món ăn thường dùng trong bếp các gia đình Ấn Độ, thế nhưng tất cả các ngôi nhà trong ngôi làng mà bà tìm thuốc lại từng có người chết. Bà nhận ra sự thật: hễ có sanh là có diệt. Lúc đó bà chứng quả Dự lưu. Và đọc lên mấy dòng thơ:
Không có luật nào trong làng thế này, không cả luật thành phố
Không có luật nào trong gia tộc này, hay trong gia tộc kia
Cho toàn thể thế giới — và cho cả chư thiên cõi trời
Đây là luật: Tất cả đều vô thường.
Đặc biệt, một bản kinh Phật được nhiều quốc gia Phật Giáo Nam Tông trân trọng như Hộ Kinh để tự bảo vệ là Kinh Từ Bi (Metta Sutta). Bản dịch của Thầy Nhất Hạnh trích như sau:
“Nguyện cho mọi người và mọi loài đươc sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.
Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.
Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.
Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.”
Nghĩa là, dưới mắt Phật Giáo, chuyện đại dịch thực ra nhẹ nhàng. Đâu có bằng các nỗi thống khổ trong đời. Và từ khi nhận ra các sự thật về khổ, con đường giải thoát sẽ hiện ra với Bát Chánh Đạo.
Lời cuối bài, xin thành kính cầu nguyện cho dịch bệnh sớm tiêu trừ, và xin gửi lời chúc an lành tới tất cả độc giả.
Nguyên Giác (Ảnh: Internet)
(*) Bài được biên tập với sự đồng ý của tác giả