Ma phiền não cũng gọi là sự chướng. Người tu hành mà chẳng trừ được sự chướng thì rối rắm thánh đạo.
Thế nào là phiền ? Sao gọi là não ? Phiền là chạy theo ngoại cảnh, não ấy tự sanh trong tâm, những người tu Thiền, quyết phải dứt hẳn. Nếu chẳng dứt sớm thì tánh định khó hiện.
Như:
– Thấy sắc tâm sanh là tâm dâm phiền não.
– Thấy giết tâm sanh là tâm ác phiền não.
– Thấy của tâm sanh là tâm trộm phiền não.
– Thấy vật tâm sanh là tâm tham phiền não.
– Với người sanh mạn là ngã tướng phiền não.
– Đối kẻ thấp kiêu ngạo là phiền não tự đại.
– Gặp cảnh nghịch sanh sân là tâm khuể phiền não.
– Gặp cảnh thuận vui mừng là phiền não thích ý.
– Gặp oan gia sanh ghét là tâm hận phiền não.
– Cùng thân thích sanh yêu là tâm tư phiền não…
Nói tóm lại:
Với tất cả cái thấy bên ngoài mà trong tâm sanh THỦ XẢ đều phiền não khó nói cho cùng. Thế nên, những người tham thiền quyết phải dứt sự chướng. Sự chướng nếu chẳng không, chánh định bị não loạn. Người tu đời sau, đâu nên xem thường nó ư!
Chú:
Còn lầm ngoại cảnh nên còn phiền não. Bởi chưa thấy thật tánh giả cảnh rối rắm, lăng xăng, mờ ảo, tháo gỡ cách nào cho xong !
Người xưa nói: “Vật từ cửa đem vào, không phải là của báu trong nhà” Của báu trong nhà là gì ? Mọi người có sẳn, luôn luôn đầy đủ, tánh tự bản nhiên, vào phàm vào Thánh không đổi, không sanh không diệt, xưa nay bình đẳng, một Đạo sáng suốt. Như đã nói, bởi thật giả chưa phân nên bao nhiêu điều vụn vặt trước mắt “nắm Đông bắt Tây” luống sanh phiền bực.
Đáng thương ! Cũng bậc vương giả, gặp loạn trầm luân, uổng đời trôi giạt, vùi thân trong chổ bùn lầy, nát phận cùng loài man mọi. Mặt mũi thật xưa nay khó nhìn. Đường về quê cũ vẫn còn diệu vợi, chưa dễ một sớm một chiều mà biết được.
Khổ thay ! Khổ thay !
(Trích MƯỜI ĐIỀU BIỆN MA cho người tu thiền, trong quyển VẠN PHÁP QUI TÂM LỤC của Thiền sư Tổ Nguyên Siêu Minh, do Hoà thượng Thích Nhật Quang thuật nhân lúc nhập thất năm 1981 tại Thiền viện Thường Chiếu)