Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Phan Kế Bính, ông là ai (Phần 2: Bôi nhọ Phật giáo)

Phan Kế Bính, ông là ai (Phần 2: Bôi nhọ Phật giáo)

260
>>> Xem phần 1
 
Thực dân Pháp và cả một hệ thống bá đạo mới của họ tinh vi dồi dào cả về người lẫn phương tiện và uy quyền; đã coi Nho giáo như một bức tường kiên cố nhứt ở trước mắt, nên họ đã tấn công Nho giáo một cách quy mô với những chiến thuật tinh vi, linh động tùy theo từng địa phương, tùy theo từng giai đoạn. Bức tường thứ nhứt đó một khi triệt hạ được thì bức tường thứ hai là Phật giáo cũng sẽ “bất công tự phá”: Nghĩa là không cần đánh cũng vỡ!
 
Vì vậy, đối với Phật giáo hồi đó, họ đã khinh thị ra mặt. Nếu các nhà tu truyền bá đạo Tây đã trắng trợn gọi đức Thích Ca Mâu Ni là “một tên phù thuỷ da đen” thì Phan Kế Bính, trong “Việt Nam Phong Tục” đã không e dè đối với Phật Giáo bằng cách xuyên tạc trắng trợn từ sự tích về cuộc đời đức Phật cho đến cả “thể” và “dụng” của đạo Phật, với những luận điệu khinh miệt ngạo mạn mà không ai chấp nhận được, dù tin theo hay không tin theo đạo Phật. Để cho bạn đọc đựơc vô tư và khách quan trong sự phán đoán, tôi xin trích nguyên văn đoạn Phan Kế Bính nói về đạo Phật trong “Việt Nam Phong Tục” như sau:
 
PHẬT GIÁO (3)
 
“Phật giáo do ở đạo Bà la môn mà ra, nguyên trước Thiên Chúa giáng sinh, dân tộc Á lợi an tràn vào đất Ấn độ, ở rải rác một dọc sông Hằng Hà, dựng ra nhiều nước nhỏ. Dân xứ đó chia ra làm bốn bậc người: bậc thứ nhứt, gọi là Bà la môn, có bọn thầy tu làm chủ, coi riêng việc kế tự, bậc thứ nhì gọi là Lý đế lợi, các quý tộc làm chủ, coi về quyền chính trị, bậc thứ ba gọi là Phệ xá tức là hạng bình dân, bậc thứ tư gọi là Thủ đà chỉ làm nô lệ mà thôi.
 
“Đạo Bà la môn vẫn thông hành ở xứ đó. Đến sau đó ông Thích ca mầu ni, thấy bọn thầy tu đạo Bà la môn sinh lắm điều tệ, và lại thấy người ta ai cũng ở trong vòng luân hồi chịu những cảnh khổ nạn, như là sinh, lão, bệnh, tử là bốn cái kiếp khốn nạn, vì thế chán đời mà cầu một phép để giải thoát cái khổ não ấy, mới dựng ra một tôn giáo riêng gọi là Phật giáo. Môn đồ về sau, suy tôn ông ấy là Phật Tổ Như Lai.
 
“Nguyên ông ấy họ là Thích Ca, tên là Cổ Đàm (Gòtama), tự là Tất đạt đa, con vua nước Ca duy vệ (một nước nhỏ trong nước Ấn đô) tên là Tĩnh phạm Đồ đầu gia. Phật mẫu tên là Tĩnh Diệm. Sách Phật nói rằng: “Bà mẹ chiêm bao thấy người vàng đầu thai mà sinh ra Ngài”. Lại có sách nói rằng: “Bà mẹ chiêm bao thấy con voi trắng sáu ngà, biến thành hào quang soi vào bụng, rồi có mang mười tháng, đến lúc sinh thì sinh ra bằng sườn phía hữu, tự nhiên có cái hoa sen nẩy ra để đỡ Ngài lên, lại có hai rồng ở trên trời xuống phun nước để tắm cho Ngài, và có bách thần xuống trông nom săn sóc. Ngài màu da vàng, lông tóc dựng ngược. Sinh ra khỏi, Ngài bước đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà thét lên rằng: “Trên thì trời, dưới thì đất, duy có ta là quý hơn cả.” Lời ấy chắc cũng là môn đồ bày ra.
 
“Ngài sinh bấy giờ là ngày mùng tám tháng 4, nhưng không tường về năm nào. Một môn phái ở phía Bắc Ấn Độ, thì nói sinh về năm 1028 trước Thiên chúa vào khoảng đời vua Chiêu Vương nhà Chu, một môn phái ở phía Nam Ấn Độ thì cho vào chừng năm 624 trước Thiên chúa, nhưng các nhà bác học thái tây bây giờ thì cho vào chừng năm 558 hoặc 520; cùng một thời với đức Khổng Tử.
 
“Ông Thích Ca cũng đã lấy ba vợ, sinh được một con trai tên La Hầu La. Năm 29 tuổi (đây theo sách Ấn Độ, chớ Tàu thì nói năm mười chín tuổi) xảy thấy một người già yếu tàn tật vào ăn xin, mới suy nghĩ ra đời người toàn là cảnh khổ, lập tức đêm ấy bỏ nhà vào rừng đi tu. Trước hết vào tu ở núi Đàn đặc và núi Toàn Sơn, sau đến tu ở xứ Xá Vệ, ngày ngày mặc áo cà sa ngồi dưới gốc cây đề, tĩnh niệm nghĩ cách giải thoát. Được bảy năm, xẩy tỉnh ngộ được đạo huyền diệu, tự xưng là Bồ Đà (bouddha) nghĩa là trong tâm tính đã sáng suốt cả rồi, từ bấy giờ mới đi truyền đạo.
 
“Tục truyền ông ấy về sau ăn mỡ lợn, phát trướng mà mất ở nơi Câu thi. Lúc gần mất, ông ấy nói rằng: “Nay ta đã lên cõi Niết Bàn, nghĩa là lên đến chỗ cực lạc thế giới”.
 
“Ngài mất rồi, các học trò soạn nhặt các lời di ngôn, tập lại thành sách, cả thấy bốn mươi hai chương, chia làm ba quyển gọi là Kinh Tam Tạng. Tạng nghĩa là chứa, vì các lời Ngài chép ra chứa vào một chỗ cho nên gọi là tạng. Tam tạng:
 
1.      Kinh tạng, là những lời luân thường đạo lý;
 
2.      Luật tạng, là những lời giới cấm;
 
3.      Luận tạng, là những lời nghị luận.
 
“Mục đích đạo Phật, chỉ có hai chữ hư vô là kiêm hết. Có câu rằng: “Hết thảy không có cái gì, chỉ vì cái nhân duyên mà sinh ra. Nay dẫu tạm có, nhưng bản tính vẫn là không. Người đời càn dở giữ lấy cho làm của mình có, cho nên Đức Như Lai ra đời, lấy một chữ vô mà phá cái hoặc ấy”. Mấy câu ấy đủ rõ đạo Phật.
 
“Đạo Phật chia trong cơ thể, gọi là Lục Căn (sáu cái gốc) là: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tị (mũi), thiệt (lưỡi), thân (mình), ý (ý tưởng). Có ngoại vật động tới cơ thể gọi là Lục trần (sáu cái bụi) là: sắc (sắc đẹp), thanh (tiếng hay), hương (mùi thơm), vị (vị ngon), xúc (trạm tới mình), pháp (tưởng tượng).
 
“Lại có Ngũ giới (năm điều cấm) là: bất sát sinh (không được giết súc vật), bất đạo (không được trộm cắp), bất gian dâm (không được gian dâm), bất vọng ngôn (không được nói càn), bất ẩm tửu, thực nhục (không được uống rượu, ăn thịt).
 
Phép Phật lại có cách tọa thiền. Tọa thiền là người tu hành ngồi nhắm mắt ngoảnh mặt vào vách, tĩnh hết lòng trần dục, không nghĩ ngợi gì. Có bốn bậc:
 
1.      Sơ thiền, không lo lắng.
 
2.      Nhị thiền, không khổ não.
 
3.      Tam thiền, rất vui sướng.
 
4.      Tứ thiền, không phải chịu vòng luân hồi nữa.
 
“Luân hồi là kiếp trước làm những điều tội ác, thì chết xuống âm phủ phải chịu những tội khổ sở, rồi kiếp sau lại phải làm các giống súc vật, hoặc phải đầy đọa những cảnh khổ ải. Dưới âm phủ có một trăm ba mươi sáu động là những nơi ngục hình làm tội người ác. Những lời ấy là cách để khuyên cho người ta làm thiện mà chớ làm ác đấy thôi.
 
“Nói rút lại thì đạo Phật có hai chủ ý: một là sự khổ não, hai là giải thoát sự khổ não. Khổ não là bởi sự luân hồi, thoát khỏi vòng luân hồi thì khỏi khổ, vậy thì bỏ hết lòng dục trói buộc ở trần thế, thì ra được ngoài vòng luân hồi, rồi mới lên được cõi Niết Bàn nghĩa là lên cõi không không là nơi cực lạc thế giới.
 
“Trên này nói đại khái nguyên ủy đạo Phật, còn đạo Phật thịnh hành ở Ấn Độ và truyền bá sang Tàu, sang ta, thì trong Việt sử yếu của cụ Quận Hoàng nói đã tường, nay xin nhắc lại mà dịch như sau này:
 
“Sau khi ông Thích Ca mất, học trò là Ma kha ca diệp hội hết đồ đệ ở thành Vương sá cả thảy năm trăm người, đó là lần thứ nhất Phật giáo hội tụ. Cách một trăm năm nữa; Gia sá đa lại họp đệ tử ở Đôn sá lị, cả thảy bảy trăm người, đó là thứ hai Phật giáo hội tụ. Tuy vậy, trước sau trong ba trăm năm, Phật giáo lưu truyền, chỉ ở quanh một dải sông Hằng Hà. Đến đời vua Mao lị gia dựng nước ở giữa đất Ấn Độ, hết sức mà chủ trì Phật giáo, thì Phật giáo mới lan khắp cả xứ Ấn Độ. Trước Thiên chúa hai trăm ba mươi bốn năm (năm thứ năm mươi bốn đời Châu Noãn Vương), vua Kế ma đại hội ở Kinh đô, duy lấy Phật giáo làm tôn chủ, bắt ép người trong nước phải theo, và sai bọn thầy chùa làm giáo sĩ, đi ra ngoại quốc mà truyền đạo; từ đó Phật giáo mới lan cả ra thế giới vậy.
 
“Nước Tàu từ khi Ban Siêu (vào thời Hán Võ đế) đi xứ Tây vực giở về thì danh hiệu Phật ở phương Tây, mới thấu đến tai người Tàu. Năm Vĩnh Bình thứ tám đời vua Minh Đế nhà Hán (sau Thiên chúa sáu chục năm), vua sai người Thái Tịch sang Tây Trúc cầu Phật, Thái Tịch mang kinh Phật và hai thầy tăng là Nghiệp mã Đằng, Chúc pháp Lan về Lạc Dương, vua sai lập chùa Bạch Mã để thờ Phật. Về sau có bọn Chi đầu đà, Mã An Thế, Khang mạnh Tường mới dùng chữ Nho mà dịch kinh nhà Phật để dạy người Tàu, các người ấy toàn là người Ấn Độ đến ở Tàu.
 
“Năm Long An thứ ba đời vua An Đế nhà Tần (492) có người Pháp Hiển qua chơi Ấn Độ, đi du lịch hơn cả chục nước, rồi tự Tích Lan đảo vượt bể Nam Hải, mà về nước. Năm Đại Thông đời vua Vũ đế nhà Lương (532), ngươi Phổ Văn và ngươi Tuệ Sinh sang phía Bắc nước Ấn Độ, đem kinh Phật về nước. Năm Trinh Quân thứ ba đời vua nhà Đường, thầy chùa là Huyền Trang đi men Tây Tạng sang Ấn Độ mua được kinh Phật sáu trăm năm mươi bản. Năm Hàm Thanh thứ hai đời vua Cao Tôn nhà Đường (726) thầy chùa là Nghĩa Tính đi qua bể Nam Hải sang Ấn Độ, lấy được kinh Phật bốn trăm bản, ấy đều là người Tàu sang Ấn Độ.
 
“Đương khi nước ta nội thuộc, người Tàu tôn tín thì người nước ta cũng tôn tín, ấy gọi là chủ đi đường nào thì theo đi đường ấy. Xét khi nội thuộc nhà Lương, có người Lý Phật Tử, Lý là họ, Phật Tử là tên, chắc là tục cầu tự di truyền lại, mà thói mộ đạo Phật đã từ lâu chăng?
 
“Xét ở cựu sử chép năm Thái Bình thứ hai đời vua Tiên Hoàng nhà Đinh, vua mến đạo Phật dùng người Ngô chân Lưu làm Khuông Việt Thái sư. Đời vua Đại Hành nhà Lê, sứ Tàu đến nước ta, bao nhiêu tờ bồi vãng lại đều ở tay Khuông Việt. Sau vua lại sai sứ sang Tàu cầu kinh Tam Tạng, vậy thì Phật giáo truyền sang nước ta từ đó.
 
“Vua Lý Thái Tổ là một vị vua chúa mà học thầy chùa là Vạn Hạnh; người nước ta từ Từ đạo Hạnh, Không Lộ, Mãn Giác, Lư Ấn đều là bậc danh nho mà thâm thúy về Phật học. Từ nhà Đinh đến nhà Lý, dựng chùa tô tượng không lúc nào không có, vậy thì Phật giáo thịnh hành ở nước ta cũng đã từ lâu.
 
“Song đương lúc bấy giờ các bậc danh công như ông Phạm sư Mạnh, ông Lê Bá Quát cũng đã bài bác đi rồi. Đến đời vua Lê Thánh Tôn, lại cấm dân không đựơc lập chùa mới, vậy Khổng giáo một ngày một thịnh, thì Phật giáo mỗi ngày một suy, cũng là cái thềm bậc tiến hóa tự nhiên đó.
 
“Xét về đạo Phật lấy hư vô làm tôn chỉ, chủ ý rằng hết thảy chúng sinh nếu bỏ hết lòng ham muốn mà giũ sạch cái bụi đời bám vào mình, thì ngày sau mình được hưởng cái phúc hậu vô lượng. Cái mục đích ấy cũng cao, cái chủ ý ấy cũng lạ. Song hiềm vì đạo Phật bày ra lắm điều kỳ ảo, nào luân hồi, nào siêu thoát, nào họa phúc, nào nhân quả, nào toàn những mối dị đoan, làm cho lòng người mê tín, mà không ích cho sự thật cho nên đạo nho phải bác đi mà không cho là chính đạo.
 
“Tuy vậy, Phật giáo cũng là một món đạo giáo, người tầm thường vị tất đã hiểu thấu lý cao sâu của nhà Phật, thì cũng chớ nên bài bác khinh bỉ mà thành ra một người vô hạnh.
 
“Hiện bây giờ Phật giáo ở nước ta cũng đã suy. Tuy lưu truyền đã lâu, làng nào cũng có chùa thờ Phật, dân gian vẫn còn cúng bái sùng phụng, nhưng chẳng qua là bọn ngu phu, ngu phụ theo thói quen mà cúng vái chớ kỳ thật thì không mấy người mộ đạo.
 
Trừ ra mấy kẻ bực đời đi tu, còn phần nhiều là bọn ăn bơ làm biếng, trốn chúa lộn chồng, mượn cửa Bồ đề mà nương thân. Còn bọn hạ lưu xã hội, mê tín sự báo ứng, thì toàn là bọn ngu xuẩn, thấy nam mô thì cũng nam mô, thấy sám hối thì cũng sám hối, còn hiểu gì đạo Như Lai nữa.
 
Huống chi lại còn nhiều kẻ tính tình rất hung bạo mà cũng mượn cửa thiền làm nơi trú ẩn. Tiếng là đi tu, mình mặc cà sa đầu đội nón tu lư, tay lần tràng hạt, mặt giả dạng từ bi, mà bụng thì như rắn như rết; nào rượu ngon, nào gái đẹp, nào thịt chó hầm hoa sen, nào thịt lợn viên nhỏ làm thuốc đau bụng, nào quần áo xà ích.
 
Nam mà một bồ dao găm, hổ mang hổ lửa; sự ấy mới lại gớm ghê hơn nữa
 
Đọc kỹ đoạn văn trên đây chúng ta nêu ra mấy điểm cần ghi nhận như sau, qua sự giới thiệu của họ Phan:
 
1.      Ông Thích ca đã lấy 3 vợ sau chán đời vì thấy bốn kiếp khốn nạn (sinh, lão, bệnh, tử) mà đi tu lập ra đạo Phật.
 
2.      Câu “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn” đã được dịch là: “trên thì trời, dưới thì đất, duy có ta là quý hơn cả”. Chữ “ngã” ở đây ông Cử Phan cố ý xuyên tạc.
 
3.      Những từ ngữ “vô, hữu, sắc, không” là những danh từ cơ hữu dẫn đến những nguyên lý về bản thể luận và hiện tượng luận trong cơ sở triết học Phật giáo. Vậy mà họ Phan cả gan dịch vô là hư vô, rồi nói; “mục đích đạo Phật chỉ có hai chữ hư vô là kiêm hết” thì thật là liều lĩnh, trắng trợn đến thiếu liêm sĩ.
 
4.      Những lời giải thích của Phan Kế Bính về luân hồi, Thiền định, Niết Bàn cũng đại khái như thế.
 
5.      Trước Thiên Chúa 234 năm, vua Kế Ma đại hội ở kinh đô, duy lấy Phật giáo làm tôn chủ, bắt ép người trong nước phải theo, và sai “bọn thầy chùa” (!) làm giáo sĩ, đi ra ngoại quốc mà truyền đạo: từ đó Phật giáo mới lan ra cả thế giới. (Không biết dưới thời vua Kế Ma có lập ra những tòa án diệt tà giáo không? Thật suy bụng ta ra bụng người, là thế).
 
6.      Phật giáo truyền sang nước ta chỉ có từ thời Lê Đại Hành còn trong thời nội thuộc (sao lại nội thuộc mà không là ngoại thuộc?) “Người Tàu tôn tin thì người nước ta cũng tôn tin, ấy là chủ đi đường nào thì theo đi đường ấy.” (Câu này nên đem dùng để chỉ ngược lại những loại người như Phan Kế Bính; Hoàng Cao Khải hồi đầu thế kỷ này thì đúng hơn).
 
Không kể lối xưng hô miệt thị như tiếng ngươi để chỉ vua Lý Nam Đế, các vị danh tăng Trung Hoa và Việt Nam, cũng không kể đến những lời lẽ “vơ đũa cả nắm” để hủy báng, bôi nhọ toàn thể Tăng sĩ Việt Nam, chúng tôi chỉ nêu ra cái phần nội dung của hai chương chính trong Việt Nam Phong tục (2) trong đó tác giả đã tấn công bài xích, xuyên tạc, bôi nhọ Nho Giáo và Phật giáo, để mọi người nhận thức được tất cả mưu mô hiểm độc của đế quốc thực dân trong kế hoạch hủy diệt văn hóa truyền thống của nước ta trước và sau khi họ nắm quyền thống trị dân tộc ta bằng võ lực.
 
Những trò xuyên tạc, bôi nhọ dưới nhãn hiệu khảo cứu như loại Việt Nam Phong Tục không những hạ thấp tư cách và nhân phẩm tác giả của nó, mà còn là một vết nhơ không thể gột rửa được trên sắc diện của một tập đoàn những kẻ chủ trương sai sử lớp Ngụy Nho vào loại Phan Kế Bính.
 
Gần đây, có một số sinh viên hỏi tôi tại sao với nội dung như vậy, cuốn Việt Nam Phong Tục vẫn được được thạnh truyền trong một vài đại học ở miền Nam này, tôi chỉ cười mà không tiện giải thích vì sợ động thời văn.
 
Ở đây, tôi xin nói ra cho xong chuyện. Câu ngạn ngữ Trung Hoa “tam niên thọ mộc, bách niên thọ nhân”; cái mầm hủy diệt văn hóa do ngoại nhân đã gieo trồng từ trên nửa thế kỷ trước (V.N.P.T. được viết từ năm 1913, như đã nói) đến bây giờ đang đơm bông kết trái. Cho nên ở đây người ta vẫn kế tục chánh sách mà lớp chủ cũ của họ đã vạch sẵn. Nếu trong thời Tổng thống Diệm, chánh sách khoa trương cho Nho giáo đã được một họa sĩ châm biếm đương thời phóng bút bằng một hí họa vẽ ông Diệm treo lộn ngược bức hình Khổng Tử thì giờ đây Nho học cũng đang giải thích lại, được đề cao. Nhưng tựu trung nó vẫn chỉ được như tấm lụa sặc sỡ phủ lên một thần tượng khác.
 
Và Phật giáo đã và vẫn đang trở thành một bức thành trì cần phải đả phá, bôi nhọ, dưới mắt họ.
Saigon, chiều 14-07-1974
THÍCH MÃN GIÁC
(1) Tác phẩm nầy do Phong trào Văn hóa xuất bản tại Saigon năm 1970.
(2) Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, Phong Trào Văn Hóa, Saigon 1970, trang 209-210.
(3) Sách đã dẫn, trang 211-216
 
Tất cả những đoạn trích dẫn trong bài, chúng tôi căn cứ vào bản in của Phong trào Văn hóa. Những chữ, đoạn có đánh dấu * là chữ in nghiêng trong nguyên bản, ngoài ra là do chúng tôi cho in nghiêng.
 
Vì phạm vi hạn hẹp của một bài báo, chúng tôi rất tiếc chỉ có thể trích dẫn những đoạn trên. Thật ra, ở nhiều đoạn trong tác phẩm nầy, hễ có dịp là Phan Kế Bính lớn tiếng đả kích, miệt thị, khinh bỉ Phật giáo một cách trắng trợn, hời hợt và xuẩn động (như đoạn nói về Chùa Chiền) các trang 106-107-108-109-110-111, và Hội Chư Bà, 178-180v.v và v.v). Ấy thế mà khi xuất bản tập sách này, Linh Mục Thanh lãng, Giám đốc G.S. Phạm Việt Tuyền, Quản lý Phong trào Văn hóa Văn hóa xem nó là Bộ Quốc Sử (Contribution à l’histoire d’Annam)!! Chắc độc giả đã nhận ra cái dụng ý của nhà xuất bản.