Đây là bài đầu tiên trong chương trình sưu tầm các bài viết có giá trị trên các báo, tạp chí Phật giáo xuất bản đã lâu, đánh máy lại, giới thiệu đến quý tăng ni Phật tử thông qua phương tiện truyền thông hiện đại là internet, cụ thể là thông qua trang Phattuvietnam.net, với mục tiêu bảo tồn một cách tích cực các giá trị văn hóa Phật giáo.
Xin chân thành cảm ơn bạn đọc đã gửi tặng tạp chí Hải Triều Âm, số Vu Lan, Giáp Dần 1974, có bài viết được giới thiệu lại dưới đây.
Việc tiếp nhận bài viết xin đặt vào bối cảnh thời điểm bài viết được đăng tải lần đầu tiên.
Chúng tôi mong nhận được báo và tạp chí Phật giáo cũ mà bạn đọc cho mượn sao chụp lại hoặc biếu tặng, để tiếp tục chương trình đã nói ở trên, góp phần tích luỹ công đức.
Quý bạn đọc cho mượn hoặc tặng lại báo, tạp chí Phật giáo cũ, xin liên hệ: Nguyễn Thanh Phong, 153/1 Võ Văn Tần, P6, Q3, TPHCM, ĐT: (08) 39330445 – 0908283577.
Minh Thạnh
|
Có một câu nói rất hay, người ta thường cho là của Lão Tử – nói rằng: “Làm thầy thuốc mà lầm thì giết một người, làm thầy địa mà lầm thì giết một họ, làm chánh trị mà lầm thì hại một nước, làm văn hóa mà lầm di hại đến muôn đời.”
Tuy không rõ xuất xứ câu danh ngôn này, nhưng không ai trong chúng ta là không nhận thức được rằng các dân tộc Á Đông – đặc biệt là Trung Hoa – từ ngàn xưa vẫn đặt văn hóa lên hàng đầu trong mọi chánh sách cai trị và giáo dục. Thành ngữ Trung Hoa có câu “tam niên thọ mộc, bách niên thọ nhân”, cũng là trong ý nghĩa đó.
Nước Việt Nam ta đã có một nền văn hóa cá biệt từ thời đại tân thạch khi bước sang thời đại đồng khí, nghĩa là cách đây trên bốn ngàn năm: sự thực này đã được những xác chứng về hai môn khảo cổ học và nhân chủng học công nhận. Nhưng hai yếu tố chánh yếu bồi dưỡng cho nguồn văn hóa Văn Lang về sau này là Phật giáo Ấn Độ và Nho giáo Trung Hoa. Hai luồng tư tưởng này giao lưu, dung hợp để thấm nhuần vào tâm linh dân tộc ta đã hai ngàn năm, ăn sâu vào mỗi “niệm” để trở thành tiềm thức trong nếp sống tinh thần và thể hiện thành phong tục, tập quán trong sanh hoạt xã hội.
Cuối thế kỷ thứ 18 các nước Âu Châu, nhắm mục đích chinh phục các quốc gia Á Phi làm thuộc địa, đã dùng tín ngưỡng của họ để tung ra một trận tấn công thăm dò, mở đường cho những cuộc xâm lăng bằng võ lực vào thế kỷ 19. Dưới danh nghĩa một cuộc nội chiến, cuộc võ trang nổi loạn của đảng Thái Bình Thiên Quốc chống Thanh triều kéo dài trong 15 năm ở Trung Hoa dưới thời vua Hàm Phong, trong bản chất, chỉ là một trận tấn công gián tiếp của các nước Tây phương vào thành trì văn hóa cổ truyền của Trung Hoa: họ đã mượn chính xương máu của người Trung Hoa, để huỷ diệt văn hóa Trung Hoa. Nhưng trận đánh dò đường này đã thất bại vì nhóm Hồng Tú Toàn lãnh đạo cuộc nổi loạn đã quá trắng trợn trong việc dùng sắt máu để áp đặt một nước Thiên Chúa trên 400 triệu dân của một nước quá rộng lớn, đã từng là trung tâm phát huy của cả nền văn hóa Đông phương.
Nếu đem so sánh với chánh sách tận diệt Nho giáo và Phật giáo của Thái Bình Thiên Quốc trong lý thuyết cũng như trong hành động, thì việc làm của Mao Trạch Đông hơn 120 năm sau chưa thấm vào đâu, vì ngày nay họ Mao chỉ mới hạ bệ… có một ông Khổng Tử!
Nhưng nước Việt chúng ta ở vào một hoàn cảnh bi thảm hơn Trung Hoa nhiều. Vì nước ta nhỏ, dân ta ít. Và thê thảm hơn hết là tình trạng nội bộ của nước ta thời đó.
Do sự viện trợ của người Pháp – hay nói đúng hơn là của một số nhà truyền giáo Pháp – chúa Nguyễn Phúc Ánh đã lên được ngôi vua sau khi đánh bại được quân đội của triều đình Tây Sơn chánh thống. Cũng từ đó Việt Nam đã trở thành một khu vườn bỏ ngỏ cho những thế lực tiềm phục của đế quốc thực dân bám sâu và lan mạnh.
Vua Gia Long nhắm mắt lìa trần chưa được bao năm thì người kế vị đã trông thấy cái nguy cơ mất nước hiện ra trước mắt, dù có phản ứng bằng cách nào chăng nữa, cũng vô ích. Do đó, mặc dầu những nỗ lực vùng vẫy để vượt thoát trong bốn mươi năm, trải ba triều vua kế tiếp sau Gia Long đến năm 1861, hành động dùng võ lực để kết thúc chương trình xâm lăng cũng đã được đế quốc Pháp phát động ở trong Nam và 13 năm sau ở miền Bắc bằng cuộc đánh chiếm Hà Nội.
Cuộc chinh phục toàn thể nước Việt Nam bằng võ lực đã xong; nhưng “lấy thì dễ, giữ được mới khó”! Hơn ai hết, Pháp và bè lũ tay sai thừa biết rằng họ còn vấp phải một thành trì vô hình nhưng khá kiên cố là “thành trì văn hoá”.
Trở lại những trang sử cũ chúng ta hãy thử xét xem những thế lực xâm lăng thống trị đã làm những gì để hủy diệt văn hoá truyền thống của dân tộc Việt?
Về điểm này, chánh sách của Pháp ở miền Nam khác chánh sách ở miền Bắc. Miền Nam là nơi mà các cơ sở “địa hạ quân” của Pháp đã được ngấm ngầm xây dựng và củng cố từ lâu, nên ngay sau khi nắm quyền thống trị, họ đã thẳng tay dùng một chánh sách trắng trợn và trực tiếp hơn là ở miền Bắc và miền Trung là những trung tâm phân tích văn hóa truyền thống.
Ta hãy nghe ông Việt Cúc, một học giả miền Nam trong cuốn “Gò Công cảnh cũ người xưa” đề cập chánh sách này như sau: Năm 1870 Pháp ra lịnh bắt các ông đồ phải học thêm chữ quốc ngữ và chữ Tây vài tháng, đến khi đọc thông viết thạo thì cấp giấy phép cho về làng dạy học. Những thanh niên trên dưới 20 tuổi phải tạm nghỉ học chữ Nho để đi học hai thứ chữ đó (chữ quốc ngữ và Pháp) trong một vài năm, nếu biết khá sẽ được cấp giấy giáo viên về dạy ở làng. Lúc đầu có lệnh bắt đi học chữ Tây, người nhỏ tuổi trốn không chịu đi, Pháp cho người đến tận các trường dạy chữ Nho để biên tên họ, quê quán vào sổ, rồi theo sổ mà đòi đi. Các nhà có con cháu bị ghi tên, bắt đi học chữ Tây và chữ quốc ngữ đều bối rối lo sợ, vì vậy phần đông đều bỏ tiền ra mướn tôi tớ hoặc con cái những nhà bần cùng đi học thế, bằng lòng chịu mọi phí khoản ăn học trong mấy năm; nhờ vậy nên dịp này nhiều con nhà hạ lưu học hành đỗ đạt ra làm quan với Pháp.
Để thay thế các trường Nho học, Pháp cho lập các trường Trung, Tiểu học và phổ thông, mục đích nhằm đào tạo các thông ngôn, ký lục, đốc phủ, tri huyện để giúp Pháp cai trị. Một lớp người mới gặp thời nô nức đua nhau học chữ Pháp, xuất dương du học để mau có địa vị…”
Trong bài, “Khái quát về tính cách đặc thù của văn học miền Nam” đăng trong Văn hóa Nguyệt San (quyển 12 tháng 12 năm 1964) thi sĩ Đông Hồ đã tả tình trạng suy sụp của văn hóa thời ấy như sau:
“Từ khi miền Nam bị ngoại thuộc, văn học miền Nam xa dần Trung ương, thi cử bị bãi bỏ, chữ Hán không được dạy, không được học. Trong khi đó thì văn hóa Tây phương truyền sang, xâm nhập vào nội địa, lấn át, pha trộn vào văn hóa, văn học cũ, vốn hãy còn lỏng lẻo chưa đủ sức duy trì.
Về đầu thế kỷ 20, văn học miền Nam có thể nói là ở trong thời kỳ khủng hoảng. Về phương diện chánh trị đã trở thành thuộc địa Pháp, bị ly khai với trung ương, nhân dân mất hết quyền tự chủ, trật tự xã hội rối loạn. Đẳng cấp Nho sĩ vốn là đẳng cấp trí thức, từ trước được tôn qúy, bây giờ đã mất hết thế lực, mất hết giá trị, đành âm thầm lui vào vòng tiêu cực để phản đối như những Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị…
Thay vào đó một đẳng cấp mới. Đẳng cấp này là hạng hạ lưu trước kia bị bạc đãi, bị thiếu kém. Thừa lúc đẳng cấp Nho sĩ mất hết thế lực, họ hợp tác với ngoại nhân để giành quyền lợi mới. Họ bỏ hẳn chữ Hán, theo học ngôn ngữ Pháp là thứ ngôn ngữ cai trị. Các trường học phổ thông của Pháp chỉ đào tạo được hạng người thông ngôn, thư ký, trông nom việc giấy tờ sổ sách, làm trung gian giữa chánh quyền và nhân dân trong việc hành chánh, cai trị và đán áp…”.
Trong Nam thì như vậy, còn ở miền Bắc và miền Trung, thủ đoạn của Pháp và tay sai cần tế nhị và kín đáo hơn: trên danh nghĩa họ lấy cớ rằng hai miền này chỉ là đất bảo hộ của Pháp, nên vẫn còn nằm dưới quyền triều đình Huế, nhưng trong thực tế họ e dè chỉ vì tiềm lực đề kháng của hai trung tâm phát tích dân tộc này, về mặt chánh trị cũng như văn hóa không thể bẻ gãy trong một sớm, một chiều được.
Nhưng dù mau hay chậm, dù trắng trợn hay tế nhị, chánh sách văn hóa của thực dân Pháp, ở Nam cũng như ở Trung và Bắc vẫn là nhằm hủy diệt hai nguồn tư tưởng chính đã bồi dưỡng cho nền văn hóa Việt Nam là Nho giáo và Phật giáo.
Đối với Nho giáo, những biện pháp hủy diệt gồm có:
1. Cắt đứt mọi phương tiện truyền bá của Nho học bằng cách ngăn chặn tức khắc hoặc tuần tự việc dạy và học chữ Nho: ở miền Nam là nơi họ họ đã có sẵn một số cán bộ tay sai nằm trong hoặc ngoài chánh quyền và là nơi tương đối họ đã nắm vững kinh tế, chánh quyền thực dân thẳng tay cấm đoán việc giảng dạy chữ Nho, áp bức, bắt buộc việc học chữ quốc ngữ và chữ Pháp, đúng như những điều nhận xét của hai ông Việt Cúc và Đông Hồ đã viện dẫn ở trên. Còn ở hai miền Trung Bắc, họ gián tiếp hạn chế hoặc ngăn chặn bằng đường lối luật pháp, tỷ dụ lệnh cấm tập họp quá ba người nếu không có phép của chánh quyền, chính là nhắm vào mục đích ngăn cản các lớp học chữ Nho.
2. Tấn công thẳng vào những nguyên lý căn bản của Nho giáo bằng cách phá hủy tôn pháp Nho giáo trong gia tộc chế truyền thống: những người rao giảng đạo mới (đạo Tây) cấm đoán và phỉ báng việc thờ cúng tổ tiên, trong khi pháp lệnh bắt buộc những cuộc tập họp đông người từ-đường (nhà thờ họ) để cúng tổ tiên phải có giấy phép của chánh quyền.
3. Nuôi dưỡng, ưu đãi một số trí thức, khoa bảng khoác bộ áo Nho gia để đả kích Nho gia, bằng cách nâng lên thật cao, rồi đập xuống cho thật mạnh.
Còn đối với Phật Giáo, tuy người Pháp không trực tiếp hủy diệt hay cấm đoán, nhưng bằng mọi đường lối, họ đã xuyên tạc và phỉ báng từ đức Bổn sư Thích Ca cho đến hằng tăng sĩ, từ căn bản triết lí cho đến sự hành đạo tụ tập.
Ngày nay, chúng ta hãy cứ đem những gì mà các nhà truyền giáo đạo Tây – tỷ như cuốn “Phép Giảng 8 ngày” của Alexandre de Rhodes – và những tay sai của Pháp thời đó theo nhãn hiệu “học giả, khảo cứu” đã viết về đạo Phật thì đủ rõ tất cả những thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt của chúng trong việc triệt hạ Nho giáo và Phật giáo như thế nào.
Trong số những phần tử được mệnh danh là Nho gia, là khoa bảng cam phận làm tay sai cho Pháp vào buổi giao thời đó để công phá thành trì dân tộc, chúng ta phải kể đến Phan Kế Bính.
PHAN KẾ BÍNH LÀ AI?
Phan Kế Bính sanh năm 1875, mất năm 1921, quê quán ở làng Thụy Phương sau đổi là Thụy Khuê, thuộc huyện Hoàn Long, một làng ở ngoại ô phía Bắc thành Hà Nội, gần làng Yên Thái (tục gọi là làng Bưởi, chuyên nghề làm giấy).
Vì theo Thiên Chúa Giáo nên sau khi chánh quyền Pháp được đặt xong ở Bắc Hà, Phan Kế Bính đã thông thạo chữ quốc ngữ và chữ Pháp, ngoài cái học Hán văn mà ông đã theo đuổi từ nhỏ trước khi Tây làm chủ.
Năm 1906 ông thi đỗ Cử Nhơn dưới thời Thành Thái. Chúng ta nên nhớ là vào năm 1906 Pháp vừa bắt xong chiếc cầu Long Biên (thời xưa gọi là cầu Doumer, tên của viên toàn quyền hồi đó) ngang qua sông Hồng. Trong buổi lễ khánh thành chiếc cầu tiêu biểu cho nền văn minh khoa học của Pháp giữa nơi “ngàn năm văn vật” này, toàn quyền Paul Doumer đã cố mời cho được vua Thành Thái ra dự lễ để khoe trương uy thế và sức mạnh của Pháp.
Uy thế của kẻ chinh phục đắc thắng, thực sự đã lan tràn trong mọi lãnh vực: cả đến việc tổ chức bộ máy chánh quyền, việc bổ dụng quan lại họ còn nắm chặt thì cái việc thao túng các khoa thi hương, do Nam triều mang danh nghĩa tổ chức không phải là khó. Và việc đẩy một số cán bộ tay sai của họ qua ngưỡng cửa khoa cử, để tiến xa hơn trên con đường thống trị văn hóa và hành chánh phải đuợc coi là một việc làm tất nhiên của thực dân Pháp.
Trong số cán bộ tay sai được Pháp đào tạo vào buổi ấy, chúng ta có thể phân ra hai loại: một là loại cán bộ hành chánh, sau khi được Pháp tô vẽ cho thành ông Nghè, ông Cử, rồi được bổ đi làm tri huyện, tri phủ để trở thành tuần phủ, tổng đốc rất chóng, còn một nửa là loại cán bộ văn hóa sau khi khoác nhãn hiệu Nho giáo khoa bảng rồi, được Pháp dọn đường cho đóng vai trò văn gia, học giả để làm công tác biên tập trong báo giới hoặc trước tác trong văn giới.
Phan Kế Bính là một cán bộ cốt cán của Pháp trong loại thứ hai này.
Ngay sau khi trở thành Ông Cử năm 31 tuổi, Phan Kế Bính được tung vào làng báo, gia nhập ban biên tập của các tờ Đăng Cổ Tùng Báo, Đông Dương Tạp chí, Trung Bắc Tân Văn và tờ Học Báo. Đây đều là những nhựt báo và tạp chí hoặc do Pháp trực tiếp điều khiển, hoặc do Pháp ngấm ngầm bảo trợ.
Trong khoảng 15 năm làm báo, phục vụ cho văn hóa mới của thực dân Pháp, Phan Kế Bính đã biên soạn được hai tập dã sử “Nam hải dị nhân liệt truyện” và “Hưng đạo Đại vương truyện” cả hai đều nặng phần giả tưởng, nhẹ phần thực sử: có tánh chất tiểu thuyết hơn là sưu khảo, nhằm tác dụng biến những sự thực lịch sử thành hoang đuờng bằng cách khoác thêm các nhân vật và tình tiết một hình thức thần kỳ hơn cả truyền thuyết. Tuy nhiên, đáng coi là quan trọng hơn cả trong sự nghiệp viết lách của Phan Kế Bính phải kể đến Việt Hán Văn Khảo (xuất bản năm 1918) và Việt Nam Phong tục (đăng trên Đông Dương Tạp chí từ số 24 đến số 49 trong các năm 1913 – 1914) (1).
Gác ra ngoài cuốn “Việt Hán Văn khảo” là cuốn sách bình giải văn chương thi ca, ở đây tôi chỉ xin nói đến cuốn “Việt Nam phong tục” có thể được coi như một tác phẩm điển hình nhứt cho thủ đoạn triệt hạ Nho Phật của thực dân và tay sai trong hồi đầu thế kỷ.
VIỆT NAM PHONG TỤC: XUYÊN TẠC VÀ NHÔI NHỌ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
Về nội dung, ngoài những phần mô tả phong tục, tập quán như hội hè, đình đám, miếu cô hồn, am chúng sinh v.v. phần quan trọng của cuốn sách nầy giành để giới thiệu Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo là ba ý hệ chính bồi dưỡng cho nguồn văn hóa truyền thống Việt Nam. Sau đây xin trích dẫn nguyên văn một đoạn nói về đạo Nho:
“Đạo nho là một đạo bình thường giản dị, thuận lẽ tự nhiên của tạo hóa, và hợp với tính tình đương nhiên của con người ta, ai cũng có thể noi theo được. Người mà có Nho học, thì nên một người có nết na, có phép tắc, có lòng nhân ái. Nước mà dùng Nho đạo, thì nên một nước có kỷ cương, có thể thống, dễ cho việc cai trị, mà nhân dân cũng được hưởng hạnh phúc hòa bình.
“Duy có một điều chiết lý thì nhiều điều viễn vông, mà khiến cho người ta khó hiểu, thủ lễ thì lắm sự câu thúc, mà khiến cho người ta khó theo. Tính tình thì chuộng một cách êm ái hòa nhã, khiến cho dân khí nhu nhược, không được hùng dũng hoạt động như tính người Âu châu, nhu dụng thì chuộng một cách tiết kiệm tầm thường khiến cho kỹ nghệ thô sơ, không được tinh xảo phát đạt như các nước Thái Tây. Nói rút lại thì đạo Nho là một đạo tự trị thì rất hay, mà đem đối với đời cạnh tranh thì không mạnh. Còn như các thói hủ bại, phần nhiều là bởi tự người làm nên tệ, chớ không đổ cho tại Nho giáo.
“Tuy vậy, nước ta cũng nhờ có nho học, mới theo được các cách văn minh của Tàu, mà nên có một nước văn chương, có chính trị, có luân thường, có học thức.
Nếu trước khi chưa có Âu học, mà lại không có nho học, thì nước ta chẳng qua là một nơi mọi rợ mà thôi. Vậy thì công Nho giáo truyền sang nước ta rất to, dẫu khi nào nhờ được Âu học mà nên một nước thịnh vượng hơn trước, ta cũng không nên quên cái công ấy. Vì cái công ấy đã mở mắt trước cho ta, ví như đứa trẻ thơ, trước nhờ một ông thầy dạy bảo cho mở một đôi chút trí khôn, về sau dẫu có nhờ được ông thầy khác, họ được thêm khôn thêm khéo, thì cũng không quên hẳn công ông thầy trước.
“Vả cứ theo đạo Nho mà dùng cho khéo, bỏ những điều câu thúc hủ bại, mà đem cách trí, tư tưởng mới để bổ vào những nơi khuyết điểm thì cũng nên một nước phú cường thịnh vượng, mà có lẽ lại hay hơn nữa.
“Tôi thấy gần đây các ông cựu nho, thở vắn than dài riêng với nhau rằng đạo Nho ta suy đồi, sắp đến ngày tuyệt diệt.
“Tôi thiết tưởng vật gì lâu ngày cũng bị mục nát mà đạo nào có lúc thịnh cũng có lúc suy. Huống chi một thời biến đổi, là một cơ hội của tạo hóa xoay vần cái nền cũ có đổ nát, thì mới gây nên được cái nền mới. Vậy thì hội này chính là dịp tấn hóa của nước ta đó.” (2)
Ở đây tôi không muốn đưa ra những chứng minh trong lý thuyết cũng như trong sự thực lịch sử để phản bác những luận điệu của ông Cử nhân Hán học “Pháp quốc chế”. Muốn thế phải viết cả một cuốn sách. Vả lại, trong nhiều năm gần đây, với khuynh hướng tiến bộ, đã có nhiều học giả Thiên Chúa giáo đổ xô vào đề cao Nho giáo, và một số tu sĩ Thiên Chúa Giáo đã tỏ ra biện luận có tài hơn cả Thầy Mạnh trong lãnh vực này.
Nhưng, không cần phải đi sâu vào Tứ Tư, Ngũ Kinh, người Việt Nam nào có kiến thức trung bình mà không mất gốc cũng phải hiểu rằng triết lý Nho giáo là một triết lý thực tiễn, trong hành động: một nho gia đích thực luôn luôn phải có tinh thần trách nhiệm, tự giác, phải tạo sức mạnh cho bản thân và cho xã hội theo nguyên lý “thiên hành kiện, quân tử tự cường bất tức” trong kinh Dịch.
Nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách của các lớp sĩ phu từ ngàn xưa vẫn là làm sao cho quốc phú dân cường dù cho có phải, “lo trứơc cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” họ cũng cam lòng. Bên Trung Hoa, thời Xuân Thu thì có Quản Trọng, Nhạc Nghị, Thường Quân, thời Chiến quốc thì như Tuân Khanh, Hàn Phi, đời Hán thì như Đổng Trọng Thư, đời đường thì như Đỗ Phủ, đời Tống thì như Phạm Trọng Yêm, Vương An Thạch, Tư Mã Quang, đời Minh thì như Vương Dương Minh, đời Thanh thì như Tăng Quốc Phiên, Tả Tôn Đường v.v… kể sao cho xiết?
Còn ở nước ta những đấng tiền nhân đã từng tạo cho dân tộc một sức mạnh kiên cường vô địch như Hưng Đạo Vương, Trần Quang Khải thời Trần, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn đời Lê, Ngô Thời Nhiệm thời Tây Sơn há chẳng đáng là những nhân vật tiêu biểu cho tinh thần Nho giáo đó sao? Hay cũng chỉ là những nhà Nho “tính tình thì chuộng một cách êm ái hòa nhả khiến cho dân khí nhu nhược” như lời xét đoán hàm hồ của tác giả “Việt Nam Phong Tục”, một đạo Nho giả hiệu do thực dân Pháp nặn thành.
Không nói đâu xa, hãy kể những người đồng thời với Phan Kế Bính như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… cũng đã dấn vào các phong trào cách mạng như Đông Kinh Nghĩa Thục, hoặc Duy Tân. Trong khi đó, Phan Kế Bính, ông làm gì? Ngoài việc thụ hưởng sự ưu đãi của Pháp, ngồi viết ra thứ văn xuyên tạc để triệt hạ Nho giáo và Phật giáo.
Xét cho cùng, mặc dầu ông ta rào đón bằng một câu: “Còn như các thói hủ bại, phần nhiều là bởi tự người làm nên tệ, chớ không nên đổ cho tại Nho giáo” chúng ta vẫn phải kết luận rằng: “Từ đầu thế kỷ 19 dân tộc ta sở dĩ nhu nhược, suy yếu là vì nhà Nguyễn đã mở đường cho ngoại nhân, gây nhân nội ứng và đến cuối thế kỷ 19 nước ta sở dĩ mất vào tay thực dân Pháp không phải là vì các Nho gia Phan Đình Phùng, Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hiệu, Phan Bội Châu, Bùi Hữu Nghĩa! Mà chính vì những kẻ ngụy Nho như Phan Kế Bính, Hoàng Cao Khải…”
Như đã nhận thấy ở trên, ngay khi vào thống trị miền Nam, Pháp đã thẳng tay đàn áp, cấm đoán Nho học để tạo ra những cán bộ có nhãn hiệu khoa bảng hẳn hoi, dùng ngay những Nho sĩ ngụy tạo đó để tấn công, hủy diệt Nho giáo. Đúng như câu thành ngữ của Trung Hoa “dĩ kỳ nhân chi đạo hoán trị kỳ nhân chi thân”. Tức là lấy ngay cái đạo của người ấy mà trị chính người ấy. Có nghĩa là “dùng gậy ông đập lưng ông” vậy.
Đối tượng chiến lược của Pháp trong cuộc tấn công văn hoá là Nho Giáo và Phật Giáo, nhưng đối với họ, việc hạ bệ và đả phá Nho giáo được coi là một nhiệm vụ trước mắt, khó khăn và phức tạp hơn. Vì Nho Giáo đã chi phối khá chặt chẽ và sâu xa giữa mọi tầng lớp dân tộc “bản xứ” về mặt chánh trị và xã hội. Trực tiếp đập, mà đập không khéo dĩ nhiên sẽ gặp phản ứng mạnh và rộng. Như vậy, cái nhiệm vụ của loại cán bộ văn hóa của Pháp như Phan Kế Bính kể ra cũng khá lắt léo và tế nhị: đã đậu cử nhân để đeo vào cái nhãn hiệu Nho gia chẳng lẽ Phan Kế Bính lại có thể nhứt đán đả kích Nho giáo với những luận điệu gay gắt; cạn tàu ráo máng? Nhưng dù cho có làm thế thì, trong thời đó, ông Cử họ Phan ở xã Thụy Khê cũng sẽ chỉ hứng lấy sự khinh rẻ của mọi người, nhứt là giới sĩ phu. Ngoài ra, ông ta làm thế nào để có thể tấn công thẳng vào nguyên lý của Nho giáo.
Do đó, ông đã tỏ ra rất khôn khéo bằng cách nâng lên trước khi đập: ông tránh đả động đến cái “thể” của Nho giáo, mà chỉ nhằm đả kích cái “dụng” của nó, một cái “dụng” sai lầm do các thế hệ hủ Nho gây ra. Dầu vậy, những luận điệu mà họ Phan đưa ra, xét kỹ, thật không thuận lý chút nào.
Đoạn trên, ông khen “Đạo nho là một đạo bình thường giản dị, thuận lẽ tự nhiên của tạo hóa, và hợp với tính tình đương nhiên của con người ta, ai cũng có thể noi theo được. Người mà có Nho học, thì nên một người có nết na, có phép tắc, có lòng nhân ái. Nước mà dùng Nho đạo, thì nên một nước có kỷ cương, có thể thống, dễ cho việc cai trị, mà nhân dân cũng được hưởng hạnh phúc hòa bình”.
Nhưng liền sau đó, ông lại chê rằng “đạo Nho triết lý nhiều điều viễn vông, mà khiến cho người ta khó hiểu; thủ lễ thì lắm sự câu thúc, mà khiến cho người ta khó theo. Tính tình thì chuộng một cách êm ái hòa nhã, khiến cho dân khí nhu nhược, không được hùng dũng hoạt động như tính người Âu châu, nhu dụng thì chuộng một cách tiết kiệm tầm thường khiến cho kỹ nghệ thô sơ, không được tinh xảo phát đạt như các nước Thái Tây”.
Như thế nghĩa là thế nào? Trên thì khen là “Đạo nho là một đạo bình thường giản dị, thuận lẽ tự nhiên của tạo hóa, và hợp với tính tình đương nhiên của con người ta, ai cũng có thể noi theo được” mà liền đó lại chê triết lý của nó viễn vông khiến cho người ta khó hiểu; thủ lễ thì lắm sự câu thúc, mà khiến cho người ta khó theo? Đây đúng là một thí dụ điển hình về lời dạy của đức Khổng Tử: “danh không chánh thì ngôn không thuận” vậy.
Lấy trong ý tứ mà suy thì Phan Kế Bính chỉ muốn nói ra rằng cái đạo Nho mà dân tộc Việt Nam đã được thấm nhuần hàng ngàn năm kia nó chỉ tốt trong quá khứ. Nhưng bây giờ gặp cái đạo mới, cái văn hoá mới của Tây, cái đạo Nho đó trở thành xấu, thành viển vông không đáng theo. Trong khi đó cho mọi người thấy Âu Tây giỏi về đường cạnh tranh và về kỹ thuật tinh xảo.
Tóm tắt chỉ có thế. Nhưng, lý lẽ của ông Phan nông cạn mà luận điệu thì quanh co, mâu thuẫn cho nên khó thuyết phục nổi các bậc trí thức thời đó. Vì họ hiểu đạo Nho khác ông Cử Bính: họ hiểu đạo Nho là một đạo dạy người ta “hòa nhi bất đồng, quân nhi bất đảng, tranh nhi bất đố” cái sức mạnh của đạo Nho là cái sức mạnh chứa trong bản ngã và thi thố để giúp ích cho nhân quần; chứ không phải là sức mạnh cạnh tranh “thị cường lăng nhược” chuyên khuất phục, áp bức người khác bằng võ lực.
Xem tiếp phần 2: