Trang chủ Người thời nay Thụy Lam – Lam Tùng: Danh sư xuất cao đồ

Thụy Lam – Lam Tùng: Danh sư xuất cao đồ

453

Cuộc đời nhiều thăng trầm của ông đến với nghề điêu khắc để rồi trở thành nghệ nhân chuyên đắp các tượng Phật cao hàng chục mét. Những công trình của ông đã góp phần tôn tạo cho nền văn hóa Phật giáo Việt Nam thêm rạng rỡ theo đà phát triển của đất nước.

Trong quá trình tác nghiệp, ông đã thu nhận và truyền nghề cho nhiều đệ tử. Nhiều môn đồ của ông đã thành danh và tách riêng tiếp tục nghiệp của thầy, một trong những học trò thiện nghệ của nghệ nhân Thụy Lam phải nói đến là Lam Tùng.

Lam Tùng tên thật là Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1970 tại xã Ninh An, Huyện Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa.

Tôi biết anh từ những ngày chúng tôi cùng mài đũng quần trên ghế nhà trường phổ thông. Năm 1989, tốt nghiệp PTTH cả 36 học sinh nghèo chúng tôi tản mác mỗi đứa 1 nơi: đứa có điều kiện thì vào đại học, đứa thì đi phụ hồ, bán vé số, may mặc gia công, đứa trở thành tu sĩ …

Thanh Tùng cũng theo dòng trôi cuộc đời vào Sài Gòn. Từ đó, chúng tôi ít có thông tin về nhau.

Hơn 20 năm sau, chúng tôi có dịp gặp lại, bây giờ anh đã là một nghệ nhân điêu khắc thành danh với những công trình trị giá hàng trăm triệu đồng.

Tâm sự với tôi, anh cho biết trở thành nghệ nhân điêu khắc  âu cũng là cơ duyên… Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo, đông anh em. Như bao bạn bè đồng lứa, sau khi tốt nghiệp THPT, anh phải ra đời và tự thân bươn chải với cuộc sống khó khăn lúc bấy giờ.

Ban đầu, anh theo học nghề mộc, với khả năng nghệ thuật bẩm sinh cùng với tinh thần lao động nghiêm túc, chỉ một năm sau anh đã thành nghề. Năm 1992, Lam Tùng bái nghệ nhân Lý Dũng làm thầy và theo học nghề điêu khắc đá.

Năm 1993, anh theo học tại trường CĐ VHNT thành phố Hồ Chí Minh. Cũng trong thời gian này, anh may mắn được gặp nghệ nhân danh tiếng Thụy Lam và trở thành môn đồ của ông.

Gần 15 năm trời, Lam Tùng theo sư phụ Thụy Lam lang bạt khắp các miền đất nước, thực hiện các công trình tượng phật khổng lồ mà hiện nay đã trở thành danh lam, khu du lịch nổi tiếng cho khách viếng thăm chiêm bái như: Tượng Phật Di Lặc (núi Cấm – An Giang) cao 33,6m, nặng 800 tấn, tượng Phật Thích Ca Niêm hoa vi tiếu cao 24m (thiền viện Vạn Hạnh – TP Đà Lạt), tượng Phật A Di Đà cao 22m và tượng Phật Di Lặc cao 21m (chùa Vĩnh Tràng – Tiền Giang), tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao 70m ( Bãi Bụt – Sơn Trà – Đà Nẵng), Tượng Phật ở tịnh thất Phật Quang (Bình Minh – Vĩnh Long), tượng Di Lặc chùa Vạn Phước (Bình Đại – Bến Tre) và một số công trình ở núi Bà Rá (Phước Long- Bình Phước ), TP Nha Trang (Khánh Hòa), Long Khánh (Đồng Nai), Tam Bình (Vĩnh Long), Đông Hải (Bạc Liêu)…

Năm 2010, anh rời thầy và trở về quê bắt đầu gây dựng nghiệp riêng. Trong một năm đầu, anh chỉ gia công các tượng nhỏ theo đơn đặt hàng của các thiền tự và xuất đi nước ngoài, mảnh vườn nhỏ ở quê của anh trở thành xưởng chế tác tượng và phù điêu các loại với nhiều chất liệu khác nhau như: thạch cao, composite, đá, xi măng…

Đầu năm 2011 Lam Tùng bắt đầu nhận thi công các công trình lớn. Đầu tay là Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại chùa Long Thanh (ấp 7, xã Tân Bình, Huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Công trình cao 11m, trị giá hơn 700 triệu đồng được đắp bằng xi măng cốt thép.

Hình ảnh Quán Thế Âm Bồ Tát ngự tọa trên lưng một con rồng đang cuộn mình trên hòn giả sơn được khách chiêm bái đánh giá cao.

Hơn một tháng sau (08/2011), Lam Tùng tiếp tục bàn giao công trình Tây Phương Tam Thánh cao 7,5m được xây dựng tại chùa Long Thành (ấp Mỹ Hòa – xã Mỹ Hạnh Trung – Cai Lậy – Tiền Giang).

Thần thái Tượng Phật do Lam Tùng tác tạo được mọi người cho là mang đậm hồn nét Việt Nam. Khác với các tượng Phật mà tôi được  chiêm bái, ngước nhìn gương mặt thanh thoát với nụ cười mỉm độ lượng của Phật A Di Đà lòng như nhẹ nhàng hơn.

Trong mùa Vu lan Báo hiếu PL 2555 này, Lam Tùng cùng với các cộng sự của mình tiếp tục khởi công song hành 2 công trình: Tượng A Di Đà Phật cao 20m tại chùa Long Thanh ( Cai Lậy – Tiền Giang), Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cũng cao 20m tại chùa Long Khánh ( Cai Lậy – Tiền Giang).

Cuộc đời lang bạt rày đây mai đó, ăn chay ngủ chùa đã tạo cho anh một nét trầm mặc với cuộc sống xô bồ hiện tại.

Với tôi, xây đắp tượng Phật là một nghề vinh quang và nhiều công đức với đời. Cầu mong cho anh luôn được tinh tấn, an lạc để có thêm nhiều công trình phát quang cho Phật giáo Việt Nam và làm giàu cho nền văn hóa nghệ thuật điêu khắc nước nhà.

Các tổ chức , cá nhân có nhu cầu hợp tác đầu tư, xây dựng xin liên hệ với anh qua số điện thoại: 0917 108466.