Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Dấu ấn Mật tông ở bộ tượng Di Đà Tam Tôn xưa...

Dấu ấn Mật tông ở bộ tượng Di Đà Tam Tôn xưa nhất Việt Nam

Bộ tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội) có niên đại thế kỷ XVII được xem là bộ tượng gỗ Di Đà Tam Tôn có niên đại cổ nhất ở Việt Nam. Chính Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613) là người đã có công cúng tiến bộ tượng này. Không chỉ mang trong mình nét điêu khắc độc đáo, bộ tượng còn liên quan mật thiết với tín ngưỡng Phật giáo mà danh tăng Từ Đạo Hạnh tu hành.

736

Chuẩn mực về tạo hình

Chùa Thầy đến nay đã có niên đại hơn 1000 năm. Tương truyền, chùa được Thiền sư Từ Đạo Hạnh xây dựng từ thời nhà Lý. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc xưa đã có nhiều thay đổi song những pho tượng cổ và những cổ vật ở đây vẫn còn khá nguyên vẹn. Chùa Thầy hiện còn lưu giữ được 36 pho tượng gỗ cổ, ngoài ra còn rất nhiều hiện vật quý khác như: chân đèn, lư hương, sập thờ, nhang án, khám, tế khí, hạc, sắc phong….

Vào năm 2015, trong đợt công nhận lần thứ 3, bộ tượng Di Đà Tam Tôn Chùa Thầy đã chính thức trở thành Bảo vật Quốc gia. Trong quần thể kiến trúc chùa Thầy, bộ tượng Di Đà Tam Tôn được đặt tại khu vực chùa Thượng hay còn gọi là chùa trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại hùng Bảo điện, đồng thời là nhà thánh, để tượng Di Đà Tam Tôn, Thích Ca, tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh, ban thờ Lý Thần Tông. Ngoài ra còn có 1 đôi Phượng Hoàng gỗ, 2 tượng Phỗng thế kỷ 18 đời vua Lê Ý Tông.

Trong sách “Chùa Việt Nam”, Giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định: “Bộ tượng Di Đà Tam tôn ở chùa Thầy có niên đại 1607 hiện là bộ tượng Di Đà Tam tôn sớm nhất ở nước ta”. Các bộ tượng Di Đà Tam Tôn trong các ngôi chùa khác ở Việt Nam còn lại đến nay đều có niên đại sau bộ tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Thầy. Còn theo Giáo sư Trần Lâm Biền trong sách “Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt” cho rằng đây là “Bộ Di Đà Tam tôn có niên đại sớm nhất bằng gỗ được biết ở nước ta. Sở dĩ pho tượng Bồ tát Đại Thế Chí ở chùa Thầy có niên đại thế kỷ XVII vì có hình thức gần với tượng Quán Âm thời Mạc”.

Do đó, có thể thấy bộ tượng Di Đà Tam Tôn, đặc biệt là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí ở chùa Thầy là sự chuyển tiếp, tạo tiền đề cho một phong cách tượng mới, ổn định dần vào giữa thế kỷ XVII. Kiến trúc đặc sắc của các pho tượng được các nhà nghiên cứu trình bày chi tiết trong bản “Thuyết minh về hiện vật đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2014” của UBND huyện Quốc Oai. Trong đó, đã nêu rất rõ những nét kiến trúc độc đáo của bộ tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Thầy.

Bộ tượng Di Đà Tam Tôn được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng và đặt trên vị trí cao nhất của Tam Bảo. Trong đó, pho tượng A Di Đà (ở giữa) có dáng ngồi kiết già trên bệ sen, đặt trên đế hình chữ nhật cuốn góc, hai chân xếp bằng với bàn chân trái lộ trên lòng.
Tượng được tạc theo một khối tam giác, hai khuỷu tay hơi khuỳnh ra rồi thu vào trong lòng kết ấn Tam muội, tạo cho toàn thân đăng đối. Các khối cơ thể, dáng ngồi, thế chân, tay tượng cũng cân đối, hài hòa. Đầu tượng cao 60cm chiếm hơn một phần ba chiều cao của tượng, thể hiện các quý tướng như tóc bụt ốc, đầu nở to, biểu hiện cho trí tuệ, không có nhục kháo (là búi tóc trên đỉnh đầu của Phật, theo thông lệ là một quý tướng của Phật, biểu tượng của người đã giác ngộ) mà chỉ có bạch ngọc hào. Đây là một cách tạo hình tượng Phật đặc trưng của thế kỷ XVII thay cho hình thức nhục kháo của các tượng Phật thế kỷ XVI.

Tượng A Di Đà có khuôn mặt bầu bĩnh với má dưới nở hơn so với các tượng thời Mạc, mũi thanh, mắt khép hờ, miệng mỉm cười. Tai tượng chảy dài, thành tai rõ ràng, thuỳ tai chảy dài hóa đài sen rồi kết hạt tròn rủ xuống, là chi tiết trang trí mà tượng thời trước và thời sau không có, tạo nên đặc thù phong cách tượng thế kỷ XVII. Tượng mặc áo cà sa nhiều nếp chảy qua hai tay và chân, buông xuống bệ, phía trước để lộ dây lưng và thanh y.

Chính giữa ngực đeo dây Anh Lạc hình hoa cúc mãn khai kết hợp những hạt nổi tròn ở dưới và hai bên. Bệ tượng cao, gồm hai phần: bệ sen và đế. Ở đây các cánh không chìa ra, khối ở dạng điêu khắc tượng tròn khắc trên một khối hình chữ nhật dài, tròn hai đầu theo lối phù điêu. Viền sát với tượng là một hàng hạt tròn, to, chạm nổi chạy liên tiếp. Phía trên bệ sen chia hai lớp, lớp trong chỉ nhô mũi cánh, lớp ngoài trang trí bằng một lớp cánh nhỏ nhắc lại phía bên trong, đường viền đậm màu làm cánh sen trở nên vững chãi hơn.

Giữa mỗi cánh sen bên trong có chạm chi tiết như bông hoa với ba cánh, hai cánh dưới nở xòe lên, trên có cuống buông thõng xuống, cánh trên cùng khớp với hai cánh trên trở thành một chi tiết trang trí khá đặc biệt và khó nhận ra đặc điểm của loài hoa cụ thể nào.

Phong cách cánh sen này tuy thuộc dạng phù điêu nhưng có cánh phồng, mũi cánh nhọn và hướng ra phía ngoài, đầu mũi cánh sen nhọn và có gờ cạnh nổi rõ là phong cách đài sen của phong cách tạo hình tượng Phật giáo thời Mạc. Đế tượng là khối chữ nhật có cuốn góc, trang trí bốn mặt, mặt trước và mặt sau trang trí ở chính giữa. Trong vòng lửa có ba hình lá đề đục kép, ở giữa chứa quả cầu tròn, mỗi quả có ba vòng khắc lõm, họa tiết cành cây khúc khuỷu với 13 nhánh tỏa từ trong ra, làm nền cho đồ án.

Bên phải của tượng A Di Đà là pho tượng Đại Thế Chí, tượng ngồi dáng kiết già trên tòa sen, đầu đội mũ Thiên Quan gồm ba vành, hoa văn trang trí là hạt tròn, vòng lửa, các dạng hoa và vân mây chạm chìm. Các dải tóc ôm lấy vai chảy xuông xuống dường như ít thấy ở các pho tượng cùng thời. Tai đeo hoa tai kiểu bông sen rủ xuống, ngực đeo dây Anh Lạc hình ba bông hoa, kết bằng những hạt nổi tròn. Mình mặc áo cà sa phủ kín đùi, vạt áo chảy xuống đài sen, đầu vạt áo cong đều, hai tay kết ấn mật phùng.

Khuôn mặt tượng Đại Thế Chí thống nhất phong cách với tượng Quan Thế Âm, nhưng không thanh thoát và gần gũi bằng. Các khối và nét có xu hướng nở to (hai cánh mũi, hai bên hàm trong tư thế hơi cúi xuống như muốn nhấn mạnh đến chất trí tuệ, sự chiếu rọi vào bên trong nội tâm). Đó là tính chất động không ngừng của ánh sáng trí tuệ nhằm cứu độ chúng sinh của Đại Thế Chí đã được khắc họa thành công qua nghệ thuật điêu khắc.

Tỷ lệ thân tượng với đầu tượng vượt quá tỷ lệ ba đầu nhưng chưa đến bốn đầu. Thân đầy đặn, bụng dưới căng, không còn hai hõm ở cánh tay sát sườn, như đặc điểm tượng thời Mạc. Nhìn nghiêng, và phía sau thân của tượng cũng khá đầy và đều có trang trí, chứng tỏ người tạo tượng đã chủ động đón hướng nhìn từ các phía. Trên thân tượng quấn những chuỗi hạt tròn và bầu dục (to nhỏ khác nhau) cùng với những bông cúc mãn khai (ba dải dọc, ba dải ngang) mang tính kỳ bí, chưa từng thấy ở tượng chùa nào.

Bệ sen chia ba lớp, cánh trang trí vân xoắn mũi hài, dạng nửa bông hoa như hoa mai với ba chuỗi hạt tròn, lớp dưới ôm tỏa lấy mặt bệ, hướng ngược chiều với ba lớp cánh sen trên. Pho tượng thứ 3 là Quan Thế Âm (bên trái tượng A Di Đà), tượng ngồi trên bệ vuông, thế ngồi khá thoải mái, không theo quy tắc xếp bằng trên đài sen và cũng ít gặp trong cách tạo hình tượng dạng này. Chân trái chống thẳng, chân phải co, đặt dưới đùi trái một cách tự nhiên. Tay trái để ngửa, hai ngón tay giữa cong lại như đang đỡ vật gì, tay phải cầm phất trần.

Nhờ đó, tượng có một dáng vẻ tự tại, vừa tĩnh lại vừa sống động. Đây là tượng Quan Thế Âm bồ tát trong mô típ cầm bình cam lồ, vẩy cành dương liễu để cứu độ chúng sinh. Đầu tượng đội mũ Thiên Quan Bảo thường gặp ở các dạng tượng Quan Thế Âm, vành mũ lượn cao được trang trí khá chi tiết họa tiết hoa sen và hoa tròn nhiều cánh, tóc búi cao, phía trước có dải, tỏa sang hai bên.

Triết lý Phật giáo sâu sắc

Ăn nhập với cách tạo hình kỹ lưỡng, nổi khối của tóc, mũ là một khuôn mặt trái xoan thanh thoát, đầy đặn và một đôi tai dài đeo một đài sen nhỏ. Ngực đeo trang sức ba chùm kết hoa, ngọc báu, phía cuối của chùm trang sức nổi hình giọt lệ.

Tượng có 2 lớp áo, lớp trong thắt yếm kéo sát ngực, áo choàng phủ ngoài, trang trí hạt tròn nối nhau thành các hàng lối. Các nếp vải ở y phục tượng theo lối sát thực, trùm xuống ôm tỏa lấy bệ tượng tạo thành vạt trước xòe khá rộng với nhiều lớp chồng lên nhau. Cách tạo hình chân dung này, mang phong cách tạo hình thế kỷ XVII, chỉ còn ít dáng vẻ thiếu nữ như tượng thế kỷ XVI, thay vào đó là vẻ đẹp tinh tế hơi chút kiêu sa trên khuôn mặt tượng Quan Thế Âm cũng như các tượng khác trong bộ Di Đà Tam Tôn.

Đế tượng hình hộp chữ nhật giật bốn cấp, trang trí nổi trên bốn mặt với các đồ án như: hoa dây, cây mệnh, thủy ba, cúc mãn khai, lá đề với ba hạt tròn bốc lửa mang ý nghĩa sinh thực khí trong tín ngưỡng nguyên sơ. So với các bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở giai đoạn sau, bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở chùa Thầy đạt đến những chuẩn mực (quy chuẩn) về tạo hình, bố cục của tượng Phật thế kỷ XVII, là hình mẫu, gợi mẫu để các thế kỷ XVIII và XIX mô phỏng theo.

Tuy nhiên, ở những giai đoạn sau, không một bộ tượng Di Đà Tam Tôn nào có được vẻ đẹp về hình khối, ngôn ngữ biểu hiện, nghệ thuật tạo tác và khả năng diễn tả được thần thái của tượng như bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở chùa Thầy. Mặt khác, ở các giai đoạn sau, các họa tiết trang trí thường thô và mang tính ước lệ, không mang nhiều ý nghĩa Phật đạo như trên bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở chùa Thầy.

Vũ Lành – Thành Trung

(Còn nữa)