Trang chủ Văn học Yêu tính sáng yêu hơn châu báu

Yêu tính sáng yêu hơn châu báu

212

Câu trên nằm trong Cư trần lạc đạo phú, Hội thứ nhất của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông.

Trong bài phú này, chữ tính Không được nhắc đến sáu lần, chưa kể những chữ có cùng nghĩa với tính Không như vô tâm, vô vi, vô sanh… và chữ tính sáng được nói đến tám lần, kể cả những chữ cùng nghĩa “tính gương”, “minh kính”, “Bồđề thêm sáng”.

“Tính sáng” là một sáng tạo của vua Trần Nhân Tông, lại viết bằng chữ Nôm, tiếng Việt. Đặc biệt là chữ tính này, nếu dịch ra tiếng Anh là nature, bản tính. Các thiền sư Trung Hoa nói nhiều đến tính Không, và nói đến ánh sáng của tâm chỉ có một ít từ như linh quang, quang minh, viên quang… không có từ nào có chữ tính như tính sáng, quang tính.

Phật giáo Tây Tạng nói đến ánh sáng của tâm như tịnh quang (TT. od gsal, st prabhasvara, clear light, luminosity), sự sáng tỏ (clarity), như sự sáng tỏ của tâm (clarity of mind), sự sáng tỏ của nội quán (clarity of insight), nhưng không có từ nào có chữ tính như chữ “tính sáng”. Kinh điển thì nói nhiều đến ánh sáng, quang, hào quang, quang minh, thường quang, phóng quang, vô biên quang… cũng không có từ nào như tính sáng, quang tính. Tính sáng có nghĩa bản tính ánh sáng, bản tính là ánh sáng, ánh sáng là bản tính.

Sở dĩ vua Trần Nhân Tông dùng nhiều lần tính Không và tính sáng như vậy bởi vì tính Không và tính sáng là bản tính của tâm (tâm tính) của chúng sanh và của muôn sự muôn vật (pháp tính). Tính Không và tính sáng là nền tảng của tất cả tâm và vật.

Chúng ta trích một số câu có hai từ ấy để thấy tầm quan trọng của hai từ ấy:

Yêu tính sáng yêu hơn châu báu.
(Hội thứ nhất)

Gìn tính sáng, tính mới hầu an.
(Hội thứ 2)

Di-đà là tính sáng soi,
mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.
(Hội thứ 3)

Gìn tính sáng, nào lạc tà đạo.
(Hội thứ 3)

Về tính Không thì:

Hỏi phép (pháp) Chân Không
Hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
(Hội thứ 4)

Đường thiền Không, khôn chút biết nơi.
(Hội thứ 7)

Biết một Chân Không
Dùng theo căn khí.
(Hội thứ 10)

Tu học là tu học tính Không và tính sáng này. Tính Không và tính sáng ấy cũng chính là “Chỉn Bụt là lòng”:

Nếu mà biết
Tội ắt đã Không
Phép học lại thông.
Gìn tính sáng, nào lạc tà đạo
Cái mình học cho phải chính tông
Chỉn Bụt là lòng, nên ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ.
(Hội thứ 3)

Tính Không và tính sáng chính là bản tính của mỗi chúng sanh. Bản tính ấy vốn có sẵn nơi mỗi chúng sanh, bản tánh ấy chính là Phật.

Vậy mới hay!
Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy (quên) bản nên ta tìm Bụt;
Đến biết hay chỉn Bụt là ta.
(Hội thứ 5)

Điều này kinh Hoa nghiêm đã nói:

Như tâm, Phật cũng vậy
Như Phật, chúng sanh đồng
Tâm, Phật, và chúng sanh
Cả ba không sai khác.
(Phẩm Dạ-ma cung kệ tán)

Trong các kinh thường có thành ngữ “Thực tướng của tất cả các pháp”, thực tướng của tất cả mọi sự. Thực tướng của tất cả mọi sự theo ngài là “thực tướng kim cương”, là “lòng mầu Viên Giác”:

Yêu tính sáng
yêu hơn châu báu
Yêu tính sáng
yêu hơn châu báu

Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương
Dừng hết tham sân, mới rõ lòng mầu viên giác.
(Hội thứ 2)

Tướng thực của tất cả các tướng là kim cương nghĩa là các tướng là kim cương. Kim cương thì không trộn lẫn với nhiễm ô, là tính Không. Kim cương thì trong suốt, sáng soi, đó là tính sáng. Lòng mầu viên giác thì trùm khắp nên tất cả mọi sự đều là viên giác, điều này được nói rõ trong kinh Viên giác, “Vì sao thế? Vì tất cả vốn là Giác vậy” (chương Bồ-tát Phổ Nhãn).

Người thấy bản tính hay thực tướng, hay nền tảng của tất cả mọi sự thì không chạy đông chạy tây theo sự vật, mà ở yên trong nền tảng vì “Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa”. Chính nền tảng hóa giải và chuyển hóa sự vật thành thực tướng:

Hỏi phép Chân Không
Hề chi lánh ngại thanh chấp sắc
Biết Chân như, tin Bát-nhã
Chớ còn tìm Phật, tổ tây đông.
(Hội thứ 4)

Khi thấy được tánh Không, thì sắc, thanh là Không, như Bát-nhã Tâm kinh nói, nên không còn “lánh ngại, trụ chấp thanh sắc”. Chính bản tánh Không, nền tảng Không của sắc, thanh… giải quyết cho sắc, thanh.

Chính bản tánh Không, nền tảng Không của các giác quan giải thoát cho cái nghiệp ngăn ngại, trụ chấp của các giác quan.
Áng tư tài, tính sáng chẳng tham.
(Hội thứ 3)

Áng tư tài là đám tiền tài lợi lộc. Chẳng tham những của cải thế gian bởi vì nhờ tính sáng, nhờ trụ trong tính sáng.
Gìn tính sáng tính mới hầu an.
(Hội thứ 2)

Giữ gìn tính sáng thì mới ở trong an bình và hạnh phúc không còn còn xuôi ngược đuổi theo trần tướng mà sinh ra đủ thứ phiền não khổ đau, đây là điều kinh Lăng nghiêm nói là “bội giác hiệp trần”.

Giữ gìn, an trụ trong tính sáng vốn là bản tánh của chính mình thì thấy tất cả những trần tướng chỉ là tính sáng biểu lộ theo duyên nghiệp, duyên nghiệp chung và duyên nghiệp riêng, do đó mà an ổn, đại an ổn.

Những trần tướng chỉ là các bóng hiện trong gương sáng, chẳng thể nào dính chết cứng vào gương:

Nhận biết làu làu lòng vốn
chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên.
Dồi cho vặc vặc tính gương
nào có nhuốm căn trần huyên náo.
(Hội thứ 6)

Thế nên, ngay trong Hội thứ nhất ngài đã nói cái thấy “tự thọ dụng” của người thấy bản tánh hay nền tảng của tất cả mọi sự biểu hiện, cái mà người đời nhìn lầm là thế giới sinh tử:

Tham ái nguồn dừng
chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý
Thị phi tiếng lặng
được dầu nghe yến thốt oanh ngâm
Chơi nước biếc ẩn non xanh
nhân gian có nhiều người đắc ý
Biết đào hồng hay liễu lục
thiên hạ năng mấy chủ tri âm
Nguyệt bạc trời xanh
soi mọi chỗ sông thiền lai láng
Liễu mềm hoa tốt
ngất quần sinh huệ nhật sâm lâm (sum suê)…
(Hội thứ nhất)

Cái thấy sáng tỏ bao la trùm khắp “sông thiền lai láng, huệ nhật sum suê” này là cái thấy của con mắt huệ, huệ nhãn. Con mắt huệ là con mắt thấy bản tánh hay nền tảng của tất cả mọi sự là tính Không và tính sáng.

Cũng chính trong tính Không và tính sáng này mà người ta hoạt động trong đời sống một cách sung mãn, no nê, hùng mạnh, gồm đủ cả trong ngoài:

Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực biết
Dựng cầu đò, dồi chùa tháp
ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu
Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi
nội tự tại kinh lòng hằng đọc.
(Hội thứ 8)

Thấy và sống trong bản tánh hay nền tảng của tất cả mọi sự thì cuộc đời trần thế này là một cuộc dạo chơi, mà như người xưa nói “dạo chơi vườn Hoa Tạng”. Cuộc đời người ấy nơi trần gian là một cuộc dạo chơi và xem ngắm “thưởng thức”. Dạo chơi và xem ngắm“thưởng thức”càng có ý nghĩa hơn với Thiền sư Trần Nhân Tông, một nhà vua có thể nói là rất bận rộn với hai lần trực tiếp chỉ huy cuộc chiến gian khổ chống quân Nguyên Mông, với sự xây dựng đất nước và Phật giáo, với những lần đi ngoại giao với Chiêm Thành…

Nhưng cuộc đời với nhiều biến cố, nhiều trách nhiệm, nhiều sự kiện phải giải quyết như thế đối với ngài là “vô tâm”, “vô sự”, “lòng rỗi” là như chơi vậy:

Cầm (đàn) vốn thiếu huyền (dây)
Vẫn thưởng thức điệu vô sanh khúc
Địch chẳng có lỗ,
Cũng phiếm chơi xướng thái bình ca.
(Hội thứ 5)

Suốt cả bài phú, có nhiều những từ “chơi”, “xem chơi”, “nhàn” ,“hề chi”, “nào nhọc”, “nằm nhãng”, “ngồi ngơi”, “dăm câu, ba bận”, “kham cười”, “chẳng ngại bề”,” nào có nhuốm”, “du hí”( rong chơi)…

Tất cả đều do sống được “chỉn Bụt là lòng”. Lòng này, Bụt này là tính Không và tính sáng, nền tảng của mọi xuất hiện đời sống, cho nên mọi xuất hiện đời sống là tính Không và tính sáng, có chỗ nào cho phiền não khổ đau để không an vui?

Cư trần lạc đạo phú quả thực là một bài ca giải thoát của một người “ở đời vui đạo hãy tùy duyên”.

Nguyễn Thế Đăng