Vào ngày nghỉ cuối tuần, tôi lại ngược về Hoài Đức vùng đất với những danh thắng, di tích lịch sử đã ghi nhiều dấu ấn.
Lần này điểm ghé thăm là ngôi chùa Phượng Tiên. Ngôi chùa cổ nằm ở vị trí trung tâm của làng Phương Viên, thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
Xã Song Phương xưa kia gồm hai làng được hình thành từ lâu đời, đó là thôn Phương Bảng có tên gọi là làng Ngòi, thôn Phương Viên có tên gọi là làng Vạng nằm bên tả ngạn sông Đáy gần kinh thành Thăng Long xưa.
Ngôi chùa Phượng Tiên được xây dựng từ thế kỷ XVI thời nhà Lê. Ngôi chùa hiện vẫn còn lưu giữ được rất nhiều dấu ấn lịch sử với cây thị cổ được các nhà nghiên cứu xác định có niên đại hơn 1.500 năm.
Trong chùa đang lưu giữ hệ thống bia đá nhà Tổ qua các triều đại: Minh Mạng, Thành Thái, Tự Đức, Khải Định…
Những năm tháng trong chiến tranh, ngôi chùa Phượng Tiên là nơi cất giữ lương thực phục vụ kháng chiến.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử các hạng mục kiến trúc chùa đã phần nào xuống cấp trầm trọng.
Tôi ngồi hầu chuyện với sư cụ trụ trì Thích Đàm Trung – một ni sư đậm nét chất phác với nụ cười hiền và hàm răng đen óng, lóng lánh đặc trưng của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ xưa kia.
Trong buổi trò chuyện về lịch sử ngôi chùa, lịch sử văn hóa làng xã…, sư cụ Thích Đàm Trung vẫn ko nén được hơi thở dài khi đau đáu việc thủ tục chưa được phê duyệt để xin xây dựng và tôn tạo ngôi cổ tự là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho bà con, nhân dân địa phương cũng như khách thập phương, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ gìn giữ và phát triển di sản văn hóa quê hương cũng như thực hiện nghị quyết của Đảng và Nhà nước về Văn hóa dân tộc.
Tiễn tôi ra về, sư cụ chầm chậm khép lại cánh cổng gỗ, tiếng kẽo kẹt vang mãi tới triền đê.
Nguyên Phước Nguyễn Tiến Lộc