Trang chủ Văn học Tùy bút Mùa Vu Lan của những yêu thương

Mùa Vu Lan của những yêu thương

63

Tháng 7 về cùng những cơn mưa chợt đến, chợt đi! Có lẽ vợ chồng Ngâu trong truyền thuyết đã quá nhớ thương nhau, nên những ngày gặp mặt hiếm hoi, nước mắt đã làm ướt cả nhân gian! Nước mắt nỗi mừng gặp mặt, nước mắt của sự chia xa…

Tháng 7 cũng về với những ý nghĩa tâm linh rất sâu sắc trong tâm hồn người Việt. Những hoạt động xã hội trong tháng 7 dường như có chút lắng đọng lại để mỗi người dành thời gian cho gia đình, cho những linh hồn đã mất, nhất là cho những ai còn đang gắn bó bên nhau.

Chẳng phải chỉ trong truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ người ta mới thấy được nỗi đau tận cùng của sự xa cách. Cũng không phải ngày lễ Vu Lan về, nhìn thấy trên ngực áo ai có bông hoa hồng màu trắng, người ta mới nhận ra được giá trị của cuộc sống có đầy đủ cha mẹ cùng hai tiếng gia đình. Chỉ là, giữa cuộc sống hối hả bộn bề, thật may, có một ngày để chúng ta nhớ về những điều đã có, đang có trong mối quan hệ gia đình, dòng tộc, và xa hơn nữa… là nhân sinh.

Theo kinh Vu Lan xưa, ngày rằm tháng 7 là ngày nhà sư Mục Kiền Liên cung thỉnh chư tăng mười phương để giải thoát cho vong linh người mẹ đã mất của mình. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời – chúng ta gọi là ngày báo hiếu. Trong lễ Vũ Lan, những ai còn mẹ được cài lên ngực áo mình một bông hoa màu hồng. Còn những ai đã không còn mẹ thì cài lên một bông hoa màu trắng. Lễ Vu Lan trở thành văn hóa tâm linh của người Việt để tưởng nhớ nguồn cội, để cầu siêu cho các vong hồn cô quạnh mà sâu xa hơn là nhắc nhở người ta biết trân trọng những gì mình đang có: Cha mẹ, gia đình, người thân.

Trân trọng hiện thực chúng ta đang có là thái độ sống rất quan trọng. Đâu đó trong cuộc sống này, có những câu chuyện mãi chỉ là hình thức: Người ta chuẩn bị thật nhiều vàng mã, lễ nghi cho người đã khuất bóng, nhưng có nghĩa lý gì đâu khi những phút đang sống thực trên đời này chúng ta quên nghĩa tình dành cho nhau, quên sự quan âm, quên yêu thương và quên cả sự trân trọng khi có nhau trong cuộc sống.

Bởi vậy, nhà thơ Đỗ Trung Quân mới có những câu thơ như những lời nhắc nhở cho hiện thực rằng: 

"Con không đợi đến ngày kia mình mất mẹ mới giật mình khóc lóc.

Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ… "


Tôi cũng có đôi lần bắt gặp một câu thơ khác mà trái tim mình cứ thấy thảng thốt: "Con sợ một ngày kia, trên áo mình là một bông hoa màu trắng".

Vì vậy, ngày hôm nay, tôi chia sẻ và cảm thông cho những người bạn, những đồng nghiệp và cả những ai tôi không quen khi gia đình đã có những mất mát. Cuộc sống dạy cho chúng ta bài học rất quý giá rằng: Nếu chúng ta biết kết nối, biết san sẻ yêu thương và đồng cảm, thì chúng ta sẽ đủ sức mạnh để đi qua những đau thương và mất mát ấy.

Cũng vì vậy, mùa Vu Lan năm nay và các năm sau, tôi nguyện cầu cho các đấng sinh thành khắp nơi hạnh phúc và tự hào với sự trưởng thành của con cái mình nuôi dạy. Có gia đình hạnh phúc thì xã hội mới thực sự hạnh phúc! Có chữ "hiếu", chữ "thuận" trong nhiều gia đình, thì mới làm phạm trù đạo đức xã hội tốt lên. Những chuyện không vui trong các gia đình, mong mọi người nhìn nhận thật thấu đáo trong mùa Vu Lan này, để yêu thương sẽ thay cho những tính toán bon chen nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Tôi thầm cảm ơn cuộc sống, vì ít ra đến lúc này tôi vẫn là người hạnh phúc khi trên ngực áo mình có bông hoa màu hồng và cố gắng trân trọng những phút giây quý giá này, như những câu thơ của Hoàng Yến Oanh:
"Bông hồng con cài áo hôm nay là cả một hành trang


Để con biết rằng mình hạnh phúc biết bao vì vẫn còn có mẹ

Mùa báo hiếu về rồi mẹ ơi, nơi này con lặng lẽ

Gửi về mẹ

Cả một bầu trời nhung nhớ rộng yêu thương!"

…Và tôi cũng mong bạn có một mùa Vu Lan thật ý nghĩa!