Nguyên liệu để nấu chè là nếp, đậu đen, đường bát và một ít gừng già. Phải chọn loại đậu đen xanh lòng vừa thu hoạch từ vụ trước, cẩn thận loại bỏ những hạt bị sâu, hỏng. Đậu đen xanh lòng khi nấu chè vừa bùi, thơm lại vừa có vị dẻo. Đậu được rang trên bếp than hồng trước khi nấu. Chính cách làm này khiến cho đậu vừa nhanh mềm khi nấu, vừa chín đều, không bị chai cứng và dậy lên hương thơm quyến rũ.
Khi đậu tương đối mềm, thì cho đường và nếp vào nấu tiếp. Lửa phải để nhỏ và thỉnh thoảng dùng vá quậy cho nồi chè không bị cháy sém, sẽ làm mất hương thơm đặc trưng của nồi chè. Khi hạt nếp và đậu ngấm vị ngọt của đường lại tiếp tục cho thêm một ít gừng già giã nhỏ vào quậy đều.
Thơm ngon chén chè nếp đậu đen. |
Có người còn cho thêm một ít tiêu bột vào để tăng thêm hương vị cho món chè. Để lửa liu riu cho đến khi nồi chè đặc sánh lại thì múc ra từng chén nhỏ và dâng lên cúng ông bà.
Theo kinh nghiệm dân gian, chè nếp đậu đen có tác dụng tiêu độc, bồi bổ cơ thể, giúp người dân lao động nhanh phục hồi sức khỏe nên món chè này đã trở thành một món ăn truyền thống của bao thế hệ người dân quê tôi. Và vào những ngày giỗ chạp hay ngày lễ Vu Lan, con cháu luôn nấu chè nếp đậu đen để cúng ông bà.
Chè nếp đậu đen ăn kèm bánh tráng mè nướng mới cảm nhận hết hương vị thơm ngon của món chè. Bẻ một miếng bánh tráng giòn tan, múc một ít chè đặc sánh rồi từ từ thưởng thức những hương vị giòn tan của bánh, béo của mè, dẻo thơm của nếp, bùi của đậu đen, ngọt ngào của đường bát và ấm nóng của gừng già, cảm nhận như bao nhiêu mệt mỏi trong người đều tan biến hết. Thế mới hiểu vì sao bao năm qua, những thế hệ người quê tôi vẫn mãi yêu thích những hương vị thơm ngon đặc trưng của món chè dân dã này.