Tristan và Iseut, Romeo và Juliet ở phương Tây; Lan và Điệp, Loan và Dũng ở Việt Nam. Tiểu thuyết khai thác thứ tình yêu tuyệt vọng đó, càng ai oán càng làm thổn thức, "những tiếng hát hay nhất là những tiếng nấc", như Lamartine đã nói.
Nhưng, trong cuộc đời cũng như trong văn chương, cũng chẳng thiếu gì đám cưới không có tình yêu. Tiểu thuyết cũng khai thác triệt để nước mắt chảy thầm trong lòng chú rể, cô dâu, khi sóng đôi đi giữa nhạc lễ và thiên thần. Cả một luồng thơ văn trong văn học Tây phương đả kích hôn nhân được tôn giáo yểm trợ, xem đám cưới và tình yêu nghịch nhau như nước với lửa. Đó là văn học troubadour ở thế kỷ 12. Đầu thế kỷ 20, một cô dâu Việt Nam, vu quy với ít nhiều áp đặt, than thở não nùng:
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi người ấy có buồn không
Bao nhiêu trái tim non trẻ của thời ấy chỉ mơ mộng được người yêu "trời ơi" một tiếng như thế thôi. Đó là hạnh phúc của "thú đau thương", du nhập tài tình từ nhụy phấn mal d’amour của Pháp.
Yêu mà không lấy được, lấy mà không yêu được, chao ôi, đều khổ. Vậy yêu nhau mà lấy được nhau có vui không? Ai cũng nói vui quá. Và ai cũng nghĩ trong ngày đám cưới: sẽ làm sao để vui mãi như ngày đầu tiên, mới mãi như lúc đưa về. Đám cưới, như vậy, là lời cam kết yêu mãi như thế, tuy ai cũng biết rằng không có cái gì mãi mãi như thế trên đời. Đó là tất cả vấn đề, bởi vì thách thức với cái như thế là một thách thức điên rồ, chỉ bại chứ không có thắng.
Vậy, nếu tình yêu của "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" không thể nào là như thế với tình yêu lứa đôi, có hai thứ tình yêu khác nhau chăng? Và, cũng vậy, chẳng lẽ các người du ca troubadour có lý khi cho rằng hôn nhân bất tương hợp với ái tình? Tình yêu là gì? Một hay hai? Tình yêu-đam mê và tình yêu-sáng suốt? Khác nhau giữa trước với sau? Hay vừa khác vừa giống? Có cái này trong cái kia? Nhưng tình yêu vừa khác vừa giống là tình yêu thế nào? Nó có bản chất không? Nếu tình yêu có nhiều bộ mặt, chẳng lẽ nó không có một bản chất chung? Bản chất đó là gì, nếu có? Và nếu có, ắt định nghĩa được nó chăng? Tình yêu là gì?
Không ai trả lời câu hỏi này rốt ráo bằng Platon trong đối thoại Le Banquet (Bữa tiệc). Đọc lại Platon trong ngày cưới nhau không chừng là món quà cưới quý giá nhất mà nàng tặng cho chàng, anh tặng cho em. Trong suốt thiên đối thoại giữa các triết gia lừng lẫy mà Platon ghi lại, chỉ đọc ý kiến của Aristophane và Socrate là đủ thú vị rồi. Đây là định nghĩa của Aristophane về tình yêu, phát biểu một cách nghiêm túc sau vài câu giễu cợt như thường lệ, vì ông là thi sĩ hài kịch.
Các hiền huynh thân mến, tôi định nghĩa tình yêu khác với quý vị; tôi định nghĩa theo bản tính của con người, và bản tính con người thuở xưa không giống ngày nay. Con người thuở xưa có hình dạng khác, có hai mặt, hai đôi tay và hai đôi chân, vị chi là bốn tay bốn chân. Lưng và hông họ tròn như quả bóng, cho nên mỗi khi cần di chuyển nhanh, họ quay vòng tròn như người làm xiếc ngày nay, nhưng nhanh hơn nhiều vì họ có đến tám tay chân. Họ chia ra thành ba loại: nam, nữ, và bán nam bán nữ; loại thứ ba này ngày nay đã biến mất. Họ rất mạnh và vô cùng kiêu ngạo nên có ngày kia đã leo lên đến tận trời để tấn công các vị thần ở đấy.
Zeus, chúa tể các vị thần, giận lắm, nhưng không muốn tiêu diệt hết giống người vì người chết hết thì lấy ai cúng bái phẩm vật? Bèn quyết định: cho chúng nó tồn tại, nhưng làm yếu chúng đi bằng cách chia cắt mỗi đứa ra làm hai – như vậy lại còn được thêm điều lợi khác nữa là chúng đông gấp đôi thì phẩm vật cũng tăng thành hai. Từ đấy, con người phải đứng thẳng và đi trên hai chân, chứ không lăn được nữa.
Zeus còn dọa: nếu nó cứ kiêu ngạo, hiếu chiến, thì ta sẽ phân hai chân nó ra làm đôi, lúc đó thì đứa nào cũng sẽ phải cò cò một cẳng. Từ đó, con người mới có hai chân, hai tay, và một mặt. Bị cắt đôi, con người có khuynh hướng tự nhiên tìm cách kết hợp lại nửa này với nửa kia. Nếu nửa này chết, nửa kia tìm cách kết thành đôi với một nửa khác. Nếu một nửa đực gặp một nửa cái, thần Zeus sẽ kết hợp hai giới tính để chúng có thể sinh con, nhờ đó mà giống người tồn tại.
Ngày nay, chúng ta cứ loay hoay đi tìm một nửa của chúng ta là vì thế, một nửa đàn ông đi tìm một nửa đàn bà, mà cũng có khi một nửa đàn ông đi tìm một nửa đàn ông, một nửa đàn bà đi tìm một nửa đàn bà. Gặp nhau, không phải chỉ có cái thú vị dán hai thể xác, mà còn là hạnh ngộ kỳ diệu của tâm hồn, tình cảm, cả hai không muốn rời nhau, dù trong khoảnh khắc. Ví thử lúc ấy có ông thợ rèn bê ống bệ đến hỏi: "Này, hai người muốn gì, muốn tan vào nhau thành một để ngày đêm dính riết vào nhau phải không; ông hàn chúng mày lại với nhau nhé để suốt đời chúng mày sống bên nhau như một người, và lúc chết xuống âm phủ, chúng mày cũng sẽ chết chung thành một như thế thay vì chết riêng nhé, phải không?", ai cũng hớn hở dạ vâng, chẳng nghe miệng nào nói khác.
Ấy, cái bản chất thiên nhiên của con người xưa kia nó thế, nó là một tổng thể; ngày nay ai cũng ước mơ tìm lại được cái tổng thể ấy thôi, và cứ loay hoau tìm hoài: mơ ước đó, tìm kiếm đó, ngày nay ta gọi là "tình yêu". Phải đi ngược lên đến tận cùng ngọn nguồn như thế mới biết tình yêu là gì, rồi còn biết thêm rằng ai cũng có thể hạnh phúc nếu gặp được cái nửa mà mình nghĩ là của mình, người yêu mà bản chất đúng như mình mong đợi, bởi vì như thế tức là trở về lại được với bản chất nguyên thủy của mình.
Khỏi phải xin một tràng pháo tay, định nghĩa trên đây của Aristophane chắc sẽ được các bạn trẻ tán thưởng nồng nhiệt. Qua giọng nói giiễu cợt, đó là chuyện thần tiên kể cho những người vừa bước chân vào chốn thiên thai. Bên suối hoa đào, có đôi trẻ nào không nghĩ rằng người yêu là một nửa của mình?
Ngẫm lại, một nửa của mình là gì? Thì cũng là mình đó thôi! Yêu là tìm lại mình? Vậy đâu là tìm nhau? Đâu là yêu nhau? Rời lý thuyết, nhìn sự thực, yêu nhau thì phải có hai, và hai người phải khác nhau. Người này yêu người khác dù biết người kia là khác mình. Yêu như vậy mới xứng đáng chữ yêu; yêu chính mình làm sao kéo dài đôi lứa? Mà có thật hai nửa là một không? Tiếc quá, ông thợ rèn đã không hàn thành một hai nửa vừa mới dạ vâng kia. Ông hàn đi rồi xem: sẽ có hai kẻ vô cùng khổ van lạy ông ban cho một chút tự do.
Chuyện thực trên đời này là tình yêu tuyệt đối, tình yêu toàn vẹn biến hai thành một, hoặc là không có, hoặc là nếu có thì đó là hoang tưởng của một tín đồ. Hai thể xác, hai tâm hồn, dù hòa điệu với nhau đến đâu đi nữa, vẫn thấy cách xa, xa một chút cũng là cô đơn ngàn dặm, mình vẫn là mình, người khác vẫn là người khác. Say sưa đến như Xuân Diệu đầu mùa mà cũng thở than:
Hãy sát đôi đầu! hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khắng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng
Trong say sưa anh sẽ bảo em rằng
Gần thêm nữa! thế vẫn còn xa lắm
Nhưng Xuân Diệu chính là người phát ngôn tài ba nhất của Aristophane hồi đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam khi đem mơ mộng thổi vào thơ tình. Tình yêu của Aristophane là tình yêu mơ mộng: một nửa mơ ước tìm lại một nửa. Đã gọi là mơ mộng thì cuộc tìm kiếm phải không bao giờ được, bởi vì nếu được thì còn gì là mơ?
Cho nên, tuyệt đỉnh của tình yêu mơ mộng là không phải yêu người, yêu ai, yêu nhau, mà là yêu tình yêu. Trong văn học Pháp, mà ảnh hưởng lan sang Việt Nam, Maupassant diễn tả cực kỳ tinh tế thứ tình yêu lãng mạn tinh nhụy đó. Xin mượn của ông một trích đoạn trong truyện ngắn Clair de lune ("Đêm trăng") để "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây" với Xuân Diệu của ta.
Truyện như thế này: một cô chị lãng mạn, yêu văn thơ, yêu cảnh đẹp, sống đàng hoàng bên chồng, nhưng ông chồng quá tốt, quá đàng hoàng, quá chừng mực, không biết bốc đồng hôn vợ một cái hay nịnh vợ một câu khi vợ xúc cảm trước phong hoa tuyết nguyệt hay rượu thánh thơ thần, cô chị ấy một hôm khóc nức nở kể cho cô em: mình vừa có tình nhân. Ấy là một đêm trăng đẹp như trong chuyện thần tiên:
"Chị ngồi trên cỏ, nhìn hồ nước đẹp diễm ảo, lâng lâng buồn. Trong lòng chị bỗng dâng lên một cảm giác lạ lùng: chị vừa cảm thấy một nhu cầu yêu đương không gì làm thỏa mãn được, một luồng phẫn nộ nổi lên chống lại cuộc đời phẳng lặng của chị. Chẳng lẽ chị không bao giờ được dạo bước trong vòng tay của một người yêu, quanh bờ hồ tràn ngập ánh trăng này? Chẳng lẽ chị không bao giờ được cảm thấy chạy trong huyết quản những nụ hôn sâu, ngon và hốt hoảng của tình nhân trao cho tình nhân giữa những đêm êm ả mà dường như trời đất đã tạo ra để tặng cho những nỗi niềm êm ái? Chẳng lẽ chị không được đôi cánh tay điên dại nào quàng lên mình nồng cháy trong bóng cây sáng dịu của một đêm hè? Chị khóc như một người điên.
Bỗng chị nghe có tiếng động phía sau. Một người đàn ông đứng sau lưng nhìn chị:
– Thưa bà, bà khóc?
… Thế rồi chàng bắt đầu đi bên cạnh chị, tự nhiên, lễ độ, và nói chuyện về cuộc du lịch của chị. Tất cả những gì chị cảm thấy, chàng diễn tả lại đúng hệt; tất cả những gì đã làm chị rung động, chàng hiểu như chính chị hiểu, hơn cả chị hiểu. Rồi bỗng nhiên chàng đọc thơ, thơ của Musset. Chị ngạt thở, cổ như nghẹn vì một cảm xúc không tả được. Dường như núi non, hồ nước, đêm trăng, tất cả cùng nhau hát lên những lời êm ái, huyền diệu".
Chỉ thế thôi, rồi người đàn ông đưa cô chị về lại khách sạn. Chỉ thế thôi đủ để cô chị khóc nức nở trên vai cô em: "em ơi, chị có tình nhân". Một nửa đã gặp một nửa.
Cô em, ít tuổi hơn mà già dặn hơn, lau nước mắt cho chị, nhẹ nhàng: "Chị ạ, rất nhiều khi chị em chúng ta không phải yêu một người, mà yêu tình yêu. Đêm đó, bên hồ, tình nhân thực sự của chị là cái đêm trăng đó thôi, chị ơi".
Quái lạ, cũng mặt trăng ấy, hai người yêu nhau thực, nghĩa là tình nhân thực, đi bên nhau lại thấy xa nhau. Vẫn Xuân Diệu, vẫn thở than:
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá
Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ
Vì nửa này vẫn là nửa này, nửa kia vẫn là nửa kia?
Ngược với Aristophane, Socrate không mơ. Không ca tụng Thần Ái Tình Eros là đẹp. Ông lý luận trên thực tế. Yêu, trước hết là yêu cái gì; không ai yêu cái mà mình không biết là cái gì, trăng mây vớ vẩn. Yêu, là yêu cái mình thích, mình muốn. Cái đó, mình chưa có. Chưa có, cho nên mới muốn. Muốn và thiếu, cái này cắt nghĩa cái kia. Tình yêu là muốn, muốn vì thiếu. Theo định nghĩa như vậy thì thần Ái Tình Eros không đẹp, vì Eros yêu cái đẹp. Nếu Eros đẹp thì Eros đã không muốn cái đẹp! Mà theo kinh nghiệm thông thường thì ai cũng yêu cái đẹp, cái tốt. Nhưng không đẹp không có nghĩa là xấu. Cũng như người không thông thái không hẳn là người ngu. Eros luôn luôn đi tìm cái đẹp, cái tốt, vậy không phải là thần, vì các vị thần đã có cái mà họ muốn. Nhưng Eros cũng không phải là người, có sống có chết. Đó là một loại phi thánh phi phàm, trung gian, sứ giả chuyển cầu nguyện của người đến các thần và chuyển thông điệp của các thần đến người – thường là trong giấc ngủ.
Eros sinh ra từ cha nghèo và mẹ nhiều mưu chước. Do bên nội, y vừa nghèo vừa giỏi xoay sở. Do bên ngoại, y cộc cằn, dơ dáy, chân không giày, vô gia cư, ngủ đầu đường xó chợ. Từ cha mẹ như thế, y lắm mưu nhiều kế, lúc nào cũng như âm mưu chuyện gì, khéo léo, mánh lới, can đảm. Một tay phù thủy đấy! Bởi vậy, Eros không phải là biểu tượng của người được yêu, trang sức bằng tất cả tính tốt của người đáng yêu. Eros là biểu tượng của người đang yêu: lo lắng, ngần ngại, lang thang tìm kiếm cái mình thiếu. Cái mà y thiếu là những gì đẹp, những gì tốt, chứ không phải chỉ là chuyện ăn nằm. Giới hạn lĩnh vực của Eros vào yêu đương mà thôi là khiếm khuyết quá: y hướng dẫn rất nhiều hành động khác của ta. Nhưng trong lĩnh vực yêu đương, y luôn luôn thiếu, luôn luôn nghèo, y giàu cái mà y thiếu, y nghèo cái mà y tìm, không bao giờ y cảm thấy đầy đủ, tràn trề, toàn vẹn như trong câu chuyện thần tiên của Aristophane.
Socrate hay thật! Không biết ông đã bao giờ yêu chưa mà thấu rõ ruột gan mình thế! Tình yêu là luôn luôn cảm thấy thiếu vì dục vọng không bao giờ vừa. Từ đó mà luôn luôn cảm thấy khổ, kể cả lúc đáng lẽ sướng, luôn luôn bức rức, dày vò, đói, khát, cấu xé, tức tối, hờn dỗi, ghen tuông, nghi kỵ … Cái mà mình muốn, mình chưa có; cái mà mình có, mình đánh mất: cuộc đời!
Hai nỗi khổ đó của đam mê thúc đẩy nhau tiến tới mãi, bởi vì đam mê là trốn mãi sự thật trước mắt. Nhưng khổ ấy làm giàu tiểu thuyết, càng khổ càng được tiểu thuyết tán dương là biết sống, dám sống, sống hết mình, chịu chơi. Và để được khổ, tiểu thuyết tưởng tượng ra trăm ngàn cản trở trong tình yêu, tình yêu mà không gặp cản trở thì văn chương hết nhựa. Cho nên:
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi vẹn câu thề
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đậu …
Và nếu đã trót hẹn hò thì hãy làm thế này:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Nhé! Cứ thế, cứ thế, hết cản trở này đến cản trở khác, cho đến cản trở tối hậu là cái chết, không giết người yêu thì tự tử, không tự tử một mình thì tự tử hai mình. Hãy nhìn văn chương Pháp – như một nhà bình luận đã nhận xét: hạnh phúc của hai người tình chỉ làm ta xúc cảm khi có bất hạnh nào đó đang rình mò họ. Nhớ nhung, hoài niệm làm ta rung động chứ không phải hiện tại, bởi vì hiện tại là chớp nhoáng, là huy hoàng trong giây lát, không diễn tả được.
Tình yêu hạnh phúc không có mặt trong văn học Tây phương; các ông thi sĩ ở châu Âu gặp nhau trên một điểm khiến họ khác với thi nhân trên thế giới, và đó là điểm diễn tả sâu xa nhất ám ảnh của con người Âu châu: hiểu biết qua đau khổ. Đó là bí ẩn của chuyện tình danh tiếng Tristan và Iseut, tình yêu-đam mê vừa chia sẻ lại vừa khước từ, ray rức trong hạnh phúc mà cả hai từ chối không chịu hưởng, để được chói lọi hào quang nơi cái chết tận cùng. Họ chọn đam mê thay vì hạnh phúc, thiếu hơn là có, cho nên họ chọn cái chết thay vì sự sống. Đó là bí quyết yêu của Tristan và Iseut, của Romeo và Juliet, của Manon Lescault, của Anna Karenina, của Bovary phu nhân.
Lạ thật, bao nhiêu cặp trong tiểu thuyết yêu nhau song phương mà vẫn khổ. Họ xác quyết "anh yêu em, em yêu anh" mà cứ khổ bên nhau. Thế thì phải có nguyên nhân. Nguyên nhân là thế: người này yêu người kia không phải vì người kia như thế trong thực tế, mà yêu qua hình ảnh của mình, trông đợi của mình, yêu vì mình, không phải vì người kia. Trong "yêu nhau" của họ, yêu thì nhiều nhưng nhau thì chẳng bao nhiêu. Cho nên Xuân Diệu phát ngôn nhân tuyên bố: "Yêu là chết ở trong lòng một ít / Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu / Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu". Hai người, mỗi người là mỗi anh chàng Narcisse say sưa ngắm bóng mình nơi người kia; nơi người kia, mỗi người tìm ngây ngất cho chính mình. Họ cần người yêu để yêu, để đốt cháy lòng họ, và nếu nhớ nhau mà lửa nồng hơn thì họ thích xa nhau để nhớ hơn là gần nhau: gần nhau thì mất đi cái thiếu, thì còn gì là tình yêu.
Trong tiểu thuyết danh tiếng của Proust, A la recherche du temps perdu ("Đi tìm thời gian đã mất"), khi nàng Albertine đến, chàng mơ mộng những chuyện khác và chàng chán. Khi nàng đi, lập tức đam mê bùng cháy, chàng thấy thiếu và chàng khổ. "Nhiều khi, để chứng tỏ rằng chúng tôi yêu đương, hoặc ít ra để chứng tỏ chúng tôi sẽ yêu đương, phải có ngày chúng tôi từ biệt nhau". Proust viết thêm: "Những thú vui mà nàng đem lại cho tôi sao mà tầm thường quá so sánh với châu báu của dục vọng mà tôi không thực hiện được vì có nàng".
Tristan và Iseut yêu nhau, nghĩa là nhắm vào đoạn trường mà xông tới. Tìm đến khổ đau trong tình yêu, đó là bí ẩn sâu kín mà người phương Tây dấu tận đáy lòng, mỏ vàng mà ông Freud, ông Jung tha hồ khai thác (1). Có, thì buồn, thì chán, thì cứ muốn thiếu; dục vọng không bao giờ hết vì bao giờ cũng phải thiếu.
Có cách nào để thoát ra khỏi tình trạng ấy chăng? Socrate gợi ra hai lối thoát. Ông nhắc lại cho rõ: tình yêu là thiếu cái mình yêu và muốn có cái đó mãi. Làm sao có mãi được vì mình sẽ chết, và làm sao có được khi mình cứ thấy thiếu hoài? Cách thứ nhất: "sinh đẻ trong cái đẹp, hoặc do thể xác hoặc do tinh thần". Ai cũng có nhu cầu sinh đẻ, nhu cầu nối dài cuộc đời của mình bằng một tác phẩm đẹp, tốt, bền vững, bất tận. Sinh đẻ do thể xác, khi một người đàn ông và một người đàn bà tạo ra một đứa con, một đời sống mới mà ai cũng mong là đẹp hơn, tốt hơn. Sinh đẻ bằng tinh thần, khi một người nghệ sĩ sáng tạo, một người anh hùng, một nhà chính trị để lại vinh quang. Bằng sinh đẻ, con người thực hiện ước mong bất tử mà ai cũng có do bản năng. Con vật cũng có bản năng đó: hãy xem chúng nó giao hợp với nhau nồng nhiệt như thế nào, và hãy xem chúng nó bảo vệ cho con dũng mãnh đến đâu, chết cũng không từ. Thân thể của chúng ta cũng vậy, thường xuyên tế bào sống thay thế tế bào chết, như cây thay lá mỗi mùa xuân.
Còn một cách thứ hai nữa, rốt ráo. Tình yêu là hướng thượng, là đi lên, đi lên mãi, đi lên cho đến tận cùng. Bắt đầu là yêu một thân thể đẹp, rồi yêu tất cả thân thể đẹp, rồi cái đẹp nói chung nơi tất cả thân thể ấy, rồi từ cái đẹp vật chất bước lên cái đẹp tinh thần, cái đẹp của đạo đức, của hành động, của tri thức, và cuối cùng, cái Đẹp tuyệt đối, vĩnh viễn, bất biến, cái Đẹp tự thân, hiện ảnh của tất cả những cái đẹp được cảm nhận. Đó là nơi hẹn hò đích thực với vĩnh cửu, vì sự khám phá ra cái Đẹp toàn hảo cũng là sự khám phá ra chân lý. Yêu cái Đẹp tận cùng sẽ dẫn đến yêu cái Chân.
Như vậy, phải chăng tình yêu chỉ dẫn đến một trong hai chỗ mà thôi: hoặc là đau khổ hoặc là thăng hoa? Sau Socrate, nhiều tôn giáo đã dạy con người như thế: phải thăng hoa tình yêu để hướng đến tình yêu một Đấng Tối Cao. Phải "chết" mình đi trong đời này để sống một đời mới: "chết" mình và "chết" cuộc đời này như là mình và cuộc đời đều là kẻ phạm tội, để được trả lại mình cho mình và cuộc đời cho cuộc đời như là đã được cứu rỗi.
Ấy là chuyện tôn giáo. Với Socrate, chúng ta có tự do hơn để cười đùa ngụy biện triết lý trong "Bữa Tiệc" đầy tiếng cười đùa của Platon: nếu tình yêu là thiếu, và nếu Đấng Tối Cao ấy là Tình Yêu, đó có phải là tình yêu không khi Ngài, theo định nghĩa, không thiếu gì cả, khi Ngài là toàn vẹn? Còn nếu Đấng Tối Cao không phải là Tình Yêu thì Ngài có mặt ở đấy để làm gì? Để trừng phạt? Để làm con người sợ?
Có lẽ ta hãy để cho Socrate nghỉ ngơi sau bữa tiệc vì trời đã sáng và ông đã mệt. Cái Đẹp mà ông đưa ta đến, tha hồ chúng ta tưởng tượng. Có khi chỉ một giọt sương mai, chỉ một câu thơ thần cũng đủ làm ta ngây ngất đến chín tầng mây. Cám ơn ông đã soi đèn vào tận mặt Eros để chỉ cho ta thấy thần Ái Tình này không hẳn là thần, lại càng không phải là thần đẹp trai – hoặc đẹp gái – làm ta mê mẩn. Cám ơn ông đã kéo ta ra khỏi mê hồn trận của mơ mộng hão huyền biến hai thành một theo lời dụ dỗ đường mật của Aristophane. Cám ơn ông đã không ngại nói ra sự thật khó nói: tình yêu là thiếu, nghĩa là ước muốn, nghĩa là đam mê, nghĩa là dục vọng.
Nhưng cần gì phải thăng hoa tình yêu? Từ giã lĩnh vực triết lý của Platon để đi vào đời sống thường ngày, chẳng lẽ khi mình yêu ai, chẳng có chút chân thật nào trong tình cảm của mình? Chẳng lẽ tất cả đều là mê đắm, huyễn hoặc? Trong ưa thích, ham muốn, dục vọng của mình, chỉ toàn là chiếm đoạt, chẳng có chút nào là tặng trao? Vấn đề là từ cái điểm chân thật đó, tình yêu tạo ra một vầng hào quang giả chung quanh đối tượng của đam mê, rực rỡ áo vàng hoàng hậu, diễm ảo hoàng tử của lòng em, "lòng trinh bạch chưa hề thờ một chúa"…
Tô điểm cho người, thật ra chỉ là tô điểm cho mình: mình nhìn người qua mơ tưởng từ đáy lòng, mình yêu mình qua hình bóng của ý trung nhân. Chừng nào sự chờ đợi được thỏa mãn, quan hệ giữa hai bên còn thắm, nhưng bao nhiêu lứa đôi trên đời này bỗng một ngày kia chẳng chợt thấy ý trung nhân nơi mày ngài của một người thứ ba? Có bao giờ người thứ ba không hiện ra với một vầng hào quang? Có bao giờ người thứ ba nói chuyện gạo cơm mắm muối lè nhè như người trước mắt? Hay ngủ ngáy khò khò như người bên cạnh?
Vấn đề thường ngày của lứa đôi không phải là thăng hoa tình yêu để cứu tình yêu: vấn đề là thấy và biết những vầng hào quang giả mà chính mình đã vẽ vời chung quanh một điểm sáng có thật nơi tình cảm chân thật lúc đầu. Đối với tình yêu cũng như đối với cuộc đời, xóa đi những vầng hào quang giả thì cái mà ta quen gọi là hạnh phúc sẽ tự đến, không ai mời. Cuộc đời là như vậy, đầy thất vọng và khổ đau, tình yêu cũng vậy thôi.
Nhưng cái gì làm ta đau buồn, đâu phải cuộc đời, đâu phải tình yêu? Chính ta, chính ta chờ đợi, chính ta ước mong một cái gì khác nơi cuộc đời vốn thế, tình yêu vốn thế, người khác vốn thế. Tất cả đều vốn thế, mà ta thì cứ muốn nó khác. Đó là trò chơi mà người thua cuộc là ta thôi, bởi vì ta cũng vốn thế, đâu có biết rằng người lứa đôi cũng chờ đợi ta một cái gì khác hơn? Ai cũng chờ đợi nơi nhau cái khác, mà cái khác đó vốn là không có, đó là ta đang sống chăng, hay đang bị sống?
Vậy thì phải trở lại làm chủ tình yêu, làm chủ cái điểm sáng chân thật lúc ban đầu bằng cách tỉnh táo sống với cuộc đời như thế, tình yêu như thế, người khác như thế. Như thật. Chỉ như vậy mình mới biết mở lòng ra để nhận những tương đối nơi người và để người kia nhận những khuyết điểm nơi mình: đám cưới là biết yêu và biết tha thứ cho nhau.
Nói "tha thứ" là vẫn còn mang ít nhiều tự cao tự đại về mình. Tình yêu thực sự là khi nào mình nghĩ đến người khác hơn nghĩ đến mình, nghĩ đến người khác trước mình, khi mình quên mình. Quên mình khó hơn là thăng hoa, vì thăng hoa cũng vẫn còn là mình, vẫn là mình đó thôi. Nhưng bước đầu của việc quên mình không khó, ai mới yêu nhau đều biết, đều làm: vui với, buồn với, khổ với. Biết sống với chữ với, tức là đi bước đầu trong việc quên mình.
Thói thường, vui với không khó, vì tiếng cười vốn dễ chia sẻ; khổ với mới khó, vì mấy ai chia chung được với nhau một giọt nước mắt, nhất là một giọt nước mắt thầm. Đám cưới là thách thức huy hoàng nhất trong đời; đó là lúc mà hai người dám nghĩ và dám hứa sẽ cùng nhau san sẻ mọi bất hạnh trong cuộc đời. Ai biết khổ với người khác thì biết yêu nhau là thế nào, khỏi cần chữ nghĩa, triết lý.
Bởi vậy, đám cưới là ngày vui nhất đời. Hãy mời thật nhiều bạn bè đến chứng kiến cùng ta một lễ thiêng liêng, không phải thiêng liêng nào với một đấng cao xa gì đó, mà thiêng liêng của một lời nguyện giữa hai người: con nguyện sống với, vui với, khổ với, bởi vì con biết rằng hạnh phúc không bao giờ đến với ai không biết quên mình. Đám cưới là ngày vui nhất trong đời, bởi vì gia đình chính là chỗ để học và để hành hai chữ vô ngã.
Chú thích: (1) Denis de Rougemont, L’amour et l’Occident, Plon, édition 1972, các trang 30, 36, 38, 39.