Trang chủ Văn hóa Sách mới: Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đất chín...

Sách mới: Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đất chín rồng

65

Tác giả đã kế thừa nguồn tư liệu khổng lồ của các thế hệ học giả trong nước và thế giới sưu tầm, khảo cứu từ hơn thế kỷ nay, bỏ công phu nhiều năm khảo sát thực địa và nghiên cứu công phu, đem đến cho bạn đọc bức tranh tổng thể với những mô tả kỹ lưỡng, có chiều sâu, không ít nhận xét khoa học có ý riêng, về di sản và tiến trình phát triển nghệ thuật tạo hình của các văn hóa Phật giáo, Hindu giáo nguồn gốc từ Ấn Ðộ, được lớp lớp cư dân Ðồng bằng sông Cửu Long tiếp nhận, cải biến trong suốt 10 thế kỷ sau công nguyên. Vùng đất chín rồng này của Tổ quốc ta, rừng sinh ra văn hóa Ốc Eo tiền sử nổi tiếng, sau thành miền đất có nền văn minh đô thị – thương mại thời đầu công nguyên, tạo “phù sa” màu mỡ cho văn hóa, nghệ thuật bắt rễ và phát triển.

GS Hà Văn Tấn, nhận xét, cuốn sách chứa được “một khối lượng di tích nghệ thuật đầy đủ và mới nhất” đã biết tới nay; “có ý nghĩa lớn là góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử văn minh và văn hóa” trên đất nước ta; tác giả bằng “hiểu biết sâu sắc về lịch sử văn hóa Ấn Ðộ và Ðông-Nam Á”, đã “đưa ra nhiều nhận xét tinh tế bằng văn phong sáng sủa, thông tuệ”, tiến thêm một bước trong việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu đề tài khó và hấp dẫn này.


Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu biết và được chiêm ngưỡng, qua ảnh và bản vẽ, biết bao hiện vật gốc ở nhiều bảo tàng trong nước và thế giới thuộc về di sản khổng lồ nghệ thuật tạo hình và trang trí với các chất liệu đá, gốm, gỗ… mang đặc trưng Phật giáo, Hindu giáo của vùng châu thổ sông Cửu Long. Một di sản được khai sinh từ đầu công nguyên, phát triển cực thịnh vào các thế kỷ 5 – 7, suy thoái và tàn lụi vào các thế kỷ 8 – 10. Ðó là biết bao tượng Phật đá, gỗ, đồng với nhiều tư thế đứng lệch hông uyển chuyển, đứng thẳng với đường cong mềm mại, đứng thẳng trang nghiêm; tượng Phật ngồi thiền, ngồi trên ghế (kiểu đại sư), tượng Phật nhập Niết Bàn, bên cạnh hệ tượng Bồ Tát, v.v. nhiều tên gọi, nhiều tư thế và cách trang phục. Hiện vật nghệ thuật trang trí càng phong phú và lắm vẻ, với những chạm nổi, khắc chìm trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ, một số bằng đá, cũng như trên gạch, ngói.


Di sản nghệ thuật tôn giáo nói trên phản chiếu đời sống nội tâm và sức sáng tạo nghệ thuật không giới hạn của người và đất phương nam. Giá trị thẩm mỹ bất hủ của di sản nghệ thuật này góp phần làm phong phú, đa dạng kho tàng di sản nghệ thuật truyền thống hàng nghìn năm của đất nước ta.