Trang chủ Diễn đàn Từ quê hương, nghĩ về nỗ lực giải oan chẩn tế

Từ quê hương, nghĩ về nỗ lực giải oan chẩn tế

118

Đúng như chương trình đã sắp xếp, ngày 20/2/07, Thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn Tăng Thân Làng Mai, cùng 100 tín đồ Phật giáo quốc tế đã đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 15giờ 30. Hàng ngàn người ra đón tiếp phái đoàn một cách trật tự, đặc biệt số tu sĩ trẻ ra đón đoàn rất đông, đông hơn cả chuyến về của Sư ông năm 2005.

Hàng ngàn người ra sân bay Tân Sơn Nhất đón Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tối 22 và 23, hai thời Pháp Thoại tại chùa Pháp Vân và chùa Vĩnh Nghiêm với số lượng thính chúng tham dự ngoài sức dự tính của ban tổ chức. Bãi giữ xe tại Tân Phú của tư nhân, có 6 điểm, đều hết chổ. Riêng trường Trần Phú kế Pháp Vân, bên trong sân cũng như ngoài vòng rào, hàng ngàn xe gắn máy san sát nhau, nên đến khi ra về, chủ xe thật vất vả mới tìm và nhận được xe mình, và ra khỏi bãi giữ xe phải mất rất nhiều thời gian! Các điểm giữ xe khác phải tận dụng  cả nhà dân gần đó. Còn xe hơi thì đậu dọc dài hai bên đường. Tân Phú, Pháp Vân rộng hơn Vĩnh nghiêm, trong sân chứa hàng ngàn người, thế mà vẫn thiếu chổ. Người đến sau  phải đứng ngoài vòng rào, trên vỉa hè. Cả Vĩnh Nghiêm và Pháp Vân, các điểm giữ xe đều nâng giá 3.000 đồng mỗi chiếc, trong khi đó thì ngày thường, có nơi chỉ có một ngàn. Các thợ nhiếp ảnh cũng giới thiệu hình ảnh Sư ông nhiều kiểu thật đẹp.

Mỗi chuyến về và mỗi nơi đến của Sư ông đều đã giúp cho nơi đó, cho một số đông người có thêm thu nhập khấm khá. Trong chuyến về năm 2005 của Làng Mai, một người thợ làm băng dĩa CD, VCD, DVD  chứa đầy đủ  các thời giảng của Sư ông, nhờ vậy, ông ta kiếm được gần 13 triệu đồng. Họ không cần đi đâu xa, chỉ cần ngồi một chổ, ghi lại hình ảnh, lời pháp thoại qua mạng, rồi làm thành bộ và bán sạch trong một tuần. Sau đó, copy tiếp, gửi đến các phòng phát hành tiêu thụ. Các xe đò do Phật tử hợp đồng đi theo đoàn, ghe thuyền tại Huế được mướn cho Làng Mai và người tháp tùng vào chuyến trước cũng trên trăm triệu. Các tiệm ăn chay, ăn mặn cũng trúng mùa khi đoàn đến  sinh hoạt gần đó. Tín đồ Phật giáo quốc tế theo đoàn cũng phải ở khách sạn suốt ba tháng. Phật tử ở các tỉnh thành xa về tham dự các buổi sinh hoạt của Sư ông cũng phải ngụ tại nhà nghỉ.

Tóm lại, các ngành nghề liên hệ trong cuộc sống đều được ăn theo, đó là Xuân Đoàn Tụ. Bây giờ, xuân 2007 với chủ đề Bồi đắp gốc rễ, Khai thông Cội nguồn, Thiền sư và 50 vị tăng Thân Làng Mai, một trăm cư sĩ quốc tế đã có mặt tại Việt Nam. Trai đàn Chẩn Tế để siêu bạt vong linh, dĩ nhiên, là để giúp cho kẻ đã mất, còn người hiện tiền có một tâm lý nhẹ nhàng khi thân nhân quá vãng được chiếu cố, chấp nhận một cách bình đẳng trên phương diện tình người, một cách nhân đạo, phi giai cấp, phi chính kiến ngỏ hầu đoàn kết dân tộc, xoá bỏ mặc cảm thù hằn, cùng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.

Hơn tám ngàn người đến nghe pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chùa Vĩnh Nghiêm – TP. Hồ Chí Minh

Khi chủ trương Làng Mai đưa ra, các “oan hồn uổng tử” (còn sống mà như đã chết !) từng phủ đám mây đen trên quê hương lại trổi dậy chống phá, vì bản thân họ không muốn làm người, tâm họ đang là Atula. Họ không chấp nhận đứng chung với kẻ đối đầu vì tự ái, vì quyền lợi cá nhân và tập thể họ, chứ họ không vì tương lai của một dân tộc đã có nhiều khổ đau,hận thù  dầy xéo. Trên thế giới, biết bao nhiêu quốc gia đang nỗ lực tìm cho mình một thế đứng, kể cả Trung Quốc, bây giờ đã ổn định nhiều mặt, nhất là an ninh và kinh tế, và cũng đang phát triển đòi sống tâm linh và tín ngưỡng. Việt Nam đang có những lợi thế, thế mà vẫn có nhiều kẻ luôn tìm cách bôi tro trét trấu vào mặt dân tộc, cứ muốn đất nước phải lùi vào kỷ nguyên đồ đá. Có lẽ ngoài hận thù quá khứ, bây giờ họ còn ngờ vực lẫn nhau.

Những oan hồn vất vưởng, hoặc mất thân xác, hoặc mất địa vị quyền lợi, hoặc oán thù vì không đồng chánh kiến, luôn luôn mang tâm chất quậy phá, cho dù bao nhiêu lời kêu gọi đoàn kết, hoà hợp, cũng không lay chuyển được tâm chất mông muội đó. Cái gì dù cá biệt cũng có mẫu số chung, nhìn nhau bằng mẫu số chung thì sẽ có lối thoát cho nhau, sẽ hiểu nhau và chấp nhận nhau.

Một tôn giáo như đạo Phật, thì chỉ hành xử trên cơ sở tình thương, góp tay xoá bỏ mọi thành kiến và đau thương mà quê hương vốn đã rách nát. Sở dĩ đất nước và dân tộc ta luôn đen tối, vì cứ bị bao phủ bởi âm khí hận thù. Tẩy sạch âm khí đó bằng tình thương và sự chú nguyện thì bầu trời Việt Nam sẽ trong sáng hơn. Cô hồn đã chết luôn luôn mong mỏi sự quan tâm của kẻ sống, nhưng “cô hồn sống” lại cứ phủ nhận tình thương đồng loại để biến mình làm những linh hồn vất vưởng tha phương, đau thương bất mãn và hận thù.

Vầng hào quang yêu thương của một Thiền sư vừa móng khởi, thì những bóng ma đen tối đã nổi sóng tỵ hiềm đòi nhận chìm Thiền sư. Họ muốn phá hoại Phật giáo bằng những xuyên tạc kết án vu vơ. Những kẻ ngoại đạo chống phá còn can đảm đứng tên như Tú Gàn Lữ Giang, còn những kẻ nội đạo thiếu can đảm, với nặc danh Quách Thị Song Phu, thì tuy hàm tàng nhiều ý, viết lách thâm thúy đối với kẻ kém hiểu biết, nhưng vô cùng ấu trĩ đối với người quá hiểu về một vị Thiền sư. Những kẻ muốn phá hoại nỗ lực đoàn kết của Phật giáo Việt Nam đã kích động anh em đồng đạo không nhìn mặt nhau trong chuyến về  2005, bây giờ lại tìm cách bêu xấu đời tư Thiền sư trên diễn đàn quốc tế với ý đồ thúc dục người dân, nhất là Phật tử, tẩy chay chuyến về lần nầy.

Chuyện tốt đẹp không ai khởi xướng, khi có người muốn xoa dịu vết thương cho dân tộc thì lại lắm kẻ phá rối. Người Phật tử Việt Nam lấy làm lạ và buồn khi một Hòa thượng lại có thái độ và ngôn ngữ kém đạo hạnh khi từ chối lời mời của Thiền sư tham dự Trai Đàn Chẩn Tế trên ba miền của đất nước Việt Nam. Phật giáo vốn chủ trương Vô Ngã, nhưng cái ngã của một số sư quá lớn khi vì đố kỵ đã chỉ trích việc làm của Thiền Sư hoặc các vị chân tu tại Việt Nam. Đã từng có những thư rơi với lập luận ấu trỉ đã chống đối Hoà thượng Thanh Từ, thì Thiền sư Nhất Hạnh dĩ nhiên cũng không tránh khỏi những phê phán. Tuy nhiên, những điều mà họ phê phán các bậc chân tu thì chính họ lại không hề có khả năng làm được việc đó. Một tu sĩ chân chính, một tín đồ hiểu đạo, không ai làm chuyện phá hoại nội bộ Phật giáo như vậy. Chỉ có ngoại đạo không muốn Phật giáo Việt Nam đoàn kết, chỉ có những con nội trùng Phật giáo tâm lượng vị kỷ nên không muốn kẻ khác hơn mình.

Đành rằng một Thiền Sư Nhất Hạnh, một Hòa thượng Thanh Từ hay bất kỳ một ai đó đều không thể  hoàn hảo như một thánh nhân, nhưng dẫu sao họ vẫn tốt hơn những kẻ vu vạ một cách phàm tục như thế. Ngay cả Đức Phật còn bị dèm xiểm thì  lạ gì những đố kỵ của ma chướng đối với một hành giả đời thường. Điều rất lạ là gần nửa năm trước ngày về của Thiền sư Nhất Hạnh và Tăng thân làng Mai, người ta đã “dàn chào” bằng những công kích hàng  loạt, những bêu xấu bôi lọ, xuyên tạc vu khống, thế mà Sư ông vẫn thản nhiên. Và một phần kết quả của chính những chỉ trích đó là hàng ngàn Tăng tín đồ Phật giáo đã nghinh đón đoàn tại phi trường với rừng cờ Phật giáo tung bay. Cũng vậy, chính nhờ chướng duyên của ma quân mà hai điểm pháp thoại tại Pháp Vân và Vĩnh Nghiêm đã dày đặc số lượng người ái mộ. Điều đó đã chứng tỏ người dân bình thường, với tâm trong sáng, thì vẫn sáng suốt hơn những kẻ ác tâm "khẩu Phật tâm Xà".

Vì ác cảm cá nhân và mâu thuẫn chính trị, việc làm của Sư ông Nhất  Hạnh bị một số người "hiểu lầm" là tiếp tay cho Nhà nước trong chính sách hoá giải hận thù. Nếu là hòa giải và đoàn kết, thì chả lẽ đó là một việc xấu? Kẻ chống đối cứ muốn Việt Nam mải mải là một bãi chiến trường hay sao ? Hình như bất cứ việc nào của Phật giáo mà không ồn ào hô hào chống Cộng thì đều bị quy kết là “thân Cộng”. Phật giáo đã bị những thế  lực cuồng tín đẩy vào thế mâu thuẫn lưỡng cực, “bắt” Phật giáo Việt Nam hoặc chống Cộng hoặc thân Cộng mà không biết rằng Phật giáo có một lối hành xử Trung Đạo, một hành xử không thiên vị, miễn đem lại từ hoà cho xã hội. Phật giáo Việt Nam chân chính không chống đối để lật đỗ một chế độ, cho dù đó là chế độ có manh tâm tiêu diệt Phật giáo như chế độ độc tài Công giáo trị Ngô Đình Diệm. Phật giáo chỉ góp phần chuyển hóa cho một chế độ đến chỗ tốt đẹp, nếu chế độ đó có điều này điều kia chưa phù hợp.

Hòa thượng Thích Nhất Hạnh thăm Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Tuy những lời kích động có làm cho một thiểu số nông nổi chống báng Phật giáo, nhưng thực tế đã cho thấy rằng quần chúng đã sáng suốt khi tỏ lòng tôn kính một thiền sư Việt Nam đã làm rạng danh người Việt trên thế giới. Những bôi lọ chống báng tội nghiệp đó, cuối cùng, cũng chỉ là những viên sạn lót đường để Thiền sư Nhất Hạnh trở về trong vinh quang và ngưỡng mộ của Phật tử Việt Nam. Sự thành công của Thiền sư trong chuyến về quê lần thứ hai nầy đã nhận chìm những chống đối vì rõ ràng là sự có mặt của Thiền sư không những đã mang lại lợi lộc vật chất cho một số người dân lao động mà, quan trọng hơn rất nhiều, còn tạo bầu không khí thâm tình cho những con dân đất Việt, còn khai mở niềm phấn khởi cho giới trẻ và trí thc muốn trở về xứ sở tâm linh. Là một Phật tử Việt Nam, tại sao ta lại không hãnh diện có một tu sĩ đồng hương có tầm vóc quốc tế như Thiền sư, từng tạo sự ngưỡng mộ cho bao nhà trí thức, lãnh tụ thế giới. Vì thật ra, chỉ có ngoại đạo và nội trùng mới không hãnh diện và mới manh tâm phá hoại chia rẽ Phật giáo Việt Nam.

Năm 2007 nầy, báo chí Việt Nam và nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đã không còn ngần ngại như lần đầu Thiền sư Nhất Hạnh trở về quê hương hai năm trước, nên họ đã truyền tải trung thực về Thiền sư, thậm chí cả một quá trình hành hoá và lý lịch bản thân của Thiền sư cũng đã được báo Tuổi Trẻ và phần lớn các báo tại Việt Nam rộng rãi loan tải. Chương trình du hoá gần ba tháng của Thiền sư và Tăng thân làng Mai đang được trong và ngoài nước theo dỏi từng ngày.

Bồi đắp Gốc rể, Khai thông Cội nguồn là một tiêu chí vừa đạo vừa đời, mang nhiều ý nghĩa xây dựng đất nước và dân tộc trong lĩnh vực văn hoá và tâm linh mà Việt Nam, vì đặc biệt đang đứng trước nhiều thách thức và cạm bẫy của thời đại, đã được Thiền sư Nhất Hạnh mang về cống hiến cho quê hương. Hy vọng mọi loại “cô hồn”, vô hình lẫn hữu hình, đều được triêm ân công đức trong cuộc Chẩn Tế nầy.