Trang chủ Quốc tế PGVN Hải ngoại Mỹ: Lễ Vu lan tại chùa Quang Đức, Texas

Mỹ: Lễ Vu lan tại chùa Quang Đức, Texas

142

Kể từ ngày khởi công đặt đá tạo tự, đây là lần thứ tư chùa tổ chức lễ truyền thống sau khi long trọng an vị tôn tượng và mừng khánh đản 2555. Trên khu đất rộng và phẳng, 5 mẫu tây mua từ chuồng ngựa, thầy Thông Đức qua nhiều khó khăn, được quần chúng yểm trợ, đã dần dần thành hình cảnh sinh hoạt tín ngưỡng mà hình thể ngôi chùa truyền thống  người Việt chưa được hình thành.

Thầy qua Mỹ trên dưới 15 năm, từng trú tại chùa Việt Nam của Hòa Thượng Nguyên Hạnh, từng trụ trì  chùa Bồ Đề của hội người Việt một thời gian khá dài; Tuy hiện  nay đang xây dựng Quang Đức, nhưng thầy vẫn về chùa Bồ Đề để hướng dẫn quần chúng tu tập, thỉnh thoảng quần chúng có nhu cầu lễ bái tại gia, thầy nhiệt tình đến tận nơi giúp đỡ.

Chùa không xa downtown lắm, khu đất phẳng xanh cỏ. Địa điểm thuận lợi cho việc thiết lập lễ đài, vài  táng cây lâu năm rải rác trong khuôn viên. Tuy xa cư dân người Việt, nhưng với tính bình dị, thầy trụ trì tuổi ngoài 40 đã tạo được cảm tình và sự kính nể đối với chư Tăng cũng như quần chúng tại Texas.

Chùa còn nghèo, mọi việc đều mượn từ chùa Việt Nam, quý thầy đến hỗ trợ mỗi khi có lễ và phật tử cũng tụng kinh cuối tuần. Có lớp dạy tiếng Việt cho con em tín đồ.

Tuy vậy, chùa Quang Đức thiết đãi trai duyên miễn phí cho bá tánh mỗi lần lễ lượt. Do tính chịu khó và hy sinh, thầy rất vất vả, nếu là một trụ trì ở quê nhà, có lẽ thầy dễ thành công sớm. Bởi quần chúng ở Mỹ, ai cũng bị lao vào cuộc sống mà thời gian không đủ cho họ nghỉ ngơi sau một tuần làm việc. Có những gia đình vợ chồng con cái không gặp mặt nhau mỗi ngày. Họ đến với chùa là cả một khó khăn và đầy thiện chí. Áo quần dồn một tuần giặt một lần, cuối tuần đi chợ cho vào tủ lạnh ăn suốt bảy bữa. Vệ sinh nhà cửa lắm khi vài tuần mới lau quét. Vật chất tuy thừa mứa, phải đổi lại công sức trâu cày của cuộc sống. Vì thế, chẳng lạ gì nhiều người lớn tuổi thích về an trú tại quê hương.

Các chùa đều có lễ đài lộ thiên cố định để quanh năm tổ chức các đại lễ và phục vụ cho văn nghệ quần chúng. Các ca sĩ cũng nhiệt tình đóng góp cho  chùa, nhất là các chùa thường gây quỹ. Lễ đài của Quang Đức cũng sẽ trả lại cho chùa Việt Nam sau khi hoàn tất, bởi vì Quang Đức vẫn còn tay trắng trong những tháng ngày khai sơn.

Phông màn lễ đài màu xanh tím nhạt, hình cánh hồng và mẹ bồng con thật duyên dáng giản dị. Tranh Bồ Tát Địa Tạng nét nhân từ, màu vàng nhạt làm nổi bật tính hài hòa của sân khấu. Lưỡng mâm hoa quả tươi màu đẹp mắt. Hai câu đối hai bên lễ đài chữ trắng nền xanh biển : “ Nước Biển Mênh Mông Không Đong Đầy Tình Mẹ – Mây Trời Lồng Lộng Không Phủ Kín Công Cha”   như e thẹn núp dưới cây xanh.

Những đèn cánh sen đỏ thẳm mọc quanh viền lễ đài tăng vẻ trang trọng; Hàng ghế khán thính giả màu đỏ nằm dưới táng lá xanh giữa khu đất thênh thang làm trơ trọi ba cây Thánh giá của nhà Nguyện Tin Lành kế cạnh.

Khu Hội Thánh không rộng, nhưng parking có thể chứa vài chục xe hơi; Vị Mục sư nói: “Chúng tôi hoan nghinh thầy và sẳn sàng giúp đỡ nhà chùa, nhưng  Chúa chúng tôi không thể cho nhà chùa mượn chỗ đậu xe”…

Chương trình khai mạc với sự hiện diện trên 25 Tăng Ni tại trong và ngoài Texas. Có những thầy từ các bang xa xôi. Quần chúng hơn 200 giữa vùng đất mênh mông cứ như thưa thớt.

Mở đầu chương trình do nhóm ca Hương Lan đến từ California với nhạc bản: ” Mẹ Trùng Dương”i.

Phần nghi lễ Tôn giáo đơn giản; nhạc phẩm Mục Kiền Liên giữa nghi lễ và “ Bông Hồng Cài áo” để cài hoa. Những chú chim két nhỏ hơn củ khoai tây đủ loại sắc màu, được phóng sinh mà không muốn bay, có lẽ chúng ham vui giữa chốn đông người.

Phần hai của chương trình là tiết mục văn nghệ. Ca sĩ Hương Lan với giọng chuyên nghiệp làm ấm hội trường qua nhạc bản “Lòng Mẹ”; Thầy Đạo Nghiệp cũng làm cho khán giả vỗ tay không ngớt với nhạc bản “Tình Cha” và “Tâm Sự Người Cài Hoa Trắng”.

Đon Hồ với: ”Triệu Đóa Hồng – Lâu Đài Tình Ái”, mang hơi hướng của Đàm Vĩnh Hưng, xuống tận hàng ghế người tham dự, vừa hát, vừa cầm hộp giấy để nhận những tấm lòng ủng hộ cho kế hoạch thiết lập tượng Quán Thế Âm; các ca sĩ đem đến một chương trình Vu lan khá đậm nét dân tộc.

Những buổi lễ như thế, giúp cho cộng đồng người Việt có dịp gặp nhau, giải trí trong tinh thần văn hóa tín ngưỡng truyền thống; Các chùa đều hưởng ứng những lễ hội như thế hầu duy trì truyền thống văn hóa hay duy trì truyền thống văn hóa để tồn tại cá thể đều cần thiết như nhau nơi đất khách.

Vu Lan tại quê nhà hay Vu Lan nơi xứ lạ, chỉ khác nhau là tùy hỷ cúng dường hay gây quỹ công khai để bồi đắp cho nền tảng xây dựng Tam bảo.

Hơn 20 tiết mục văn nghệ giữa bầu trời đêm sau một ngày oi bức, đã kết thúc đại lễ giữa làn gió thoảng mang hơi nóng lò lửa của vùng Texas, một đóng góp đáng quý của các ca sĩ nhiệt tâm với Đạo Phật cho những ngôi chùa đang xây dựng như Quang Đức ngày nay.