Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Mỗi mùa Vu Lan, rưng rưng nỗi niềm "Nhớ Mẹ"

Mỗi mùa Vu Lan, rưng rưng nỗi niềm "Nhớ Mẹ"

85

Phóng viên  đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Việt Long về ca khúc này.

– Thưa nhạc sĩ Phạm Việt Long, người đời biết đến ông với tư cách là nhà văn, sau đó mới đến vai trò của nhạc sĩ. Tuy vậy, những ca khúc trong “Nhớ một thời” của ông đã gây được tiếng vang trong làng nhạc Việt. Đặc biệt hơn, nhạc phẩm “Nhớ Mẹ” trong chương trình này đã gây xúc động với nhiều khán, thính giả và được dư luận đánh giá cao. Vậy, ông có thể cho độc giả của Vietnam+ biết ông sáng tác ca khúc này trong hoàn cảnh nào?

Nhạc sĩ Phạm Việt Long: Tôi viết “Nhớ Mẹ” (tôi nghĩ rằng trong mùa Vu Lan nên viết hoa khi gọi các bậc sinh thành) sau khi Mẹ tôi vừa qua đời. Sau nỗi đau xót mất người thân là nỗi nhớ quặn thắt, không thể cầm lòng được. Trong một đêm thao thức vì nỗi nhớ Mẹ dâng trào, tôi đã viết bài thơ ở thể lục bát và sau đó phổ nhạc để trở thành ca khúc “Nhớ Mẹ”, như mọi người biết. Đây là nỗi lòng của người con muốn gửi đến Mẹ, dù Mẹ đã đi xa.

– Mở đầu nhạc phẩm ông đã nhắc đến triết lý sống gửi thác về của nhà Phật nhưng lại mang đầy nỗi đau xót: “Biết rằng sống gửi thác về/ Mà sao vẫn cứ tái tê khôn cùng/ Mẹ đi về cõi hư không/ Phía sau lưng mẹ mênh mông nỗi buồn.” Nghe những câu ca này người ta không thấy một Phạm Việt Long mạnh mẽ và lạc quan như ngoài đời?

Nhạc sĩ Phạm Việt Long: Con người có những lúc yếu lòng. Có lẽ với tôi, bản thân mình lúc nào cũng nhỏ bé, yếu đuối trước Mẹ. Khi Mẹ ra đi, tôi cảm thấy trống trải, mất hẳn một chỗ dựa về tinh thần cho nên phải thốt lên những lời đau xót như thế, cũng là để tự giải tỏa tinh thần cho mình.

– Không chỉ vậy, hình ảnh người mẹ trong nhạc phẩm này còn mang nặng đức hy sinh, sự vị tha và đảm đang. Rõ ràng ông dành tình cảm đặc biệt và sâu nặng cho người mẹ quá cố của mình. Vậy, trong cuộc sống cũng như trong sáng tác, ông đã chịu ảnh hưởng như thế nào từ mẹ mình?

Nhạc sĩ Phạm Việt Long: Trong những năm tuổi thơ, do bố tôi đi bộ đội, thi thoảng mới về nhà, cho nên tôi sống chủ yếu trong sự chăm nom, đùm bọc của Mẹ và gia đình bên ngoại. Mẹ tôi giàu đức hi sinh, vừa nhân hậu, vừa cương nghị cho nên dù cuộc sống trong vùng kháng chiến hết sức gian khổ, chúng tôi vẫn được chăm nom chu đáo, được học hành tử tế.

Sau này, khi đất nước hòa bình (1954), gia đình sum họp, tôi được sự chăm sóc, giáo dục của cả Bố và Mẹ, cho nên những đức tính tôi có được hôm nay là tiếp thu được ở cả Bố và Mẹ.

Bản thân Bố, Mẹ tôi là người sống trong sạch, nhân hậu, vị tha, tự trọng, tự lực vươn lên trong cuộc sống. Đó là tấm gương sáng cho 8 anh em chúng tôi noi theo. Để sáng tác tốt, phải sống tốt trước đã. Chính tấm gương sáng của Bố, Mẹ giúp tôi trưởng thành và tạo nguồn cảm hứng cho sáng tác của tôi, dù là văn học hay âm nhạc, trong đó giá trị được thẩm thấu vào tác phẩm nhiều nhất là tính nhân văn.

– Từ xưa đến nay, dân tộc ta đâ rất đề cao chữ “Hiếu”,  ngay trong bài hát này ông cũng không quên nhắc tới “Công sinh một công dưỡng mười.” Ông đã làm thế nào để triết lý đã quá quen thuộc ấy đi vào nhạc phẩm vẫn có sức cuốn hút đến vậy?

Nhạc sĩ Phạm Việt Long: Đây là lời nói chân thành của người con trước công lao của Bố Mẹ mình được diễn đạt bằng một ca khúc mang âm hưởng dân gian, cụ thể là điệu hát xẩm, rất gần gũi với người Việt chúng ta. Có lẽ sự chân thực và chất dân gian ấy khiến cho mọi người dễ đồng cảm.

– Thành công trong ca khúc còn kể đến một phần đóng góp của Nghệ sĩ ưu tú Tố Uyên khi chị thể hiện bằng cả trái tim với giọng ca sâu, trầm, da diết đến đau đớn. Tại sao ông chọn Nghệ sĩ Ưu tú Tố Uyên thể hiện ca khúc này?

Nhạc sĩ Phạm Việt Long: Tôi và Nghệ sĩ Ưu tú Tố Uyên là chỗ quen biết. Tôi hiểu rõ chị Tố Uyên có chất giọng mượt mà, lối hát đằm thắm, rất phù hợp với thể loại nhạc trữ tình, nhất là với loại ca khúc mang âm hưởng dân gian như bài “Nhớ Mẹ” của tôi. Khi nhận bài hát và hát thử, chị cũng rất xúc động và đã truyền được tình cảm của chính mình vào giọng hát. Sự rung động của chị cũng rất chân thành chứ không phải là “diễn” cho nên đã tạo hiệu ứng cộng hưởng cho người nghe.

– Sau thành công này ông có định viết thêm những ca khúc tương tự về cha?

Nhạc sĩ Phạm Việt Long: Khi Bố tôi mất, tôi chưa viết được ca khúc.Tuy vậy, tôi cũng đã có một bài thơ về Bố.

– Trong mùa Vu Lan, ông muốn gửi gắm điều gì đến những người hâm mộ của mình?

Nhạc sĩ Phạm Việt Long: Tôi muốn gửi gắm đến mọi người những điều tâm niệm của mình về Cha, Mẹ. Đó là: Cha Mẹ là giá trị lớn của cuộc đời mỗi người. Những ai còn Cha, Mẹ cần chăm nom chu đáo và sống cho xứng đáng với những người đã sinh ra mình. Những ai không còn Cha, Mẹ cũng luôn lưu giữ trong lòng mình những kỉ niệm đẹp đẽ của cha, mẹ, lấy đó làm động lực đi lên trong cuộc sống.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhà văn, nhạc sĩ Phạm Việt Long sinh năm 1946, tác giả của nhiều đầu tiểu thuyết nổi tiếng trong đó có cuốn “Bê trọc” từng đoạt giải văn xuôi do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng.

Ông còn được biết đến với những ca khúc "Một đời người," "Nhớ nắng," "Người xưa ơi," "Chiều Quy Hòa nhớ Hàn Mặc Tử," "Rồi người cũng ra đi…" Mỗi ca khúc của nhạc sĩ Phạm Việt Long là một câu chuyện về đời sống với giai điệu đẹp và ca từ trau chuốt, giàu cảm xúc.