Trang chủ Người thời nay Thiền sư Nhất Hạnh: Một Quốc hội cũng có thể trở thành...

Thiền sư Nhất Hạnh: Một Quốc hội cũng có thể trở thành Quốc hội tăng

65

Nội dung đó, thật tình cờ, với diễn giải của Thiền sư, cũng là chủ đề chính của cuộc Bàn tròn: Để yêu thương hơn, hạnh phúc hơn và đi qua đau khổ.


1. Chủ đề đầu tiên về tình hình đạo Phật trên thế giới. Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đạo Phật Tây phương đang phát triển mạnh, được giới trẻ, giới khoa học và nhiều tầng lớp dân chúng hâm mộ, yêu thích. Các khóa thực tập cho nhiều giới đã được mở ra thường xuyên (ở Mỹ có khóa cho các nghệ sĩ Hollywood, cho các vị dân biểu Hoa Kỳ…).

Đạo Phật đi vào cuộc đời. Nhờ vậy, mỗi có thể thừa hưởng kho tàng tuệ giác, được tháo gỡ những khó khăn, bế tắc gặp phải trong đời sống nội tâm”, Thiền sư nói.


Với ý hỏi về sự nảy mầm của đạo Phật ở những vùng đất mà các đạo giáo khác như Tin lành, Thiên Chúa đã ngự trị từ lâu; thiền sư Thích Nhất Hạnh nói tiếp: Đó là vì đạo Phật đã đưa ra được những phương pháp thực tập rất thực tế, đã hiện đại hóa. Chính trong đạo Phật, nhiều người đã tìm ra ý nghĩa của các đạo giáo khác, tìm thấy sự hòa hợp.


2. Sự an lạc trong thân và trong tâm – đó một ý nghĩa to lớn mà đạo Phật đã đem đến mọi người. Sự an lạc đó càng có ý nghĩa hơn trong đời sống hiện đại hôm nay khi con người  đứng trước sự lựa chọn: sống ở hiện tại hay sống vì tương lai hoặc cho quá khứ.


“Phật học ứng dụng không chỉ là Phật giáo tín ngưỡng. Người Tây phương theo Phật học ngày càng nhiều không phải được vì tín mộ mà là được thực tập. Những khoá tu thường có trên 1000 ngàn người, trong 6, 7 ngày. Khi đó, mỗi người lấy ra những căng thẳng trong tâm, nhận diện căng thẳng, sự sợ hãi… từ đó có sự lắng dịu trong thân và tâm… hiểu thấu được những khó khăn, bức xúc…”.


Thành công và hạnh phúc dưới góc nhìn Phật pháp của Thiền sư, đó là khi “có tình thương và sự hiểu biết”. Khi có hiểu biết lớn, thương yêu lớn thì có hạnh phúc lớn. Hiểu sâu thì thương nhiều.


“Có khả năng sống trong giây phút hiện tại thì đó là nghệ thuật sống. Biết sống an lạc trong hiện tại thì tự tại đi tới tương lai. Quá khứ đi qua, tương lai chưa tới. Giây phút hiện tại là thực sự sống. Do đó cần an trú trong giây phút hiện tại… Hiện tại không có hạnh phúc thì làm sao có hạnh phúc trong tương lai”, Thiền sư nói.


3. Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Đạo phật có tiềm lực lớn. Giống như mỏ dầu hỏa, cần làm sao để khai thác, đem tới hạnh phúc cho dân.









“Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”.



Ở phương Tây điều kiện để hiện đại hóa đạo Phật đã diễn ra nhanh chóng. Ở Việt Nam cũng đang có nhiều điều kiện để hiện đại hóa. Lúc này những người đến với đạo Phật cần được thực tập nhiều chứ không chỉ dừng lại ở sự tín mộ. Mỗi người chúng ta cần có chiều hướng tâm linh để tháo gỡ bức xúc trong đời sống hàng ngày..


Thành công của đạo Phật là dám làm mới đạo Phật, đưa ra một đạo Phật thích hợp với tuổi trẻ, trí thức bây giờ. Kết quả là đạo Phật đi vào gia đình, học đường, xã hội và có những “tăng thân” (trong một thành phố, mỗi hội sở…) – đó là nơi có mọi người biết “lắng nghe để hiểu và nhìn lại để thương”.


4. Có thể áp dụng đạo Phật để buông bỏ tất cả hận thù trong quá khứ, thống nhất lòng người, ôm lấy nhau như đồng bào cả nước.


Thiền sư đã đưa ra hai ví dụ về sự “thống nhất lòng người, hòa hợp dân tộc”. Ở Ấn Độ, A Dục vương chọn cách thống nhất nhân tâm sau khi thống nhất lãnh thổ. Với Thiền sư, lần trở về trước (năm 2007), “chúng tôi làm lễ cầu siêu cho tất cả. Những người dân thuộc các giới khác nhau cùng cầu nguyện cho nhau, khóc thương cho những người đã chết, bông bỏ những hận thù khổ đau trong quá khứ, thống nhất lòng người”.


Như thế, hiện đại hoá đạo Phật thì đạo Phật sẽ đóng góp rất nhiều trong sự nghiệp hiện đại hoá dân tộc.


5.Trong đời sống, đạo Phật là thực tập để sống vô ngã. Người xuất gia nắm được tuệ giác vô ngã thì không thấy cha và con là hai người riêng biệt. Trong con có cha, cha là sự tiếp nối của cha. Vị sư tăng mà nắm được điều đó thì không cho mình là nhất, nếu không thì tội nghiệp cho họ. Ý chí muốn tu học là một chuyện, thành công là chuyện khác“, Thiền sư lý giải.


Nhiều người nghĩ Phật là thần linh, cầu nguyện là đút lót. Đó là sự hiểu lầm đạo Phật rất nhiều. Có người nghĩ thất bại trong cuộc đời thì mới đi xuất gia. Có thời đại cho rằng theo tôn giáo là duy tâm, mê tín, không lành mạnh. Đó là sai lầm. Đạo phật thực tập như nghệ thuật sống”.










6.
Trong thế giới và trong từng cộng đồng ngày nay, “tăng thân” rất quan trọng; vì quy pháp rồi phải quy tăng (tăng là đoàn thể – community, có người xuất gia, có người tại gia). Tăng trở thành chỗ nương tự cho nhiều người.


“Một Quốc hội cũng có thể trở thành Quốc hội tăng, họ lắng nghe nhau, hiểu nhau, có lợi cho đất nước. Tôi mong Liên Hợp Quốc trở thành tăng thân. Khi đó không phải nói gì là vì quyền lợi quốc gia không thôi mà không phải vì quyền lợi trái đất”, Thiền sư nói.


Cuộc chiến tranh Iraq căn bản là sự hiểu lẫm, oán thù. Sợ hãi nhau thì muốn loại trừ nhau để được an ninh. Nghĩ người kia giết mình thì sợ hãi, trước khi người khác giết mình thì mình phải giết họ.


Sợ hãi do tri giác sai lầm mà ra. Hoa Kỳ có tri giác sai lầm về Iraq và ngược lại. Tri giác sai lầm đem tới sợ hãi, nghi ngờ, bạo động. Thế nên cần lấy tri giác sai lần ra, ngồi lại lắng nghe để hiểu nhau. Tri giác sai lầm sao có thể lấy đi bằng bạo lực!


Tổng thống Bush là một trong những người đau khổ nhất của thế giới. Làm sao ngủ ngon khi biết con em mình mỗi ngày chết ở Iraq. Sa lầy trong chiến tranh Iraq mà nuốt không vào, khạc ra cũng không được… Quyền năng thế gian không đủ đưa lại hạnh phúc, quyền năng tâm linh thì mới có đủ”.









7. Với những vấn đề thiết thực của Việt Nam, ví dụ lạm phát đang diễn ra hay cách nào để tĩnh tâm trước những tham lam, dục vọng…, Thiền sư có những dẫn giải riêng với những câu hỏi mà bạn đọc gửi đến.


“Không phải có nhiều tiền bạc, quyền hành mới hạnh phúc. Có khả năng sống đơn giản, hạnh phúc, thương yêu nhau, đó là con đường không chỉ của VN mà còn trên thế giới”,  Thiền sư nói.


Thiền sư làm gì cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ quên đi quá khứ? – một bạn đọc hỏi. Thiền sự Thích Nhất Hạnh: “Có những người rất khó để quên đi quá khứ. Họ không bao giờ tha thứ cho những người đã khiến họ mất đi những địa vị đã có. Không có hiện tại thế nên họ không có tương lai. Nếu cứ ôm khư khư hận thù, giam hãm quá khứ thì rất tội nghiệp. Một ngày tỉnh thức nào họ thấy được điều đó thì họ được giác ngộ”.


Và Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn trả lời nhiều câu hỏi lý thú, đầy ý nghĩa khác, ví dụ câu hỏi của một bạn đọc: “Ý chí, hồn thiêng dân tộc ngày hôm nay có thể một lần nữa tích tụ và sinh ra cá nhân kiệt xuất? Thiền sư sẽ đàm luận gì khi đối diện với con người kiệt xuất đó?…”.


Dân tộc, cộng đồng, khi đồng bộ sẽ tạo ra được sự nghiệp lớn. Mỗi người là một phần của sự nghiệp lớn…”, Thiền sư gợi mở. Và mỗi con người như Thiền sư nói, cần mang ba phẩm chất: Chiến sĩ, nghệ sĩ và tu sĩ.


Những tâm sự và kiến giải đầy lý thú của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ sớm được chuyển tài đầy đủ đến quý độc giả.